Chuyên gia NASA suýt bị điếc vì làm rơi nắp sứ bồn cầu

    Dink,  

    Choạng vạng bước ra khỏi nhà vệ sinh, ra đến phòng khách thì giáo sư Metzger quỳ gục xuống.

    Những vụ tai nạn kì quái xảy ra liên miên, mà cũng đúng như lời cá nhân nổi tiếng nào đó khẳng định: "Trên đời này chuyện quái gì cũng có thể xảy ra". Hôm nay, ta có câu chuyện của nhà vật lý học hành tinh Philip Metzger, người đã suýt mất đi thính lực do nghe tiếng nắp bồn cầu rơi xuống.

    Trong bài đăng trên Twitter dài như tiểu thuyết hồi cuối tuần vừa rồi, giáo sư Metzger đã kể lại câu chuyện quái lạ trên, và hành trình tìm ra nguyên nhân sự việc của mình. Lúc ấy, Metzger đang sửa lại cái van nước của bồn cầu thì cái nắp sứ tuột khỏi tay ông rơi xuống, va vào cái thành sứ của bệ ngồi. May mắn là cái nắp bồn không vỡ, nhưng không may cho ông Metzger rằng âm thanh nó tạo ra không hề dễ chịu chút nào.

    "Nó đã làm tôi choáng váng", Metzger kể lại. "Tôi loạng choạng trong nhà vệ sinh, và quỳ gục xuống khi ra tới phòng khách, tự hỏi rằng chuyện gì vừa xảy ra vậy. Quả thực không thể tin được. Rồi tôi quyết định đi thử thính lực của mình bởi tôi thấy có cái gì đó sai sai".

    Mỗi lần Metzger cất tiếng nói, ông cảm thấy như mình đang nói thông qua một cái còi gió vậy. Lạ lùng hơn, là tiếng nói như còi gió này chỉ xuất hiện khi ông nói ở một tần số nhất định. "Cái nắp bồn cầu ngu ngốc chỉ rơi khoảng 20 cm. Tại sao nó có thể gây tổn thương thính lực tệ mức đó được nhỉ".

    Bản thân là một nhà vật lý học, ông lên đường nghiên cứu để tìm cho ra nhẽ vấn đề. Bước đầu tiên của công trình nghiên cứu này là tìm tốc độ truyền âm thanh trong gốm (mỗi vật chất lại có một tốc độ truyền âm thanh khác nhau). Metzger tìm ra rằng tốc độ truyền âm của gốm cũng tương đương với gạch xây nhà, khoảng 4.000 mét/giây. Và để xác định tần số âm thanh, ông phải tính ra được bướng sóng của rung động tạo ra khi cái nắp sứ kia rơi xuống.

    Tần số của một sóng truyền đi được tính bằng tốc độ của nó chia cho bước sóng của nó, nhưng vì sóng âm thanh phát ra từ một vật truyền âm – cái nắp sứ, nó tạo ra một sóng tĩnh nên cần phải xét tới những yếu tố khác nữa. Một sóng tĩnh, về cơ bản, nghĩa là sóng âm truyền từ đầu cái nắp sứ này tới đầu nắp sứ kia, sau đó sẽ dội ngược lại.

    Để thực hiện nghiên cứu, giáo sư Metzger sẽ phải chia tốc độ sóng âm cho độ dài cái nắp sứ, và rồi chia số này cho 2 để tìm ra được tần số. Theo như tính toán của Metzger, tần số rơi vào khoảng 3,5 kHz.

    Và bởi cái nắp sứ không vỡ, điều đó có nghĩa là năng lượng từ cú va đập này được chuyển toàn bộ thành âm thanh, một ít năng lượng được chuyển thành nhiệt phân tán ra bên trong cái nắp. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ cái nắp này lõm, nên bản thân nó đã là một cái ăng-ten lòng chảo rồi. Điều đó đồng nghĩa với việc toàn bộ năng lượng của âm thanh đã hướng thẳng vào mặt của giáo sư Metzger – người đen đủi đứng trong nhà vệ sinh.

    "Số năng lượng này đi vào tai trong và tới ốc tai", Metzger kể trong bài đăng Twitter của mình. "Bởi cái nắp đậy bồn cầu này chuyển hóa toàn bộ năng lượng vào những tần số nhất định, nó tập trung vào những phần cụ thể của ốc tai. Hóa ra là lượng năng lượng tập trung này đã đủ để làm tóc tôi hất ngược lại phía sau, oằn xuống như thể nó là cỏ bị dẫm lên vậy".

    Theo tính toán của giáo sư Metzger, dựa trên độ cao mà ông đánh rơi cái nắp bồn cầu bằng sứ, thời gian âm thanh nảy là 1/20 giây, với khoảng cách từ cái nắp bồn cầu này tới khuôn mặt của giáo sư đen đủi là khoảng 50 cm, thì tai ông đã chịu âm thanh lên tới 138 decibel (dB).

    Âm thanh trên 85 dB đã được cho là có hại với tai con người, tùy thuộc vào thời gian nghe, mật độ nghe có thường xuyên không và người nghe có đeo đồ bảo hộ hay không. Khi tai phải nghe âm thanh có cường độ 140 dB, tai đã bước vào giới hạn nguy hiểm, tai của giáo sư Metzger đã ít nhiều chạm tới cái giới hạn đó rồi.

    "Điều khiến nó nguy hiểm (theo ý kiến chủ quan của tôi), thì chính là độ cứng của bề mặt mà cái nắp sứ đã va vào", ông Metzger nói trên bài đăng của mình. "Năng lượng được chuyển thành âm thanh trong một khoảng thời gian cực ngắn đã cực kì mạnh, và sự thật là cái nắp sứ còn chẳng vỡ, chẳng nứt chút nào cho thấy đã có một lượng năng lượng khổng lồ biến thành âm thanh".

    Ngay lập tức, ông đã tìm tới một người bạn là nhà thính học để xem qua xem sao. Người bạn khuyên ông nếu hai ngày nữa mà vẫn gặp vấn đề, ông nên tìm tới một bác sĩ chuyên khoa khám kĩ xem sao, bởi có thể tai ông Metzger bị tổn thương vĩnh viễn. Nhưng may mắn là trong vòng 48 giờ kể từ tai nạn trên, thính lực của giáo sư Metzger đã bắt đầu cải thiện.

    Đây sẽ là bài học cảnh giác cho bất kì ai có ý định sửa bồn cầu, phải nhấc cái nắp sứ kia ra. Giáo sư Metzger, cựu nhân viên NASA, đã may mắn thoát nạn nhưng xin phép nhắc lại lần nữa, là "trên đời cái quái gì cũng có thể xảy ra".

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày