Chuyên gia y tế Mỹ cho rằng Trung Quốc đã hành động đúng trong việc làm chậm làn sóng lây lan của Covid-19
Mọi diễn biến tại thời điểm này cho thấy quyết định phong tỏa Vũ Hán – sau đó mở rộng ra nhiều thành phố khác của ở Trung Quốc – đã mua thêm một khoảng thời gian vàng cho chính Trung Quốc và cả thế giới chuẩn bị tốt hơn khi đối phó với Covid-19.
"Quyết định đó có thể gây hoảng loạn", "Nó sẽ khiến người dân Trung Quốc mất niềm tin vào chính phủ", "Động thái này không thể chấm dứt được cuộc khủng hoảng đang diễn ra", "Nó thậm chí có thể phản tác dụng"...
Đó là những lời bình luận của nhiều chuyên gia y tế cộng đồng trên mạng xã hội và các trang op-ed (opposite the editorial page - đăng tải ý kiến trái chiều) của những tạp chí uy tín, sau khi chính phủ Trung Quốc quyết định chặn mọi ngả đường ra vàothành phố Vũ Hán, tâm dịch Covid-19 đúng một tháng về trước.
Họ nói rằng phong tỏa một thành phố 11 triệu dân là một biện pháp cực đoan và hà khắc, vì nó hạn chế quyền tự do cá nhân của mọi người, trong khi không đem lại hiệu quả nào rõ rệt để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Và khi nhiều quốc gia bắt đầu áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại với Trung Quốc, bao gồm đóng cửa biên giới, không cấp thị thực nhập cảnh và ngừng khai thác các đường bay, chính Tổ chức Y tế Thế giới cũng phải đặt câu hỏi rằng đó có phải những ý tưởng tốt hay không?
Bây giờ, thời gian đã trả lời tất cả. Mọi diễn biến tại thời điểm này cho thấy quyết định phong tỏa Vũ Hán – sau đó mở rộng ra nhiều thành phố khác của ở Trung Quốc – đã mua thêm một khoảng thời gian vàng cho chính Trung Quốc và cả thế giới chuẩn bị tốt hơn khi đối phó với Covid-19.
Nếu không phong tỏa Vũ Hán, đã phải có nhiều Vũ Hán khác
Sieie Briand, giám đốc quản lý nguy cơ truyền nhiễm tại WHO cho biết: "Các biện pháp hạn chế đi lại đã giúp Trung Quốc trì hoãn sự lây lan của dịch bệnh từ 2-3 ngày". Đó là khoảng thời gian đủ để họ củng cố lại hệ thống xét nghiệm virus.
Thế giới nhờ đó cũng có thêm một vài tuần để chuẩn bị. "Những biện pháp hạn chế đi lại, nếu được thực hiện đúng, có thể tác động đến quá trình lây truyền dịch bệnh", Briand phải thừa nhận.
Song song với đó, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục thu thập dữ liệu về những ảnh hưởng của những quyết định phong tỏa thành phố ở Trung Quốc và hạn chế đi lại của các quốc gia trên thế giới.
Mục tiêu để biết xem chúng có giúp giảm tổng số trường hợp tử vong và nhiễm virus hay không, hay nó chỉ có tác dụng trì hoãn những gì sẽ phải xảy ra mà không tác động đến những con số cuối cùng.
Việc nghiên cứu những dữ liệu này rất quan trọng, bởi nó không chỉ hữu ích với bản thân Covid-19, mà sẽ còn là bài học cho cả thế giới, giúp đối phó với các dịch bệnh trong tương lai.
"Chúng ta cần làm mọi thứ có thể để hiểu về sự hiện quả của chúng, bởi vì [những biện pháp phong tỏa kiểm dịch và hạn chế đi lại] có thể sẽ được tiếp tục xem xét áp dụng trong chính dịch bệnh này và các dịch bệnh tương lai", Tom Inglesby, giám đốc Trung tâm An ninh Y tế tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg cho biết.
"Điều quan trọng nữa, ngoài việc cần tìm hiểu xem chúng có hiệu quả hay không và như thế nào, là phải đánh giá xem chúng có gây ra hậu quả tai hại nào không".
Trên thực tế, các biện pháp phong tỏa kiểm dịch ở Trung Quốc đã tạo ra một số tác động không mong muốn mà các chuyên gia y tế từng cảnh báo. Nhiều người Trung Quốc đã không thể tiếp cận để chăm sóc cha mẹ mình, những người già cả, bệnh tật ở Vũ Hán khi thành phố bị phong tỏa, nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Họ không thực sự bị nhiễm virus corona, nhưng cần điều trị các bệnh khác như bệnh tim, ung thư, tiểu đường… và cần ra khỏi thành phố. Tuần này, UNAIDS thông báo rằng một phần ba số người nhiễm HIV ở Trung Quốc nói rằng lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại đang khiến họ rơi vào nguy cơ hết thuốc điều trị HIV.
Và lệnh phong tỏa chắc chắn cũng sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại.
Đổi lại, tín hiệu tích cực từ việc cách ly toàn bộ Vũ Hán, đó là nó cũng đã làm chậm làn sóng lây lan của Covid-19, ra các khu vực khác ở Trung Quốc cũng như các quốc gia khác trên thế giới. Kết quả là cả Trung Quốc và các nước khác đã có thời gian để chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh.
Nếu Vũ Hán không bị phong tỏa, các chuyên gia nhận định rằng hàng triệu người có thể tỏa ra từ tâm dịch, và tạo nên một làn sóng hoảng loạn khi họ đến các thành phố và các quốc gia khác.
David Fisman, một nhà nghiên cứu mô hình dịch bệnh tại Đại học Toronto, mô tả làn sóng dịch bệnh từ các thành phố của Trung Quốc giống như một trận bóng chày. Quyết định phong tỏa của họ "đã giúp các quốc gia khác chụp được từng quả bóng đang bay đến mà không làm rớt chúng xuống đất", ông nói.
"Thực tế thì phong tỏa Vũ Hán đã tạo ra những con số [ca nhiễm và nghi nhiễm] mà các nước khác có thể xử lý. Họ đã có thể tìm ra nhiều cách, như làm thế nào để xác định các trường hợp nhiễm bệnh và phải làm gì với họ sau đó. Tôi nghĩ rằng điều đó đã tạo ra một sự khác biệt rất lớn".
Nếu hàng ngàn người nhiễm bệnh rời khỏi Vũ Hán vào cuối tháng 1, Fisman nói, "bất cứ nơi nào mà những người bệnh này đến có khả năng sẽ trở thành một Vũ Hán khác".
Cả thế giới đã có thêm một vài tuần để chuẩn bị đón dịch
Rất may, điều đó đã không xảy ra, ít nhất là trên quy mô lớn. Quyết định phong tỏa Vũ Hán của Trung Quốc đã cho phép hệ thống y tế của các quốc gia khác có thời gian chuẩn bị kỹ càng hơn, chuyên gia Alexandra Phelan tại Trung tâm Khoa học và An ninh Sức khỏe Toàn cầu của Đại học Georgetown cho biết:
"Sự trì hoãn có thể là một công cụ thực sự hữu ích, thậm chí nó có thể là một trong những công cụ duy nhất mà bạn có được, để thực hiện sàng lọc [những ca nghi nhiễm] và đào tạo cho nhân viên y tế [chuẩn bị ứng phó với dịch]. Về cơ bản, nó như việc dọn dẹp và sắp xếp lại nhà cửa [để đón dịch]".
Các bệnh viện rõ ràng là có thể sử dụng thời gian đó để đào tạo các nhân viên của mình về kiểm soát lây nhiễm và sử dụng các thiết bị hô hấp, Inglesby nói (mặc dù nó không rõ có bao nhiêu quốc gia đã làm như vậy).
Tại Mỹ, các cơ quan như Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã có thời gian cập nhật và phổ biến thông tin chuyên môn, bao gồm cả việc sử dụng bộ dụng cụ chẩn đoán.
Nhờ vậy mà cả CDC cho đến từng tiểu bang và thành phố ở Mỹ bây giờ đều đã có khả năng xét nghiệm Covid-19, Inglesby nói. Ngay cả ở các nước khác cũng vậy, "nhiều quốc gia đến tận bây giờ mới có thể xét nghiệm được virus, ba tuần trước họ không biết làm thế nào", ông cho biết thêm.
Nếu tại thời điểm đó mà Vũ Hán chưa bị phong tỏa, các quốc gia này có thể đối mặt với một cơn lũ lụt những trường hợp nhiễm và nghi nhiễm virus. Và đó sẽ là một cơn hoảng loạn thực sự.
Tại Trung Quốc, với một khoảng thời gian trì hoãn nhất định, họ đã có thể lên kế hoạch để bắt đầu khoảng 120 thử nghiệm lâm sàng điều trị Covid-19, Inglesby nói thêm: "Họ đã có thời gian để thu được dữ liệu về những loại thuốc hiệu quả tiềm năng, kể cả những loại thuốc hiện đã có sẵn khi được sử dụng cho các bệnh khác".
Trở lại Mỹ, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar cho biết các biện pháp hạn chế đi lại của Hoa Kỳ (cấm nhập cảnh hầu hết các công dân nước ngoài từng đến Trung Quốc trong khoảng thời gian gần đây, và yêu cầu người Mỹ trở về từ Trung Quốc phải cách ly hoặc tự cách ly) thực sự có hiệu quả trong việc làm chậm sự lây lan của virus corona mới.
"Chúng không đồng nghĩa với việc niêm phong Hoa Kỳ khỏi virus, nhưng sẽ cho phép chúng ta tập trung các nguồn lực của mình", Azar nói.
"Tôi nghĩ rằng hầu hết các quan chức y tế đều đồng ý rằng tốt nhất nên [cách ly hoặc hạn chế đi lại] để làm chậm… hoặc tạm dừng mọi thứ", Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ, đồng ý. "Những gì chúng ta cần là một nhịp trễ để chuẩn bị tốt hơn".
Liệu số ca mắc và tử vong có thấp hơn?
Tuy nhiên, ý kiến của các chuyên gia hiện vẫn bị chia rẽ về việc liệu phong tỏa Vũ Hán có thực sự làm giảm tổng số ca mắc và tử vong do Covid-19 gây ra hay không?
"Không có bằng chứng nào để nói rằng tổng số người nhiễm bệnh trên thế giới sẽ ít hơn so với kịch bản không phong tỏa Vũ Hán", Inglesby nói. Mặc dù việc kiểm dịch này có thể làm giảm tốc độ lây lan của virus, nhưng nó không thể được thực hiện vĩnh viễn.
Trung Quốc sẽ phải mở cửa trở lại các thành phố phong tỏa và các quốc gia khác cũng sẽ phải nối lại các hoạt động đi lại với Trung Quốc vào một thời điểm nào đó. Inglesby cho biết khi đó sẽ rất khó để biết Covid-19 có trở lại quỹ đạo của nó hay không.
"Sẽ chẳng ai dám nói rằng những gì Trung Quốc đã làm là đủ để loại bỏ chủng virus này khỏi Trái Đất", ông nói. Tuy nhiên, nếu kịch bản lây truyền kéo dài xảy ra, Covid-19 sẽ có thể trở thành một bệnh cúm mùa ít nghiêm trọng hơn.
Một số chuyên gia y tế khác tỏ ra lạc quan hơn, họ cho rằng việc trì hoãn sự lây lan của Covid-19 ra bên ngoài Trung Quốc đã mua thêm thời gian, giúp nhiều quốc gia khác đối phó thành công được với dịch bệnh.
Do đó, các biện pháp phong tỏa kiểm dịch và hạn chế đi lại đã và đang tạo nên ảnh hưởng vĩnh viễn lên tổng số người nhiễm bệnh và tử vong. Fisman cho biết nhờ vào các biện pháp này, hệ số lan truyền của bệnh, trong đó tính trung bình một người nhiễm virus sẽ lây ra cho bao nhiêu người khác, đã được giữ ở mức thấp.
Hệ số lan truyền này càng thấp thì tổng số trường hợp nhiễm virus sẽ càng thấp. "Phong tỏa Vũ Hán đã làm giảm khả năng người dân ở Vũ Hán tiếp xúc với những người không ở Vũ Hán. Tốc độ lây lan bây giờ khá chững. Nó đang được kiểm soát tốt tại các thành phố khác [ngoài Hồ Bắc] ở Trung Quốc", Fisman nói.
Sự thật là số ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc bên ngoài tỉnh Hồ Bắc đã liên tục giảm trong những ngày gần đây. Chủ nhật tuần trước, chỉ có 11 ca nhiễm mới được xác nhận ở Trung Quốc mà không phải ở Hồ Bắc. Con số giảm xuống 9 ca vào thứ Hai và hôm nay chỉ còn 5 ca.
Gerardo Chowell, một nhà toán học dịch tễ tại Đại học Georgia, Hoa Kỳ cho biết: "Đối với tất cả các tỉnh thành khác tại Trung Quốc, mô hình đi đúng hướng. Các chiến lược ngăn chặn dịch bệnh được Trung Quốc thực hiện đang thành công trong việc làm giảm sự lây truyền. Sự tăng trưởng của dịch bệnh đã chậm lại".
Chowell nghiêng về một kịch bản lạc quan, ông nói: "Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ kiểm soát được dịch bệnh này", đặc biệt là nếu virus Covid-19 (cũng giống như cúm và các loại virus khác) không sống sót hoặc lây lan mạnh trong thời tiết ấm và ẩm ướt.
Theo Chowell dự đoán, dịch Covid-19 ở Trung Quốc có thể sẽ kết thúc trong ba tuần nữa. Sau đó, chủng virus này có thể gia nhập vào gia đình bốn chủng virus corona khác chỉ gây cảm lạnh thông thường. Lúc đó, chúng ta nên xem xét đưa các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại vào túi công cụ của mình, để đối phó với các đợt bùng phát mới có thể xảy ra trong tương lai.
Tham khảo Statnews
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng