Theo GS Kenichi Ohno, Việt Nam phải xem xét 2 điểm nếu muốn thúc đẩy chuyển giao công nghệ, bởi bản thân việc thu hút FDI không tự động nâng cao năng lực công nghiệp.
Thu hút FDI không tự động nâng cao năng lực công nghiệp
Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, tổng số các Hợp đồng chuyển giao công nghệ đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận hoặc phê duyệt từ năm 1999 đến tháng 6/2012 trên toàn quốc là 838 hợp đồng.
Trong đó, số hợp đồng thuộc các dự án FDI chiếm trên 50%, tức là chỉ hơn 400 hợp đồng, một con số khiêm tốn so với tổng số gần 14 ngàn doanh nghiệp FDI đang còn hiệu lực.
Tại Sơ kết 25 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài hồi năm ngoái, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu từng nhấn mạnh với vẻ mặt rất biểu cảm: “Trên 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 5-6% sử dụng công nghệ cao, 14% ở mức thấp và lạc hậu.
Nhiều trường hợp nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng sơ hở của luật pháp, yếu kém trong quản lý nhà nước để nhập khẩu vào Việt Nam máy móc, thiết bị lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, khai tăng giá trị nhập khẩu và giá trị chuyển giao công nghệ.”
Giáo sư Viện Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản Kenichi Ohno, người có gần 20 năm tham gia tư vấn chính sách cho Việt Nam cho rằng, phải là FDI sản xuất chế tạo, chứ không phải là khai thác mỏ, bất động sản, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn, có thể đóng góp đáng kể vào việc cải thiện năng lực công nghiệp của một quốc gia.
Thế nhưng “ngay cả với FDI sản xuất, chuyển giao công nghệ không diễn ra tự phát.”, ông Ohno nhấn mạnh.
Ví dụ, sự có mặt của các DN công nghệ cao toàn cầu như Intel, Samsung, Canon không có nghĩa là công nghệ cao sẽ tự động chuyển giao cho Việt Nam.
Những công ty đa quốc gia như vậy thường đến các nước phát triển để thực hiện công đoạn lắp ráp sử dụng nhiều lao động, là phân khúc tạo ra giá trị thấp nhất của chuỗi cung ứng toàn cầu, bởi vì các công đoạn này quá tốn kém khi thực hiện ở các nước phát triển.
Các dự án FDI như vậy về bản chất là tìm đến Việt Nam như tìm đến nơi có nguồn cung lao động phổ thông (và các ưu đãi bổ sung nếu có) chứ không phải là nơi để tiếp nhận công nghệ cao.
“Trong khi các nước đang phát triển thường mong muốn công nghệ cao, kiến thức độc quyền là bí mật của công ty, được bảo vệ nghiêm ngặt bởi quyền sở hữu trí tuệ, và sẽ không được chuyển giao cho các đối tác là các nước phát triển nếu không được trả phí cao.
Hơn nữa, chuyển giao công nghệ sẽ không xảy ra trừ khi nước chủ nhà được đánh giá là có khả năng hấp thụ và là vị trí tốt nhất cho mục đích này; và rằng việc chuyển giao sẽ mang lại lợi ích cho các công ty đa quốc gia trong chiến lược kinh doanh toàn cầu của mình.” – Ông Ohno lưu ý.
Do khi quyết định đầu tư, các doanh nghiệp FDI thường xem xét kỹ lưỡng mặt bằng công nghệ của nước sở tại để quyết định sử dụng trang thiết bị theo cấp độ nào. Vậy nên không khó hiểu, với trình độ nhân công thấp, hạ tầng kỹ thuật kém, không thể phủ nhận hai nguyên nhân này đã đã làm hạn chế khả năng chuyển giao công nghệ từ các dự án FDI tại Việt Nam.
Việt Nam phải xem xét nghiêm túc 2 vấn đề
Giáo sư Ohno cho rằng, các khóa học chuyển giao công nghệ là rất sai lầm. Nó thường được hình dung là một công ty nước ngoài uy tín sẵn sàng truyền đạt lại công nghệ tiên tiến của mình cho một công ty đối tác để giúp công ty này có sự phát triển và tiến bộ vượt bậc trên thị trường toàn cầu. Nhưng việc truyền đạt như vậy không bao giờ xẩy ra.
Trước tiên là bởi công nghệ tiên tiến có giá trị rất lớn, luôn được đăng ký bằng sáng chế, những người khác sẽ không có quyền truy cập vào nó trừ khi họ chấp nhận trả chi phí lớn.
Hơn nữa, một chi tiết kỹ thuật sẽ không tạo ra khả năng cạnh tranh cho một công ty, bởi một ứng dụng có hiệu quả đòi hỏi rất nhiều điều kiện mà các công ty đang phát triển trong nước thường thiếu.
Điều này thực tế cũng đã được các chuyên gia kinh tế Việt Nam nhắc đến, trong các nhận định cho rằng, trình độ quản lý cũng như trình độ nhân công của Việt Nam quá kém để tiếp nhận và vận hành các máy móc kỹ thuật công nghệ cao.
Theo GS Ohno, chính sách FDI của Việt Nam phải xem xét lại 2 điểm sau đây nếu muốn thúc đẩy chuyển giao công nghệ.
Đầu tiên, điều học hỏi chính là từ FDI trong giai đoạn đầu của công nghiệp hóa không phải là công nghệ cao, mà là những kiến thức không độc quyền có thể tiếp cận được trên toàn cầu, và miễn phí nhưng lại chưa được triển khai trong nước.
Chẳng hạn như kiến thức về quản lý chiến lược, kỷ luật làm việc, bảo trì và vận hành nhà máy; marketing, nâng cao năng suất thông qua kaizen hoặc chuẩn đối sánh, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế về kế toán, an toàn lao động, môi trường….
Thứ hai, vì ngay cả việc “học” này cũng không tự nhiên xảy ra, cần có một cơ chế quốc gia có thể đem lại lợi ích chung cho cả “học viên” và “giáo viên”.
Điều này bao gồm, ví dụ, chương trình quốc gia học tập công nghệ với sự cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo cấp cao, có mục tiêu rõ ràng và có cơ quan chịu trách nhiệm; tăng cường các tổ chức hỗ trợ, trợ cấp và tài trợ vốn cho các hoạt động đủ điều kiện; cạnh tranh và trao giải thưởng cho cá nhân, doanh nghiệp xuất sắc và huy động hỗ trợ kỹ thuật nước ngoài cho các hoạt động liên quan.
Theo Hồng Anh
CafeF.vn
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng