Chuyện ít biết về Nissan: Mất 8 năm và cả khối gia tài để đấu với một người đàn ông, đòi lại nissan.com nhưng bất thành
Câu chuyện của Nissan cho thấy không phải lúc nào tiền cũng giải quyết được vấn đề.
Nissan - một trong những thương hiệu xe lớn nhất Nhật Bản, chưa bao giờ quan tâm tới việc Uzi Nissan là ai. Điều họ muốn, có chăng, là tên miền www.nissan.com mà ông đăng ký từ năm 1994 cho công ty bán lẻ quy mô nhỏ cùng tên mình.
Nissan, với vị thế của một ông lớn, quyết định… khởi kiện Uzi để lấy tên miền trên cùng số tiền bồi thường 10 triệu USD. Uzi tất nhiên không chấp nhận cách làm của thương hiệu Nhật và đấu tranh đến cùng, để rồi suýt mất hết tất cả…
Một điều mà dù tìm kiếm mỏi mắt trên website nissan.com bạn cũng không thể tìm thấy là một bài báo nói về những mất mát mà Uzi phải chịu đựng sau vụ kiện. Mọi chuyện khởi đầu từ một cuộc điện thoại vào tháng 10/1999…
Tuy nhiên, trước đó, hãy tìm hiểu về Uzi Nissan một chút.
Do đã quá quen với việc tự mình làm mọi chuyện từ cửa hàng tới xưởng kinh doanh, Uzi tiếp tục xây dựng một "cửa hàng online" với trang web Nissan Computer vào năm 1994. Thời điểm đó, "hầu hết mọi người nghĩ rằng Internet sẽ chẳng đi đến đâu" theo Uzi chia sẻ nhưng ông thì không nghĩ vậy.
Trong lúc Uzi vừa bước chân tới Mỹ, Nissan Motor vẫn đang xuất khẩu xe sang Mỹ dưới tên thương hiệu Datsun. Phải đến 1983, họ mới chuyển sang sử dụng thương hiệu chính Nissan và khai tử Datsun vào 1985 - thời điểm "Datsun by Nissan" trở thành biểu tượng mới của Nissan Bắc Mỹ với chi phí vô cùng đắt đỏ (tiêu tốn của Nissan khi đó khoảng 30 triệu USD).
Cần phải nói thêm rằng Uzi Nissan và Nissan chẳng liên quan gì tới nhau, tranh chấp của 2 bên đơn thuần là vì ngôn ngữ. Nissan là một từ khá phổ biến trong tiếng Arabic và Hebrew, đồng thời là tên đệm cũng thuộc diện phổ thông với người Do Thái. Trong khi đó, từ Nissan trong Nissan Motor lại là tên viết tắt từ tên gọi khởi nguồn của hãng vào giai đoạn thập niên 1930 là Nihon Sangyo mang nghĩa "Nền công nghiệp Nhật Bản".
Con đường giữa 2 Nissan chẳng liên quan bất ngờ chạy cắt qua nhau vào tháng 10/1999 khi Uzi Nissan nhận được tin báo thoại của Merrill Davis - Giám đốc mảng kinh doanh điện tử của Nissan Bắc Mỹ khi đó, về việc thương thảo sử dụng tên miền nissan.com mà Uzi đang nắm giữ. Khi bắt đầu cuộc đàm phán, chẳng ai trong số họ nghĩ rằng đây là khởi đầu cho cuộc chiến pháp lý dài gần 10 năm giữa David và Goliath khiến mỗi phía thiệt hại hàng triệu USD…
Tất nhiên, người thua thiệt không ai khác là Uzi khi cả cuộc sống cá nhân của ông bị đảo lộn đồng thời số tài sản mình tích trữ cũng cạn kiệt vì tham vọng của Nissan…
Câu trả lời của Uzi cho Nissan khi đó là không, ngay cả khi 2 bên đã ngồi lại bàn bạc trực tiếp. Davis sau đó cho biết ông sẽ quay lại hỏi ý kiến lãnh đạo cấp cao hơn để tìm phương án giải quyết hợp lý. 2 bên lại ngồi lại bàn đàm phán vào tháng 12 nhưng chủ kiến của Uzi không đổi: ông không muốn bán tên miền của mình. Thậm chí Uzi đã đưa ra một cái giá trên trời (15 triệu USD) để tỏ rõ quyết tâm, đồng thời tránh bị Nissan làm phiền tiếp.
Với Uzi, Nissan không chỉ là tên mà là cả cuộc đời và công ty ông. Ông đã 3 lần thành lập công ty từ con số 0 và không muốn từ bỏ nó.
Câu trả lời được Nissan Motor đưa ra là… kiện và đòi bồi thường 10 triệu USD với các cáo buộc Nissan Computer vi phạm bản quyền, gây sai lệch hình ảnh thương hiệu, gây thiệt hại cho giá trị thương hiệu, cạnh tranh không lành mạnh và Cyber-squatting (đăng ký tên miền thương hiệu nổi tiếng để sau đó tìm cách bán lại kiếm lời hoặc đăng tải các nội dung làm tổn hại danh tiếng chính thương hiệu trên).
Cáo buộc Cyber-squatting của Nissan Motor chứng kiến chiến thắng đầu tiên của Uzi. Trong giai đoạn đầu thế kỷ mới, đây là nỗi đau đầu của rất nhiều công ty lớn khi mạng Internet lúc này mới chính thức trở thành trào lưu mới thay cho giai đoạn chỉ một thập kỷ trước đó.
Tuy nhiên, tòa nhanh chóng bác bỏ cáo buộc của Nissan Motor do Uzi Nissan đã sử dụng tên ông làm tên công ty trong hơn 1 thập kỷ trước khi đăng ký tên miền nissan.com, chưa kể nội dung website cũng phục vụ cho công ty cùng tên nói trên. Tương tự như vậy, cáo buộc về cạnh tranh không lành mạnh cũng nhanh chóng bị hủy bỏ.
Tuy nhiên, tòa cũng đưa ra phán quyết có lợi cho phía Nissan Motor về mảng gây sai lệch hình ảnh bản quyền vào tháng 4/2002 do trên website nissan.com có các quảng cáo liên quan tới ô tô có thể làm người xem lầm tưởng chúng có liên quan về Nissan.
Đến tháng 12 cùng năm, tòa lại quyết định… hủy phán quyết trên sau quá trình đấu tranh của Uzi, bù lại ông… không được phép nói xấu Nissan, không đăng tải những thông tin tiêu cực về Nissan Bắc Mỹ trên website đồng thời không dẫn đường link tới những bài viết có khả năng như vậy.
Cảm thấy yêu cầu của tòa quá ngặt nghèo và có lợi cho Nissan Bắc Mỹ, Uzi tiếp tục kháng cáo với dẫn chứng rằng họ đã vi phạm quyền tự do theo Tu Chánh án thứ Nhất (First Amendment) của ông.
Do sự việc đã lùm xùm trong suốt quãng thời gian đó, Uzi đã nhận được sự ủng hộ của tổ chức phi lợi nhuận thành lập bởi Ralph Nader – Public Citizen. Một số website, chẳng hạn digest.com, được thành lập lên chỉ để theo dõi sự việc, đăng tải các bằng chứng liên quan và ủng hộ quyền tự do của Uzi.
Sau quãng thời gian bền bỉ đấu tranh gần nửa thập kỷ, Uzi đã nhận được công lý của mình khi vào tháng 8/2004, họ đưa ra phán quyết Uzi không làm tổn hại hình ảnh thương hiệu hay gây hiểu nhầm về Nissan, đồng thời bác bỏ yêu cầu giành lấy tên miền nissan.com từ thương hiệu Nhật…
… nhưng mọi chuyện không kết thúc tại đó.
Không chịu thua, Nissan Bắc Mỹ đưa vụ án lên tòa án tối cao liên bang. Dù vậy, họ từ chối tiếp nhận bản án và chuyển lại cho tòa án bang đưa ra phán quyết cuối cùng. Cứ mỗi lần tòa án bang đưa ra phán quyết có lợi cho Uzi, một số điều khoản lại không được nhắc tới hoặc ở thế trung lập, cho phép Nissan Bắc Mỹ tiếp tục duy trì vụ kiện vì khả năng tài chính sẵn có.
Mục tiêu của Nissan Bắc Mỹ lúc này đã rõ ràng: cuốn Uzi vào cuộc chiến pháp lý mà ông không có đủ tiền theo kiện đến cùng, qua đó buộc phải tự chịu thua. Thậm chí khi tòa án bang yêu cầu 2 bên gặp mặt hòa giải tận 3 lần, mọi chuyện cũng không được giải quyết.
Không chỉ tài chính, cuộc sống của Uzi Nissan cũng hoàn toàn bị đảo lộn do bị cuốn theo vụ kiện dai dẳng. "Mối thù" của ông với Nissan Bắc Mỹ cũng vì thế ngày một sâu đậm, đến mức khó lòng 2 bên có thể đạt được một cam kết trung lập…
"Do biết họ sẽ thua kiện, Nissan đã quyết định bỏ điều khoản đền bù 10 triệu USD và chỉ tập trung vào các cáo buộc liên quan tới vi phạm bản quyền để lấy lại tên miền nissan.com", Uzi chia sẻ với Jalopnik khi nhớ lại quãng thời gian đó. Đến tháng 9/2007, tòa án bang đưa ra phán quyết cuối cùng…
Vụ kiện của Uzi kéo dài hơn 8 năm trời và tiêu tốn, theo xác nhận của Uzi, gần 3 triệu USD. Chia sẻ với Jalopnik, ông cho biết không muốn nói quá nhiều về đời sống cá nhân khi đó cho thấy đó là quãng thời gian khó khăn mà Uzi không hề muốn nhớ lại.
Công việc kinh doanh của Nissan Computer cũng vì vụ kiện mà gặp khó khăn. "Ai lại muốn mua máy tính từ một công ty đang vướng vào kiện cáo với một tập đoàn lớn như Nissan?", Uzi thừa nhận. Ông cũng khẳng định nếu biết Nissan có cách xử lý phũ phàng tới vậy, ông đã chọn cách tiếp cận khác để không gây ảnh hưởng tới bản thân và gia đình như hiện giờ.
Cứ mỗi tuần, Uzi phải có mặt tại tòa 1 lần. Ông phải đọc hàng trăm trang tài liệu liên quan tới sự việc để đảm bảo chúng không có sai sót khiến Uzi chẳng có nhiều thời gian làm được việc khác…
Trái với hoàn cảnh của Uzi, Nissan vẫn có quãng thời gian đầy thành công sau đó và chỉ thật sự gặp khó trong 1, 2 năm gần đây.
Tuy nhiên, Uzi cũng không có dịp được chứng kiến "cái kết" của đối thủ khi ông qua đời trong năm 2020.
"Họ có thể không giành được những gì họ muốn từ tôi nhưng họ vẫn có thể kiện bất cứ ai nếu họ muốn. 10 triệu USD để kiện 1 người có gì khó khăn với họ? Đó cũng chỉ là giọt nước trong đại dương mà thôi. Vụ kiện sẽ phá hỏng cuộc đời của con người nhỏ bé dám chống lại họ" – Uzi Nissan.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng