Chuyện ngược đời Mỹ đi copy Trung Quốc: Từ nước đạo nhái cả thế giới thành kẻ tiên phong, khiến các nước chạy dài sao chép

    Băng Băng , Nhịp sống thị trường 

    Từ một quốc gia phải đi đạo nhái sản phẩn của người khác, Trung Quốc đã vươn mình thành cường quốc để nước khác phải học hỏi như thế nào?

    Chuyện ngược đời Mỹ đi copy Trung Quốc: Từ nước đạo nhái cả thế giới thành kẻ tiên phong, khiến các nước chạy dài sao chép - Ảnh 1.

    Theo hãng tin Bloomberg, “Sao chép công nghệ”, “Copycat” là những thứ nhiều người Mỹ thường nghĩ về Trung Quốc, nhất là trong vài năm trở lại đây khi nền kinh tế số 1 thế giới thực hiện chiến dịch cô lập cường quốc Châu Á về chip điện tử.

    Đối với rất nhiều người, câu chuyện Mỹ gây áp lực về mảng công nghệ tưởng chừng chỉ vì không muốn Trung Quốc sao chép công nghệ và đuổi kịp họ. Những câu chuyện về các thương hiệu nổi tiếng tại Mỹ như Amazon, Apple, Google...bị đạo nhái tại Trung Quốc đã trở thành những câu chuyện cười của giới truyền thông phương Tây.

    “Rất nhiều sản phẩm của Trung Quốc được cho là đạo nhái ý tưởng của Phương Tây, ví dụ Microblog là từ Twitter, QQ là từ OICQ, Baidu là từ Google, Meituan là từ Groupon”, chuyên gia nghiên cứu Alex He của Trung tâm đổi mới quốc tế (CIGI) nhận định.

    Chuyện ngược đời Mỹ đi copy Trung Quốc: Từ nước đạo nhái cả thế giới thành kẻ tiên phong, khiến các nước chạy dài sao chép - Ảnh 2.

    Thế nhưng có một sự thật mà ngay cả các nhà lãnh đạo Phương Tây cũng đã nhận ra, đó là Trung Quốc đang lật ngược thế cờ, khiến vô số công nghệ hiện nay là Mỹ đi sao chép ý tưởng từ chính đối tác bên kia Thái Bình Dương chứ không phải do họ nghĩ ra.

    Thậm chí theo Bloomberg, nhiều hãng Trung Quốc hiện nay mới là người định hình xu thế công nghệ trong những mảng như siêu máy tính, dịch vụ vận tải, thanh toán trực tuyến và thậm chí là trí thông minh nhân tạo (AI). Những ý tưởng và thương hiệu công nghệ Trung Quốc được dự đoán là sẽ phủ sóng toàn cầu nếu không có những yếu tố bên ngoài tác động.

    Lật ngược thế cờ

    Thời gian gần đây, cuộc đua AI sau thành công của ChatGPT giữa các ông lớn ngành công nghệ Mỹ đang ngày một nóng lên. Thế nhưng tờ Nikkei Asian Review cho biết Trung Quốc mới là cường quốc về AI chứ không phải Mỹ.

    Năm 2021, số công trình nghiên cứu khoa học về AI tại Trung Quốc là 43.000 văn bản, nhiều gấp đôi so với Mỹ. Nếu xét về số lượng những nghiên cứu thường xuyên được sử dụng thì Trung Quốc chiếm đến 7.401 văn bản, nhiều hơn 70% so với Mỹ.

    Nếu câu chuyện về AI là chưa thực sự rõ ràng thì quay ngược về năm 2017, ứng dụng chụp hình chỉnh sửa ảnh Meitu của Trung Quốc đã tạo nên cơn địa chấn của ngành công nghệ khi các startup Mỹ thi nhau mọc lên để copy ứng dụng này.

    Thế rồi câu chuyện các hãng khởi nghiệp Mỹ sao chép dịch vụ cho thuê xe đạp của Trung Quốc, những công ty lớn như Apple hay Facebook cố gắng bắt chiếc nhiều tính năng của WeChat. Trước khi ứng dụng hẹn hò Tinder xuất hiện, Trung Quốc đã có Momo với dịch vụ tương tự.

    “Facebook đã từng kỳ vọng bắt chước thanh toán trực tuyến WeChat Pay với đồng tiền số Libra, rồi Facebook Shop nhìn chẳng khác mấy với những trang bán hàng nhỏ của WeChat. Amazon Live thì ảnh hưởng bởi Taobao Live còn Youtube Shopping thì bắt chiếc Tiktok”, giám đốc Rachel Daydou của hãng tư vấn Facbernovel tại Thượng Hải nhận định.

    Thậm chí ngay cả ở Châu Âu, những ông lớn như Ericsson của Thụy Điển và Alcatel Lucent của Pháp cũng phải copy Huawei đến từ Trung Quốc trong mảng thiết bị viễn thông, công nghệ 5G. Tính đến năm 2020, số người dùng công nghệ 5G tại Trung Quốc đã lên đến 88 triệu người, chiếm 80% lượng người dùng toàn cầu và Huawei là ông lớn đi đầu toàn thế giới trong mảng này.

    Tại Ấn Độ, hàng loạt những thương hiệu điện thoại như Xiaomi hay Vivo đã từng làm mưa làm gió trên thị trường trước khi căng thẳng ngoại giao diễn ra. Hãng thương mại điện tử Alibaba cùng nền tảng thanh toán trực tuyến của họ, rồi ứng dụng Tiktok đều trở thành những xu thế “hot” trong giới trẻ Ấn Độ.

    Nói về Tiktok thì lại không thể không nhắc đến yêu cầu của chính phủ Mỹ với công ty mẹ ByteDance đến từ Trung Quốc. Lo ngại sự phổ biến của Tiktok có thể đe dọa đến giới trẻ cũng như tác động đến mảng công nghệ, an ninh quốc phòng... mà chính quyền Washington đã đe dọa đóng cửa thương hiệu này nếu ByteDance không bán lại, hoặc sáp nhập với một công ty của Mỹ.

    Chuyện ngược đời Mỹ đi copy Trung Quốc: Từ nước đạo nhái cả thế giới thành kẻ tiên phong, khiến các nước chạy dài sao chép - Ảnh 3.

    Sự phổ biến thái quá của thương hiệu này không chỉ đe dọa đến mảng quảng cáo doanh thu của Facebook, Youtube hay Instagram mà còn khiến họ buộc phải sao chép, ra hàng loạt những dịch vụ copy. Instagram có Reels thì Youtube có Short.

    Thế rồi ý tưởng đóng góp (Donate) của Youtube cũng được cho là copy từ Trung Quốc khi người dùng có thể gửi tiền cho thần tượng của họ thông qua những vật phẩm ảo.

    Ngay cả những ông lớn nổi tiếng khác như Apple cũng không thoát khỏi cái bóng sao chép từ Trung Quốc. Việc phát triển dịch vụ gửi tiền qua iMessage rõ ràng là một động thái sao chép của WeChat, nhưng nhà táo khuyết chẳng bao giờ thừa nhận điều này.

    Vào năm 2017, Amazon đã mua lại Whole Foods với giá 13,7 tỷ USD để tham chiến thị trường bán lẻ thực phẩm. Trên thực tế, vô số trang thương mại điện tử của Trung Quốc đã làm điều này từ trước đó, bất kể là Alibaba hay JD.com.

    “Hệ sinh thái công nghệ tại Trung Quốc đang tạo nên một cuộc cách mạng. Mỗi ngày nước này có khoảng 10.000 startup mới được thành lập”, giám đốc Michael David của LVMH nhận định.

    Tại mảng ô tô, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) nhận định Trung Quốc đang là nước dẫn đầu với số mẫu mã sản phẩm nhiều gấp đôi so với ở Châu Âu.

    Ngay cả CEO Luca de Meo của hãng xe hơi Renault cũng phải thừa nhận Trung Quốc đang dẫn trước Châu Âu rất nhiều năm về mảng xe điện, lái tự động, thương mại điện tử, năng lượng mặt trời, nhận diện khuôn mặt, thanh toán trực tuyến...

    Tầm nhìn

    Tờ SCMP nhận định nhiều người lầm tưởng Trung Quốc là nước chỉ biết đạo nhái, sản xuất hàng kém chất lượng. Thế nhưng không ai nhận ra gần 90% sản phẩm của Apple được làm ở Trung Quốc, Tesla đặt nhà máy ở Thượng Hải trong khi vô số hãng công nghệ nổi tiếng khác cũng thuê ngoài ở xứ sở tỷ dân này.

    Khi nhắc đến nơi đặt nhà máy sản xuất hoặc nguồn cung sản phẩm với chuỗi cung ứng đầy đủ, ổn định, người ta không nhớ đến Mỹ, Ấn Độ, Mexico... mà là Trung Quốc. Nguyên nhân là nền kinh tế này có thể sản xuất mọi thứ theo đúng yêu cầu của khách hàng, từ những sản phẩm rẻ tiền đạo nhái chất lượng kém cho đến những mặt hàng công nghệ cao thuộc hàng xa xỉ phẩm.

    Để làm được điều này, tờ SCMP nhận định Trung Quốc đã có sự phối hợp tốt giữa các cấp chính phủ từ trung ương xuống địa phương, qua đó có cơ chế bảo hộ doanh nghiệp trong nước và tạo ưu đãi cả về vốn lẫn chính sách. Năm 2019, Trung Quốc chi gần 324 tỷ USD cho nghiên cứu phát triển công nghệ, tương đương 2,23% GDP.

    Chính nhờ tầm nhìn đúng đắn của chính phủ mà Trung Quốc đã nhanh chóng phủ sóng mảng xe điện, dẫn trước trong cuộc cách mạng 5G, thanh toán trực tuyến một cách nhanh chóng xuống từng địa phương.

    Chuyện ngược đời Mỹ đi copy Trung Quốc: Từ nước đạo nhái cả thế giới thành kẻ tiên phong, khiến các nước chạy dài sao chép - Ảnh 4.

    Trong khi doanh nghiệp nước ngoài mù mờ về Trung Quốc thì nền kinh tế này lại liên tục hấp thu, học hỏi, nâng cấp và lật ngược thế cờ, trở thành người dẫn đầu bị đạo nhái. Các chính sách bảo hộ, yêu cầu sáp nhập hoặc chuyển giao công nghệ, mạng lưới tường lửa cùng vô số những biện pháp khác là nguyên nhân chính khiến Phương Tây bất lực trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

    Ngoài ra, việc chính phủ kiên định với các tầm nhìn đúng đắn về công nghệ, thực hiện nhanh chóng các dự án về xe điện hay 5G đã tạo lợi thế lớn cho họ trước Mỹ. Trong khi các doanh nghiệp Phương Tây còn bận tranh cãi về nguồn vốn, chỉ chú ý đến giá cổ phiếu và chiều lòng cổ đông, các chính trị gia họp bàn với nhiều nhà vận động hành lang thì Trung Quốc đã bắt tay ngay vào việc.

    Ngủ quên trên chiến thắng

    Tờ Democracy Journal cho biết trong nửa cuối thập niên 1800, Mỹ xây dựng nhiều cầu đường, vũ khí hơn hẳn Anh và Đức cộng lại. Sự bùng nổ của nền kinh tế số 1 thế giới qua Thế chiến II và Chiến tranh lạnh với Liên Xô đã tạo nền tảng cho cường quốc ngày nay.

    Tuy nhiên Trung Quốc mới là quốc gia xây dựng cơ sở hạ tầng nhiều nhất hiện nay. Nhu cầu phát triển đòi hỏi họ phải nghiên cứu, áp dụng các công nghệ mới vào thực tiễn xây dựng, điều mà Mỹ đã chững lại suốt nhiều năm. Ví dụ điển hình là ngành đường sắt, trong khi Trung Quốc có đến 40.000km đường tàu cao tốc thì Mỹ chỉ có 55km.

    Đồng quan điểm, hãng tin Bloomberg cho rằng việc Trung Quốc giàu lên sau những năm tháng làm công xưởng thế giới, qua đó bứt tốc phát triển công nghệ đã tạo tiền đề cho sự phát triển vượt bậc sau này. Lấy ví dụ như mảng điện thoại, Trung Quốc có hơn 1,68 tỷ người dùng smartphone và tỷ lệ phủ sóng Internet lên đến 99,7%.

    Nhờ nền tảng đó mà vô số công nghệ, startup được phát triển thuận lợi trong một thị trường rộng lớn.

    Thêm nữa, việc vô số công ty công nghệ đặt nhà máy tại Trung Quốc để tận dụng nhân công giá rẻ đã giúp nước này hấp thu nhanh, tạo nên chuỗi cung ứng rộng lớn hơn bất cứ thị trường nào trên thế giới, kể cả Mỹ.

    Bên cạnh đó, việc ngày càng nhiều nhân tài của Trung Quốc trở về nước cũng là một nhân tố nữa khiến khoa học công nghệ của nền kinh tế này tăng tốc mạnh những năm gần đây. Tờ SCMP cho biết khoảng 44% số du học sinh trở về nước làm việc là có chuyên ngành mảng khoa học, công nghệ, kỹ sư, toán học (STEM).

    Bài học Nhật Bản

    Vào thập niên 1970, sự trỗi dậy của dòng xe hơi giá rẻ Honda tới từ Nhật Bản vào thị trường Mỹ đã làm thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp ô tô nước này và hãng tin Bloomberg nhận định Trung Quốc có thể sẽ tạo nên một cuộc cách mạng tương tự trong ngành công nghệ.

    Trên thực tế, trường hợp này đã từng diễn ra với Nhật Bản khi nền kinh tế này trỗi dậy hậu Thế chiến II nhờ chuyên đi sao chép.

    Chuyện ngược đời Mỹ đi copy Trung Quốc: Từ nước đạo nhái cả thế giới thành kẻ tiên phong, khiến các nước chạy dài sao chép - Ảnh 5.

    Sau Thế chiến II, Nhật Bản bắt đầu nghiên cứu mô hình kinh tế Mỹ và đạo nhái các sản phẩm bình dân. Ban đầu họ chưa chú trọng vào chất lượng mà chỉ mang tính học hỏi, thế rồi dần dần người Nhật cải tiến sản phẩm và đặt các tiêu chuẩn khắt khe lên hàng đầu làm lợi thế cạnh tranh.

    Nhờ tận dụng sự bắt chước mà vào thập niên 1990, nền kinh tế Nhật trỗi dậy trở lại thành công với thu nhập GDP bình quân đầu người cao tới 23.796 USD, đứng thứ 2 thế giới sau Thụy Sĩ.

    Đây cũng là thời kỳ mà thương hiệu "Made in Japan" trở thành biểu tượng cho chất lượng sản phẩm. Hàng loạt những phát minh của Nhật Bản được Phương Tây sao chép lại, từ ăng ten tivi, đĩa CD cho đến máy hủy tài liệu, hệ thống định vị ô tô.

    Liệu Trung Quốc có lặp lại được kỳ tích này và “Made in China” có chuyển mình từ hình ảnh hàng kém chất lượng thành tiêu chuẩn vàng cho công nghệ hay không hiện vẫn là câu hỏi. Tuy nhiên rõ ràng là Mỹ và Phương Tây đã cảm thấy nóng gáy khi các doanh nghiệp của họ phải đi đạo nhái ý tưởng của nền kinh tế mà họ từng coi thường trước đây.

    *Nguồn: Bloomberg, SCMP, Financial Times, DemocracyJournal...


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày