Chuyện sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân xử lý dữ liệu tốt hơn ĐH Bách Khoa và điểm yếu của ngành mà trả lương tới 7.000 USD/tháng vẫn không kiếm được người
Khi xây dựng team Engineer - AI và Data Analytics, Startup Beeketing phát hiện ra rằng một cựu sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân khi được đào tạo thêm về Engineering và lập trình có thể tạo ra được hệ data và xây rất nhanh, nhanh hơn cả các kỹ sư tốt nghiệp từ ĐH Bách Khoa. Các sinh viên được đào tạo thuần về khoa học dữ liệu thường thiếu kiến thức về kinh tế, kinh doanh. Họ có thể đưa ra một sơ đồ AI nhưng lại không thể phân tích được phương thức này tốt cho DN như thế nào...
Tại Tọa đàm "Nhân lực khoa học dữ liệu trong kinh tế kinh doanh" diễn ra mới đây, CEO Beeketing Trương Mạnh Quân đã có những chia sẻ về nhân sự trong team của startup này.
Quân cho biết, Beeketing hiện có một team làm Engineer - AI gồm khoảng 10 người và team Data Analytics chừng 5 người. Thời điểm xây dựng team này, nhân sự trong team đều không có kinh nghiệm làm ở lĩnh vực tương tự.
Trong team lúc đó có một bạn Lead vốn là cựu sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân (NEU). Với nền tảng về kinh tế - kinh doanh vốn có, khi được đào tạo thêm về Engineering và lập trình, người này đã có thể tạo ra được hệ data và xây dựng rất nhanh, nhanh hơn cả các bạn kỹ sư tốt nghiệp từ ĐH Bách Khoa trong cùng team.
"Tôi thấy lợi thế của bạn ấy là biết về các Business Models (Mô hình kinh doanh), hiểu được một công ty thương mại điện tử, một công ty startup, 1 công ty phần mềm kiếm tiền bằng cách nào. Khi đó, chỉ biết thêm một chút về engineering sẽ làm data rất nhanh", Quân nói.
Trong khi đó, theo CEO Beeketing, những bạn tốt nghiệp từ ĐH Bách Khoa được học lập trình rất tốt, nhưng kiến thức về sử dụng dữ liệu nào thì các bạn lại không biết.
"Các bạn ấy có thể đưa ra một sơ đồ AI phân tích rất tốt, nhưng để phân tích rằng phương thức này tốt cho doanh nghiệp như thế nào thì các bạn không biết. Cho nên, các bạn ấy nếu có thêm kiến thức về kinh doanh, kinh tế sẽ tốt hơn", Quân bình luận.
Trả lương 7.000 USD/tháng mà tìm đỏ mắt không thấy người, chương trình học chưa tuyển sinh đã có DN đặt chỗ
Điểm yếu của các nhà phân tích dữ liệu Việt Nam hiện tại, theo lời của một đại biểu tham dự, là làm mô hình data ở Việt Nam hiện mới ở mức ứng dụng lại, các chuyên gia phân tích dữ liệu của chúng ta hiện chưa có khả năng phân tích được mô hình.
Vị đại biểu này cũng cho biết nhu cầu nhân sự trong lĩnh vực khoa học dữ liệu (Data Science) hiện cực cao. Ông thường xuyên nhận được lời mời làm việc trong ngành phân tích dữ liệu với mức thù lao 5.000 - 7.000 USD/tháng. Trong khi đó, bản thân ông cũng là bên tuyển dụng mà không thể tuyển được người.
TS. Trần Thế Trung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ FPT - cho biết, doanh nghiệp làm trong ngành khoa học dữ liệu luôn gặp khó khăn trong tuyển dụng vì cầu cao hơn cung. Ngay như trong viện của ông Trung, năm vừa rồi có 50 người, năm 2019 cần tăng lên 200 người. Ngay một công ty con của Tập đoàn FPT là FPT Software hiện cung đang rất thiếu người để làm.
Tại sự kiện, chương trình đào tạo bằng tiếng Anh chuyên ngành Khoa học dữ liệu trong Kinh tế và Kinh doanh cũng được PGS. TS. Nguyễn Thị Minh - Trưởng Khoa Toán Kinh tế - ĐH Kinh tế Quốc dân cũng được công bố.
Đây là chương trình học đầu tiên gắn kết lĩnh vực khoa học dữ liệu với kinh tế, kinh doanh, mà nói như lời GS. TS Trần Minh Đạo – nguyên Trưởng Khoa Marketing của NEU, cần có "một cuộc tình duyên" giữa Khoa học dữ liệu và Kinh tế - kinh doanh thì lĩnh vực khoa học dữ liệu mới có sự phát triển lâu dài.
Chương trình này tuy chưa tuyển sinh, nhưng các doanh nghiệp tham dự đã bày tỏ ý định hợp tác, nhận thực tập hoặc nhận sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Chúng ta phải đào tạo nhân lực toàn cầu! Không dạy bằng tiếng Anh thì chỉ là"ăn đong", ăn bữa nay không rõ bữa mai!
PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Kinh tế Quốc dân rất tâm đắc với ý kiến của nhiều diễn giả khi cho rằng: Chúng ta phải đào tạo nhân lực toàn cầu.
Đấy cũng là một trong những định hướng của NEU khi khuyến khích các chương trình học tiêng Anh. "Cá nhân tôi thường khuyến khích đội trẻ: "Chúng ta không đào tạo các chương trình bằng tiếng Anh thì chúng ta chỉ "ăn đong" thôi, tức về tương lai chúng ta tụt hậu", ông Triệu nói.
Theo ông Triệu, năm 2019 NEU sẽ có 9 chương trình dạy bằng tiếng Anh, mục tiêu nhắm tới trong tương lai là "song ngữ", tức cứ có một chương trình tiếng Việt sẽ có một chương trình đào tạo tiếng Anh song song.
Ông Triệu cũng bày tỏ việc kết nối giữa đào tạo trong ĐH với nguồn lực doanh nghiệp. Cụ thể, NEU đang biên soạn lại cơ chế thỉnh giảng, hướng tới việc mời các đại diện doanh nghiệp tham gia cùng với nhà trường trong quá trình đào tạo, đồng thời nhận sinh viên thực tập.
"Ở các nước phát triển, các công ty luôn có vị trí cho thực tập rất rõ ràng và tuyển dụng quanh năm, sinh viên các trường có thể tự apply. Hiện nhiều doanh nghiệp trẻ của chúng ta cũng đang làm như vậy".
"Đây là cơ hội thúc đẩy đổi mới trong trường học và tôi mong muốn chuyện đó sẽ thành công", ông Triệu nói.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng