Chuyện thật như đùa: anh chàng này vẫn có thể thổi kèn khi bộ não của mình đang được tiến hành phẫu thuật
Nếu thổi mạnh quá, não của anh ta sẽ trồi ra ngoài hộp sọ.
Giữa chừng một ca phẫu thuật não, không còn lạ khi bệnh nhân được đánh thức và giữ cho tỉnh táo. Bằng cách này, bác sĩ sẽ đánh giá được những gì họ đã làm với bệnh nhân có hiệu quả hay không.
Nhưng nếu một bệnh nhân được yêu cầu chơi nhạc cụ trong khi hộp sọ anh ta vẫn mở, đó là điều hết sức kỳ lạ. Trong ca phẫu thuật não cho Dan Fabbio, các bác sĩ muốn anh chơi một bản nhạc cho họ bằng kèn saxophone.
Điều này có phần nguy hiểm, bởi nếu thổi mạnh quá, não của anh chàng 27 tuổi này sẽ trồi hẳn ra ngoài. Vậy cả Fabbio và các bác sĩ đã mạo hiểm làm thế vì điều gì?
Câu chuyện của Fabbio, anh chàng tỉnh táo thổi kèn trong cuộc phẫu thuật não
Fabbio là một giáo viên dạy nhạc tại Hartford, New York. Anh cũng là một nghệ sĩ saxophone chuyên nghiệp và tài năng. Trước đây, ngay cả khi đang đánh răng với bàn chải điện, tiếng rung của nó cũng trở thành một bản nhạc trong đầu Fabbio.
Thế nhưng hai năm trước, những bản nhạc ấy đột nhiên biến mất. Đó cũng là thời điểm Fabbio nhận thấy một điều kỳ lạ xảy ra. Bất kể một bản nhạc nào anh nghe, các nốt vang lên sau mỗi nửa phút lại bị lệnh vài giây.
Anh cũng thường gặp ảo giác, nghe và nhìn thấy những thứ không có thật. Fabbio đã tới gặp một nhà thần kinh học để miêu tả các triệu chứng của mình. Đó là năm 2015, và anh biết mình đã có một khối u trong não.
Các bác sĩ nói khối u của Fabbio lành tính. Nhưng vấn đề là nó đang chèn ép lên một khu vực quan trọng của não bộ, liên quan đến chức năng âm nhạc.
Vậy giải pháp là gì? Cắt bỏ khối u. Chắc chắn các bác sĩ phải làm vậy, nhưng nó có thể gây ảnh hưởng đến khả năng âm nhạc của Fabbio và khiến sự nghiệp của anh chấm dứt.
Để điều này không xảy ra, họ đã nghĩ ra một cách. Các bác sĩ đã nhờ tới giáo sư Web Pilcher, chủ nhiệm khoa phẫu thuật thần kinh tại Đại học Rochester. Ông cùng với người đồng nghiệp Brad Mahon của mình đang phát triển một chương trình lập bản đồ não cho những bệnh nhân.
Với sự tư vấn của giáo sư Pilcher và Mahon, các bác sĩ có thể phẫu thuật cho Fabbio một cách chính xác. Đổi lại, họ nhận thấy ca phẫu thuật của anh cũng là một cơ hội đặc biệt cho nghiên cứu bản đồ não bộ, để xem vùng não nào chịu trách nhiệm cho khả năng âm nhạc.
Cả hai mục đích này sẽ chỉ được thực hiện, khi Fabbio chơi saxophone trong quá trình phẫu thuật. Giáo sư Pilcher đã đến gặp Fabbio và đặt vấn đề, anh chàng đã nhiệt tình đồng ý.
“Cắt bỏ một khối u não có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, tùy thuộc vào vị trí của nó”, giáo sư Pilcher cho biết. “Bản thân khối u và hoạt động phẫu thuật, cả hai đều có khả năng gây ra thiệt hại mô và làm ngắt kết nối giữa các phần khác nhau trong não bộ”.
Do đó, điều quan trọng nhất trong một ca phẫu thuật não là quá trình chuẩn bị. Chỉ khi chuẩn bị tốt, chiến lược phẫu thuật khả thi nhất mới được xây dựng. Các bác sĩ sẽ biết làm thế nào để tránh gây ra những thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt là trong những phần não bộ ảnh hưởng nhiều đến chức năng sống.
Để làm được điều này, họ phải sử dụng tất cả khả năng, và tất cả những gì có trong tay (các xét nghiệm, ảnh chụp y tế, thậm chí lập bản đồ và tái dựng lại mô hình 3D toàn bộ não của bệnh nhân).
Vì não bộ của chúng ta không hoàn toàn giống nhau, mỗi bệnh nhân đều cần được lập một bản đồ não riêng. Trong trường hợp của Fabbio, thậm chí còn có điều đặc biệt hơn nữa: Anh là một giáo viên dạy nhạc, và khối u nằm ngay trên chính phần não bộ ảnh hưởng đến chức năng âm nhạc.
Các bác sĩ và các nhà khoa học đã quen thuộc với việc lập bản đồ não, tập trung vào những vị trí liên quan đến khả năng ngôn ngữ và hoạt động. Nhưng họ không hiểu nhiều về âm nhạc. Bởi vậy, để có thể vẽ lại bản đồ não của Fabbio, Pilcher và Mahon cần mời một chuyên gia nhận thức về âm nhạc tham gia vào nghiên cứu, Elizabeth Marvin đến từ Trường Âm nhạc Eastman.
Làm việc cùng nhau, bộ ba đã xây dựng được một loạt các bài kiểm tra cho phép họ lập bản đồ 3D cho bộ não của Fabbio.
Thách thức tiếp theo là thiết kế một buổi trình diễn saxophone, trong đó Fabbio sẽ thổi trong khi các bác sĩ mở hộp sọ và phẫu thuật cho anh.
Fabbio sẽ nằm nghiêng, đầu tỳ lên gối. Tư thế này không cho phép phổi làm việc hết công suất và anh không thể thổi mạnh. Ngoài ra, nếu Fabbio hít một hơi sâu để thổi các giai điệu dài, não của anh có thể bị trồi ra bên ngoài hộp sọ đang để hở.
Fabbio thổi saxophone, trong khi phía trên hộp sọ anh đã được mở
Với sự giúp đỡ của Marvin, Fabbio đã sáng tác được một bản nhạc dựa trên nhạc truyền thống Hàn Quốc, mà chỉ cần thổi những hơi cạn và ngắn vào saxophone.
"Một nhà lý thuyết âm nhạc có thể đứng trong phòng mổ, và bằng chuyên môn của anh ta tư vấn cho bác sĩ phẫu thuật não”, Marvin nói trong khi rất hưng phấn vì lần đầu tiên được làm điều đó.
“Trên thực tế, hôm đó đã trở thành một trong những ngày tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi. Cảm giác như tất cả những gì tôi làm đột nhiên tạo ra được sự thay đổi cho cả cuộc đời của một ai đó. Thổi điệu nhạc của tôi sẽ giúp chàng trai trẻ này giữ lại được khả năng âm nhạc của mình".
Cũng phải nói rằng, Fabbio không phải là nhạc công duy nhất từng chơi nhạc cụ trong khi phẫu thuật. Roger Frisch, một nghệ sĩ violin cũng đã kéo đàn trong suốt quá trình các bác sĩ mổ não ông.
Cũng như Fabbio thổi saxophone nhằm hỗ trợ các nhà nghiên cứu hiểu biết thêm về não bộ và âm nhạc, việc Frisch chơi đàn giúp các bác sĩ xác định nguồn gốc của những cơn run trong não, thứ đã ảnh hưởng đến khả năng nghệ thuật của ông.
Vào năm 2015, Anthony Kulkamp Dias, một bệnh nhân 33 tuổi người Brazil cũng đã chơi guitar trong ca phẫu thuật não. Những trường hợp như thế này luôn gây được chú ý vì khiến nhiều người kinh ngạc.
Trở lại với Fabbio, trong khi các bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ khối u não, anh đã thực hiện tốt những bài kiểm tra mà nhóm nghiên cứu đã xây dựng cho mình. Lúc khối u mới được cắt bỏ, hộp sọ của Fabbio vẫn được để mở. Anh đã được các bác sĩ trao cho cây saxophone để thổi bản nhạc mà Marvin đã sách tác cùng mình.
"Giây phút đó sẽ khiến bạn muốn khóc", Marvin nói. "Anh ấy đã chơi bản nhạc một cách hoàn hảo, và khi anh ấy thổi xong bài, cả phòng phẫu thuật vang rền trong tiếng vỗ tay".
Anh chàng tỉnh táo thổi saxophone, trong khi các bác sĩ phẫu thuật não cho mình
Fabbio dần bình phục trở lại sau ca phẫu thuật. Một tháng sau đó, trong lúc đánh răng, anh đột nhiên nhận thấy bản nhạc trong đầu mình quay trở lại. “Ngay lúc đó, anh ta đã nhận ra rằng não mình đã bình phục hoàn toàn”, giáo sư Pilcher nói.
Fabbio đã trở về Hartford và tiếp tục dạy nhạc. Trong khi nhóm của giáo sư Pilcher đã có thêm được một bản bồ não bộ đặc biệt góp vào bộ sưu tập của mình.
Bằng cách thu thập các bản đồ não bộ như của Fabbio, giáo sư Pilcher đang muốn tạo ra được một chương trình phẫu thuật giả lập, trong đó các bác sĩ có thể thực tập phẫu thuật não và biết điều gì sẽ xảy ra với bệnh nhân của mình. Nó sẽ giống như cách những phi công tập bay ngay trên mặt đất.
“Khi chúng ta ngày càng hiểu thêm về não bộ - qua từng nghiên cứu trên từng bệnh nhân – sẽ ngày càng có nhiều cơ hội mới được mở ra”, giáo sư Pilcher nói.
Nghiên cứu của ông về trường hợp của Fabbio được đăng trên tạp chí Current Biology.
Tham khảo ScienceAlert, Dailymail
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng