Chuyện thầy giáo tuyên bố "Học sinh không like, hủy kết bạn": Hãy tôn trọng sự khác biệt!
Cả TS. Quang Minh và Tố Quyên đều cho rằng, trên facebook, mỗi người có quyền thể hiện một cách sống, cá tính riêng biệt. Nếu không đồng tình thì ít nhất mỗi người nên tôn trọng sự khác biệt ấy như một phần thiết yếu trong cộng đồng mạng rộng lớn.
Thầy giáo tuyên bố hủy kết bạn với học sinh không... like
Mới đây, một thầy giáo ở Bà Rịa - Vũng Tàu tên D.V.V đã chia sẻ một status gây tranh cãi khi tuyên bố: "Học sinh nào không like, tôi sẽ xóa kết bạn!".
Nội dung của đoạn chia sẻ như sau:
"Các em học sinh thân mến!
Hiện nay tôi đã có trên 2000 học sinh kết bạn, nhưng khi đăng bài chỉ có 50 học sinh like (thích). Vì thế sau hai ngày nữa nếu em học sinh nào không like tôi sẽ xóa kết bạn. Bởi lẽ một điều đó là thiếu tính tôn trọng.
Chữ like có rất nhiều nghĩa, "thích, chào hỏi, nhận biết". Riêng trên trang cá nhân đó là lời chào hỏi thân mật. Mỗi khi kết bạn là xâm nhập đến trang cá nhân, có nghĩa là vào nhà người ta mà không chào hỏi thì người nhà sẽ rất ức chế và bực nhọc".
Chia sẻ của thầy D.V.V về chuyện like trên facebook.
Vì thế, thầy D.V.V đưa ra lời kêu gọi: "Mong rằng các em học sinh phải hiểu được điều này, để sự kết bạn ngày một bền vững và vui hơn".
Ngay sau khi chia sẻ, đoạn status của thầy D.V.V đã thu hút hàng trăm lượt chia sẻ và bình luận. Ngoài số ít ý kiến ủng hộ, rất nhiều người cũng nêu lên quan điểm trái chiều, thậm chí nhiều bạn trẻ còn tỏ thái độ khá gay gắt và nặng lời chỉ trích thầy giáo.
Thầy V. là một giáo viên dạy Toán đã 30 năm ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Trên trang cá nhân của thầy hầu hết chỉ là các bài viết chia sẻ cách giải đề thi toán.
Về câu chuyện like để thể hiện sự tôn trọng, thầy D.V.V chia sẻ với chúng tôi: "Chữ like của tôi nói chỉ để nhắc nhở học sinh luôn tôn trọng người thầy, còn ai muốn hiểu như thế nào thì tùy. Mỗi người đều có quan điểm sống theo cách riêng của mình, nên mỗi khi kết bạn phải tôn trọng nhau, và chia sẻ cho nhau, chứ không thể kết bừa được. Vì học sinh của tôi không hiểu chữ like quan trọng như thế nào nên tôi phải nhắc nhở các em thôi. Trong tiêu đề bài viết, tôi ghi rõ là gửi các em học sinh, chứ không phải cộng đồng mạng".
Facebook của thầy V. luôn đăng tải cách giải đề Toán.
Thầy V. cho biết các bài đăng, bài giải, công thức Toán học mà thầy chia sẻ trên trang cá nhân chỉ nhằm cho các học sinh vùng sâu vùng xa học tập và các học sinh trên mạng biết thêm nhiều dạng bài mới."Hiện nay đang là giai đoạn cao điểm ôn thi Đại học, các câu hỏi khó để lấy điểm 9, 10 được rất nhiều em học sinh quan tâm. Vì thế, tôi đăng bài để giúp cho các em thôi", thầy nói.
Nói về những bạn trẻ có lời lẽ thiếu tôn trọng sau khi đọc xong status của mình, thầy V. cho biết: "Lớp trẻ bây giờ vài em mất tính tôn sư trọng đạo rồi, nên tôi cũng chẳng quan tâm lắm đến những em đó".
"Trên facebook, hãy tôn trọng sự khác biệt!"
Trước câu chuyện này, nhiều người đã đặt ra rằng thực ra, chúng ta cần ứng xử như thế nào trên facebook cho hợp lẽ? Liệu rằng việc bấm một nút like có phải là cách để chúng ta chào hỏi, thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau?
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với TS Đàm Quang Minh (Hiệu trưởng trường ĐH FPT) và TS. Nguyễn Thị Tố Quyên (Phó trưởng khoa Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền).
TS. Quang Minh cho rằng, facebook chỉ là một công cụ và mỗi người sẽ có cách sử dụng nó khác nhau: "Mỗi người có một tiêu chuẩn kết bạn riêng. Việc thầy D.V.V đưa ra tiêu chí học sinh nào kết bạn thì phải like status của thầy cũng là một tiêu chí riêng của ông ấy. Ai cảm thấy thích thì có thể ủng hộ còn nếu không thì thôi. Quan điểm của tôi là trên mạng xã hội, chúng ta nên tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân, không nên đưa ra quan điểm của mình để áp đặt cho ai cả".
TS. Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng trường ĐH FPT.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Tố Quyên cũng cho rằng, facebook là một mạng xã hội mở ra khả năng chia sẻ thông tin rất lớn. Nhiều người không bao giờ gặp nhau nhưng vẫn có thể like, share thông tin của nhau.
"Facebook cũng ít nhiều thể hiện bản sắc của mỗi cá nhân. Mỗi người lại có một suy nghĩ, một cách sống khác nhau. Vì thế, khi tham gia vào đó, chúng ta không nên đưa ra quan điểm cá nhân một cách quá quyết liệt. Nếu không đồng ý thì cũng nên tôn trọng lẫn nhau", TS. Tố Quyên nói.
Về chuyện nhiều người dựa vào "tuyên bố hủy kết bạn nếu không bấm nút like" mà đưa ra kết luận về đạo đức người thầy, TS. Quang Minh cho rằng, lập luận đó là thiếu công bằng. "Không thể dựa vào đó để nói thầy giáo có tư cách đạo đức hay không. Thầy giáo cũng như mọi người, cũng có quyền dùng facebook theo cách của riêng họ".
Đồng tình với TS Minh, TS. Tố Quyên cũng cho rằng: "Tôi rất phản đối thái độ ném đá của nhiều người dành cho thầy D.V.V vì đó là hành vi thiếu văn hóa, nhất là đối với những người từng là học sinh của thầy thì càng không thể chấp nhận được. Đặt địa vị tôi là thầy D.V.V, nếu ai có hành động xúc phạm, tôi sẽ block luôn người đó để tránh việc những lời bình luận thiếu văn hóa trên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của tôi. Tôi có thể để lại những ý kiến trái chiều nhưng đó phải là những bình luận lịch sự, mang tính chất chia sẻ".
TS. Nguyễn Thị Tố Quyên, Phó trưởng khoa Xã hội học, Học viện Báo chí & Tuyên truyền.
Về cá nhân mình, TS. Quang Minh chia sẻ, ông không quan tâm nhiều đến chuyện like trên facebook. "Tôi quan tâm hơn đến việc bản thân mình đang viết, chia sẻ cái gì nhiều hơn", TS. Quang Minh chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Tố Quyên cũng cho rằng, mạng xã hội vừa là không gian cá nhân, vừa là không gian công cộng và mang tính tự nguyện, tự giác. Những gì mình chia sẻ trên facebook, có thể là quan trọng với người này nhưng cũng có thể sẽ không quan trọng đối với người kia. Trong câu chuyện của thầy D.V.V, thầy là một giáo viên dạy toán, bài đăng trên facebook đều là phương pháp giải các bài tập toán nhưng vẫn rất ít người quan tâm. Đơn giản là vì trong số 2.000 người bạn của thầy, không phải học sinh nào cũng thích học toán.
"Vì thế, câu chuyện like hay không like chẳng nói lên được điều gì, chẳng thể hiện sự tôn trọng hay không tôn trọng. Có lúc, tôi nhìn thấy ảnh, bài viết của bạn bè và tôi bấm like vì quen tay chứ chưa hẳn là thực sự thích hay tôn trọng, ngưỡng mộ họ", TS. Quyên bày tỏ.
Theo TS. Quyên, chúng ta hãy sử dụng mạng xã hội một cách khôn ngoan, tôn trọng lẫn nhau. Ngoài ra, chúng ta nên lưu ý khi kết bạn. Không nên kết bạn tràn lan để tránh những hệ lụy không đáng có.
Chia sẻ về vấn đề này, blogger Truyền thông Xã hội Nguyễn Ngọc Long cũng cho biết: "Đọc status của thầy, tôi chỉ thấy vui vui, thú vị vì cách nói của thầy có chút trẻ con, có giận dỗi".
Ông Long chia sẻ, khi ông xem các post khác trên facebook thầy V. thì đoán rằng thầy chỉ mới chơi facebook và vì có thể thầy thuộc thế hệ trước nên có thể có chút quan điểm khác mọi người. "Quan điểm của thầy có phần hơi ngây thơ, đáng yêu. Hơn nữa, có thể thầy có cách nói chuyện riêng với học trò. Chúng ta chỉ là người ngoài cuộc thì không nên đưa ra phán xét".
Theo Kenh14 / Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng