Chuyển từ Windows sang macOS, đây là những ứng dụng và phụ kiện tôi không thể sống thiếu
Bỏ máy tính chạy Windows nhưng hóa ra tôi lại phải biến trải nghiệm trên Macbook thành “giống Windows” nhất có thể.
- 3 tai nghe không dây giá rẻ tốt nhất chúng tôi trải nghiệm năm 2023: 400.000đ đã có chống ồn, mẫu Samsung suýt "hoàn hảo"
- 6 phụ kiện Baseus chúng tôi đã trải nghiệm trong 2023: Đồ âm thanh rẻ mà "ngon", có 1 thứ ai cũng cần khi du lịch
- 7 điện thoại xứng đáng lên đời đầu 2024: Mua luôn iPhone 15 Pro Max hay đợi siêu phẩm AI Phone mới từ Samsung?
Phần cứng Macbook quá “đỉnh” nhưng macOS thực ra vẫn còn nhiều điểm yếu, từ việc bị lag con trỏ khi dùng chuột Bluetooth đến thiếu công cụ clipboard lưu nội dung đã copy. Sau 2 tháng dùng máy, tôi đã tìm được rất nhiều ứng dụng để xử lý hầu hết các vấn đề này, điển hình là:
Vivid - Gấp đôi độ sáng màn hình cho Macbook Pro 2021
Các dòng Macbook Pro dùng chip M Pro/Max/Ultra với màn hình XDR có độ sáng cao nhất đến 1600 nits nhưng khi dùng bình thường sẽ bị Apple cắt xuống tối đa 500 nits, chỉ khi xem phim HDR mới tăng lên sáng hơn vượt trội và cho cảm giác “đáng tiền” khi đầu tư máy xịn.
Mức 500 nits thực ra là đã cao nhưng nhiều lúc chưa đủ cao, ví dụ khi cần dùng ngoài trời. Ngoài ra, nhiều phim ảnh hiện nay, nhất là phim làm bởi Netflix, cố tình bị xử lý tối hơn và việc có màn hình độ sáng cao bù lại sẽ “cứu cánh” khi xem, không phải căng mắt ra nhìn nữa.
Ứng dụng Vivid có thể mở khóa độ sáng lên mức tối đa 1000 nits liên tục và không gây hại gì cho máy. Nắp máy có thể bị nóng hơn bình thường nếu dùng lâu nhưng nhìn chung vẫn hoạt động hoàn toàn bình thường và nền tảng macOS vẫn có quyền giảm độ sáng tự động nếu nhiệt độ tăng cao hơn mức cho phép.
Dù vậy, ứng dụng này không phải hoàn hảo mọi lúc, chỉ hợp dùng với các nội dung SDR, chỉnh sửa hình ảnh, video hay lướt web. Nếu lên khi xem video HDR sẽ bị cháy sáng, mất chi tiết, lệch màu và dòng chữ phụ đề có thể bị loang lổ vì độ sáng đèn nền không đồng đều.
Paste - Clipboard “lưu cả thế giới”
Trên máy Windows, bạn có thể bấm tổ hợp phím Windows + V để mở tính năng Clipboard giúp lưu lại tất cả mọi thứ bạn đã copy, từ văn bản đến link web hay ảnh chụp màn hình… macOS không có sẵn tính năng này nên phải cài thêm app, và 1 trong số đó là Paste.
Giá Paste khá cao, 799.000đ/năm nhưng tính năng thì tốt hơn hẳn phiên bản miễn phí của Windows. Khi bấm tổ hợp phím đã cài (ví dụ như Control + V) sẽ hiện ra 1 bảng các nội dung đã lưu từ khi mở máy. Click chuột phải vào các nội dung này có thể chọn ghim lại, phân chia theo màu sắc, chỉnh sửa, đổi tên, chia sẻ và nhiều lựa chọn khác.
Cleanshot X - Đơn giản hóa chụp màn hình
Trên Windows, việc chụp màn hình vô cùng đơn giản nhưng với macOS thì phải nhớ và bấm quá nhiều tổ hợp phím. Để đơn giản hóa, bạn có thể mua ứng dụng Cleanshot X với giá 29 USD dùng trọn đời.
Cleanshot X cho phép thay đổi tổ hợp phím để việc chụp đơn giản hơn, thêm nhiều lựa chọn chụp màn hình dạng crop, fullscreen, chỉ màn hình ứng dụng… Ngoài ra bạn có thể chỉnh sửa, ghi chú, cắt cúp ảnh sau khi chụp, quay video màn hình dạng video/gif, chụp màn hình cuộn trang…
Bartender - Mở rộng không gian menu bar
Vì phần notch ở giữa màn hình nên thanh menu bar bị mất khá nhiều diện tích hiển thị các icon bên phải. Nhiều icon còn bị phần notch này “nuốt” mất, rất khó dùng.
Ứng dụng Bartender sẽ đưa hết các icon này vào 1 cửa sổ nhỏ chỉ hiện ra khi click chuột, cho giao diện thoáng mắt hơn và không sợ bị notch “nuốt” mất icon nữa. Tính năng hay tiện, hoạt động hoàn hảo nên mức giá 15 USD trọn đời cũng không phải là đắt đỏ.
Linearmouse - Tạm biệt chuột Bluetooth giật lag
Trackpad của Macbook dùng cực tốt nhưng cứ kết nối với chuột Bluetooth là dở tệ, luôn bị lag, trễ và kém chính xác. Hóa ra là do tính năng tăng tốc con trỏ (pointer acceleration) của nền tảng macOS.
Ứng dụng Linearmouse cho phép bạn tắt tính năng này đi. Lúc này chuột Bluetooth hoạt động ổn định hơn, gần như không bị delay và lag con trỏ nữa.
Ngoài ra, ứng dụng này con cho phép đổi ngược hướng cuộn trang cho chuột và trackpad, cho trải nghiệm giống trên Windows thay vì cách mà Apple nghĩ là “tự nhiên”. Ngoài Linearmouse, ứng dụng khác cũng làm được tương tự là Scroll Reverser.
TGPro - Theo dõi nhiệt độ và quạt tản nhiệt
Ứng dụng này thực ra hợp với các máy Macbook Pro dùng chip M thường hơn vì chỉ có 1 quạt và dễ bị giảm hiệu năng khi dùng ứng dụng nặng. Kể cả không cần bật quạt thì tôi vẫn thấy hay vì biết là máy đang rất mát, khác hẳn chiếc laptop Windows cũ lúc nào cũng nóng đến 60 - 70 độ dù chẳng làm gì ngoài lướt web.
IINA - Trình xem video đẹp, tiện và miễn phí hoàn toàn
Trên Windows có quá nhiều lựa chọn video player đẹp, chất lượng, hỗ trợ nhiều định dạng. Trên macOS, tôi mất hơn 1 tuần dùng thử đủ các loại mới tìm ra IINA đáp ứng đủ hết yêu cầu, chạy được nhiều file video khác nhau với giao diện rất đẹp, rất “macOS”, chưa kể hỗ trợ tốt nội dung HDR, cho tinh chỉnh nhiều thứ liên quan đến hình ảnh và phụ đề…
Dán palm rest và bàn phím
Các máy Macbook màu bạc gốc của vỏ nhôm thì không sao, nhưng nếu mua các màu khác thì luôn có khả năng bị bạc màu vì mồ hôi trên tay dính lên. Vì thế nên dù trông khá xấu, tôi vẫn quyết định dùng miếng dán palm rest.
Màu miếng dán lệch hẳn so với màu máy nhưng chất lượng gia công cao, dễ dán, lớp phủ nhám tương đồng với thân máy và đủ mỏng để tránh làm nứt vỡ màn hình khi đóng nắp. Vì không dùng keo dính nên nếu không thích có thể tháo ra dễ dàng, không ảnh hưởng đến vỏ máy.
Miếng dán bàn phím thì chất lượng không bằng, tự dán khá xấu và còn bị cắt lệch khuôn 1 chút. Chất liệu miếng dán bàn phím bằng nhựa dẻo siêu mỏng, khi dán dễ bị giãn. Dán xong làm giảm cảm giác gõ nhưng không sao, chỉ cần che được vết bóng dầu trên phím nhựa là đã đủ tốt. Nếu dán lại, tôi sẽ mua loại dán trơn thay vì “nổi gân” như bây giờ.
Đế nâng siêu mỏng Baseus
Chiếc laptop Windows cũ có thiết kế bản lề nâng cao sẵn giúp bàn phím nghiêng 1 góc nhỏ, tăng trải nghiệm gõ phím lên khá nhiều. Macbook thì phím lúc nào cũng phẳng lì cảm giác không thoải mái lắm.
Vì thế, tôi mua thêm chiếc đế nâng siêu mỏng của Baseus. Loại này bằng kim loại, khá dày và nặng nhưng lại cho cảm giác chắc chắn. Nếu mua loại bằng vải như Moft thì mỏng nhẹ hơn nhưng kém bền và lại nâng cao quá mức. Ngoài ra, có cả loại chân đế mini, dán 2 bên đáy máy nhỏ gọn hơn đáng kể nhưng mỗi lần dùng lại phải mở ra 2 lần khá bất tiện.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng