Anh ta là một trong số 100 người Boston vĩ đại nhất mọi thời đại.
Tháng 4 năm 1721, một trận dịch đậu mùa tràn qua thành phố Boston, Hoa Kỳ. Đây đã đã là trận dịch thứ sáu trong một chuỗi đậu mùa kéo dài từ năm 1630. Đậu mùa đến như những làn sóng, tàn phá thành phố hết lần này đến lần khác, biến Boston thành một chốn hoang tàn.
Giữa lúc ấy, có một nhà thuyết giáo địa phương tên là Cotton Mather tuyên bố sở hữu một cách ngăn ngừa căn bệnh này. Đó là một phương pháp mà ông ấy đã học được từ một trong những người nô lệ cũ của mình, thứ sau đó đưa tên tuổi của Cotton Mather lên thành một vị thánh xuyên qua hàng thế kỷ và thời đại.
Cotton Mather được coi là một phù thủy khoa học xuyên thời đại, nhờ vào sáng kiến tiêm chủng đậu mùa của ông ấy tại Mỹ thời thuộc địa.
Chuyện bắt đầu vào những năm 1700, để giúp Mather rảnh rang hơn trong việc truyền giáo, giáo đoàn của ông ấy đã quyết định mua về một nô lệ Châu Phi để phục vụ riêng cho Mather. Theo tài liệu miêu tả lại, đó là "một người đàn ông trẻ tuổi, da đen, đầy hứa hẹn cả về hình thức và phẩm chất". Mather đặt tên cho anh ta là Onesimus, theo tên một nô lệ trong Kinh thánh có nghĩa là "hữu ích".
Mather cho biết Onesimus là người Guramantese, nhưng không rõ chính xác thì anh ấy thuộc nhóm dân tộc nào. Một số nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng đó là người Garamante, giống với các dân tộc Berber ở miền nam Libya. Một số nhà nghiên cứu khác nghĩ Onesimus là một trong số những người Coromantee sống ở khu vực ven biển Ghana ngày nay.
Vì đậu mùa là một căn bệnh phổ biến vào thế kỷ 18, giá trị của một nô lệ cũng được xác định dựa trên khả năng miễn nhiễm của anh ta. Một trong những đặc điểm quan trọng của đậu mùa là một người chỉ có thể mắc bệnh này một lần trong đời. Mather hỏi Onesimus rằng anh đã từng mắc phải căn bệnh này chưa. Câu trả lời không những làm thỏa mãn Mather, mà còn khiến ông phải bất ngờ. Đây là những gì Mather viết về cuộc trò chuyện giữa họ:
"Tôi hỏi người nô lệ da đen của tôi, Onesimus - một người khá thông minh, rằng liệu anh ta đã từng mắc bệnh đậu mùa chưa? Anh ta trả lời vừa rồi vừa chưa, sau đó nói với tôi rằng anh ấy đã trải qua một thủ thuật.
Thủ thuật ấy đã đem lại cho anh ta một cái gì đó của bệnh đậu mùa, thứ mà sẽ mãi mãi bảo vệ anh khỏi nó. Anh ta còn nói thêm rằng thủ thuật này thường được sử dụng trong cộng đồng người Guramantese và bất cứ ai có can đảm làm nó sẽ mãi mãi không sợ lây bệnh".
Thủ tục mà Onesimus mô tả chính là việc lấy mủ từ những người bệnh đậu mùa, xát lên vết thương hở của người khỏe mạnh. Sau đó, nếu người được xát mủ sống sót, cả cuộc đời của họ sẽ được miễn nhiễm với căn bệnh.
Vì đậu mùa là một căn bệnh phổ biến vào thế kỷ 18, giá trị của một nô lệ cũng được xác định dựa trên khả năng miễn nhiễm của anh ta.
Ngày nay, chúng ta biết mủ đậu mùa đóng vai trò như một dạng vắc-xin trong thủ tục này. Nhưng vài trăm năm trước, khi nó được thực hiện ở Châu Phi, Trung Quốc, Ấn Độ và đế chế Ottoman, nó dường như mang màu sắc tôn giáo nhiều hơn.
Quan điểm của đa số các nhà sử học trên thế giới cho rằng việc xát mủ đậu mùa lên vết thương hở đã bắt nguồn từ Trung Quốc, Ấn Độ hoặc cũng có thể là cả hai nơi cùng lúc. Thủ thuật này thường được truyền đời trong từng gia đình, và ở Trung Quốc, mủ đậu mùa thậm chí còn được thổi thẳng vào mũi người, như một loại vắc-xin dạng xịt ngày nay.
Thế nhưng đến tận năm 1721, thủ thuật chủng ngừa đậu mùa này chưa từng một lần được biết đến ở thế giới Phương Tây. Ở Boston thời đó còn là một thuộc địa, bệnh đậu mùa đã lây lan mạnh ở đây, nó tàn phá dân số vì rất ít người dân biết đến thủ tục này.
Mather sau khi nghe kể về nó từ người nô lệ Onesimus của mình vội vàng viết thư cho các bác sĩ trong thành phố. Ông kêu gọi cả Boston nên thực hiện thủ thuật này một cách đại trà, vì nó có thể cứu sống rất nhiều người và vực dậy cả thành phố.
Thật không may, việc xát mầm bệnh vào vết thương hở đã bị cả Boston phản đối. Ý tưởng của Mather đã bị phỉ báng trên báo chí địa phương. Một ai đó đã ném lựu đạn vào nhà ông khi con trai người này thực hiện thủ thuật và suýt chút nữa chết vì nhiễm bệnh.
Những người hầu cận của Mather không hiểu chuyện quay qua chê bai ông trong giáo đoàn, nói rằng những gì ông ấy đang làm là nguy hiểm và trái ý muốn của Đức Chúa Trời. Tất cả các bác sĩ trong thị trấn đều từ chối thủ thuật Mather gợi ý, chỉ trừ một người, Zabdiel Boylston.
Nhưng vào thời điểm Boylston nói rằng ông sẽ làm như vậy, người dân ở vùng Boston cũng đã xuống đường biểu tình phản đối. Những cuộc tuần hành này có thể được coi là phong trào chống vắc-xin đầu tiên ở Mỹ.
Để chống lại làn sóng đó, Boylston đã lấy gia đình mình làm gương, ông đã thực hiện thủ tục xát mủ đậu mùa lên chính con trai mình và hai nô lệ trong nhà. Thật không may, nó đã khiến vị bác sĩ bị tống giam với cáo buộc truyền mầm bệnh một cách liều lĩnh cho người khác.
Kết quả của chiến dịch tiêm chủng đậu mùa đầu tiên tại Mỹ do Mather và Boylston khởi xướng về mặt nào đó rất tệ nhưng nó đã khiến nhiều người sáng mắt. Cuối cùng, chỉ có 248 người trong tổng số 11.000 cư dân của thành phố được chủng ngừa. Thế nhưng, trong số 248 người này, chỉ có 6 người chết, tỷ lệ là 1/40. Đối với phần còn lại của Boston, tỷ lệ tử vong là 1/7, với 844 người chết vào cuối đợt dịch.
Các tài liệu ghi chép lại không nói rõ đóng góp của Mather sau đó có được công nhận hay không, nhưng vào năm 1724, nghĩa là 3 năm sau trận dịch, ông được bầu vào Hiệp hội Hoàng gia ở London. Hai năm sau đó, Mather tiếp tục sự nghiệp của mình cho đến khi ông mất vào năm 1728.
Nhiều năm sau, một loạt các nhà tư tưởng người Mỹ mới bày tỏ lòng kính trọng đối với Mather, tuyên bố họ mắc nợ ông. Họ là những người như: Henry Thoreau, Ralph Waldo Emerson, Nathaniel Hawthorne, Henry Wadsworth Longfellow và James Russell Lowell.
Trái lại, người nô lệ Châu Phi của Mather, Onesimus rất ít khi được biết đến. Những tài liệu hiếm hoi cho thấy anh ta đã mua lại tự do của mình từ Mather. Số phận của Onesimus sau đó không rõ ràng. Mather là một người rất mê viết nhật ký nhưng sau khi nô lệ của mình ra đi, anh ấy không còn đề cập đến Onesimus một lần nào nữa. Đây là dấu hiệu cho thấy người nô lệ đã không bao giờ quay trở lại.
Thay vào đó, có rất nhiều phỏng đoán: Onesimus có thể đã kết hôn vào thập niên 1720, có ít nhất ba đứa con trong khoảng những năm 1730 đến 1734. Anh ta có thể là một trong những người da đen được chọn để sửa chữa đường cao tốc vào năm 1725, và năm 1738.
Anh ta có thể đã sống và làm công việc sửa chữa đường cao tốc trong hơn 20 năm sau khi mua lại được tự do cho mình. Hoặc cũng có thể tất cả những phỏng đoán trên đều sai, những người đàn ông có vóc dáng giống Onesimus được nhận diện là anh ta sau này thực ra là một người da đen khác.
Đối với bệnh đậu mùa, đến năm 1796, một bác sĩ tên là Edward Jenner đã phát triển một loại vắc-xin ít nguy hiểm hơn so với thủ thuật xát mủ. Kể từ đó, nó bắt đầu được chấp nhận và bệnh đậu mùa tại Mỹ đã bị đẩy lùi.
Trong những năm gần đây, cùng với phong trào Black Matter tại Mỹ, ngày càng có nhiều động thái ủng hộ Onesimus vì sự đóng góp của anh cho vấn đề tiêm chủng ở Boston, và Hoa Kỳ. Năm 2016, anh được bầu chọn là một trong số 100 người Boston vĩ đại nhất mọi thời đại.
Tuy không nhận được sự tín nhiệm như Mather và Boylston có được, người nô lệ Onesimus năm nào ít nhất cũng sẽ không bị lãng quên khi là người đầu tiên dạy cho nước Mỹ một phương pháp tiêm phòng đậu mùa.
Tham khảo Qz
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng