Có gì bên trong 'ngôi mộ hạt nhân' - Nỗ lực đầu tiên của nhân loại nhằm xử lý chất thải phóng xạ trong 100.000 năm
Bảo Nam,
Chuyến tham quan sẽ đưa bạn xuống sâu 400 mét dưới lòng đất, nơi những thùng chất thải phóng xạ sẽ được chôn vùi và tự phân hủy trong suốt 100.000 năm tới.
Thế giới có một vấn đề lớn về chất thải hạt nhân. Hàng trăm nghìn tấn chất thải đã được sản xuất ra mà không có nơi nào đủ tốt để lưu trữ chúng. Thông thường, chúng được cất trữ trong các cơ sở tạm thời. Và hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng cần phải có một giải pháp an toàn, lâu dài cho vấn đề này.
Phần Lan đang trên đà biến điều đó thành hiện thực, thậm chí đi trước cả các quốc gia như Trung Quốc, Mỹ và Anh để tạo ra ngôi mộ vĩnh viễn và đầu tiên trên thế giới cho chất thải phóng xạ.
Mang tên gọi Onkalo, nó là một địa điểm rộng lớn, với gần 5 km đường hầm dài đi sâu vào lòng đất tới 400 mét. Nhiệm vụ của nó rất đơn giản, đó là một nơi để đặt chất thải hạt nhân, cách xa mọi người, và quá trình tự phân hủy của chúng sẽ không bao giờ bị ai xáo trộn.
Nhưng điều đó có nghĩa là nó cần tồn tại khoảng thời gian 100.000 năm và con người chưa bao giờ phải lên kế hoạch cho một thứ gì đó có thể tồn tại lâu tới như vậy. Nhưng Onkalo vẫn ra đời, kết quả của gần 20 năm xây dựng không ngừng nghỉ. Nó có giá trị ước tính 3,5 tỷ euro (khoảng 3,7 tỷ USD) khi được lấp đầy toàn bộ các chỗ trống.
Hệ thống này bao gồm một nhà máy nơi các chất thải hạt nhân sẽ được bao bọc trong các thùng làm bằng sắt và đồng để bảo quản. Tiếp đó là 4,8 km đường hầm xoắn ốc, đi sâu vào lòng đất khoảng 400 mét. Nó cũng có một trục thang máy chạy thẳng từ trên xuống. Cùng với đó là một tổ hợp các đường hầm phụ, nơi chất thải hạt nhân sẽ bị chôn và bịt kín vĩnh viễn.
Cơ sở này có mục đích chứa khoảng 3.250 các hộp lớn, mỗi hộp dài khoảng 3 mét hoặc hơn. Số lượng chất thải mà nó có thể lưu trữ rơi vào khoảng 6.500 tấn nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Posiva, công ty điều hành Onkalo, ước tính rằng các đường hầm sẽ đầy trong khoảng 100 đến 120 năm.
Các kỹ sư tự tin rằng họ đã nghĩ về mọi khả năng khả thi. Thậm chí đó có thể là các trận động đất hoặc núi lửa. Tuy nhiên, họ cho biết rằng sự kiện lớn được dự đoán tiếp theo là kỷ băng hà - vào khoảng 50.000 năm nữa. Khi đó, nước sẽ ngập mặt đất, gây ra áp lực lớn và cả động đất.
Nhưng ngay cả sau đó, địa điểm này sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể. Và ngay cả trong trường hợp không chắc chắn, khi các hạt phóng xạ được giải phóng vào môi trường, tính toán của đơn vị điều hành Posiva cho thấy rằng đến lúc đó, rủi ro đối với con người và môi trường sẽ vẫn còn rất nhỏ. Tuy nhiên Posiva sẽ chỉ chịu trách nhiệm về hệ thống này cho đến khi nó bị đóng cửa, tức là trong 100 năm tới.
Nhiều quốc gia khác đã và đang cố gắng xây dựng hệ thống chứa chất thải hạt nhân của riêng mình. Trung Quốc gần đây đã bắt đầu thử nghiệm xem liệu họ có thể xây dựng một cơ sở xử lý địa chất ở sa mạc Gobi vào năm 2050 hay không. Còn Mỹ và Anh chậm hơn Phần Lan khoảng 20 đến 30 năm, vì họ thậm chí còn chưa chọn được địa điểm nào.