Có nên sử dụng modem kết hợp router Wifi của nhà cung cấp dịch vụ internet?
(GenK.vn) - Nhiều nhà cung cấp dịch vụ internet hiện nay thường trang bị cho khách hàng 1 modem kiêm luôn chức năng router (bộ phát WiFi). Vậy chúng ta có nên sử dụng luôn thiết bị này hay mua router riêng?
Hiện nay, nhiều nhà cung cấp dịch vụ internet thường cung cấp cho khách hàng của họ 1 modem kiêm luôn chức năng router. Với thiết bị này, bạn không cần phải mua thêm router ngoài để phát WiFi. Tuy nhiên, so với bộ phát WiFi riêng thì modem kiêm router mà nhà mạng cung cấp có một số điểm khác biệt. Vậy những khác biệt đó là gì, và người dùng có nên sử dụng thiết bị đi kèm này hay sắm router riêng cho mình?
Lợi ích của modem kết hợp router
Trong cách hiểu của hầu hết của nhiều người dùng, modem kiêm chức năng phát WiFi đồng nghĩa với việc họ không phải tốn thêm tiền mua bộ phát WiFi riêng. Trong khi đó, thiết bị này cũng giúp ích cho nhà cung cấp dịch vụ. Nhiều người dùng không rành kĩ thuật khi sử dụng router riêng thường gặp khó khăn trong việc thiết lập WiFi, và nhà cung cấp thường bị gọi điện "làm phiền" để giúp đỡ khách hàng.
Việc modem kiêm chức năng phát WiFi cũng mang lại nhiều lợi ích trong nhiều trường hợp. Vì sao lại phải phân chia 2 chức năng này ra cho 2 thiết bị, trong khi trong nhiều trường hợp router và modem thường không phải lúc nào cũng "giao tiếp" tốt với nhau (xung đột IP). 2 thiết bị đồng nghĩa với việc căn phòng bạn cũng bị chiếm nhiều diện tích hơn, dây rợ lằng nhằng hơn. Tất nhiên, như đã nói, với 2 thiết bị thì chắc chắn bạn cũng sẽ tốn tiền hơn.
Modem kiêm router được nhà cung cấp dịch vụ internet phát cho bạn, do đó nếu có vấn đề gì, bạn có thể nhờ họ khắc phục hộ, thay vì tự bạn phải mất công mày mò tìm lỗi.
Lợi ích của router riêng
Tuy nhiên, router ngoài có những ưu điểm mà chiếc modem/router của nhà cung cấp dịch vụ không có được. Và đó là lý do nhiều người vẫn lựa chọn giải pháp này để thiết lập mạng WiFi thay vì sử dụng modem. Một trong số các lý do có thể là ở tốc độ. Nhiều người dùng muốn được trải nghiệm WiFi chuẩn 802.11ac, trong khi đó thiết bị của nhà mạng cung cấp không đáp ứng được yêu cầu này. Hay nhiều người sẽ muốn được sử dụng các tính năng cao cấp mà chỉ bộ phát WiFi rời mới có, như quality of service (QoS) giúp ưu tiên băng thông cho 1 ứng dụng nào đó. Cũng có nhiều người lại thích "vọc vạch" để cài phiên bản firmware OpenWrt vốn cung cấp nhiều tùy chỉnh mà modem/router của nhà mạng không thể có được. OpenWRT thực chất là một bản phối Linux đầy đủ, cho phép bạn biến router của mình thành một máy chủ siêu nhỏ.
Cách sử dụng router ngoài
Nếu bạn được nhà cung cấp dịch vụ internet phát cho thiết bị modem/router nói trên, nhiều khả năng thiết bị đó có tính năng cho phép vô hiệu hóa chức năng router. Sau khi vô hiệu hóa, bạn có thể kết nối router ngoài của mình với modem bằng 1 sợi cáp Ethernet qua cổng LAN. Lúc này, router sẽ được modem cấp cho 1 IP công cộng để 2 thiết bị giao tiếp với nhau.
Ngay cả khi bạn không thể vô hiệu hóa chức năng router trên modem, bạn cũng có kết nối router với modem qua cổng LAN như thông thường để tạo mạng WiFi riêng. Router lúc này sẽ được cấp cho 1 IP nội mạng (local) từ modem. Như vậy lúc này trên thực tế bạn có tới 2 mạng nội bộ - 1 mạng nội bộ của router rời và 1 mạng nội bộ của modem/router.
Có nên dùng router ngoài?
Rõ ràng mỗi loại thiết bị đều có ưu và nhược riêng của nó, vì thế lựa chọn giải pháp nào sẽ tùy thuộc vào nhu cầu của bạn. Nếu bạn hài lòng với những gì mà thiết bị modem kiêm router của nhà cung cấp mang lại, đồng thời bạn cũng không cần các tính năng chỉ có trên router riêng, thì bạn không cần phải tốn thêm tiền làm gì. Thiết bị này cũng dễ dàng hơn trong việc cài đặt và sử dụng. Và ngược lại, nếu bạn hứng thú với các tính năng mà router ngoài mang lại, cũng như muốn tận hưởng WiFi chuẩn AC tốc độ cao, thì bạn cần tìm đến 1 bộ router cho riêng mình.
Tham khảo: Howtogeek
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng