Có thể bạn không tin nhưng có đến 1/3 phần mềm vẫn được bán qua hộp đóng gói đấy
Kỳ lạ hơn khi hầu hết các hộp phần mềm đó đều rỗng.
Tháng Ba năm 1989, nhà khoa học người Anh Tim Berners-Lee viết một tài liệu mô tả cách thức mới để chia sẻ thông tin trên internet. Lúc đó, cấp trên của ông nghĩ rằng nó quá “mơ hồ, nhưng rất phấn khích” và cho phép ông nghiên cứu tiếp về nó, và sau này nó đã trở thành World Wide Web.
Nhưng ba thập kỷ sau, trong một thế giới với các kết nối internet có tốc độ lên tới gigabit và mức giá hợp lý, chúng ta vẫn lựa chọn mua phần mềm trong các hộp đóng gói vật lý thay vì tải xuống nhanh chóng từ trên web. Dường như nguyên nhân chính là vì, cho dù sống trong một thế giới kết nối từ nhiều thập kỷ nay, rất nhiều người vẫn không đủ tin tưởng vào internet để mua một phần mềm mà họ không thể chạm vào.
Vẫn còn những người mua phần mềm đóng trong hộp sao?
Ngày nay, khoảng 1/3 doanh số phần mềm vẫn bán qua các hộp vật lý. Thậm chí còn có những công ty cho biết, doanh số bán hàng bằng cách đóng gói vật lý còn chiếm từ 30 đến 40% doanh thu toàn cầu của họ. Doanh số chính xác nhất về việc bán phần mềm trong hộp đóng gói đến từ báo cáo sơ bộ của Electronics Arts trong quý 3 năm 2016. Phần “Hàng hóa được đóng gói”, bao gồm cả game cho máy chơi game console, thiết bị di động và PC mang lại doanh thu ròng tới 332 triệu USD. Và nó chiếm đến 37% tổng doanh thu ròng của công ty.
Khi được trang Motherboard phỏng vấn về lý do chọn mua phần mềm được đóng gói trong hộp, một số game thủ trả lời rằng, họ làm như vậy vì muốn một thời gian sau có thể bán lại game đó cho người khác, trong khi một số khác lại quan tâm đến việc sưu tầm chúng. Cũng có những khách hàng có đường internet chậm và gói dữ liệu giới hạn, do vậy với họ, các hộp đóng gói là tiện lợi nhất. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các trò chơi đều yêu cầu những lần cập nhật dung lượng lớn, ngay cả khi họ mới khởi động.
Với công ty phần mềm đồ họa Corel Company, một trong các công ty có tỷ lệ bán phần mềm được đóng gói thấp nhất trong số các công ty mà Motherboard phỏng vấn chỉ có 20% doanh thu từ mảng kinh doanh này. Tuy nhiên, vẫn có nhu cầu cao cho các sản phẩm vật lý trong kênh bán lẻ và bán buôn, tại đây những chiếc hộp này đã mang lại một nửa doanh thu cho công ty. Về cơ bản, nó như một hình thức quảng cáo. Nếu một công ty không có đóng gói vật lý, họ không thể có một chỗ trên kệ để hàng, nơi có đông khách hàng qua lại.
Nói chung, những người tiêu dùng cá nhân có xu hướng mua nhiều phần mềm được đóng gói hơn doanh nghiệp, vốn thường mua theo số lượng lớn.
Các phần mềm được đóng gói như thế nào
Trong khi Corel vẫn đưa đĩa DVD vào trong hộp sản phẩm của mình, vẫn có những công ty không làm như vậy, như nhà cung cấp phần mềm chống virus Kaspersky Lab. “Phần lớn các hộp của chúng tôi là rỗng. Nếu bạn mở hộp ra, bạn có thể thấy một mã kích hoạt và một đường link để tải xuống phần mềm.” Sergey Fedorov, người đứng đầu bộ phận bán lẻ tại Kaspersky cho biết.
Phần lớn các hộp đóng gói này hầu như rỗng, chỉ có một mảnh giấy nhỏ bên trong với một đường link download và mã kích hoạt. Các công ty bán phần mềm theo cách này cho biết, việc gửi cho khách hàng đĩa DVD giờ là điều vô ích, khi một chiếc laptop mới thường không có ổ đọc đĩa quang nữa. Ngay cả khi các công ty bán nội dung truyền thông vật lý, người dùng vẫn sẽ cần phải tải xuống phiên bản mới nhất của phần mềm, cũng tương tự như trường hợp với người dùng không có ổ đĩa quang.
Công ty cũng thử tìm hiểu xem những ai mua phần mềm trong các hộp đóng gói. Họ nhận ra rằng phần lớn những người mua các hộp đóng gói khi họ mua một chiếc máy tính mới. Dường như mua thêm một sản phẩm thực sẽ làm họ cảm thấy mình có giá trị tốt hơn về đồng tiền của mình. Sau đó, người dùng thường gia hạn giấy phép của mình qua web trực tuyến.
Theo Motherboard, các công ty mà họ phỏng vấn đều cho biết, họ sẽ hạnh phúc hơn nếu loại bỏ được những chiếc hộp đóng gói và bán phần mềm hoàn toàn kỹ thuật số, do những sản phẩm thực có thể gặp phải một số thách thức về giao nhận và môi trường. Tuy nhiên, thay đổi thói quen của mọi người cần thời gian và sự nỗ lực, vì vậy họ đang cố sáng tạo lại ý tưởng về việc đóng gói phần mềm trong hộp.
Ví dụ, Kaspersky đang thử nghiệm các cách mới để đưa phần mềm của họ tới khách hàng, như in các mã kích hoạt lên hóa đơn, vốn nhỏ hơn và dễ dàng hơn so với các hộp đóng gói.
Microsoft đang cố cải thiện cách đóng gói bằng hộp này để nó ít tác động tới môi trường nhất, và phát hành một bộ các nguyên tắc thiết kế, bao gồm cả việc làm những chiếc hộp nhỏ hơn và sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường hơn. “Trung bình, khoảng 70% giấy bìa chúng tôi sử dụng chứa các loại vật liệu đã được tái chế và nhựa được sử dụng ít hơn 4% tổng lượng vật liệu đóng gói.” Báo cáo của Microsoft cho biết.
Tại sao họ lại muốn mua phần mềm được đóng gói trong hộp?
Theo Deborah MacInnis, chuyên gia về hành vi tiêu dùng tại Đại học Nam California cho biết, nỗi sợ có lẽ là một trong những nguyên nhân cốt lõi cho hiện tượng mua phần mềm trong các hộp vật lý như vậy. “Họ sợ rằng điều gì đó sẽ hoạt động sai và người tiêu dùng sẽ cần phải chứng minh rằng họ đã thực sự mua sản phẩm đó.” Bà cho biết.
Một lời giải thích khác cho rằng nó đến từ sự tự tin của người dùng về khả năng cài đặt phần mềm của họ. “Họ muốn có mã key được viết riêng cho mình, bởi vì nó mang lại một cảm giác về sự tự tin và bảo mật trong trường hợp họ cần nó vào một ngày nào đó trong tương lai.” Bà cho biết thêm.
Vì vậy, bạn đừng lấy làm lạ vì sao bạn vẫn thấy ai đó đặt mua phần mềm được đóng gói dưới dạng hộp đóng gói – vẫn còn rất nhiều người không tin tưởng vào internet, hay họ không thể truy cập tải xuống với tốc độ cao.
Tuy nhiên trong những năm qua, các hộp này đã giảm dần độ phổ biến, và dựa trên điều đó, người ta có thể giả định rằng các khách hàng đang quen dần với việc mua những phần mềm đó qua web. Nhưng với việc ngày càng nhiều người có internet tốc độ cao, sẽ cần đến một hạ tầng internet khổng lồ mà không thể có giải pháp nào khác. Cho đến khi có giải pháp nào đó, phần mềm bán qua hộp, dù chỉ là hộp hầu như rỗng vẫn là một giải pháp tối ưu.
Tham khảo Motherboard
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng