Có vô vàn ưu điểm nhưng vì sao công nghệ BOOST của adidas lại đang đi đến thoái trào?

    Long.J,  

    Cùng tìm hiểu vì sao sự đột phá mang tính thể kỷ trong công nghệ bộ đệm giày của adidas - BOOST, lại đang đi đến thoái trào. Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề từ nhiều phía, và bài viết này sẽ cho bạn biết lý do.

    Không thể phủ nhận, công nghệ BOOST chính là yếu tố chính giúp adidas vực dậy vị thế đã mất trong quá khứ.

    Vào tháng 2/2013, lần đầu tiên adidas giới thiệu BOOST, một công nghệ bộ đệm hiện đại bậc nhất giúp adidas dần vực dậy vị trí của mình trước những đối thủ "truyền kiếp".

    Nhưng không phải ai cũng biết rằng, adidas không phát minh ra BOOST. Công nghệ này ban đầu do công ty hóa chất BASF (Badische Anilin & Soda-Fabrik) có trụ sở tại Đức phát minh. Và adidas đã nhanh tay "xí" được công nghệ này bằng rất rất nhiều tiền.

     adidas Superstar BOOST

    adidas Superstar BOOST

    Ban đầu, BOOST chỉ được trang bị trên các phiên bản giày chạy bộ ở phân khúc cao cấp. Dù rằng êm ái, mềm mại, đàn hồi tốt nhưng ở thời điểm đó BOOST chưa ngay lập tức nhận được phản hồi tích cực. Lúc đó, khách hàng chỉ muốn một bộ đệm mỏng, nhẹ, sao cho có cảm giác như "đi chân đất".

    Tuy vậy, chẳng mất quá nhiều thời gian để BOOST chứng tỏ được sức mạnh của mình. Thế giới dần dang tay đón nhận công nghệ mới mẻ này và khẳng định rằng đây là bộ đệm có hiệu năng tốt nhất hiện giờ.

    Đây là một nước cờ mạnh mẽ của adidas, đưa thương hiệu "ba vạch" trở lại đúng tầm cao của mình sau nhiều năm tháng "ngậm ngùi" trước sự thống trị của Nike.

     adidas Energy BOOST 3.0

    adidas Energy BOOST 3.0

    Tua nhanh đến năm 2017, dù bạn có đi đến đâu, những đôi giày mang công nghệ BOOST có mặt ở mọi nơi.

    Mọi nghi kỵ và châm biếm công nghệ BOOST chẳng khác gì "xốp hay bọt biển" (styrofoam) đã tan biến. Từ khi BOOST xuất hiện, khách hàng đã thực sự chú trọng đến độ êm ái của đôi giày hơn bao giờ hết.

    Chẳng có gì ngạc nhiên khi adidas trang bị công nghệ tiên tiến này lên gần như tất cả những mẫu giày 'hot' của hãng. Từ UltraBOOST, Yeezy, NMD... gần đây hơn là Stan Smith, EQT và thậm chí là cả Superstar.

    Chỉ trong vài năm, công nghệ BOOST đã kéo lại tiếng tăm và thị trường cho adidas. Tuy nhiên, nếu xét trên khía cạnh lâu dài: liệu 20 năm nữa, tất cả những phiên bản giày có BOOST còn được "nóng sốt" như bây giờ nữa không?

    Có phải adidas đang lạm dụng công nghệ BOOST?

    Sẽ rất khó để phủ nhận vị trí độc tôn về hiệu năng và sự êm ái của BOOST. Dù Nike mới cho ra mắt Air VaporMax, với công nghệ AirMax mới nhất (loại bỏ các trụ TPU, 100% là khí). Nhưng Nike sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều để đưa ra công nghệ nào đó vượt mặt được BOOST.

     Bộ đệm AIRMAX mới nhất trên Nike Vapor Max vẫn chưa thể bì kịp BOOST

    Bộ đệm AIRMAX mới nhất trên Nike Vapor Max vẫn chưa thể bì kịp BOOST

    Tuy nhiên, hãy đồng ý với nhau rằng: Nếu chỉ mua giày vì nó êm và thoải mái, nền công nghiệp sneakers đã không tồn tại và phát triển như ngày nay. Những yếu tố khác như: giá cả, thiết kế, tính lịch sử... cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc bạn chọn mua một đôi giày.

     adidas Stan Smith BOOST

    adidas Stan Smith BOOST

    Chưa kể tới việc, những đôi giày mang công nghệ BOOST khá đắt so với mặt bằng chung. Thêm nữa, BOOST không được tạo ra bởi đội ngủ adidas, thay vào đó, nó được mua lại qua quan hệ đối tác với công ty hóa chất Badische Anilin & Soda-Fabrik của Đức và mang cái tên ban đầu: Infinergy (Infinity Energy).

    Tất tần tật, từ chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D), giấy phép sử dụng, độc quyền công nghệ... Nói chung, adidas đã phải trả một cái giá khổng lồ để có được nó, điều này khiến người tiêu dùng chịu thêm rất nhiều mức phí cho mỗi đôi giày được trang bị BOOST.

    Một ví dụ điển hình: adidas Stan Smith - đôi giày thời trang huyền thoại, dễ mang dễ mặc, giá cũng rất dễ chịu, chỉ khoảng 60 - 74 USD. Khi được nâng cấp bộ đế BOOST, phiên bản Stan Smith BOOST có giá bán lẻ 120 USD, gần gấp đôi phiên bản gốc.

    Đã là phiên bản nâng cấp, dĩ nhiên bạn sẽ phải chi trả nhiều hơn để sở hữu, nhiều hơn bao nhiêu thì chỉ adidas mới quyết định được. Tương tự như những phiên bản được nâng cấp thêm chất liệu dệt Primeknit cũng vậy, trung bình giá bị đội lên 20 USD.

     adidas Gazelle Primeknit

    adidas Gazelle Primeknit

    Nếu suy nghĩ theo tư duy của người làm kinh doanh, BOOST đã làm rất tốt khi đưa giá cổ phiếu và doanh thu của adidas lên mức cao chưa từng có kể từ 2016 đến nay.

    Chúng ta cần nhìn vấn đề xa hơn. BOOST tính tới hiện tại mới được 4 năm tuổi, nhưng nó đã trở nên quá phổ biến, có xu hướng bão hòa và có thể thấy rõ adidas đang "dựa hơi" quá nhiều vào BOOST.

    Khi mà BOOST đã trở thành một đặc điểm không mới và giá trị giảm dần theo thời gian, adidas chắc chắn sẽ mất những gì mà hãng đang có nhanh hơn là khoảng thời gian để gây dựng nên, nhất là khi thị trường sneakers ngày càng khốc liệt, người tiêu dùng lại luôn đòi hỏi những điều mới mẻ do tâm lý "cả thèm chóng chán".

    Thương hiệu "ba vạch" vẫn đang làm rất tốt, đến hang cùng ngõ hẻm của thời trang. Dù bạn có là một chàng nerd chẳng quan tâm đến ăn mặc và giày dép, những người xung quanh vẫn cứ ra rả nói về những Yeezy, UltraBOOST và các loại giày "20 triệu".

    Tuy nhiên, công nghệ hiện đại như BOOST hay Primeknit đã và đang làm mất đi những giá trị lịch sử đặc trưng từ quá khứ của các mẫu giày làm nên tên tuổi của adidas. Một người thực sự yêu thích và trân trọng những gì có tính dài lâu không cần gì đó quá hiện đại dưới chân mình, đường kim mũi chỉ, chất da lì, bền bỉ mới là thứ họ mong muốn.

    Từ khi có BOOST, không thể phủ nhận những giá trị to lớn mà adidas đã mang lại cho nền công nghiệp và văn hóa sneakers trên toàn thế giới. Có lẽ, adidas cần lắng nghe khách hàng nhiều hơn và nhận ra rằng, không nhất thiết phải lạm dụng BOOST nhiều như vậy. Cái gì quá nhiều cũng không tốt, mong rằng adidas sẽ sớm hiểu điều đó.

    Dù thế nào đi nữa, hãy cứ tận hưởng những gì tuyệt vời nhất mà BOOST đem lại.

    Theo Highsnobiety

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày