Con đường dẫn đến phá sản của người thách thức Tesla

    Đinh Vân, Theo Nhịp Sống Kinh Tế 

    Vào năm 2015, Faraday Future là một công ty khởi nghiệp sản xuất xe điện tại California, có nguồn vốn từ Trung Quốc và tham vọng chinh phục thế giới.

    Công ty này tập hợp được một đội ngũ nhân viên quản lý hùng hậu từ Tesla, Audi, Lamborghini, BMW, Ferrari, Volkswagen, Ford và Google, tất cả cùng hướng đến mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái xe điện tự động và kết nối rộng khắp.

    Ở thời điểm ấy chưa ai biết kế hoạch thực sự của Faraday Future là gì. Nhưng với 1500 nhân viên, hơn 100 nhân lực chuyển sang từ Tesla, và nắm trong tay thỏa thuận về một nhà máy trị giá 1 tỷ USD ở Nevada, Faraday Future đã sẵn sàng để hủy diệt Tesla.

    Nhưng đến năm 2018, Faraday Future đã đốt hàng tỷ USD và đang vật lộn để tồn tại. Tất cả khởi đầu và kết thúc đều là vì nhà sáng lập của công ty, Jia Yueting, một tỷ phú công nghệ, và chỉ diễn ra trong 3 năm ngắn ngủi.

    Con đường dẫn đến phá sản của người thách thức Tesla - Ảnh 1.

    Jia Yueting, hay YT như cách mà người ta gọi ông, bắt đầu sự nghiệp với vai trò một cán bộ thuế địa phương. Ông bỏ việc và mở rất nhiều công ty khác nhau từ than cho đến điện thoại di động. Và 20 năm sau, ông trở thành người giàu thứ 17 ở Trung Quốc với tài sản lên tới 7,3 tỷ USD.

    Thành công lớn nhất của YT là công ty truyền hình LeTV, bắt đầu cung cấp dịch vụ streaming video của mình vào năm 2004, 3 năm trước khi Netflix xuất hiện. Nhờ thành công của LeTV, YT còn mua lại và phát triển nhiều lĩnh vực kinh doanh khác như: điện thoại thông minh, TV, chương trình thể thao, sản phẩm tài chính, xe đạp thông minh, và thậm chí cả xe điện, tất cả đều dưới thương hiệu LeEco.

    Trong khi các hoạt động của LeEco có vẻ không liên quan, YT nhìn thấy một cơ hội mang lại cho người tiêu dùng mọi thứ mà họ muốn: một chiếc xe có thể tự lái đưa bạn đi mọi nơi, gọi điện cho người quen, tổ chức một cuộc họp hoặc xem thể thao, tất cả cùng trong một gói dịch vụ của LeEco.

    Vào năm 2014, YT lập ra Faraday Future tại California.

    Năm 2015, ông chỉ đạo một chiến dịch rầm rộ nhằm đem các sản phẩm của LeEco đến với nước Mỹ, mở một trụ sở rộng hơn 300 km2 ở San Jose, California, thuê hơn 300 nhân viên từ Thung lũng Sillicon, và mua lại nhà sản xuất TV Vizio của Mỹ với giá 2 tỷ USD.

    Con đường dẫn đến phá sản của người thách thức Tesla - Ảnh 2.

    Đến năm 2016, LeEco ra mắt chiếc smartphone đình đám của mình Le Pro 3 và Le S3, cùng một chiếc TV thông minh là EcoTV, với mục tiêu tranh giành thị phần với những người khổng lồ công nghệ như Apple và Google. Tuy nhiên không một nhánh kinh doanh nào mang lại lợi nhuận cho YT, trừ dịch vụ streaming LeShi (chính là LeTV trước đây).

    Vậy tiền đến từ đâu? Một phần từ chính YT, nhưng phần lớn là từ các nhà đầu tư Trung Quốc. Theo The New York Times, YT tìm nguồn tiền (hơn 2,1 tỷ USD) bằng 2 cách:

    - Thứ nhất: Ông thuyết phục các nhà đầu tư nhỏ lẻ nhờ hứa hẹn về tỷ suất lợi tức hấp dẫn và giấu giếm các rủi ro tiềm ẩn.

    - Thứ hai: Ông dựa vào các kênh cung cấp tài chính cùng hệ thống ngân hàng không chính thức ở Trung Quốc, nơi luật lệ gần như không tồn tại.

    Tất nhiên, khi YT không giữ đúng lời hứa, mọi chuyện vỡ lở. Vào tháng 4/2017, 37 đại diện của các doanh nghiệp nhỏ tổ chức biểu tình trong hành lang của LeEco, yêu cầu LeEco trả 10 triệu USD tiền nợ. LeEco đáp trả bằng cách lấp đầy hành lang bằng các chậu cây để các chủ nợ không tập trung ở đó được. YT lờ đi lệnh triệu tập của tòa án Trung Quốc vào năm 2017 và bay thẳng đến California. Nhưng hậu quả của những khoản nợ là quá lớn và Faraday Future cũng không thể cứu nổi YT.

    Future Faraday lúc đó rất cần tiền. Sau 3 năm, họ không có nổi chiếc xe nào để bán. Thậm chí nhân viên còn không có việc gì để làm. Vào năm 2018, Faraday Future cho nghỉ phần lớn các nhân viên và xin hỗ trợ tài chính. Đến tháng 10/2019, YT đệ đơn phá sản. Theo đó, họ chỉ có thể trả được 3 tỷ USD trong khoản nợ lên đến 6,6 tỷ USD.

    Câu chuyện về Faraday Future kết thúc với một niềm hy vọng mới. Ngày nay, Faraday Future vẫn tồn tại và tiếp tục nỗ lực tạo ra chiếc xe đầu tiên, FF 91. Họ có một CEO mới – Carsten Breitfeld – người đứng đầu chương trình BMW i và đồng sáng lập công ty xe điện Byton.

    Còn với YT thì sao? Ông vẫn sống trong một biệt thự ở California. Ông vẫn tham gia vào Faraday với tư cách nhân viên điều hành cấp cao phụ trách thiết kế, nhưng không còn là người cung cấp tài chính cho công ty. Trong một tuyên bố trên Twitter, YT xin lỗi về những sai lầm của mình. Ông cũng nói việc trở về Trung Quốc và trả hết nợ là cực kỳ quan trọng, ngang với việc giúp Faraday Future đi đến thành công.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày