Con người đã tiến gần hơn tới 'ô tô bay'

    Bảo Nam, Theo Trí Thức Trẻ 

    Một công ty Nhật Bản cho biết đã hoàn thành chuyến bay có người lái bằng thiết bị cất và hạ cánh thẳng đứng chạy điện của mình.

    Vào những năm 1880, chiếc ô tô đầu tiên được phát triển và khoảng hai thập kỷ sau, anh em nhà Wright ở Bắc Carolina đã phát minh ra chiếc máy bay thành công đầu tiên. Ngày nay, thế giới đang tiến gần hơn đến việc kết hợp hai khái niệm đó làm một, khi một công ty công nghệ Nhật Bản cho biết họ đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm có người lái của một chiếc "ô tô bay".

    Công ty SkyDrive cho biết cuối tuần trước họ đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm bằng "thiết bị thử nghiệm có người lái đầu tiên trên thế giới", mang mã hiệu SD-03. Đây là một phương tiện có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng (eVTOL). Công ty cho biết thời gian bay là 4 phút.

    Con người đã tiến gần hơn tới ô tô bay - Ảnh 1.

    Máy bay có một chỗ ngồi và hoạt động với tám động cơ cùng hai cánh quạt ở mỗi góc. Thiết bị đã được nâng lên khỏi mặt đất ở độ cao 3 mét và được vận hành bởi một phi công.

    Tomohiro Fukuzawa, CEO của SkyDrive, cho biết từ 5 năm trước đã xuất hiện nhiều nguyên mẫu ô tô bay khác nhau, nhưng thường là với cánh cố định. Còn sản phẩm của SkyDrive là một trong những nguyên mẫu có kích thước nhỏ gọn và nhẹ hơn so với các thiết kế khác.

    Nguyên mẫu ô tô bay của SkyDrive

    SkyDrive được mở ra vào năm 2012 bởi các thành viên của một tổ chức tình nguyện có tên là Cartivator. Công ty đã bắt đầu phát triển "ô tô bay" từ năm 2014, theo chia sẻ trên trang web chính thức. Năm nay, SkyDrive đã nhận được tài trợ từ Ngân hàng Phát triển Nhật Bản và các nhà đầu tư khác, theo đại diện công ty cho biết.

    Có một số công ty đang phát triển công nghệ tương tự, bao gồm Boeing và Airbus, cũng như các nhà sản xuất ô tô là Toyota và Porsche. Vào tháng 1, Hyundai và Uber thông báo họ đang hợp tác trên một mẫu taxi chạy bằng điện.

    Theo các nhà phân tích của Morgan Stanley thì họ kỳ vọng taxi hàng không cho đô thị sẽ phổ biến vào năm 2040, với thị trường toàn cầu được dự báo là 1.400 tỷ USD đến 2.900 tỷ USD vào thời điểm đó.

    Derya Aksaray, trợ lý giáo sư về kỹ thuật hàng không và cơ khí tại Đại học Minnesota, cho biết an toàn là một trong hai thách thức lớn ngăn cản công nghệ này được sử dụng rộng rãi.

    "Những phương tiện này cần phải xem xét môi trường của chúng, đánh giá tình hình và đưa ra hành động phù hợp", bà Aksaray nói. "Chúng không thể đợi một phi công hoặc một nhà điều hành ra lệnh. Chúng ta không thể chờ đợi loại quản lý vi mô trên dạng phương tiện này".

    Ngoài vấn đề an toàn, thách thức còn lại chính là thiết kế. Các phương tiện phải đủ mạnh để chở bất kỳ trọng lượng cần thiết nào, nhưng cũng phải đủ yên tĩnh để bay ở độ cao thấp.

    Ella Atkins, giáo sư kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Đại học Michigan, cũng bày tỏ nhiều quan điểm trái chiều về tính thực tiễn của eVTOL.

    "Chúng sẽ tiết kiệm năng lượng hơn trực thăng nhưng sẽ ít tiết kiệm năng lượng hơn ô tô vì chúng phải tự nâng bản thân", bà chia sẻ. "Từ góc độ chi phí, nó sẽ không thực tế khi dùng để đi đến cửa hàng tạp hóa."

    Giáo sư Atkins cho biết những cỗ máy này có thể phù hợp hơn với các khu vực vệ tinh của các thành phố hoặc quốc gia có địa hình phức tạp.

    "Những phương tiện này có thể cung cấp dịch vụ vận chuyển", Giáo sư Atkins nói thêm. "Những khu vực này có thể bỏ qua cả việc làm đường và sử dụng máy bay làm hình thức vận chuyển chính của họ."

    Con người đã tiến gần hơn tới ô tô bay - Ảnh 3.

    Còn theo ông Fukuzawa - CEO của SkyDrive - thì công ty có kế hoạch bắt đầu bán các phiên bản eVTOL hai chỗ ngồi vào năm 2023 với giá khoảng 300.000 đến 500.000 USD. Ông dự đoán giá sẽ giảm vào năm 2030.

    "Với bất kỳ công nghệ mới nào, ban đầu sẽ rất tốn kém", giáo sư Aksaray đồng tình.

    Bà cũng cho rằng không có khả năng người dân với thu nhập khiêm tốn có thể đủ khả năng chi trả một khoản chi phí cho thiết bị này trong vòng 20 năm tới.

    "Chúng ta đang ở giai đoạn gia nhập", bà nói. "Chúng ta không có sản xuất hàng loạt, sẽ cần phải giảm chi phí của tất cả quá trình phát triển, nghiên cứu, triển khai và sản xuất ở quy mô nhỏ."

    Tuy nhiên, theo giáo sư Aksaray thì loài người đang đứng trước bờ vực của một cuộc cách mạng di chuyển mới, gợi nhớ đến những cuộc cách mạng được tạo ra từ việc phát minh ra ô tô và máy bay trước kia.

    "Nếu điều này thành công", bà nói. "Tôi nghĩ điều đó chắc chắn sẽ tạo ra một phương tiện giao thông khác. Chúng ta sẽ được hưởng lợi rất nhiều thông qua việc giảm ùn tắc và khắc phục những hạn chế về địa lý của việc di chuyển trên mặt đất."

    Tham khảo NYTimes


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày