Công cụ tạo video AI từ văn bản Sora bị rò rỉ công khai khi đang thử nghiệm hạn chế: Nhóm nghệ sĩ nổi dậy nhận trách nhiệm, tố OpenAI 'chỉ chăm chăm làm PR'
Sora là công cụ tạo video bằng trí tuệ nhân tạo được OpenAI kỳ vọng sẽ thay đổi cách sản xuất nội dung trực quan
Sora, công cụ tạo video bằng AI đầy tham vọng của OpenAI, vừa trở thành tâm điểm tranh cãi khi một nhóm tự xưng là Sora PR Puppets công khai rò rỉ quyền truy cập vào nền tảng này. Nhóm tuyên bố hành động của họ nhằm chỉ trích OpenAI về việc ép buộc các nghệ sĩ làm việc không công và sử dụng họ cho mục đích PR. Vụ việc khiến chương trình thử nghiệm Sora phải tạm ngừng hoạt động chỉ sau ba giờ rò rỉ, đồng thời làm dấy lên những nghi vấn về cách OpenAI xử lý quan hệ với cộng đồng sáng tạo.
Rò rỉ quyền truy cập: Hành động phản đối hay phá hoại?
Sora là công cụ tạo video bằng trí tuệ nhân tạo được OpenAI kỳ vọng sẽ thay đổi cách sản xuất nội dung trực quan. Với Sora, người dùng chỉ cần nhập một đoạn mô tả ngắn, sau đó hệ thống sẽ tạo ra các video có độ dài 10 giây với độ phân giải lên tới 1080p. Công cụ này được đánh giá cao nhờ khả năng xử lý phong phú và linh hoạt, tạo ra các nội dung video mang dấu ấn đặc trưng của OpenAI.
Sora hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm hạn chế, với quyền truy cập được cung cấp cho một nhóm nhỏ nghệ sĩ, kỹ sư, và nhà nghiên cứu. OpenAI kiểm soát chặt chẽ quy trình thử nghiệm này: mọi video do Sora tạo ra đều cần được công ty phê duyệt trước khi công khai. Mục tiêu chính của giai đoạn thử nghiệm là cải thiện công nghệ, đảm bảo tính an toàn và hiệu quả trước khi ra mắt chính thức.
Tuy nhiên, vào ngày 7/8, nhóm Sora PR Puppets đã sử dụng các mã xác thực nội bộ để phát triển một giao diện trên nền tảng Hugging Face, cho phép bất kỳ ai cũng có thể truy cập vào Sora và tạo video. Chỉ trong vài giờ, hàng loạt video có watermark của OpenAI xuất hiện trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý lớn từ cộng đồng.
Theo nhóm này, hành động của họ nhằm vạch trần điều mà họ gọi là "chiêu trò PR" của OpenAI. Trong bài viết đính kèm trên Hugging Face, nhóm tuyên bố: "Hàng trăm nghệ sĩ đang làm việc không công, cung cấp báo lỗi và phản hồi sáng tạo cho một công ty trị giá 150 tỷ USD." Họ cho rằng chương trình thử nghiệm Sora không tập trung vào sự sáng tạo hay cải tiến công nghệ mà chỉ nhằm quảng bá hình ảnh của OpenAI.
Nhóm Sora PR Puppets tố cáo OpenAI gây áp lực lên những người tham gia thử nghiệm, yêu cầu họ xây dựng hình ảnh tích cực cho Sora mà không trả công xứng đáng. Họ cũng chỉ trích việc OpenAI kiểm soát nội dung một cách nghiêm ngặt, chỉ chọn một số ít nghệ sĩ để công khai các sản phẩm được tạo ra từ Sora.
"Chúng tôi không phản đối công nghệ AI trong nghệ thuật," nhóm viết. "Nhưng cách OpenAI triển khai chương trình này và cách công cụ được định hình trước khi ra mắt công chúng đang đi ngược lại với mục tiêu hỗ trợ nghệ thuật."
Trước các cáo buộc, OpenAI khẳng định rằng chương trình thử nghiệm Sora là hoàn toàn tự nguyện và nghệ sĩ không bị ép buộc phải cung cấp phản hồi. Một phát ngôn viên của OpenAI cho biết: "Chúng tôi đã và đang hỗ trợ các nghệ sĩ thông qua các khoản tài trợ, sự kiện, và các chương trình khác. Chúng tôi cam kết biến Sora trở thành một công cụ sáng tạo mạnh mẽ và an toàn."
Tuy nhiên, OpenAI cũng nhấn mạnh rằng người tham gia thử nghiệm cần tuân thủ các nguyên tắc "sử dụng có trách nhiệm" và không chia sẻ thông tin nội bộ khi Sora vẫn đang được phát triển. Điều này làm dấy lên câu hỏi: thế nào là "sử dụng có trách nhiệm," và những thông tin nào được coi là bí mật?
Không chỉ đối mặt với các vấn đề nội bộ, OpenAI còn phải cạnh tranh với các đối thủ mạnh như Stability AI hay Runway. Stability AI gần đây đã hợp tác với đạo diễn James Cameron, trong khi Runway ký kết thỏa thuận với hãng phim Lionsgate để phát triển mô hình video AI từ danh mục phim đồ sộ của hãng. Dù OpenAI đã trình diễn Sora tại các sự kiện lớn như Cannes, công ty vẫn chưa công bố một đối tác quan trọng nào.
Ngoài ra, Sora còn gặp phải các trở ngại kỹ thuật. Một trong những nhà phát triển chính của Sora, Tim Brooks, đã rời công ty vào tháng 10 để gia nhập Google. Các báo cáo cũng chỉ ra rằng Sora gặp khó khăn trong việc duy trì phong cách và đối tượng trong video, đồng thời mất nhiều thời gian xử lý hơn so với đối thủ.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng