Công ty bí ẩn tạo ra chip 7 nanômét cho Huawei: Vận hành hơn 10 nhà máy, mỗi tháng xuất xưởng hàng triệu con chip, founder là cha đẻ ngành bán dẫn Trung Quốc

    Vũ Anh,  

    Liệu Trung Quốc có thể tiến bộ và vượt qua Mỹ về mặt công nghệ hay không - câu trả lời hiện phụ thuộc vào công ty này!


      Tại một nhà máy rộng lớn phía đông Thượng Hải, nơi đầm lầy từ lâu đã được chuyển đổi thành các khu công nghiệp tỷ USD, nhà sản xuất chip tiên tiến nhất Trung Quốc đang nỗ lực chứng minh vị thế của mình.

      Semiconductor Manufacturing International Corporation, hay SMIC, đang sản xuất con chip có độ mỏng chỉ bằng 1/15.000 so với độ dày một tờ giấy. Chúng tích hợp đủ sức mạnh tính toán để tạo ra những tiến bộ như trí tuệ nhân tạo, mạng 5G và đây đích thị là một kỳ tích mà chỉ số ít công ty trên toàn cầu đạt được.

      Liệu Trung Quốc có thể tiến bộ và vượt qua Mỹ về mặt công nghệ hay không - câu trả lời hiện phụ thuộc vào SMIC - công ty được nhà nước hậu thuẫn hết mực. Hàng triệu con chip được sản xuất mỗi tháng, phục vụ toàn những tên tuổi lớn trong ngành như Huawei hay Qualcomm.

      Cho đến nay, SMIC vẫn chưa thể sản xuất chip tiên tiến như TSMC, song lại đang nỗ lực chạy đua một chip AI mới cho Huawei có tên Ascend 910C, dự kiến ra mắt trong năm nay.

      Đây là một trong những tham vọng AI của Trung Quốc. Nvidia có bí quyết tạo chip giúp đào tạo chatbot, song nếu Huawei, với sự giúp đỡ của SMIC, có thể sản xuất nhiều chip AI hơn, tác động của các lệnh hạn chế công nghệ Mỹ sẽ thuyên giảm.

      Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 6, Gina M. Raimondo, Bộ trưởng Thương mại, cho biết Mỹ dẫn đầu thế giới về AI và các hạn chế về công nghệ đang giúp duy trì vị trí dẫn đầu đó. “Chúng tôi đã bảo vệ, ở một mức độ lớn, công nghệ tinh vi nhất của mình”, bà nói.

      Theo The NY Times, Bắc Kinh đã đầu tư hơn 150 tỷ USD vào ngành công nghiệp chip, bao gồm một quỹ đầu tư trị giá 47 tỷ USD được công bố vào tháng 5 để thúc đẩy quá trình mở rộng nhà máy đáng kinh ngạc. Riêng SMIC vận hành hơn một chục cơ sở sản xuất chip, được gọi là fabs, trên khắp Trung Quốc và đang có kế hoạch hoặc xây dựng ít nhất 10 cơ sở nữa, theo Paul Triolo, một chuyên gia công nghệ tại Albright Stonebridge.

      SMIC, với gần 19.000 nhân viên, đã chi 4,5 tỷ USD trong nửa đầu năm nay. Trong số các nhà sản xuất chip theo hợp đồng, công ty chỉ đứng sau TSMC ở Đài Loan và Samsung ở Hàn Quốc về doanh số. Gần 4 triệu tấm wafer đã xuất xưởng trong nửa đầu năm. Mỗi tấm có thể được chia thành hàng trăm hoặc hàng nghìn con chip.

      Ông Triolo cho biết, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đã “buộc Trung Quốc và các công ty Trung Quốc phải cải thiện trên mọi phương diện”. Dù phải đối mặt với những rào cản lớn, song “họ đã đạt được những tiến bộ đáng kể để đạt được vị trí như hiện tại”.

      SMIC được thành lập tại phía đông Thượng Hải vào năm 2000 bởi Richard Chang, cha đẻ của ngành bán dẫn Trung Quốc. Để thu hút các kỹ sư nước ngoài, SMIC đã tạo ra một khu nhà ở có đủ trường học quốc tế và nhà thờ; thậm chí lôi kéo nhân tài của TSMC.

      SMIC đã xây dựng nhà máy mới với tốc độ chóng mặt và trở thành nhà máy đúc chip lớn thứ 3 thế giới. Một mức giá rẻ đã được đưa ra cho các công ty như Qualcomm, Broadcom và Texas Instruments. Năm 2004, công ty niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán ở New York và Hồng Kông.

      Mối quan hệ của SMIC với chính phủ Trung Quốc ngày càng chặt chẽ hơn theo thời gian. Các cổ đông lớn nhất của công ty — China Information and Communication Technology Group, Datang Holdings và China Integrated Circuit Industry Investment Fund — đều là công ty nhà nước. Đến năm 2015, khoảng một nửa số ghế trong hội đồng quản trị của SMIC đều do những người có quan hệ chặt chẽ với bộ máy nhà nước nắm giữ.

      Tuy nhiên, hỗ trợ của chính phủ không đồng nghĩa với 100% bảo hộ. Sau một loạt các đợt xây dựng quá mức, SMIC buộc phải bán đi một số cơ sở. Năm 2019, công ty cũng hủy niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán New York.

      Bất chấp các lệnh hạn chế, ngày nay, khách hàng Bắc Mỹ chiếm khoảng ⅙ doanh thu của SMIC. Nhà máy của công ty ở phía đông Thượng Hải, nơi sản xuất chip tiên tiến cho Huawei, nằm trong một khu phức hợp được kết nối với các nhà máy bán chip cho các công ty Mỹ. Theo số liệu của hải quan Trung Quốc, lượng nhập khẩu thiết bị sản xuất chip của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm nay đã tăng 53% so với cùng kỳ năm 2023.

      Galen Zeng, giám đốc nghiên cứu cấp cao tại IDC, một công ty nghiên cứu thị trường, dự toán rằng SMIC rất có thể sẽ tụt hậu so với các gã khổng lồ sản xuất chip quốc tế khác từ 3-5 năm ngay cả khi Trung Quốc sớm phát triển được các sản phẩm thay thế. Tuy nhiên, Dylan Patel, nhà phân tích trưởng tại công ty nghiên cứu SemiAnalysis, lại lạc quan rằng SMIC có thể sản xuất 1,2 triệu chip AI cho Huawei vào năm 2024.

      Tại một chợ điện tử ở Thâm Quyến vào tháng 4, John Wu, một nhà cung cấp của Huawei, cho biết chip AI của Huawei có số lượng hạn chế song ông vẫn tin tưởng rằng các công ty Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển và cạnh tranh mạnh mẽ.

      Trước đó, SMIC nổi lên như một vũ khí bí mật của Bắc Kinh trong việc phá vỡ những rào cản mà Mỹ đặt ra. Sự thành công của công ty trong việc cung cấp một vi xử lý tiên tiến, có kích thước 7 nanômét cho Huawei đã khiến cả Trung Quốc và phần còn lại của thế giới phấn khích.

      Thành tựu đó trở nên đáng kinh ngạc hơn khi SMIC bị áp đặt hạn chế từ phía Mỹ trong hơn một thập kỷ. Bộ Thương mại được cho là có quyền kiểm soát rộng lớn đối với việc mua sắm của công ty bất kỳ thiết bị hoặc phần mềm nào có nguồn gốc từ Mỹ song vẫn tiếp tục cấp phép cho các nhà cung cấp của SMIC, ít nhất là trong một số trường hợp.

      Câu hỏi đặt ra cho SMIC là liệu công ty, trong dài hạn, có thể sản xuất chip phức tạp theo quy mô lớn hay không. Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, người giám sát các hạn chế công nghệ của chính quyền Tổng thống Joe Biden cho rằng Trung Quốc thiếu khả năng sản xuất như vậy trên quy mô lớn, song các chuyên gia ngành công nghiệp, bao gồm Burn J. Lin, cựu Phó Chủ tịch TSMC, thì cho rằng Mỹ đang đánh giá thấp khả năng của đối thủ.

      Theo: The NY Times

      Tin cùng chuyên mục
      Xem theo ngày