Cú ngã 10 tỷ đô của Google hay pha "cắt máu" bản thân để cản bước Samsung?

    Bảo Nam; Thiết kế: Hoàng Anh,  

    Tại sao Google mua Motorola với giá 12,5 tỷ USD nhưng lại bán lại với giá 2,91 tỷ USD? Đằng sau thương vụ mua bán tưởng chừng lỗ vốn của gã khổng lồ công nghệ là cái tát đanh thép vào mặt Samsung, không phải một mà những hai phát.

    Cú ngã 10 tỷ đô của Google hay pha cắt máu bản thân để cản bước Samsung? - Ảnh 1.

    Ngày 15/8/2011, Google đã mua lại Motorola với mức giá 12,5 tỷ USD. Dưới danh nghĩa là một công ty con, Motorola sau đó đã cho ra mắt một số thiết bị điện tử và giới thiệu chúng ra thị trường. Tuy nhiên không có sản phẩm nào mang lại thành công cho Google. Đầu năm 2014, Google bán lại bộ phận di động của Motorola cho Lenovo với mức giá 2.9 tỷ USD. Nhìn qua, đây là một cuộc mua bán với khoản lỗ gần 10 tỷ USD.

    Nhưng hãy khoan. Trước khi đánh giá dựa trên các con số và dữ liệu, hãy nhớ Google là ai. Công ty công nghệ thuộc hàng top đầu của thế giới, với đội ngũ tư vấn và một loạt các chuyên gia hàng đầu, liệu có thể phạm phải một sai lầm đơn thuần đến như vậy. Khi đó, thời điểm năm 2011, Google đã định vị bản thân là một trong những cái tên nổi bập nhất trên thị trường điện thoại di động dù không thực sự sở hữu bất kỳ công ty sản xuất phần cứng nào.

    Trên thực tế, thỏa thuận mua bán trên là "một mũi tên trúng hai con chim".

    Cú ngã 10 tỷ đô của Google hay pha cắt máu bản thân để cản bước Samsung? - Ảnh 2.
    Cú ngã 10 tỷ đô của Google hay pha cắt máu bản thân để cản bước Samsung? - Ảnh 3.

    Đầu tiên, Google có được một loạt các bằng sáng chế thuộc sở hữu của Motorola. Thứ hai, gã khổng lồ này khiến cho các nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn, đang sử dụng hệ điều hành Android khác thấy trong cuộc chơi này, ai mới là ông chủ.

    Chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Forbes năm 2014, Don Harrison, người đứng đầu mảng mua bán và sáp nhập của Google khẳng định mua lại Motorola là một thương vụ "thành công". Cụ thể, Google bỏ ra 12,5 tỷ USD để mua toàn bộ tài sản của Motorola. Tuy nhiên, trong số này có khoảng 3 tỷ USD tiền mặt dự trữ của Motorola. Thương vụ mua lại cũng cho phép Google được chính phủ Mỹ miễn khoản thuế lên đến 1 tỷ USD năm 2011. Năm 2012, Google đã bán Motorola Home, một bộ phận chuyên về set-top box, cho công ty Arris với giá 2,35 tỷ USD. Sau đó Google bán tiếp bộ phận thiết bị cầm tay với giá 3 tỷ USD.

    Nói tóm lại, Google lỗ khoảng 3 tỉ USD chứ không phải con số gần 10 tỷ USD ban đầu. Nhưng chưa hết. Con số này trên thực tế là giá mua các tài sản bằng sáng chế của Motorola. Tại thời điểm giao dịch, đây là một món hời bởi trước đó Microsoft và Apple đã từng hợp tác để mua bằng sáng chế của Nortel với giá khoảng 4,5 tỷ USD. Và nếu đem đặt lên bàn cân, danh mục bằng sáng chế của Motorola rõ ràng phong phú và tốt hơn.

    Các chuyên gia thậm chí ước tính các bằng sáng chế của Motorola trị giá khoảng 5,5 tỷ USD, chưa kể giá trị của các phòng thí nghiệm, nghiên cứu đầy tiên tiến của công ty này mà Goolge cũng được hưởng trọn vẹn.

    Cú ngã 10 tỷ đô của Google hay pha cắt máu bản thân để cản bước Samsung? - Ảnh 4.
    Cú ngã 10 tỷ đô của Google hay pha cắt máu bản thân để cản bước Samsung? - Ảnh 5.

    Giờ, hãy nhìn vào mục tiêu thứ hai, liên quan nhiều tới một công ty đến từ Hàn Quốc.

    Năm 2011, Samsung đã có vị thế là một tập đoàn khổng lồ. Công ty này có 427.000 nhân viên, với doanh thu hàng năm vượt quá 270 tỷ USD. Tổng tài sản trị giá 600 tỷ USD, trải rộng trên 80 đơn vị kinh doanh. Trên danh nghĩa, Samsung và Google dường như là những đối tác và bạn hàng tốt nhất, cùng nhau nắm giữ và củng cố 81% thị trường smartphone sử dụng hệ điều hành Android.

    Nhưng vấn đề là Samsung bắt đầu thể hiện lòng tham của mình và muốn chiếm phần hơn. Để trở thành nhà sản xuất điện thoại và máy tính bảng lớn nhất, Samsung cần che giấu đi Android, giảm đi ảnh hưởng cũng như thành tựu của Google trên các sản phẩm do chính mình tạo ra. Công ty đã làm điều này bằng cách sử dụng TouchWiz, một giao diện độc quyền cho phép tô vẽ lên tất cả các khía cạnh cơ bản của Android, khiến người dùng không thể nhận ra sản phẩm của Google. Khi đó, trong con mắt người tiêu dùng thông thường, họ sẽ mua "một thiết bị của Samsung" và không nhận ra bất kỳ vai trò gì của Google trên đó.

    Sau đó mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Samsung bắt đầu làm giảm hiệu suất của Android bằng cách chuyển đổi phần lớn phần mềm, từ trình quay số điện thoại, lịch, ứng dụng email, danh bạ, trung tâm thông báo, trình phát nhạc và video, điều khiển giọng nói… thành các ứng dụng riêng của hãng. Tất nhiên, các ứng dụng này có chất lượng kém và làm lãng phí dung lượng thiết bị, khiến người dùng đánh giá tiêu cực.

    Samsung không dừng lại ở đó. Công ty đưa TouchWiz lên dòng SmartTV của mình, một thị trường còn mới mẻ và bắt đầu xây dựng cải thiện nó dưới cái tên Tizen, nhằm biến nó trở thành đối thủ của Android. Tới lúc này, Google buộc phải hành động.

    Cú ngã 10 tỷ đô của Google hay pha cắt máu bản thân để cản bước Samsung? - Ảnh 6.
    Cú ngã 10 tỷ đô của Google hay pha cắt máu bản thân để cản bước Samsung? - Ảnh 7.

    Về đối ngoại, Google tuyên bố có được hơn 20.000 bằng sáng chế về thiết bị di động và tuyên bố công khai thương vụ mua bán này sẽ không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ với các đối tác sản xuất điện thoại của họ, bao gồm cả Samsung. Thông báo này hết sức thành thật, cởi mở và đầy thiện chí.

    Tất nhiên, Google đã không mong đợi các đối tác tin tưởng hoàn toàn vào điều này. Thứ mà họ muốn là phản ứng của các công ty khác trước thỏa thuận mà mình vừa thực hiện. Bởi với nền tảng này, Google có thể sử dụng Motorola để làm bàn đạp, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh điện thoại di động của riêng mình và độc chiếm thị trường. Bởi so với các dòng điện thoại Android khác trên thị trường, Google có lợi thế về chi phí do không phải mua hệ điều hành cũng như tăng cường khả năng tận thu về sử dụng dịch vụ hay quảng cáo.

    Cú ngã 10 tỷ đô của Google hay pha cắt máu bản thân để cản bước Samsung? - Ảnh 8.

    Dù không cần phải nói ra một cách thẳng thừng, Google cũng qua đó mà lật những mở con bài của mình. Các nhà sản xuất điện thoại khác khi đó chỉ có hai lựa chọn. Một, nhìn Google xóa sổ các thiết bị cầm tay chạy hệ điều hành Android khác hoặc hai, ngoan ngoãn sử dụng sau đó trả phí và ngừng gây rối với Android. Các động thái đi kèm khi đó như tăng cường sản xuất dòng điện thoại Nexus, sản phẩm hợp tác sản xuất cùng một đối tác OEM hay giới thiệu Motorola Moto X và Motorola Moto G, đã minh chứng cho khả năng cũng như những gì Google có thể làm được.

    Gần như không có lựa chọn, Samsung buộc phải nhún nhường. Ngày 27/1/2014, Google và Samsung đã ký một thỏa thuận bằng sáng chế toàn cầu trên phạm vi rộng và có thời gian kéo dài một thập kỷ. Ẩn sau thỏa thuận đó là việc Samsung sẽ điều chỉnh TouchWiz, tập trung vào các ứng dụng Android cốt lõi và không sử dụng các chiêu trò để chèn ép hòng thay thế giao diện cũng như hiệu suất Android.

    Người đứng đầu nhóm bản quyền của Google chia sẻ khi đó: "Bằng cách làm việc cùng nhau trong một thỏa thuận như thế này, các công ty có thể giảm khả năng đưa nhau ra tòa và thay vào đó tập trung vào việc sáng tạo".

    Đạt được mục đích của mình, 2 ngày sau, Google tuyên bố bán bộ phận điện thoại di động của Motorola cho Lenovo. Điều này cho thấy cả hai thỏa thuận ký kết đã được thực hiện song song.

    Cú ngã 10 tỷ đô của Google hay pha cắt máu bản thân để cản bước Samsung? - Ảnh 9.

    Cùng một lúc, Samsung nhận hai nhát đánh đau. Thứ nhất, bất chấp việc có quy mô và thị phần trên thị trường di động khá lớn, Samsung vẫn phải đứng vào hàng. Công ty Hàn Quốc sẽ không còn cơ hội chèn ép trên thiết kế Android, loại bỏ và thay thế bằng các ứng dụng của mình. Thứ hai, tham vọng tạo ra một nền tảng mới Tizen thay thế Android trên các thiết bị như TV thông minh và thiết bị đeo cũng bị phá bỏ hoàn toàn. Bởi khi Android trở nên phổ biến trên các thiết bị cầm tay của Samsung trong tương lai, nó cần phải được chuyển đổi liền mạch sang các thiết bị khác của hãng. Cánh cửa vừa mở ra của Tizen cũng bị đóng sập ngay tại đó.

    Còn với người dùng, tất cả đều là tin tốt. Điện thoại của họ sử dụng, dù là đến từ nhà sản xuất nào cũng có thể dễ dàng cập nhật và trải nghiệm các phiên bản Android mới nhất, giúp thiết bị hoạt động nhanh và mượt mà hơn. Một số người có thể sẽ tiếc cho Google vì thương vụ mua bán "thua lỗ" với Motorola, nhưng ít ai hiểu ra rằng, đây là một "sai lầm huyền thoại", được tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới này tính toán từng ly từng tí mà không có một chút thua thiệt nào cho bản thân.

    Tham khảo Forbes, BGR


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày