Cú vạ miệng giá trăm tỷ USD của Jack Ma: Khiến Alibaba quay lại vạch xuất phát sau 24 năm, giá cổ phiếu giờ chỉ bằng lúc IPO, nhân viên 'lo lắng, bối rối'
Alibaba từng là cỗ máy bất khả chiến bại tại Trung Quốc, nhưng giờ bị sa sút đáng kinh ngạc vì Jack Ma.
Gã khổng lồ internet Trung Quốc Alibaba từng có vẻ như bất khả chiến bại. Bây giờ, “con cưng” của Jack Ma đang bị mắc kẹt trong một cuộc khủng hoảng.
Theo đó, Alibaba từng là động lực chính cho nền kinh tế tiêu dùng đang phát triển của Trung Quốc khi đi tiên phong trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến tại Trung Quốc. Qua nhiều năm, tập đoàn này cũng mở rộng sang lĩnh vực điện toán đám mây, siêu thị vật lý và giải trí kỹ thuật số.
Giờ đây, sức ảnh hưởng của Alibaba đối với mảng bán lẻ trực tuyến đang yếu đi. Trong những tháng gần đây, công ty mất đi một giám đốc điều hành lâu năm, trong khi kế hoạch tái cơ cấu nhằm vực dậy tập đoàn nhanh chóng gặp trở ngại. Điều đó xảy ra sau khi Alibaba chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chấn chỉnh quy định sâu rộng của Bắc Kinh bắt đầu từ ba năm trước.
Sau đợt tăng giá bùng nổ kể từ khi IPO năm 2014, cổ phiếu của Alibaba đã mất phần lớn giá trị và hiện giao dịch gần mức giá ngày IPO. Tuần trước, Alibaba thậm chí đã để mất danh hiệu công ty bán lẻ trực tuyến có giá trị nhất Trung Quốc vào tay PDD Holdings, công ty điều hành các nền tảng thương mại điện tử Temu và Pinduoduo.
Vey-Sern Ling, cố vấn cổ phần cấp cao tại Union Bancaire Privée cho biết: “Trước năm 2020, Trung Quốc là thị trường mà các nhà đầu tư toàn cầu không thể bỏ qua và Alibaba là cổ phiếu đầu tiên mua để tiếp cận Trung Quốc. Nhưng điều đó hiện tại không còn đúng nữa”.
Nhiều “tai ương” đã ập đến với Alibaba, chẳng hạn như việc Trung Quốc tạm dừng kế hoạch IPO của công ty liên kết công nghệ tài chính Ant Group vào năm 2020. Nhưng, bản thân Alibaba cũng có những thách thức riêng đối với hoạt động kinh doanh của mình.
Công ty đã thất bại trong việc đáp ứng nhu cầu của những người tiêu dùng Trung Quốc vốn hay thay đổi. Hiện họ bắt đầu chuyển việc mua hàng sang các nền tảng truyền thông xã hội và hạn chế chi tiêu khi nền kinh tế suy yếu trong ba năm qua.
Dĩ nhiên, Alibaba không ngồi im, họ cũng cố gắng tìm đủ mọi cách để đối phó với tình hình. Công ty đang tăng cường sáng tạo nội dung và phát trực tiếp, đồng thời cung cấp nhiều mặt hàng rẻ tiền hơn để đối đầu với các đối thủ cạnh tranh. Công ty dự định chia thành sáu đơn vị kinh doanh để tăng tính linh hoạt trong việc ra quyết định. Tuy nhiên, Alibaba vẫn phải đối mặt với nhiều trở ngại. Các đối thủ mới nổi ở trong nước rất nhanh nhẹn và quyết liệt, trong khi đó nền kinh tế Trung Quốc vẫn khá ảm đạm.
Sự nhầm lẫn về chiến lược
Được thành lập vào năm 1999 bởi Jack Ma, một cựu giáo viên tiếng Anh, Alibaba đã đạt được thành công nhờ tung ra một cổng bán lẻ trực tuyến kết nối người mua và nhà bán lẻ. Trong những năm qua, họ đã trở thành một gã khổng lồ về công nghệ, đầu tư vào các công ty khởi nghiệp cung cấp thực phẩm và chia sẻ chuyến đi cũng như các nền tảng video ngắn. Các chi nhánh của Alibaba còn bắt đầu làm phim ảnh, cung cấp các sản phẩm và khoản vay quản lý tài sản.
Vào cuối năm 2020, khi Alibaba dường như sắp đạt được thành công lớn nhất của mình – Ant được niêm yết công khai với trị giá hơn 34 tỷ USD – thì mọi thứ trở nên tồi tệ. Quy mô khổng lồ của Alibaba đã đặt họ vào tầm ngắm của các cơ quan quản lý Trung Quốc.
Đỉnh điểm là khi Jack Ma, người nổi tiếng với tính thẳng thắn, chỉ trích các cơ quan quản lý tài chính vì chậm thích ứng với xu hướng. Chỉ trong vài ngày, Bắc Kinh đã hủy bỏ đợt IPO của Ant. Vào năm 2021, chính quyền đã phạt Alibaba 2,8 tỷ USD với cáo buộc công ty này lạm dụng vị thế thị trường của mình để giữ lợi thế trên thị trường thương mại điện tử Trung Quốc. Alibaba cho biết sau đó họ đã chấp nhận hình phạt và hứa sẽ tăng cường hệ thống tuân thủ của mình.
Sau khi Alibaba công bố kế hoạch tái cơ cấu vào tháng 3, những tháng đầy biến động vẫn tiếp tục diễn ra sau đó. Đầu tiên, Daniel Zhang, người kế nhiệm Jack Ma, từ chức CEO và chủ tịch vào tháng 6, trao lại quyền điều hành cho hai đồng minh thân cận nhất của Jack Ma. Sau đó, ông đã từ chức người đứng đầu bộ phận điện toán đám mây của Alibaba vào tháng 9 trước sự hoang mang của các nhân viên.
“Bối rối, không chắc chắn, lo lắng”, một giám đốc điều hành cấp trung trong bộ phận đám mây của Alibaba cho biết về cả cảm giác của một số nhân viên.
Tăng trưởng doanh thu tại đơn vị đám mây — đơn vị lớn thứ hai sau bộ phận mua sắm nội địa — đã chậm lại do nền kinh tế trì trệ làm giảm nhu cầu. Alibaba đã từ bỏ kế hoạch tách đơn vị này sau khi bị ảnh hưởng bởi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ nhằm hạn chế quyền truy cập vào các chip hiệu suất cao nhất.
Alibaba cũng tạm dừng kế hoạch niêm yết đơn vị siêu thị của mình do điều kiện thị trường yếu.
Trong 6 quý tính đến tháng 9, Alibaba đã cắt giảm hơn 20.000 việc làm. Nhân viên cho biết, một số đơn vị kinh doanh đã áp đặt các biện pháp đánh giá hiệu suất chặt chẽ hơn và thúc đẩy nhân viên tập trung vào hiệu quả và lợi nhuận.
Nỗi lo mua sắm trực tuyến
Hoạt động kinh doanh chính của Alibaba, bán lẻ trực tuyến cũng vẫn chịu áp lực. Theo nhà nghiên cứu thị trường Insider Intelligence, thị phần của Alibaba trong lĩnh vực thương mại điện tử bán lẻ Trung Quốc đã giảm xuống còn khoảng 40%, giảm từ mức trên 80% khi công ty này IPO vào năm 2014.
Ngay cả khi vẫn là công ty dẫn đầu thị trường ở Trung Quốc, họ vẫn phải vật lộn để theo kịp thói quen tiêu dùng đang thay đổi của người Trung Quốc. Người mua thích mua hàng trong khi lướt mạng xã hội, điều này cho phép PDD có trụ sở tại Thượng Hải thu hút người tiêu dùng bằng sự kết hợp giữa hàng hóa giá rẻ và giải trí. Phần lớn tăng trưởng thương mại điện tử của Trung Quốc cũng chuyển sang các thành phố nhỏ hơn ở Trung Quốc, nơi các sản phẩm giảm giá của PDD có vị trí tốt hơn để xâm nhập. Dữ liệu của Insider Intelligence cho thấy PDD nắm giữ 17% thị phần.
Trong quý từ tháng 7 đến tháng 9, PDD đã tăng gần gấp đôi doanh thu, vượt xa mức tăng trưởng 9% của Alibaba.
Charlie Chai, nhà phân tích tại 86Research, cho biết giá thấp, trải nghiệm thân thiện với người dùng và dịch vụ khách hàng tốt là chìa khóa để thu hút người mua hàng, nhưng Alibaba trong những năm qua đã đi theo hướng ngược lại. Ví dụ: Alibaba đã có thời điểm tập trung vào việc bổ sung hàng hóa có thương hiệu vào thị trường Trung Quốc, trong khi giao diện ứng dụng và chính sách giảm giá ngày càng phức tạp.
Để cạnh tranh, Alibaba tại Trung Quốc đôi khi yêu cầu các nhà cung cấp phải giảm giá. Họ cũng đang sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để giúp các thương gia tạo ra nội dung, cố gắng làm cho nền tảng mua sắm chính của mình trở nên thú vị hơn.
Ở nước ngoài, Alibaba năm nay tung ra dịch vụ có tên AliExpress Choice để cạnh tranh với các trang mua sắm Temu và Shein. Choice cho phép các nhà cung cấp vận chuyển hàng hóa của họ đến Alibaba và nền tảng này xử lý các dịch vụ hậu cần và khách hàng.
Vào cuối tháng 11, sau khi báo cáo kết quả kinh doanh của PDD được công bố, chính các nhân viên của Alibaba cũng bày tỏ sự ngạc nhiên trước sự tăng trưởng của đối thủ cạnh tranh trên một diễn đàn nội bộ.
Sau đó, Jack Ma, người đã im hơi lặng tiếng suốt 2 năm nay đã ra mặt trả lời những tin nhắn như vậy. “Tôi tin chắc rằng Alibaba sẽ thay đổi và thích nghi. Tất cả các công ty vĩ đại đều được sinh ra từ khó khăn. Chúc mừng Pinduoduo vì những quyết định, sự thực thi và nỗ lực tuyệt vời của họ trong những năm qua. Bất kỳ công ty nào cũng có những ngày tháng vinh quang, rực rỡ của riêng họ nhưng người sẵn sàng thay đổi hướng tới tương lai hay những tổ chức sẵn sàng trả bất kỳ mức giá nào, chấp nhận hy sinh để tiến về phía trước mới là những người đáng được tôn trọng thật sự”.
Theo: WSJ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng