Cùng xem iFixit mổ bụng loa thông minh Google Home: Dễ tháo lắp và sửa chữa, nhưng vẫn còn một bí ẩn

    Nguyễn Hải,  

    Dễ tháo hơn hẳn so với đối thủ của mình Amazon Echo, nhưng bên trong Google Home còn một bí ẩn về sợi cáp kỳ lạ ở chân đế, có thể sẽ có một tính năng mới trong tương lai.

    Thành công về doanh số của chiếc loa thông minh Echo đã làm Google không thể ngồi yên. Và câu trả lời của họ là chiếc loa thông minh Google Home. Được trang bị ứng dụng trợ lý ảo Google Assistant, chiếc loa có thể làm việc với các thiết bị thông minh, hỗ trợ dịch vụ của Google và trả lời các câu hỏi hàng ngày của bạn.

    Nhưng liệu chiếc loa này có đủ sức đáp ứng cho tương lai mà bạn mong muốn hay cho một ngôi nhà thông minh mà mọi người mơ ước? Hãy cùng các kỹ sư của iFixit mổ xẻ ngôi nhà này (Google Home) để trả lời câu hỏi đó.

    Tổng quan về Google Home

     Google Home bên cạnh đối thủ của mình, Amazon Echo.

    Google Home bên cạnh đối thủ của mình, Amazon Echo.

    Chiếc loa độ rung cao (high-excursion speaker) với bộ điều khiển 2 inch, và bộ tản nhiệt thụ động kép cao 2 inch, đi kèm với chúng là các micro tầm xa. Đế có thể tùy chỉnh. Wifi chuẩn 802.11ac (2,4GHz/5GHz). Điều khiển bằng bề mặt cảm ứng.

     Cổng sạc ở dưới chân đế.

    Cổng sạc ở dưới chân đế.

    Hình ảnh X-quang bên trong Google Home


    Bước 1: Bắt đầu hành trình khám phá Google Home

    Phần đế chỉ được gắn bằng nam châm từ, nên việc tháo chúng ra rất đơn giản. Mục đích của Google là giúp người dùng có thể dễ dàng thay thế các đế với màu sắc khác nhau. Cũng là một cách để trở nên khác biệt với đối thủ Echo của Amazon.

    Tháo được phần đế và vỏ ngoài cũng cho phép chúng ta thấy được loa độ rung cao và một cổng lập trình micro-USB được giấu phía sau.


    Tháo bốn ốc vít Torx ẩn sâu trong các hốc loa, ta có thể nhẹ nhàng tháo được phần nắp trên của chiếc loa ra khỏi bộ máy bên trong. Cuối cùng vỏ nhộng đã được tách ra.


    Bước 2: Cánh tay đòn dưới nút Mute

    Hình ảnh này dễ làm chúng ta liên tưởng đến một chiếc máy điện báo tí hon bên trong chiếc Home. Trên thực tế, đây là một cánh tay đòn ở giữa nút Mute trên vỏ loa và công tắc trên bản mạch, được tạo ra với độ bền đàn hồi cao sau nhiều lần nhấn.


    Sau khi thử gửi đi vài tín hiệu, các kỹ sư iFixit tiếp tục tháo nối liền bản mạch chính với phần nắp loa. Đây chắc hẳn là cáp để kết nối với micro và mảng đèn LED ở phần nắp loa.


    Bước 3: Phần khó khăn nhất của hành trình, tháo bản mạch của phần nắp trên loa

    Để thực hiện chính xác thao tác này, các kỹ sư iFixit phải sử dụng đến túi gia nhiệt iOpener và chiếc nạy nha khoa. Bản mạch của micro được dính bằng keo rất chặt với phần nắp trên của Google Home.


    Sau khi sử dụng một lượng vừa đủ Isopropyl Alcohol để hòa tan một phần chất keo kết dính, và kéo mạnh, cuối cùng họ cũng tách rời được bản mạch của đèn LED. Đồng thời, nó cũng tiết lộ nguồn gốc của những khó khăn vừa qua, một lớp băng siêu dính bám trên bề mặt bản mạch.


    Bước 4: bản mạch cho mảng đèn LED và điều khiển cảm ứng chạm

    Bên dưới lớp keo siêu dính này là bản mạch điện dung, và bề mặt tiếp xúc với lớp nhựa của phần nắp loa.


    Hệ thống đường dây trên bản mạch tròn màu xanh này chỉ là một nửa của mảng tụ điện – với một nửa còn lại nằm sâu hơn trong mặt còn lại của bảng mạch in này. Bằng cách đo tổng số điện dung của mỗi hàng và cột, bộ điều chỉnh có thể phát hiện ra ngón tay của bạn chạm vào khi nào và ở vị trí nào trên bảng mạch này. Bề mặt này của bản mạch cũng là nơi đặt một mảng 12 đèn LED báo trạng thái


    Ở mặt sau, ta có các con chip: bộ vi điều khiển 32-bit ARM Cortex-M0 Atmel ATSAMD (viền đỏ), hai bộ điều khiển đèn LED NXP PCA9956 BTW (viền da cam), hai microphone InvenSense INMP621 MEMS (không biết nó có thể sánh được với 7 microphone trên Echo hay không?)


    Bước 5: Bên trong phần máy chính của Google Home

    Chiếc vòng cao su hình tròn này là chìa khóa giúp chúng ta có thể khám phá sâu hơn bên trong chiếc loa thông minh này. Bên cạnh vai trò như đai giữ các bộ phận, vòng cao su hình tròn này còn có thể giúp giảm chấn rung. Giải pháp dùng dây cao su này dường như thân thiện hơn nhiều so với đối thủ Echo của họ.


    Bên trong lớp vỏ bảo vệ là một tấm bảng màu xanh đầy kỳ diệu: bo mạch chủ của Google Home.


    Bước 6: bo mạch chủ của Google Home

    Nếu ai đó đã từng xem các kỹ sư của iFixit mổ bụng chiếc Chromecast, sẽ thấy rằng đa số các linh kiện của Google Home (CPU, bộ nhớ flash, RAM) đã từng xuất hiện trong thiết bị này:

    Bộ xử lý đa phương tiện lõi kép ARM Cortex-A7 và Marvell 88DE3006 Armada 1500 Mini Plus (viền đỏ), bộ nhớ NAND flash Toshiba TC58NVG1S3HBA16 256 MB (viền da cam).


    Chip SoC Marvell Avastar 88W8897 WLAN/BT/NFC (viền vàng), bộ khuếch đại âm thanh Texas Instrument TAS5720 (viền xanh lá cây), SDRAM Samsung K4B4G16 512 MB B-Die DDR3 (viền xanh nước biển).


    Bước 7: Sợi cáp bí ẩn cạnh chiếc đế nam châm

    Bộ phận vô danh này là nơi đặt nam châm để gắn với phần đáy của lớp vỏ ngoài, điều kỳ lạ là nó có một sợi cáp bí ẩn ở bên trong.


    Khám phá sâu hơn nữa dưới lớp vỏ, ta có thể thấy sợi cáp bí ẩn này có đến bốn điểm tiếp xúc, nhưng vẫn chưa rõ nó có vai trò gì?

    Có 3 giả thuyết cho sợi cáp này:

    -Nó giúp nhận biết màu sắc của chiếc đế lắp vào, vì vậy Google Home có thể thay đổi cho phù hợp hơn với chiếc đế đó.

    - Dấu vết của cơ chế sạc khác – phải chăng các kỹ sư của Google dự định biến nó thành một thiết bị có thể mang đi được?

    - Hoặc đơn giản chỉ là một thông điệp ẩn làm rối trí các kỹ sư dự định mổ xẻ nó ra.


    Bước 8: Bên trong chiếc loa chính

    Các kỹ sư iFixit tách vỏ loa ra làm hai phần và gỡ bộ điều khiển ra.


    Cuối cùng, chiếc loa cũng lộ diện, một sản phẩm từ Peerless, với mã số PLS-50N25AL07-04. Theo máy đo vạn năng của các kỹ sư, chiếc loa có trở kháng 4 Ohm.


    Đến đây, hành trình mổ xẻ và khám phá phần cứng của Google Home đã kết thúc. Dưới đây là hình ảnh tổng thể của những bộ phận đã tháo ra từ chiếc loa thông minh này.

    Tham khảo iFixit