Cước 3G: Nhà mạng lớn tăng, nhà mạng nhỏ nói “không”

    PV,  

    Sau khi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ Công thương kiểm tra việc tăng cước 3G của ba nhà mạng lớn vừa qua có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không, thì người tiêu dùng chỉ còn biết trông chờ vào bộ này.

    Cước 3G: Nhà mạng lớn tăng, nhà mạng nhỏ nói “không”
     

     

    Các nhà mạng tăng giá cước nhưng không tăng chất lượng dịch vụ khiến người tiêu dùng bức xúc. Ảnh: Kỳ Anh

    Trước thời điểm tăng cước ngày 16.10, trong cuộc gặp gỡ báo chí tại TPHCM khi được hỏi cước 3G hiện có bị bán dưới giá thành hay không, ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Tổng giám đốc Hanoi Telecom, Trưởng chi nhánh miền Nam của Vietnamobile - nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng “giá bán tiệm cận giá thành”. Nghĩa là, nếu nhà mạng không khuyến mãi “khủng”, thì không bị lỗ.

    Mới đây, trong cuộc gặp báo chí lần thứ hai cũng tại TPHCM, ông Dũng thêm một lần khẳng định lại điều trên.

    Trên thực tế, các nhà mạng lớn như Viettel hay MobiFone đã khấu hao hết mạng 2G từ lâu và những khoản lợi nhuận khổng lồ đã được mang đầu tư vào 3G. Chính vì thế, lập luận rằng nhà mạng đang bán lỗ là tùy thuộc vào cách nhìn và cách diễn giải.

    Khi doanh thu từ 3G mỗi năm chiếm từ 10 - 15% tổng doanh thu của nhà mạng, nghĩa là đạt trên 10.000 tỉ đồng/năm, thì ngay cả việc nói rằng chậm thu hồi vốn đầu tư cũng chưa hẳn chính xác.

    Chẳng qua, nhà mạng muốn tăng cước vì giá cước 3G tại VN khá rẻ và muốn thu hồi vốn nhanh hơn nữa để có lãi và tái đầu tư; thêm một phần gần đây lại bị mất doanh thu lớn vì OTT (ứng dụng nhắn tin và gọi điện miễn phí trên Internet)... Tuy nhiên, vì mức tăng cao đã gây sốc cho người tiêu dùng.

    Ai cũng biết trên thị trường thông tin di động, cả ba nhà mạng lớn đều lãi. Những nhà mạng lỗ nặng trước đây và hiện nay là S-Fone, EVN Telecom, Beeline và nay là G-Mobile, HT Mobile và nay là Vietnamobile. Trong số này, hiện chỉ còn Vietnamobile là còn có những hoạt động khả dĩ.

    Nhà đầu tư Hutchison đã đổ vào Vietnamobile hơn 1 tỉ USD và tới nay thương vụ này đối với họ là vẫn đang lỗ lớn. Thế nhưng, Vietnamobile lại không tăng cước 3G, thậm chí gói cước 3G họ đưa ra còn rẻ hơn: Gói D25 mức cước 25.000 đồng/thuê bao/tháng với 500MB lưu lượng miễn phí tốc độ cao; gói D40 cước 40.000 đồng/tháng với 1,5GB lưu lượng miễn phí tốc độ cao; gói USB50 mức cước 50.000 đồng/tháng với 5GB lưu lượng tốc độ cao miễn phí...

    Có thể thấy, việc không tăng cước của Vietnamobile là một sự “phản biện” lại việc tăng cước của các nhà mạng lớn. Vì thế, Bộ TTTT cần tìm hiểu, để xem việc mình đã cho phép tăng cước 3G từ 40% đến vài trăm phần trăm là bất ổn đến mức nào!

    Vì sao tăng cước 3G gây sốc?

    Thẳng thắn mà nói, người dùng không có thái độ quá “cứng rắn” đối với ý định tăng cước 3G của các nhà mạng, có chăng là các doanh nghiệp làm OTT lo lắng vì ngại ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng thuê bao của họ mà thôi.

    Thế nhưng, vì sao khi việc tăng cước xảy ra dư luận lại bị sốc và bức xúc? Có ít nhất 5 nguyên nhân: Mức tăng quá cao; tăng cước nhưng không tăng chất lượng; 3 “ông lớn” cùng tăng dẫn tới bị nghi ngờ có sự ngầm bắt tay vi phạm Luật Cạnh tranh; không phải nhà mạng nào cũng tăng giá; người tiêu dùng thấy không được (Bộ TTTT) bảo vệ quyền lợi.

    Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã gửi công văn “kêu cứu” lên Bộ GTVT cho biết việc tăng cước 3G đã gây ảnh hưởng nặng tới hàng chục ngàn thiết bị giám sát hành trình.

    Viettel giải thích rằng không hề tăng cước 3G đối với 6 gói dịch vụ giám sát hành trình phương tiện vận tải (V-Tracking) và nguyên nhân là do các chủ phương tiện đã sử dụng SIM D-com và Mobile Internet thông thường vốn dành cho mục đích sử dụng khác.

    Tuy nhiên, với các gói cước 3G từ 10.000 đồng - 40.000 đồng/tháng đã có thể đáp ứng cho thiết bị giám sát hành trình ôtô hoạt động bình thường thì việc các chủ phương tiện chọn dùng là hợp lý nhằm tiết giảm chi phí, không thể xem đó là “lỗi” của người dùng.

    Theo Dạ Thảo
    Laodong.com.vn

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày