Cuộc chiến cấu hình đã chết dưới tay Xiaomi
Nếu các tin đồn là đúng sự thật, ngay đến một hãng smartphone từng kiên quyết nói không với chạy đua cấu hình sắp tới cũng sẽ đưa Snapdragon 845 lên điện thoại tầm trung. Sức ép từ thương hiệu cạnh tranh nào có thể lớn đến vậy, ngoài Xiaomi?
Những tín đồ kỳ cựu của Android có lẽ đều nhớ về "mùa" smartphone cuối 2013 – đầu 2014. Khi đó, Google đang tiếp tục đưa chương trình Nexus sang một chương đáng nhớ với chiếc Nexus 5 có cấu hình đầu bảng và mức giá tầm trung. Từ Trung Quốc, một thương hiệu mới xuất hiện, cũng với tầm nhìn bán điện thoại cấu hình thật cao ở mức giá thật dễ chịu: OnePlus.
Và dĩ nhiên, 2013 – 2014 là năm của Xiaomi. Đây chính là thời khắc báo chí nước ngoài bắt đầu nhắc đến Xiaomi với triết lý phá giá "hung hãn" hơn bất kỳ một đối thủ nào khác. Tháng 9/2013, Xiaomi ra mắt chiếc "đầu bảng" Mi 3 với Tegra 3 (sau này là Snapdragon 800), màn hình Full HD, camera 13MP và mức giá vỏn vẹn chỉ khoảng 300 USD.
Mi 3, khi cả thế giới bắt đầu biết đến Xiaomi.
Cứu vớt giá rẻ
Nhưng có lẽ, di sản lớn nhất của Xiaomi không phải là các dòng máy có khung giá tầm trung. Ngay sau khi gây tiếng vang bằng Mi 3, Tiểu Mễ tiếp tục tung ra những đón đánh quyết liệt tiếp theo ở mức giá chỉ khoảng 100 - 150 USD: Redmi, Redmi Note, Mi Pad... Bộ mặt của cả thế giới Android thay đổi.
Để thấy được ý nghĩa của Xiaomi, hãy nhìn vào những chiếc Xperia hay Galaxy giá rẻ nhất đang được bán ra ngoài thị trường: cả Galaxy J2 và Xperia L2 đều có chip lõi tứ và màn hình từ HD trở lên. Nói cách khác, cả hai đều là những chiếc smartphone có trải nghiệm tương đối thoải mái chứ không còn gây khó chịu như smartphone giá rẻ ngày nào.
Không có Redmi, smartphone giá rẻ giờ có lẽ vẫn là... rác rưởi.
Sự thay đổi này rõ ràng là do Xiaomi tiên phong. 4 năm trước và cho đến tận bây giờ, nếu nói về phân khúc smartphone 150 USD (khoảng 3 triệu đồng), "Redmi" chắc chắn là một trong những cái tên được nhắc đến đầu tiên. Năm 2014, Xiaomi là thương hiệu đình đám đầu tiên mang chip lõi tứ và màn hình HD lên smartphone phân khúc siêu rẻ. Không có sức ép từ Xiaomi, có lẽ các hãng Android đi trước cho đến giờ vẫn sử dụng cấu hình loại "rác" cho phân khúc này.
Phá vỡ cuộc đua cấu hình
Trở lại với dòng Mi chính thống: năm nay, Mi 8 và Pocophone F1 vẫn được trang bị chip Snapdragon 845 ở khúc giá dưới 400 USD. Khi Nexus đã trở thành dĩ vãng xa xôi, khi OnePlus đã trở nên tương đối đắt đỏ và khi các đối thủ như OPPO và Vivo đã sẵn lòng đưa điện thoại của mình vào phân khúc cận cao cấp, chỉ có Xiaomi là vẫn thực sự trung thành với chiến lược phá giá kịch liệt.
Gần như chiếc smartphone tầm trung nào giờ cũng đều đã có cấu hình đầu bảng.
Rõ ràng là sức ép này đang khiến các đối thủ phải thay đổi. Huawei/Honor vốn ít khi phá giá, nay đã tung ra mẫu Honor Play với chip ngang ngửa dòng Mate và dòng P ở khung giá chỉ 7 triệu đồng. Sắp tới, chiếc Magic 2 sẽ là mẫu smartphone đầu tiên sử dụng chip Kirin 980, vốn là đối trọng Snapdragon 845 do Huawei tự thiết kế và cũng là con chip sẽ có mặt trên Mate 30.
Đáng kinh ngạc hơn, ngay đến một đối thủ từng thẳng thừng nói không với chạy đua cấu hình cũng đang có những bước thích ứng để cạnh tranh hơn với Xiaomi trên phân khúc cao cấp. Theo các tin đồn rò rỉ, sắp tới Samsung sẽ ra mắt một mẫu Galaxy A có Snapdragon 845 và camera 4 ống kính! Lần đầu tiên trong lịch sử, Samsung sẽ có một sản phẩm tầm trung với cấu hình đầu bảng, thậm chí còn ra mắt trước cả Galaxy S10 của năm sau.
Chiếc Galaxy A này chắc chắn sẽ tạo thành một đối trọng mạnh mẽ trong cuộc đua "phá giá cấu hình", song chính ở đây sức ảnh hưởng của Xiaomi sẽ được thể hiện rõ rệt nhất. Sự xuất hiện của chiếc Galaxy A bí ẩn này sẽ là lời thừa nhận ngấm ngầm của Samsung rằng, ngày nay, cứ 300-400 USD là phải có chip đầu bảng. Một bước ngoặt quá bất ngờ với một hãng smartphone bấy lâu nay chỉ ưu ái phân khúc cao cấp và bỏ mặc cho các đối thủ Trung Quốc đánh chiếm tầm trung.
Có lẽ là sự ra mắt liên tiếp của Mi 8 và Poco F1 đã buộc Samsung phải "máu lửa" hơn trong cuộc chiến tầm trung.
Và đó là sức ảnh hưởng của Xiaomi: Tiểu Mễ đã biến cấu hình trở thành yếu tố tất yếu trong phân khúc tầm trung. Nếu muốn cạnh tranh với Xiaomi tại các thị trường mới nổi, Samsung buộc phải dùng chiến lược của Xiaomi.
Chương mới của Android
Có thể bạn chưa nhận ra điều này, nhưng chiếc Mi 3 của nửa thập kỷ trước sẽ là chất xúc tác đưa cả thế giới Android sang một chương mới, chưa từng có trong lịch sử. Một khi cả thị trường Android đã bị ép buộc phải đưa cấu hình đầu bảng lên smartphone tầm trung, các nhà sản xuất sẽ buộc phải đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nhằm tạo ra các thế mạnh riêng. Khi tất cả smartphone tầm trung trở lên đều đã sở hữu những con chip mạnh mẽ nhất thị trường, mỗi nhà sản xuất sẽ buộc phải sáng tạo ra những tính năng, trải nghiệm có thể thu hút người dùng tiếp tục mua điện thoại đắt tiền.
Cuộc chiến cấu hình như vậy là đã chết. Cuộc chiến sáng tạo tính năng sẽ buộc phải bùng nổ ngay trong năm 2018, bởi người tiêu dùng sẽ không còn mua smartphone đầu bảng vì cấu hình nữa.
Nếu cấu hình đã trở thành yếu tố bắt buộc và không còn là lợi thế cạnh tranh, kỷ nguyên sáng tạo về tính năng sẽ thực sự bùng nổ.
Trong cuộc chiến mới, Xiaomi có lẽ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trước, bởi AI, AR, bút stylus hay bộ dock "biến hình" đều không dễ phá giá như Snapdragon hay màn hình Full HD. Song, bất kể kết quả là gì, sự thật là cả thị trường Android đều đã thay đổi theo hướng có lợi hơn cho người dùng. Xiaomi có thể tự hào nhận một phần lớn công lao trong cả quá trình tiến hóa đó, bởi xét trong cả 5 thương hiệu smartphone số 1 toàn cầu, làm gì có thương hiệu nào nổi danh vì "phá giá cấu hình" như Xiaomi đâu?
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng