Cuộc đua không gian Mỹ - Trung: Mục tiêu Mặt Trăng và 'bãi đỗ đẹp' trên quỹ đạo
Cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung tiếp tục được mở rộng sang vũ trụ, với việc định vị vệ tinh và kiểm soát các tuyến đường lý tưởng giữa Trái Đất và Mặt Trăng.
Hôm 8/1, tàu Peregrine, tàu đổ bộ tư nhân đầu tiên trên thế giới mang sứ mệnh đáp xuống Mặt Trăng, đã cất cánh từ bãi phóng không gian Cape Canaveral, Florida (Mỹ). Khoảnh khắc này cũng đánh dấu nỗ lực đổ bộ Mặt Trăng đầu tiên của Mỹ kể từ năm 1972, cũng như chuyến bay thương mại đầu tiên tới Mặt Trăng.
Tuy nhiên, sứ mệnh của Peregrine đã kết thúc thất bại vì gặp sự cố kỹ thuật nghiêm trọng chỉ sau 6 giờ bay, khiến con tàu bị rò rỉ nhiên liệu không thể khắc phục.
Thất bại này hoàn toàn trái ngược với thành tích đáng nể của Trung Quốc trong các hoạt động khám phá không gian gần đây.
Kể từ năm 2007, Bắc Kinh đã thực hiện thành công một số sứ mệnh tới cả quỹ đạo và bề mặt Mặt Trăng.
Trung Quốc cũng sở hữu trạm vũ trụ Thiên Cung có phi hành đoàn hoạt động liên tục trên quỹ đạo Trái Đất thấp, điều này sẽ biến Trung Quốc thành quốc gia duy nhất vận hành trạm vũ trụ sau khi Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) của NASA ngừng hoạt động vào khoảng năm 2030.
Truyền thông Trung Quốc cho biết, việc chuẩn bị cho một sứ mệnh mặt trăng khác vào mùa hè này đang “tiến triển suôn sẻ”.
Theo SCMP , căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ, vốn đã bùng nổ ở Biển Đông, eo biển Đài Loan, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, đang tiếp tục leo thang trên quỹ đạo Trái Đất. Hai cường quốc quan sát nhau dè chừng và cạnh tranh gay gắt để giành "bãi đỗ đẹp" trong không gian, qua đó mang lại những lợi thế riêng biệt như kiểm soát các tuyến đường giữa Trái Đất và Mặt Trăng.
Bill Nelson, quan chức hàng đầu của NASA, cựu phi hành gia và Thượng nghị sĩ Mỹ từ Florida từ năm 2001 đến 2019, bày tỏ lo ngại về "tham vọng không gian" của Trung Quốc và khả năng Bắc Kinh "sử dụng các hoạt động khoa học làm bình phong cho các mục tiêu quân sự hoặc chiến lược khác".
“Tốt hơn hết chúng ta nên đề phòng việc họ (Trung Quốc) có thể đặt chân xuống một nơi trên mặt trăng dưới vỏ bọc nghiên cứu khoa học" , Nelson cảnh báo. "Chúng ta đang trong một cuộc đua không gian".
Gần đây, các quan chức, nhà phân tích cấp cao của chính quyền Tổng tống Joe Biden và các nhà lập pháp Mỹ trong mọi lĩnh vực chính trị đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những "ý định thiên văn” của Bắc Kinh.
Tháng trước, ủy ban đặc biệt của Hạ viện Mỹ về cạnh tranh Mỹ - Trung đã đưa ra một khuyến nghị cụ thể để ngăn chặn "tham vọng không gian" của Trung Quốc.
Nghị quyết lưỡng đảng sau đó kêu gọi Washington tài trợ cho các chương trình quan trọng để vượt qua Trung Quốc, bao gồm cả việc "đảm bảo Mỹ là quốc gia đầu tiên đóng quân vĩnh viễn tại tất cả các điểm Lagrange”.
Ý nghĩa của điểm Lagrange
Được đặt theo tên nhà thiên văn học và toán học người Italy Joseph-Louis Lagrange vào cuối thế kỷ 18, điểm Lagrange được Nasa mô tả là “bãi đỗ xe” trong vùng không gian giữa Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng.
Có 5 điểm Lagrange từ L1 đến L5. Chúng đặc biệt quan trọng đối với nghiên cứu và thám hiểm không gian vì lực hấp dẫn tương đối của chúng mang lại lợi thế chiến lược.
Theo nhà thiên văn học Martin Elvis tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard và Smithsonian ở Massachusetts (Mỹ), điểm Lagrange là những vùng không gian mà lực hấp dẫn của hai thiên thể triệt tiêu lẫn nhau. Điều này cho phép một vật thể quay quanh và duy trì sự ổn định giữa hai thiên thể. Tàu vũ trụ cũng có thể đậu ở đó mà không cần nhiều nhiên liệu.
Nhà vật lý Gerard O'Neill của Đại học Princeton đã nhận ra những lợi thế này khiến các điểm Lagrange trở thành địa điểm lý tưởng cho "thành phố không gian", một khái niệm đã thu hút trí tưởng tượng của công chúng trong nhiều thập kỷ.
O'Neill hình dung về các thành phố không gian như những trụ tròn khổng lồ: "Nó quay chậm và tạo ra lực ly tâm đủ lớn để mô phỏng trọng lực như Trái Đất, cho phép con người di chuyển và sinh hoạt bình thường bên trong".
Trong khi hai điểm Lagrange trong hệ Mặt Trời - Trái Đất được coi là hữu ích để nghiên cứu Mặt Trời, thì các chuyên gia cho rằng khu vực Cislunar (khoảng không gian giữa Trái Đất và Mặt Trăng) mang giá trị chiến lược. Trong đó, L1 và L2 được đánh giá cao nhất do chúng ở gần Mặt Trăng.
Trong một báo cáo tháng trước, Shawn Willis thuộc Viện Công nghệ Không quân ở Ohio (Mỹ) hé lộ tầm quan trọng chiến lược của khu vực Cislunar, với khả năng triển khai vệ tinh quân sự tại các điểm Lagrange để giám sát và kiểm soát quyền tiếp cận giữa Trái Đất và Mặt Trăng.
Willis cho biết thêm, các vệ tinh định vị, dẫn đường và tính giờ có thể là sứ mệnh khác phù hợp với những vị trí trên, nhờ khả năng tiếp cận cả vùng sáng và vùng tối của Mặt Trăng. Điều này cho phép thực hiện các tính năng hỗ trợ trên Mặt Trăng tương tự như trên Trái Đất.
Tăng tốc đến Mặt Trăng
Vệ tinh Thước Kiều 2 (Queqiao 2) có tuổi thọ khoảng 5 năm, dự kiến sẽ được Trung Quốc phóng trong năm nay để hỗ trợ sứ mệnh Hằng Nga 6 (Chang'e 6), nhằm cố gắng mang các mẫu đất và đá đầu tiên từ vùng tối của Mặt Trăng.
Bắc Kinh cũng có kế hoạch xây nhà trên Mặt Trăng trong 5 năm tới với ít nhất một viên gạch làm từ đất Mặt Trăng, sau đó đưa con người lên đây vào năm 2030.
Tuần trước, Kathleen Hicks, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, tuyên bố rằng cả Nga và Trung Quốc đang "phát triển học thuyết quân sự mở rộng sang lĩnh vực không gian" và "triển khai các khả năng có thể nhắm tới GPS cũng như các hệ thống quan trọng khác trên không gian".
GPS là một chùm vệ tinh cung cấp thông tin định vị và điều hướng quan trọng cho mục đích quân sự, dân sự và thương mại. Hầu hết các thiết bị hiện đại trên thế giới ngày nay đều có bộ thu GPS sẵn có.
Mỹ đương nhiên không ngồi yên và đang nỗ lực sớm đạt được vị trí tại điểm L2 Trái Đất - Mặt Trăng.
Washington đang hợp tác với các đối tác thương mại và quốc tế trong chương trình Gateway như một phần của sứ mệnh Artemis nhằm đưa con người trở lại Mặt Trăng. SpaceX của Elon Musk là một trong những công ty tư nhân tham gia.
NASA cho biết chương trình Gateway đòi hỏi phải xây dựng một trạm vũ trụ nhỏ quay quanh Mặt Trăng để cung cấp “sự hỗ trợ cần thiết cho các sứ mệnh trên bề mặt Mặt Trăng”.
Charles Galbreath từ Viện Nghiên cứu Hàng không Mitchell ở Virginia (Mỹ) cho biết, việc giám sát khu vực Cislunar, giao tiếp tự do và định vị an toàn qua khu vực này sẽ là "chìa khóa để mở ra những cơ hội khoa học và kinh tế ngày càng lớn".
Elvis cho rằng cuộc đua không gian Mỹ - Trung sẽ tập trung vào cực nam của Mặt Trăng vì nơi đó gần như nhận được ánh sáng mặt trời thường xuyên, nghĩa là sẽ có nguồn điện vĩnh cửu và nhiệt độ ít khắc nghiệt hơn.
Tuy nhiên, các cực của Mặt Trăng cũng chứa những miệng hố sâu không nhận được ánh sáng mặt trời. Những địa điểm này dự kiến sẽ chứa đựng các mỏ băng cổ và các khoáng chất hữu ích.
Tháng 8 năm ngoái, Ấn Độ tuyên bố trở thành quốc gia đầu tiên thành công hạ cánh tàu vũ trụ trên cực nam của Mặt Trăng. Vài ngày sau đó, Nga thất bại trong nỗ lực tiếp cận khu vực này.
Sứ mệnh Artemis 2 của NASA, vốn dự kiến đưa 4 phi hành gia bay vòng quanh Mặt Trăng vào năm nay, hiện đã được lùi sang tháng 9/2025.
Sứ mệnh Artemis 3 của Mỹ, sứ mệnh sẽ đưa con người lần đầu tiên đặt chân gần cực nam Mặt Trăng, đã bị lùi từ năm 2025 sang năm 2026. Trong khi đó, Trung Quốc dự kiến sẽ có mặt tại khu vực này với tàu đổ bộ không người vào năm 2027.
Có lẽ lường trước cuộc đua căng thẳng trên quỹ đạo Trái Đất, một văn bản chiến lược của Nhà Trắng được công bố vào năm 2022 kêu gọi một "trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc" trong không gian. Và giống như trên Trái Đất, Mỹ cũng tìm cách thu hút các đồng minh, tạo ra những nguyên tắc mới cho các khu vực cách xa hành tinh.
Hiện 33 quốc gia bao gồm Ấn Độ và Brazil đã ký Hiệp định Artemis do Washington dẫn đầu, được lập ra vào năm 2020 để thúc đẩy hợp tác quốc tế "hòa bình" trong lĩnh vực không gian. Mặc dù Trung Quốc không tham gia hiệp định này nhưng Bắc Kinh mời các đối tác quốc tế hợp tác trong các sứ mệnh lên Mặt Trăng của mình.
Bất kể là Mặt Trăng hay các điểm Lagrange, Elvis cho rằng toàn bộ khu vực phía trên Trái Đất đều là "bất động sản hạng nhất" trong vũ trụ, và hợp tác toàn cầu là điều cần thiết.
"Sẽ có giới hạn nhất định về số lượng vệ tinh có thể đến đó. Nếu quá nhiều vệ tinh tập trung cùng một thời điểm sẽ dẫn tới nguy cơ xảy ra va chạm và các mảnh vỡ có thể gây nguy hiểm cho tất cả các bên" , Elvis nói.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng