Khi bạn không chuyên cái gì thì bạn nên đi học, hoặc ít nhất là kết thân với người rành về lĩnh vực đó. Hay nói cách khác, nếu muốn "giỏi" về chụp ảnh, hãy đi bắt tay với các nhà sản xuất máy ảnh.
Cây bút Alex Walker-Todd trên trang TechRadar từng viết, "Các hãng điện thoại nên dừng đổ tiền cho những cuộc hợp tác với nhãn hàng nhiếp ảnh mà thay vào đó hãy tập trung nghiên cứu, sản xuất ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người dùng hơn". Với tôi, người viết này có lý 1 phần, nhưng không hoàn toàn đúng, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Dưới đây là những lý do theo quan điểm chủ quan của tôi - dưới góc nhìn của một người trải nghiệm rất nhiều smartphone cũng như máy ảnh nhiều năm qua.
Phải công nhận rằng camera trên smartphone những năm gần đây tiến bộ rất nhanh về mặt phần cứng lẫn phần mềm, trong đó AI cũng đóng vai trò quan trọng không kém.
Hãy để tôi nhắc lại những gì mà các hãng smartphone đã và đang làm ở mảng nhiếp ảnh: từ khả năng Thu Phóng Chuẩn Không Gian (Space Zoom), Mắt Thần Bóng Đêm (Nightography), siêu Macro, cho đến áp dùng AI để tinh chỉnh ảnh chân dung tốt hơn, ảnh selfie "mướt" hơn hay thậm chí là giúp cho Mặt Trăng được rõ nét hơn. Tuy nhiên, thứ mà đa số các hãng smartphone chưa làm được nhưng lúc nào cũng lên sân khấu giới thiệu vỗ ngực tự tin, đó chính là độ chính xác của màu sắc, độ sâu của ảnh hay độ chuyển màu mượt mà.
Hasselblad, Leica hay Zeiss là những cái tên "lão làng" trong ngành nhiếp ảnh còn các hãng smartphone ngày nay chỉ là kẻ tập sự mới bước chân vào bộ môn này mà thôi. Vậy nên, việc một hãng smartphone có thể làm ra một sản phẩm có phần cứng tốt, đáp ứng nhiều nhu cầu sử dụng cho người dùng là điều không gì xa lạ, nhưng khi bước vô lĩnh vực chụp ảnh, họ chắc chắn vẫn còn nhiều bỡ ngỡ cần các "anh già" kia chỉ bảo.
Khi bạn không chuyên cái gì thì bạn nên đi học, hoặc ít nhất là kết thân với người rành về lĩnh vực đó. Hay nói cách khác, nếu muốn "giỏi" về chụp ảnh, hãy đi bắt tay với các nhà sản xuất máy ảnh.
Chắc hẳn với những ai từng dùng qua những sản phẩm từ Xiaomi hay Oppo, Vivo… đều nhận thấy màu sắc trong nước ảnh đôi khi có xu hướng làm đậm quá mức, hoặc có khi là làm nét quá đà tại một số trường hợp, nhất là khi điều kiện ánh sáng phức tạp hoặc tối. Đấy là lúc mà các hãng như Hasselblad hay Leica cần đứng vào để từng bước thay đổi, và thứ ta có thể thấy rõ nhất chính là Color Science (gọi nôm na là khoa học về màu sắc hay nói dân dã hơn là "chất ảnh").
Theo trang TechInspection, chưa có chiếc smartphone OnePlus nào gắn logo Hasselblad lại sở hữu phần cứng từ nhà Hasselblad, thay vào đó, hãng này phối hợp cùng để tinh chỉnh sao cho chiếc camera từ Oneplus có thể ra được chất ảnh của máy ảnh Hasselblad ngày nay.
Còn với cuộc hôn nhân giữa Xiaomi với Leica, hãng máy ảnh đến từ Đức này không chỉ "dạy" cho Xiaomi biết cách kiểm soát chất lượng ảnh đầu ra tốt hơn thông qua phần mềm mà dường như mối quan hệ của họ có vẻ còn sâu đậm hơn khi cùng nhau phối hợp để chế tác nên hệ thống camera chỉn chu nhất cho chiếc Xiaomi 13 series.
Trong thông cáo báo chí gần đây nhất của Xiaomi, họ khẳng định Xiaomi 13 và Xiaomi 13 Pro gây ấn tượng mạnh mẽ nhờ hệ thống do Xiaomi và Leica cùng chế tác. "Sử dụng các ống kính quang học chuyên nghiệp của Leica, cũng như tích hợp các thuật toán và phần mềm tiên tiến, bộ đôi flagship hứa hẹn mang đến trải nghiệm Leica đích thực cho người dùng và là nền tảng phần cứng vững chắc để cho ra những bức ảnh có chất lượng xuất sắc với độ phân giải cao, khẩu độ lớn độ méo gần như không thể nhận thấy", phía Xiaomi cho biết thêm.
Sự hợp tác này cho ra những "đứa con" tuyệt đến mức tôi không cần phải hậu kỳ hay áp thêm filter nào từ phần mềm thứ 3.
Ngoài ra, câu chuyện Color Science này không chỉ ở mỗi hai hãng smartphone - máy ảnh, mà bên cạnh đó, còn có "kẻ thứ 3" xuất hiện ở đây. Khi hợp tác với các hãng máy ảnh Hasselblad hay Leica, một số đại sứ (ambassador) cũng được dịp dùng thử những chiếc smartphone này trước khi thương mại hóa. Với bề dày kinh nghiệm chụp ảnh lâu năm của họ, những góp ý để đội ngũ phát triển phần mềm camera trên smartphone cũng vô cùng giá trị hơn bất cứ người dùng bình thường nào.
Như đã đề cập ở trên, ambassador đóng vai trò quan trọng không kém trong việc hỗ trợ đội ngũ sản xuất smartphone tinh chỉnh sao cho có được chất lượng ảnh tốt nhất. Nhưng không chỉ dừng ở đó, những chiếc post từ các đại sứ này (hay thậm chí là các KOL nổi tiếng làng ảnh) trên phương tiện mạng xã hội cũng giúp chính smartphone đó được quảng bá rầm rộ và tạo hiệu ứng ấn tượng hơn.
Nói cách khác, bỗng dưng những "thanh gỗ" này được phủ thêm 1 lớp sơn bóng bẩy chuyên nghiệp khiến cho bất kỳ khách hàng nào khi nhìn vào cũng trầm trồ và thậm chí với những người dùng phổ thông, không biết chụp ảnh cũng sẽ ngẫm nghĩ rằng: "À, với chất lượng camera thế này, mình chụp vào cũng có lẽ sẽ đẹp hơn hẳn!".
Đi cùng với logo chứng nhận từ hãng nhiếp ảnh uy tín, giá thành của chiếc smartphone lúc này cũng được đội lên không ít. Nhìn lại chiếc Xiaomi 12 Pro ra mắt vào cùng kỳ năm ngoái, giá mở bán chính thức lúc đấy chỉ 27.990.000 đồng và sang năm nay, khi được khoe ra hợp đồng hôn nhân với Leica, Xiaomi 13 Pro đã lên hẳn mức giá 29.990.000 đồng.
Tăng giá bán hay đạt được chất lượng ảnh "chuẩn chỉnh" chỉ là một khía cạnh trong câu chuyện thương mại, những cú bắt tay này thu lợi được nhiều hơn chúng ta từng nghĩ đến.
Leica, Hasselblad là những cái tên rất nổi tiếng trong ngành thiết bị nhiếp ảnh tại thị trường Châu Âu. Tuy nhiên, giá thành cao gấp 3-4 lần so với các hãng máy ảnh khác trên thị trường khiến nó khó tiếp cận được với những tệp khách hàng phổ thông. Với việc kết hợp cùng các nhãn hàng smartphone như Xiaomi, OnePlus, Oppo hay trước đây là Huawei, người dùng giờ đây có thể chạm vào và trải nghiệm những chất ảnh mà họ hằng mong ước bấy lâu, với mức giá phải chăng hơn.
Ngược lại, với các nhãn hàng smartphone, việc hợp tác này giúp họ hy vọng đẩy mạnh được con số bán ra và hơn hết là giành lấy thị phần trên toàn cầu. Cũng theo TechInspection, con số thị phần của OnePlus tại Châu Âu trong năm 2022 thực tế đã tăng hơn so với năm trước đó nhờ sự hợp tác với Hasselblad.
Một điểm thú vị khác là các thương hiệu nhiếp ảnh xa xỉ như Leica hay Hasselblad có doanh số không cao như các hãng phổ thông, đây là điều dễ hiểu vì giá thành bán ra của họ cao và được chế tác bằng tay nên thời gian sản xuất cũng tốn nhiều thời gian hơn. Vậy nên, việc hợp tác với một khoản tiền lớn cũng giúp ích rất nhiều cho các hoạt động của doanh nghiệp.
Là một người dùng và cũng là người thường xuyên sử dụng cả máy ảnh lẫn camera trên smartphone để chụp ảnh, tôi mong tương lai sẽ có những cuộc hôn nhân thế này, và nó không dừng lại ở học hỏi Color Science mà bên cạnh đó sẽ can thiệp sâu hơn vào phần cứng. Nếu 1 ngày nào đó Hasselblad sản xuất phần camera cho Oppo/Oneplus, hay Leica muốn tham gia sâu hơn vào phần cứng thay vì chỉ các thấu kính cho Xiaomi? Tôi sẽ rất vui vì điều đó, và hy vọng nhiều người cũng vậy.
Điện thoại vẫn sẽ không thể thay thế được máy ảnh, nhưng những cuộc hôn nhân này sẽ là chất xúc tác giúp người không rành nhiếp ảnh vẫn có thể có được chất lượng ảnh đẹp trong tích tắc mà không cần tốn công hậu kỳ nhiều, hay như những trái tim ao ước sở hữu thương hiệu máy ảnh đắt tiền vẫn có thể mở ví bỏ ra con số nhỏ hơn mà trải nghiệm được.
Với tôi, không chỉ hãng máy ảnh hay hãng smartphone mà còn có cả người dùng sẽ được lợi - khi và chỉ khi cuộc hôn nhân này vẫn còn mãi.
Tham khảo: TechRadar, TechInspection.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng
Bên cạnh những nâng cấp về phần cứng, Galaxy S25 Ultra được Samsung chú trọng vào các tính năng Galaxy AI mới.
Trên tay Galaxy S25 và Galaxy S25+: Vẫn thiết kế quen thuộc nhưng nâng cấp bên trong mới đáng chú ý, giá từ 22,99 triệu đồng, đặt trước được tặng nhiều quà