Cuộc khủng hoảng card đồ họa thế giới cùng mối liên quan tới tiền số và COVID-19

    Vũ Ngọc Diệp, Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 

    Giá card đồ họa đã là một chủ đề "nhức nhối" trong vài năm qua do sự kết hợp giữa tình trạng thiếu nguồn cung nghiêm trọng mà nhu cầu lại tăng mạnh mẽ, có liên quan đến việc khai thác tiền điện tử.

    Thị trường máy vi tính đã rơi vào một cơn "bão giá" do nhiều loại linh kiện giá tăng vùn vụt, trong đó sự thiếu hụt card đồ họa là một trong những nguyên nhân chính.

    Card đồ họa (GPU - Graphic processing unit) là một loại thiết bị chuyên xử lý các thông tin về hình ảnh trong máy tính, cụ thể như màu sắc, chi tiết độ phân giải, độ tương phản của hình ảnh...Giá card đồ họa thường xuyên dao động theo nhu cầu, trong khi giá RAM lên xuống như tàu lượn đã khiến cho việc sở hữu một chiếc máy tính đối với nhiều người trở nên rất khó khăn.

    Cuộc khủng hoảng card đồ họa thế giới cùng mối liên quan tới tiền số và COVID-19 - Ảnh 1.

    Mức độ biến động giá bán lẻ một số dòng card đồ họa

    Cuộc khủng hoảng từ vài năm trước

    Từ vài năm trước, thị trường card đồ họa bước vào một cuộc khủng hoảng. Đối với những người "hoài cổ", nhìn lại giá card đồ họa trước kia so với giá hiện nay giống như một cơn ác mộng. Mặc dù sau đó có lúc giá hạ nhiệt, sau khi Trung Quốc siết chặt hoạt động khai thác tiền điện tử, khiến GPU cũ được bán đầy trên thị trường, giúp giá GPU mới cũng hạ nhiệt.

    Tuy nhiên, không lâu sau lại nóng trở lại, và những người trong ngành dự báo những "vấn đề" của thị trường này còn lâu mới kết thúc.

    Giá GPU ở Trung Quốc đang tăng nhanh trở lại do nguồn cung giảm. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở những nước khác.

    Theo MyDrivers, giá tăng ở Trung Quốc bắt nguồn từ việc nhập khẩu GPU giảm. Vấn đề đặc biệt nghiêm trọng với Nvidia’s RTX 3060, với nguồn cung giảm 50% và dự kiến sẽ chưa cải thiện trong ngắn hạn.

    MyDrivers đã theo dõi giá linh kiện từ một số đối tác AIB, bao gồm Asus, Gigabyte và MSI. Một số mức tăng không quá đáng kể — Gigabyte GTX 1050 Ti chỉ tăng 12 USD — nhưng một số khác thì tăng như vũ bão: Asus RTX 3070 Ti được báo giá tăng 92 USD, tương đương tăng 15% chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng cũng không sẵn hàng.

    Cuộc khủng hoảng card đồ họa thế giới cùng mối liên quan tới tiền số và COVID-19 - Ảnh 2.

    Giá card đồ họa bán trên Ebay từ tháng 6 đến tháng 8/2021

    Thị trường GPU đã qua sử dụng cũng đang diễn biến tương tự, khi giá trên eBay trong tháng 8 đồng loạt tăng, mặc dù mức tăng thấp hơn giá card mới.

    Theo dõi toàn bộ câu chuyện của thị trường card đồ họa dưới đây sẽ hiểu nguyên nhân và tình trạng của thị trường đặc biệt quan trọng trong đời sống hiện đại này.

    Thông thường, giá card đồ họa đặc biệt bị ảnh hưởng bởi số lượng cung cấp nhiều hơn so với các linh kiện khác. Hai công ty nổi tiếng sản xuất card đồ họa trên thế giới là Nvidia và AMD chỉ tự mình sản xuất một phần nhỏ GPU trên toàn cầu, trên thực tế họ chỉ sản xuất dòng card chính của mình vào thời điểm ra mắt, còn bản thiết kế GPU sẽ được bán cho các công ty đối tác nhằm tạo thêm nhiều lựa chọn cho người mua, và đó là lý do giá GPU giảm so với thời điểm lúc mới ra. Cách làm này giúp người dùng nhiều lựa chọn, song lại khiến giá của GPU không thống nhất, và là một trong số những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt GPU hiện nay.

    Vào năm 2015, khu vực Châu Á rơi vào tình trạng khan hiếm dòng card Nvidia GTX 980 và GTX 980Ti. Nguyên nhân chính bởi sự hạn chế trong chuỗi cung, trong khi nhu cầu gia tăng ở khu vực này, đẩy giá cả tăng 15%, nhưng sau đó thị trường nhanh chóng ổn định trở lại.

    Cuộc khủng hoảng card đồ họa thế giới cùng mối liên quan tới tiền số và COVID-19 - Ảnh 3.

    Đến năm 2017, thị trường lại rơi vào một đợt thiếu hụt nữa, đặc biệt là dòng card Nvidia GTX thế hệ 10 và AMD RX thế hệ 500. Nguyên nhân là bởi dự đoán bởi giá của tiền ảo Ethereum tăng. Đó là một trong những nguyên nhân gây dẫn tới sự thiếu hụt GPU ở thời điểm đó, kéo dài trong nhiều năm sau, cho tới tận hôm nay.

    Những số liệu trong quá khứ cho thấy sự thiếu hụt GPU là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, cho tới hiện tại khi thị trường máy tính để chơi game tăng nhanh đến mức đáng báo động, bởi đại dịch COVID -19 khiến mọi người đều phải ở nhà, làm cho tình trạng thiếu hụt GPU càng thêm nghiêm trọng.

    Vào 11/3/2020, tổ chức y tế thế giới (WHO) tuyên bố đại dịch COVID-19, với việc mọi người đều phải rời khỏi văn phòng để ở yên tại nhà, khiến nhu cầu sử dụng máy tính tăng cao. Năm 2020, thị trường máy tính toàn cầu tăng 13,1%, cao nhất kể từ 2010, khi thị trường tăng 13,7%. Nhu cầu người dùng máy tính tăng cao, tạo cơ hội cho việc mở rộng thị trường kinh doanh máy tính.

    Cùng thời điểm đó, bắt đầu nảy sinh tình trạng thiếu hụt linh kiện bán dẫn – đang khiến cho nhiều lĩnh vực, như ô tô, rơi vào bế tắc mà đến nay chưa có lối thoát.

    Đứt gãy chuỗi cung ứng

    Thông thường, các công ty sản xuất linh kiện như AMD và Nvidia sẽ cần một số lượng lớn nguyên liệu trước khi bắt đầu sản xuất, song đại dịch đã khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, việc thiếu hụt vật liệu bán dẫn, trong khi các công ty sản xuất linh kiện vẫn phải làm việc hết công suất, khiến giá thành bị đẩy lên cao.

    Cuộc khủng hoảng card đồ họa thế giới cùng mối liên quan tới tiền số và COVID-19 - Ảnh 4.

    Ngày 17/9/2020, Nvidia tung sản phẩm dòng card RTX 3080 ra thị trường trong tình trạng giấ GPU đang cao ngất ngưởng. Loạt sản phẩm chào bán nhanh chóng được tẩu tán hết, khiến nhiều người sau đó chỉ có thể tìm mua dưới hình thức hàng đã qua sử dụng. Có rất nhiều kẻ trục lợi nhân thời điểm giá card đang cao và nhu cầu mạnh nên ngay sau khi dòng GPU mới được đem ra bày bán họ đã bắt đầu tìm cách thu mua tích trữ GPU, bằng những cách như thông qua tài khoản ảo, tài khoản mua bán tự động.

    Ngày 26/9/2020, Bộ Thương mại Mỹ áp đặt lệnh giới hạn với SMIC - công ty sản xuất mạch bán dẫn hàng đầu Trung Quốc. Điều đó buộc các hãng sản xuất vi mạch bán dẫn của Mỹ phải chuyển sang hợp tác với các công ty khác như TSMC của Đài Loan và Samsung ở Hàn Quốc.

    Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu vào năm 2018, từ việc hạn chế các sản phẩm công nghệ như tấm pin mặt trời và các sản phẩm gia dụng, sau đó bổ sung các lệnh trừng phạt khác, nhưng yêu cầu giới hạn đối với SMIC được xem là vấn đề lớn nhất trong thời điểm đó khi nguồn cung GPU vốn đã ở trong tình trạng khan hiếm.

    Cuộc khủng hoảng card đồ họa thế giới cùng mối liên quan tới tiền số và COVID-19 - Ảnh 5.

    Ngày 28/10/2020, AMD bắt đầu công bố dòng GPU sử dụng công nghệ RDNA 2 với các dòng RX 6800XT, 6800 và 6900XT, nhằm cạnh tranh với Nvidia về hiệu suất và công nghệ Ray tracing (dò tia), lần đầu tiên xuất hiện với sản phẩm của AMD, với hy vọng là giải pháp cho tình trạng khan hiếm card đồ họa.

    Tuy nhiên, cũng giống như Nvidia, số lượng sản phẩm trong kho hàng ngay lập tức được bán hết chỉ trong vài phút. Trước đó, chính AMD công bố rằng sẽ đủ số lượng cung cấp trong ít nhất một tuần. Tuy nhiên số lượng card phần lớn vẫn nằm trong kho hàng của các đại lý bán lẻ, và chỉ có thể mua dưới dạng GPU đã qua sử dụng, giống với tình trạng của Nvidia một tháng trước đó.

    Cuối năm 2020, thị trường tiền ảo bùng nổ với giá tăng chóng mặt, góp phần khiến tình trạng khan hiếm GPU càng thêm nghiêm trọng. Đợt bùng nổ này bắt đầu xảy ra vào tháng 10/2020, nhưng trên thực tế thì nhu cầu máy đào của dân đào tiền ảo đã xuất hiện từ khi bắt đầu khan hiếm GPU.

    Thực tế lúc đó nhắc nhớ rằng thị trường GPU đã từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ, gắn liền với những biến động của thị trường tiền ảo, khi năm 2018 giá đồng Ethereum tăng vọt, đến năm 2020 giá trị đồng Ethererum và Bitcoin tăng đột ngột (vào tháng 10/2020), thu hút rất nhiều nhà đầu tư nhảy vào thị trường tiền ảo.

    Cuộc khủng hoảng card đồ họa thế giới cùng mối liên quan tới tiền số và COVID-19 - Ảnh 6.

    Đến đầu năm 2021, thị trường GPU vẫn ở trong tình trạng khan hiếm, với cung vẫn giảm và cầu vẫn tăng. Các công ty bắt đầu đưa ra giải pháp nhằm cải thiện tình trạng này. Nhiều tin đồn cho Nvidia bắt đầu cho phép sản xuất các dòng card cũ, như RTX2060, MSI tái sản xuất dòng card GT730, để bù đắp cho chuỗi thiếu hụt cung.

    Các công ty sản xuất theo AIB, được xem là thị trường chính sản xuất GPU, bắt đầu cập nhật giá cả sao cho phù hợp, vào cuối năm 2020 và đầu 2021, giá của các đơn vị AIB được đẩy cao chưa từng thấy, khiến cho card đồ họa được bán gấp đôi so với giá niêm yết ở các đại lý, trùng với giá bán ở thị trường đồ đã qua sử dụng.

    Kết thúc tháng 2/2021, Nvidia đã có giải pháp chống lại tình trạng khan hiếm GPU bằng cách giảm thiểu khả năng đào tiền ảo thông qua dòng card LHR, và công bố dòng card CMP, chuyên cho việc đào tiền ảo và không có chức năng đưa ra hình ảnh, nhằm đảm bảo dòng card Geforce đến được tay các game thủ.

    Tháng 3/2021, Nvidia công bố dòng card RTX 3080Ti và RTX 3070Ti, nhưng kế hoạch bày bán sẽ khác so với bình thường, Nvidia công bố dòng card RTX3080Ti sẽ được bán độc quyền qua Bestbuy, nhằm giải quyết vấn nạn mua bán qua các tài khoản ảo và tự động.

    Cùng thời điểm, nhà sáng lập Ethereum công bố sẽ chuyển từ cơ chế proof of work thành proof of stake nhằm giảm thiểu hao tổn điện năng, điều này có thể loại bỏ nhu cầu sử dụng GPU để đào tiền ảo, giúp giảm nhu cầu với các dòng GPU mới. Ngoài ra, giá của đồng Bitcoin và Ethereum có dấu hiệu suy giảm, trong đó Trung Quốc, quốc gia được xem như trung tâm đào tiền ảo, bắt đầu ra các lệnh giới hạn đào tiền ảo, góp phần làm cho thị trường bớt khan hiếm.

    Tuy nhiên, virus biến thể Delta xuất hiện, dại dịch Covid-19 liên tiếp bước vào những đợt bùng phát mới, khiến chuỗi cung ứng một lần nữa lại bị thắt lại, trong khi nhu cầu vẫn không ngừng tăng cao, là lý do khiến giá card đồ họa đang tăng trở lại.

    Với tình trạng hiện tại, dự báo cuộc khủng hoảng card đồ họa sẽ chưa thể sớm kết thúc.

    Tham khảo: Digitaltrends, Techspot, Techradar


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày