Cuộc sống không có đường: Thử thách 30 ngày cho cả gia đình tôi đã diễn ra thế nào?

    zknight,  

    Ngày thứ 31, tôi thức dậy. Ba đứa con gái của tôi mang đến cho tôi bánh sô cô la mà chúng đã bí mật làm để ăn mừng.

    Khi đã trở thành bà mẹ của 4 người con, tôi cũng không chắc rằng mình nên suy nghĩ thế nào về đường. Một số người gọi nó là “loại thuốc lá mới”. Chính là đường, chứ không phải chất béo, phải chịu trách nhiệm cho tình trạng béo phì ngày càng phổ biến hiện nay.

    Đường không gây nghiện giống như thuốc lá”, Giáo sư Graham MacGregor, người đứng đầu một chiến dịch vận động kiêng đường, giải thích. “Nhưng nó cũng gây hại tương đương theo nhiều cách khác nhau. Đường là một nguồn calo không cần thiết, là nguyên nhân chính gây béo phì. Vì vậy, đó cũng là nguồn gốc của nhiều ca tử vong và bệnh tiểu đường”.

    Bạn càng ăn nhiều đường bao nhiêu, cơ thể càng dự trữ nó dưới dạng chất béo. Đây cũng là một lí do khiến đường liên quan đến béo phì. Nhưng đâu là điều mà bạn thấy hàng ngày? Hàng tá loại thực phẩm chúng ta tiêu thụ chứa đường trong đó.

    Không phải chỉ các loại đồ uống có gas hay bánh ngọt đâu, đường có cả trong nước sốt, ngũ cốc, nước ép trái cây và thậm chí trái cây tươi nữa. Để hạn chế tiêu thụ và việc nhà sản xuất thực phẩm nhồi nhét đường trong sản phẩm của họ, một số quốc gia đã đề xuất chính phủ nên đánh thuế đường.

     Đường được coi là là “một loại thuốc lá của thời đại mới

    Đường được coi là là “một loại thuốc lá" của thời đại mới

    Tất cả những điều này có thể gây bối rối cho bất kỳ một người bình thường nào, ví dụ như tôi, một bà mẹ chỉ đang cố gắng nuôi dưỡng con cái một cách tốt nhất.

    Vì vậy, để có thể hiểu và thực tế trải nghiệm đường ảnh hưởng thế nào lên cơ thể, tôi quyết định sẽ kiêng đường trong 30 ngày. Tôi sẽ đưa cả gia đình mình tham gia vào thử nghiệm này. Mặc dù vậy, tôi vẫn sẽ lấy chính mình ra làm con chuột bạch đầu tiên.

    Liệu tôi sẽ cảm thấy tốt hơn khi kiêng đường? Tôi là một bà mẹ kiểu mẫu, người luôn thúc ép con cái mình ăn rau những vẫn dễ dãi với chúng với một món nhiều đường vào mỗi cuối tuần. Có bao nhiêu đường đang thực sự ẩn mình trong chế độ ăn uống của các con tôi? Và tôi có thể chịu đựng được bao lâu khi không có sự có mặt của đường?

    Tuần đầu tiên

    Tâm trạng của tuần đầu tiên, khi tôi cắt toàn bộ đường ra khỏi chế độ ăn, giống như một chuyên gia dinh dưỡng đã miêu tả, “bối rối và trì trệ”.

    Tôi đã đọc và tham khảo rất nhiều hướng dẫn kiêng đường, từ sách báo tới các bài giảng và lời khuyên của chuyên gia. Cuối cùng, đây là những thứ phải loại bỏ: các loại ngũ cốc ăn sáng, sữa chua có đường (thứ mà con trai tôi có thể ăn tới 3 hộp một lúc), món đậu hầm đóng hộp, nước sốt cà chua, sốt mì ống và cả pizza, phần thưởng mỗi tối thứ bảy của lũ trẻ.

    Những đồ ăn khác cũng phải loại bỏ khỏi chế độ ăn như mứt, mật ong. Thẳng thắn mà nói, có khi phải bỏ tất cả những gì mà bọn trẻ đều thích.

    Có một điều khiến tôi khá bối rối đó là trái cây và đâu là mức độ kiêng chừng mực với nó? Trái cây chứa đầy đường (fructose). Nếu đúng như lời một chuyên gia dinh dưỡng đã nói, fructose “độc”, đâu là mức độ hợp lí để ăn trái cây?

    Trong một số nghiên cứu, sinh tố và các loại nước ép trái cây được đánh giá tồi tệ tương đương Coca-cola (thứ nước uống chứa 35 g đường, tương đương 9 thìa cà phê trong mỗi lon). Giờ phải loại bỏ trái cây ra khỏi xuất ăn trưa của các con tôi sao? Chúng đang có hai miếng trái cây mỗi ngày và thêm vào bánh tráng miệng.

    Một quả chuối có thể chứa đến 7 muỗng cà phê đường, nho chỉ khoảng nửa muỗng nhưng một quả dưa chứa tới 12 muỗng. Tất cả đều là món ưa thích của lũ trẻ.

    Dịch vụ Y tế quốc gia của Vương quốc Anh (NHS) ít cứng rắn trong những lời khuyên với trái cây. Họ khuyến cáo chung chung khi chỉ nói hãy “cân bằng chế độ ăn” của bạn. Chuyên gia hướng dẫn kiêng đường Kate Harris cũng vậy. Cô viết: ”Tôi ăn hoa quả bởi chúng rất ngon. Mọi loại quả đều chứa chất xơ và đường tự nhiên. Nhiều người sẽ có nhiều ý kiến khác nhau về hoa quả… bạn hãy tự quyết định!”.

    Ở một mặt khác rõ ràng hơn thì các loại nước ép trái cây thương mại, thậm chí một số còn dán nhãn ít đường, đều rất không tốt.

     Lũ trẻ vẫn ăn trái cây, còn tôi sẽ kiêng chúng hoàn toàn

    Lũ trẻ vẫn ăn trái cây, còn tôi sẽ kiêng chúng hoàn toàn

    Cuối cùng tôi đi đến kết luận rằng: lũ trẻ vẫn ăn trái cây, nhưng chuối thì không được phép. Còn tôi sẽ kiêng trái cây hoàn toàn. Tôi thay chuối bằng kiwi và các loại trái cây ít đường khác như các loại quả mọng, chuyển sang ăn rau sống như ớt chuông và đậu. May thay, lũ trẻ đã thoải mái với điều đó (Tạ ơn Chúa).

    Mỳ và bánh mỳ nâu được phép ở lại trong chế độ ăn. Nhưng những đứa trẻ còn quá nhỏ, tôi không muốn thử nghiệm hai loại đồ ăn này trên chúng. Tôi chỉ ăn cho phép riêng mình ăn mỳ và bánh mỳ nâu.

    Chỉ có một chút rắc rối với ngũ cốc. Mỗi 100 g ngũ cốc có thể chứa 20.9 g đường, tương đương 5 muỗng cà phê. “Tại sao họ lại nói đây là sản phẩm dành cho sức khỏe bên ngoài vỏ hộp?”, đứa con 8 tuổi của tôi hỏi. Nguyên nhân là tôi đã giấu bánh quy sô cô la của chúng. Bình thường thì mỗi đứa sẽ ăn hai cái sau giờ học, trung bình “chỉ” 1 thìa cà phê đường trong mỗi chiếc.

    Tôi giảng giải cho chúng một bài học nhanh chóng. Nhưng vẫn có một cuộc nổi loạn: “Mẹ nói dối! Mẹ nói dối”. Chúng vẫn thường hay dùng cái điệp khúc này. Tôi cũng không việc gì phải tức giận.

    Đối với tôi, chế độ ăn uống này là một sự thay đổi quyết liệt. Nó không đến từ việc cắt giảm đồ ngọt (tôi không ăn quá nhiều bánh quy hay sô cô la) mà đó là sự cắt giảm carbohydrate (nguồn đường ở tận sâu trong chế độ ăn).

    Qua ngày đầu tiên, đến hết ngày thứ hai, tôi đã cảm thấy kiệt sức. Tôi ngủ gục ngay sau khi lũ trẻ lên giường vào 8 rưỡi tối. Kế hoạch chạy bộ tôi duy trì từ vài tháng nay, điều khiến tôi cảm thấy thư giãn và giảm cân nhanh chóng, giờ cũng bị phá vỡ. Tôi cảm thấy khó chịu và phẫn uất.

    Thời gian này, tôi dường như chỉ sống bằng trứng luộc, hạnh nhân, dừa nạo, protein trong nhiều hình thức khác nhau, quả bơ và cải xoăn. Tôi đi đến một cửa hàng thực phẩm dành cho sức khỏe trong thị trấn và tiêu hơn 40 Bảng Anh cho: hạt chia, quinoa, hạt lanh, dừa nạo, hạt phỉ, nước dừa (đắt kinh khủng) và cải xoăn. Cứ như một người nổi tiếng điên khùng vậy.

    Thực hành theo chế độ của các chuyên gia, tôi phải chi rất nhiều tiền cho những lọ protein không đường. Chúng sẽ phục vụ kế hoạch với những ly sinh tố. Tôi còn phải mua sữa hạnh nhân không đường, thực sự đắt. Và một lọ nhỏ dầu dừa có giá tới 6 Bảng Anh. 6 Bảng, với chừng đó tôi có thể mua cả con gà cho lũ trẻ rồi.

    Bữa sáng là vấn đề chính đối với tôi. Tôi ăn bánh granola, thứ thực phẩm với chỉ số GI thấp mua từ cửa hàng thực phẩm sức khỏe. Chúng rất đắt nhưng vào bụng tôi chỉ trong nháy mắt. Có nhiều lựa chọn tốt hơn, như các ngôi sao Hollywood đang ăn sinh tố bơ, cải xoăn, việt quất và hạt chia. Nhưng bạn cứ thử chế biến chúng cho bữa sáng mà không có một quản gia hay vú em? Trong khi đó tôi có tới 4 đứa con và cả một đống việc bao gồm gói gém từng hộp thức ăn trưa cho chúng vào sáng sớm.

     Tôi quyết tâm thử món sinh tố bơ, cải xoăn vào cuối tuần

    Tôi quyết tâm thử món sinh tố bơ, cải xoăn vào cuối tuần

    Không sao, cuối tuần tôi vẫn có cơ hội để thử món sinh tố. Tôi quyết tâm lắm. Sau khi xem công thức, tôi cho vào máy đủ thứ từ quả mọng đông lạnh (ít đường), cải xoăn, hạt chia, nước dừa. Chúng trào ra cả miệng máy xay và rớt xuống sàn nhà.

    Con chó liếm chỗ sinh tố rồi ăn ra ốm. Đứa con bé nhất của tôi đập cái thìa xuống bàn thành nhịp và hát bằng giọng chế nhạo: “Không không không có đường, không bao giờ, không bao giờ”. Tôi cảm thấy đau lưng và khó đi lại, thứ sau này tôi mới nhận ra là do tình trạng táo bón nặng. Tôi khóc trong sự đau khổ, đến nỗi chồng tôi cũng phải lo lắng vì điều đó hơn là buồn cười.

    Ngày thứ 7 kết lại bằng một khung cảnh, cả gia đình cùng ăn sữa chua Hy Lạp với quả mọng và hạt protein đóng gói. Có lẽ đây mới là định nghĩa cho một người mẹ tuyệt vời trong gia đình. Đừng bận tâm ngay cả khi mẹ các con không thể đi lại được.

    Tuần thứ hai

    Những cơn đau lưng đã giảm bớt. Tôi thực hiện một chuỗi các bữa tối buồn tẻ với quinoa và các loại rau, protein thêm gia vị hoặc cá hồi hun khói. Chồng tôi thú nhận rằng anh đã rất đói và phải ăn tới hai bữa trưa tại cơ quan.

    Theo khuyến cáo của NHS, chúng ta nên hạn chế mức đường phụ gia mỗi ngày là dưới 10 muỗng cà phê (40 g). Nhưng một số nguồn khác cho rằng giới hạn sẽ chỉ khoảng 6 muỗng và phê với phụ nữ và 8 muỗng cà phê với nam giới. Tổ chức Y tế thế giới đưa ra mức khuyến cáo chung cho mọi người trưởng thành là 25 g. Bạn có thể chia cho 4 để tính khoảng muỗng cà phê.

    Tôi là một người phụ nữ buồn rầu trong siêu thị, đang nheo mắt lại mỗi khi thấy dòng chữ “carbohydrate (nơi lượng đường được ghi)” trên nhãn bao bì. Theo NHS, loại thực phẩm nào chứa nhiều hơn 22.5 g đường trên 100 g sẽ được gọi là mức đường cao. Con số phải dưới 5 g đường/ 100 g thực phẩm mới được gọi là đường thấp.

    Nếu bạn thử đi loanh quanh trong các quầy hàng để tính toán, chúng ta chắc chắn lại có thêm một người buồn rầu trong siêu thị. Rất nhiều loại thực phẩm tưởng chừng vô hại lại có lượng đường cao.

    Hiện tại, tôi phải giới hạn mức đường của mình dưới 1 muỗng cà phê mỗi ngày. Sự cho phép chỉ là bánh yến mạch và rượu vang đỏ (nửa muỗng cà phê). Hai thứ này, nghịch lý thay, lại cần thiết đối với những căng trẳng mà tôi phải chịu đựng trong kế hoạch của mình.Tôi nhận ra rằng một lượng đáng kể đường trong chế độ ăn trước đây của tôi đến từ bánh mỳ, gạo và rượu vang trắng.

    Tuần này tôi làm một thử nghiệm nhỏ với con trai tôi. Khi sữa chua hoa quả được đưa trở lại chế độ ăn của cậu bé, nó đã thể hiện một sự tăng động vì lượng đường được tăng lên.

     John Briffa là người đã giải thích cho tôi những thay đổi tinh tế mà mình đang gặp phải.

    John Briffa là người đã giải thích cho tôi những thay đổi tinh tế mà mình đang gặp phải.

    Một sự tiến bộ nữa là khi tôi tới gặp bác sĩ John Briffa, tác giả “Escape the Diet Trap” (một cuốn sách hướng dẫn dinh dưỡng nổi tiếng). Ông là người đã giải thích những thay đổi tinh tế mà tôi đang gặp phải.

    Tình trạng năng lượng thấp xảy ra khi cơ thể tôi phải điều chỉnh quá trình chuyển hóa của nó. Nhiên liệu bình thường được nạp từ nguồn carbohydrate thì nay phải lấy từ chất béo và protein. “Cứ bình tĩnh và kiên nhẫn”, John khuyên tôi. “Cô sẽ bắt đầu cảm thấy tốt hơn rất nhiều, sớm thôi”.

    Hãy ăn chất béo để có cảm giác no, ông nói. “Trong quá khứ, chúng ta đã dè chừng chất béo. Nhưng bản thân sự xuất hiện của nó không phải cách mà chất béo khiến chúng ta béo. Insulin mới là thành phần quan trọng. Hooc-môn này tham gia vào quá trình lưu trữ chất béo và càng nhiều insulin bạn tiết ra, bạn càng có khả năng kháng insulin”. Về cơ bản, khi bạn ăn nhiều đường, bạn cũng sẽ tích trữ thêm cân nặng.

    John cũng có quan điểm rõ ràng với carbohydrate, ngay cả cháo: “Đó chỉ là một bát lớn toàn tinh bột”. Chứng táo bón mà tôi đã gặp phải đến từ việc thiếu nước và rau quả. “Tôi đã quan sát hàng trăm người tham gia vào chế độ dinh dưỡng này mà chẳng một ai trong số họ bị táo bón… Con người đã không có bánh mỳ và lúa để nấu cháo từ 2 triệu năm trước đây”. (Khi tôi kể lại cho chồng tôi những gì John nói, anh ấy bảo rằng “Con người đã không có một tuổi thọ tốt thời điểm 2 triệu năm trước”).

    Tôi cảm thấy đòi hỏi một câu trả lời rõ ràng cũng đang làm John khó chịu. Nhưng mà về cơ bản tôi chỉ muốn anh cho tôi biết mình có thể chăm sóc con cái bằng những loại thực phẩm nào thôi. Chẳng có gì quá đáng với một người mẹ trung lưu, ủng hộ thực phẩm tươi sống, nghiêm khắc với một chiếc bánh sô cô la và tệ hơn nữa là trái cây chứa đầy chất xơ?

    Xem này”, John bắt đầu giải thích. “Nếu cô có những đứa trẻ chăm tập thể dục, không có vấn đề cân nặng và tiền sử bệnh tiểu đường, đường tự nhiên từ trái cây là hoàn toàn lành mạnh. Nhưng nếu thay vào đó là những đứa trẻ báo phì, tôi chắc chắn sẽ khuyên cô nên loại trái cây khỏi suất ăn trưa của chúng. Bánh mỳ nâu cũng có thể ăn được, nhưng chỉ nên dùng nó là phương tiện để chống đói. Tôi không thể chỉ ra cho cô rằng bánh ngọt là một món ăn tốt. Nó chẳng có giá trị dinh dưỡng nào cả”.

    Sau ngày nói chuyện là đến Valentine, con trai tôi tặng tôi một chiếc bánh ngọt hình trái tim màu hồng mà cậu bé đã tự làm. Tôi chẳng quan tâm và ăn nó ngay lập tức. Chiếc bánh được làm với tình cảm của con trai tôi và nó thực sự ngon. Còn điều gì quan trọng hơn thế?

    Tuần thứ ba

    Có hai người khen tôi trông “tươi tắn”. Tôi đã không cảm thấy mình có sức sống như vậy trong nhiều năm. Mỗi khi ngủ dậy, tôi thấy mình tỉnh táo và sảng khoái, điều mà suốt 10 năm nay tôi phải đối mặt chỉ là sự thèm ăn. John đã đự đoán chính xác: đường trong máu của tôi đã ổn định rồi.

    Những đứa trẻ giờ cũng quên đi ngũ cốc ăn sáng và nước ép trái cây. Chúng tôi tự làm pizza vào tối thứ 7. Khi ở nhà, chủ yếu tôi chỉ nhâm nhi trà, nó khiến tôi kiểm soát bản thân và tuân thủ thực đơn.

     Bữa sáng với bánh granola cũng là điều chấp nhận được

    Bữa sáng với bánh granola cũng là điều chấp nhận được

    Tôi không ăn sinh tố cải xoăn, thứ mà John đã nói rằng nó rất hiệu quả. Chúng tôi đồng ý rằng một bữa sáng với trứng, bánh granola, sữa chua và Weetabix (một loại ngũ cốc ăn sáng nguyên cám) cũng chấp nhận được. Còn một điều nữa, tôi đặc biệt kỳ thị đường ẩn trong thực phẩm hơn so với đường hiển nhiên. Nói cách khác, sữa chua, nước sốt và ngũ cốc là thứ tồi tệ hơn bánh bích quy. Lí do vì ít ra tôi còn ý thức được bánh bích quy sẽ phải ở trong chừng mực.

    Là bà mẹ của 3 đứa con gái có lẽ là điều thúc đẩy tôi ủng hộ sự chừng mực. Không ai trong số những bà mẹ cùng thế hệ với tôi muốn tạo ra vấn đề xấu cho con gái họ bằng những thứ đã bị “cấm” này. Có điều tôi còn ngạc nhiên hơn, khi đứa bé còn đang đi học nói rằng: chúng đã được học về những nhãn thực phẩm ở trường. Thế hệ chúng tôi thì làm gì có được những bài học này khi còn nhỏ.

    Đã từng trải qua một chế độ ăn kiêng nhẹ (thậm chí trong những năm trẻ tuổi, tôi còn ăn kiêng khá cực đoan), tôi chống lại những ham muốn ăn uống của mình khá quyết liệt. Đây có khi không còn là vấn đề với chế độ ăn uống nữa. Tôi tự nhắc nhở bản thân theo James Guigan (một huấn luyện viên sức khỏe cá nhân), người đồng ý với John rằng: “Đường là một quả bom hạt nhân sẽ nổ trên trên khắp cơ thể bạn”.

    Một công thức kỳ diệu cho chế độ ăn là dựa trên chất béo, protein và sự ổn định của đường trong máu. Bởi vậy, tôi tiếp tục ăn nhẹ với các chất béo tốt: các loại hạt, quả bơ và một chút pho mát. Tôi thư giãn với thịt xông khói. Sau 30 năm dè chừng chất béo, điều này giống như tôi đang phá vỡ cả luật lệ ăn uống vậy.

    Tuần thứ ba kết thúc với một hành vi xấu. Trong một bữa tiệc, tôi lại uống nhiều rượu vang trắng, cả vang đỏ và khoai tây. Cuối buổi hôm đó, tôi vào phòng tắm và buồn nôn suốt. Thật sang chảnh! Điều này chính là do đường, không phải một tai nạn như nhiên. Tôi thấy mình như bị nhiễm độc.

    Tuần cuối cùng

    Tôi đã thực hiện được tận 4 buổi chạy bộ trong tuần này. Một phép lạ mới có thể khiến tôi làm được điều này nếu trở lại tuần đầu tiên.

    Các con tôi nhất trí rằng chúng tôi sẽ chụp một tấm ảnh kỷ niệm với tất cả những thực phẩm và đồ uống mà chúng tôi đã cắt bỏ. Cả một đống trên bàn. Lũ trẻ ôm chầm lấy những thực phẩm có đường và hét lên đòi sô cô la và thạch, thứ mà chúng đã bị lãng quên từ lâu.

     Đây là tấm ảnh lưu niệm chúng tôi đã chụp trong những ngày cuối của thử thách

    Đây là tấm ảnh lưu niệm chúng tôi đã chụp trong những ngày cuối của thử thách

    Sự mất kiểm soát của bọn trẻ cũng khiến tôi hoảng sợ. Đây là những gì xảy ra khi thực phẩm bị áp lệnh cấm. Tôi quyết định sẽ xem xét lại sự cấm đoán chặt chẽ của mình, có khi sẽ giảm nó xuống chừng mực khi tuần của chế độ ăn này kết thúc.

    Khi tuần cuối cùng khép lại, tôi cảm thấy nhẹ nhõm như một tù nhân đang chờ đợi ở ngưỡng cửa tự do. Ngày thứ 31, tôi thức dậy. Ba đứa con gái của tôi mang đến cho tôi bánh sô cô la mà chúng đã bí mật làm để ăn mừng. Tôi ăn một miếng bởi đứa con gái lớn muốn tôi làm điều đó. Tôi xuống cầu thang và tìm thấy một hộp sô cô la Bỉ. Tôi nếm một chút. Nhưng bạn biết không? Tôi thậm chí không còn thích nó.

    Tái bút

    Hai tuần sau khi chế độ ăn không đường trong 30 ngày kết thúc, thật đau lòng khi phải nói rằng tôi vẫn duy trì nó. Tôi nghĩ rằng mình muốn được giải phóng khỏi những cấm đoán, nhưng khẩu vị của tôi đã được "huấn luyện" lại.

    Tôi thấy bánh mỳ giờ thật khó nuốt. Tôi không muốn ăn cơm, bánh quy sô cô la hay mỳ ống. Protein khiến tôi no và giữ tôi hoạt động. Tôi không mua nước ép trái cây, sinh tố, sữa chua hoặc bánh ăn sáng cho lũ trẻ nữa. Thêm vào đó, tôi mang về nhà rau sống, các loại hạt và trái cây để làm bữa trưa cho chúng.

    Tôi chắc chắn không phải một người mẹ chống đường hà khắc. Nhưng tôi cũng không thể tìm thấy trong trái tim mình điều gì cho phép lũ trẻ với một lon Coca-cola. Có lẽ, nó được quan niệm là một phần thưởng.

    Lũ trẻ tiếp tục có hai chiếc bánh sô cô la sau khi tan học. Cùng với đó là phần thưởng cuối tuần là bỏng ngô hoặc pizza. Nhưng bây giờ tôi đã có ý thức hơn để chú ý đến lượng calo chúng ăn mỗi ngày. Nếu là hai chiếc bánh quy, nước ép trái cây, một quả chuối và nho, nước sốt mỳ ống, một bát cháo với mật ong, đó sẽ là quá nhiều đường cho con tôi.

    Tôi không nghĩ rằng mức đường chừng mực mà lũ trẻ đang ăn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng. Tất cả các con tôi đều có cơ thể cân đối. Nhưng công bằng, tôi không thể ưa nổi các sản phẩm chứa đường ẩn mình.

    Ba mươi ngày với chế độ kiêng đường, điều cuối cùng tôi học được không phải là việc kiêng đường vĩnh viễn mà là sự ý thức về những ảnh hưởng của đường với cơ thể.

    Theo Theguardian

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày