Cuối năm rồi, đây là cách bạn có thể tổng kết chi tiêu đơn giản ngay từ smartphone mà không cần phải ‘đi in sao kê’
Ngồi nhà bấm điện thoại là biết ngay năm qua lương có tăng không, dùng tiền cho việc gì nhiều nhất và ‘team’ những người thường xuyên chuyển khoản cho bạn.
Chớp mắt một cái là 2024 lại chuẩn bị qua đi, mọi người còn chưa đầy 1 tháng nữa để chuẩn bị cho một năm 2025 mới với nhiều cơ hội và thách thức mới. Giống như mọi người, đến dịp cuối năm tôi lại muốn biết rằng trong năm qua thu nhập của mình có khá hơn không, sử dụng đồng tiền như thế nào và đã chi tiền cho những công việc gì.
Rất may là trong thời điểm hiện nay, nhiều ứng dụng ngân hàng cũng như sàn TMĐT đã tích hợp tính năng tổng kết chi tiêu cuối năm, chỉ một vài bước đơn giản là ta đã có bức tranh toàn cảnh về 2024 rồi!
Techcombank Rewind - Spotify Wrap… nhưng là cho chi tiêu
Đến hẹn lại lên, Spotify lại tung những video dạng ‘Wrap’ để tổng kết gu âm nhạc của người dùng trong năm, trong đó có bài hát yêu thích, ca sĩ yêu thích, tổng thời gian nghe… Techcombank cũng đã học tập ý tưởng này, nhưng là để tổng kết những khoản chi tiêu trong năm, gọi là Techcombank Rewind.
Ngay từ khi vào ứng dụng thì mục Rewind đã được đặt rất lớn ngay ở màn hình chính, chỉ cần nhấn vào mà đợi 1 lúc ta sẽ có những hình ảnh dạng ‘Story’ để hiển thị những thông tin về vấn đề chi tiêu khi sử dụng Techcombank. Ta có những thông tin như số lần chuyển tiền, số lần thanh toán bằng QR, thanh toán bằng thẻ, ai là người thường xuyên chuyển tiền cho bạn, dòng tiền vào tài khoản và số tiền đã dùng để mua sắm.
Mặc dù vẫn có những hình ảnh khá là… vô tri như việc bạn đã sử dụng dịch vụ của Techcombank trong bao nhiêu lâu, hay quảng cáo về việc sử dụng các dịch vụ sinh lời tự động của ngân hàng; nhưng ta vẫn có những thông tin hữu ích và một vài lời động viên dạng “2024 cũng có những thăng trầm và sóng gió, nhưng bạn đã kiên cường vượt qua.” - đọc cũng ấm lòng!
Tính năng quản lý chi tiêu của MBbank
Ngân hàng Quân đội MBbank thì có cách quản lý chi tiêu đơn giản, không “Mạng-xã-hội-hóa” như Techcombank! Ở ứng dụng Mobile Banking của MBbank, bạn nhấn nút kính lúp và tìm từ khóa ‘Quản lý dòng tiền’ để vào mục quản lý chi tiêu của ứng dụng.
Tại đây, ta có thể xem được tổng thu, tổng chi của từng tháng, kiểm tra xem những con số này có tăng hay giảm theo từng thời kỳ. Để xem tổng kết hết cả năm, thì bạn hãy nhấn nút Tùy chỉnh rồi chọn lại ngày bắt đầu và kết thúc. Tại đây, ta cũng có công cụ quản lý phân loại thu, chi để lọc chính xác hơn những dòng tiền này đã được sử dụng ở nền tảng nào, vào mục đích gì.
Vào kiểm tra thử BIDV SmartBanking
Với BIDV SmartBanking, ứng dụng đã tích hợp sẵn khả năng quản lý chi tiêu khá là chi tiết. Để xem mục này, bạn hãy kéo xuống nút ‘Xem tất cả dịch vụ’, sau đó nhấn ‘Quản lý tài chính’. Điểm hay của ứng dụng này là có thể chia những khoản chi tiền vào các danh mục như Ăn uống, Sinh hoạt, Tiêu vặt, Mua sắm, Học tập, Giải trí…
Tuy vậy nó lại không dành cho…người lười vì để chia các khoản chi này vào từng mục cụ thể, bạn cần phải tự làm thủ công mỗi khi có giao dịch mới. Nếu như không làm bước này, bạn vẫn có một biểu đồ tổng thu, chi và biểu đồ xu hướng chi tiêu giữa các tháng để so sánh.
Vietcombank cũng có tính năng thống kê tương tự
Vietcombank cũng là tương tự luôn, ứng dụng cũng đã có luôn khả năng quản lý chi tiêu cho người dùng ở mục ‘Quản lý tài chính cá nhân’. Với Vietcombank, ta có thêm một vài tính năng lập kế hoạch chi tiêu bao gồm: Nhập thu nhập hàng tháng, Lập bảng phân bố ngân sách chi tiêu (theo khuyến nghị của ngân hàng).
Vẫn như thường lệ, các khoản chi tiêu cần được chia vào các mục cụ thể như Chi tiêu thiết yếu, Mua sắm và giải trí, Giáo dục và y tế, Tiết kiệm, Đầu tư và các khoản chi khác. Và cũng giống như BIDV, nếu như cảm thấy lười không muốn phải nhập chính xác từng khoản chi là cho cái gì, thì ta vẫn có những biểu đồ dòng tiền vào, ra theo từng tháng, quý hoặc cả năm.
Đã mua gì thì đi hỏi Shopee!
Nếu bạn đã là một Shopee-thủ, cái gì cũng mua trên nền tảng TMĐT này thì việc thống kê số tiền mua đồ lại khá là đơn giản. Sau khi đăng nhập Shopee, hãy vào mục Tôi > Khách hàng thân thiết, tại đây ta sẽ có thứ hạng tài khoản, số đơn hàng đã mua trong năm và tổng số tiền đã được tiêu.
Khi bấm vào mục “Chi tiêu”, Shopee sẽ ‘nhả’ ra danh sách tất cả những món đồ bạn đã mua trong năm để nhanh chóng kiểm tra xem món gì là hữu ích, món gì… mua về để đó và sẽ không mua trong 2025.
Tạo thói quen quản lý chi tiêu chi tiết hơn cho 2025
Mỗi ngân hàng và sàn TMĐT lại có một cách thống kê chi tiêu riêng, nhưng giới hạn ở việc là chỉ thống kê được với dịch vụ của mỗi ứng dụng đó mà thôi, ngoài ra mỗi khi sử dụng tiền mặt thì cũng không thể ghi chú vào danh sách chi tiêu của ứng dụng ngân hàng được. Chính vì vậy để có một ‘bảng sao kê’ chính xác hơn cho 2025, bạn hãy làm quen với các ứng dụng quản lý chi tiêu chuyên dụng. Một số ứng dụng chi tiêu bạn có thể thử bao gồm:
Money Lover - ứng dụng đạt Giải Nhất trong cuộc thi Nhân tài đất Việt, với các tính năng chính bao gồm: Theo dõi khoản chi tiêu, thu nhập hàng ngày; Lập kế hoạch chi tiêu theo tuần, tháng; Liên kết được với hơn 25 ngân hàng tại Việt Nam; Nhắc nhở thanh toán hóa đơn tiền điện, nước.
Spendee cũng là một lựa chọn đáng thử, nổi bật với giao diện nhiều màu sắc bắt mắt. Các tính năng chính của ứng dụng này có: Theo dõi chi phí thủ công hoặc đồng bộ với ngân hàng; Đặt mục tiêu chi tiêu, tiết kiệm; Tạo đồ thị thu - chi; Chia sẻ và lập kế hoạch thu chi với cả gia đình; Tùy biến được ví theo nhiều loại tiền tệ để hỗ trợ những bạn thường xuyên đi du lịch, công tác.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng
Bên cạnh những nâng cấp về phần cứng, Galaxy S25 Ultra được Samsung chú trọng vào các tính năng Galaxy AI mới.
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra