Cường lực phiêu lưu ký: Hành trình vô cùng vất vả đi tìm dán màn hình và ốp lưng cho Galaxy S8 đã dạy tôi 3 bài học lớn

    Minh Trang,  

    Đây là một câu chuyện dài và gian nan, nhưng may mắn thay là có một kết thúc có hậu.

    Khi bạn vừa mua một chiếc smartphone đắt tiền như Galaxy S8, điều đầu tiên bạn sẽ làm là gì? Nếu câu hỏi này được đặt ra cho 10 người, thì tôi tin rằng 9.5 người sẽ trả lời là: tìm một biện pháp bảo vệ cho máy, mà cụ thể ở đây là dán màn hình và ốp lưng.

    Đây là một chuyện tưởng chừng như hết sức bình thường, nhưng nếu bạn đã từng dùng các smartphone màn hình cong của Samsung trước đây như S6 edge hay S7 edge, bạn sẽ biết rằng nó không đơn giản như những gì người ta thường nghĩ. Màn hình cong rất đẹp, rất độc, cầm thì cũng rất thích, nhưng các loại miếng dán truyền thống đều "căm thù" loại màn hình này do chúng không thể uốn cong theo màn hình, dẫn đến tình trạng (1) miếng dán không thể bao phủ toàn bộ màn hình, hoặc (2) chúng sẽ nhanh chóng bị bong ra theo thời gian.

    Vào ngày 5/5 vừa qua, tôi có vinh dự nằm trong số những người đầu tiên được sở hữu chiếc Galaxy S8 tại Việt Nam, nhưng thực chất là tôi mua... hộ cho một người bạn (vốn đang ở nước ngoài và sắp về nước, nhưng rất mê S8 nên muốn mua ngay). Với việc đây là chiếc smartphone đắt tiền nhất mà cậu ta từng sở hữu, kèm theo việc chiếc S8 mà cá nhân tôi sử dụng "trần" trong một vài tuần qua đã bị xước khá nhiều, tôi bèn giúp luôn người bạn của mình trong việc đi tìm một miếng dán bảo vệ màn hình và ốp lưng tốt với mức giá phải chăng.

    Và thế là hành trình của tôi bắt đầu. Mong các bạn hết sức thông cảm về những hình ảnh chụp khá cẩu thả và không có phần chỉn chu dưới đây. Ban đầu, tôi không nghĩ rằng mình sẽ có một bài viết về vấn đề này, và những hình ảnh dưới đây được tôi chụp với mục đích làm kỷ niệm riêng. Ấy vậy mà sau khi hành trình (gian khổ) của tôi kết thúc, tôi lại cảm thấy rằng đây là một trải nghiệm hết sức đáng để chia sẻ, và sẽ có ích cho rất nhiều người dùng Galaxy S8 hiện nay. Hy vọng các bạn sẽ trân trọng tính mộc mạc của chúng để biết rằng đây là một câu chuyện rất thật, rất đời thường.

    Trước hết cần nói rằng: cửa hàng (xin được giấu tên) mà tôi mua máy vẫn chưa có miếng dán dành cho Galaxy S8. Trong bộ quà tặng dành cho những người đặt trước Galaxy S8 cũng có một bao da đi kèm, tuy nhiên người bạn của tôi không thật sự thích nó vì sự rườm rà trong thao tác.

    Điểm đến đầu tiên được tôi lựa chọn là một đại lý rất lớn ở Việt Nam. Sở dĩ tôi đến đây vì có một cửa hàng khá gần nơi tôi ở, tiếng tăm thì đã quá lớn rồi, mức giá lại chỉ là 50.000 đồng... tội gì không thử?

     Miếng dán Galaxy S8 Plus với giá chỉ 50.000 đồng

    Miếng dán Galaxy S8 Plus với giá chỉ 50.000 đồng

    Và kết quả mà tôi nhận được là đây.

     Ewwwwww

    Ewwwwww

    Có lẽ nhìn ảnh thì các bạn cũng đã biết điều tôi muốn nói ở đây là gì rồi, vậy nên tôi sẽ không dài dòng nữa. Mặc dù quy định của đại lý này là cho phép thay miếng dán miễn phí 3 lần trong 3 tháng, tuy nhiên ngay sau khi bước ra khỏi cửa hàng, về đến nhà là tôi liền bóc nó ra ngay và xác định mất 50 nghìn. Không sao, cũng chỉ là bữa sáng với bát phở, kèm đĩa quẩy, quả trứng và cốc trà đá thôi mà.

    Tôi chỉ cảm thấy hơi thất vọng trước việc đây là đối tác hàng đầu của Samsung tại Việt Nam, nhưng ngay cả phụ kiện cơ bản nhất mà mọi người dùng đều muốn sở hữu sau khi mua máy là miếng dán màn hình lại không được làm tốt.

    Bài học #1: Đừng dán nilon cho màn hình của Galaxy S8, đặc biệt là đừng ham rẻ.


    Không chịu bỏ cuộc, tôi quyết định ghé qua khu phố Thái Hà - "thung lũng IT" của đất Hà Thành với hàng loạt các cửa hàng bán điện thoại và phụ kiện.

    Vào cửa hàng đầu tiên, tôi nhận được cái lắc đẩu nguây nguẩy của chủ quán khi họ vẫn chưa có hàng cho Galaxy S8.

    Đến cửa hàng thứ hai, nhân viên nói rằng họ mới nhập về miếng dán do chính Samsung sản xuất với giá 160.000 đồng/miếng. Tuy nhiên đây là miếng dán dạng dẻo, mà theo tôi hiểu chỉ là một miếng film nhưng được uốn cong để ôm trọn màn hình Galaxy S8, giúp chống trầy xước. Không thật sự tin tưởng vào khả năng bảo vệ của miếng dán này khi rơi vỡ và cần sự đảm bảo hơn, tôi bèn lên xe đi tiếp và quyết tâm tìm được một miếng dán bằng kính.

    Cuối cùng đến cửa hàng thứ ba, tôi đã tìm được thứ mình cần: một miếng dán cường lực bằng kính và ôm trọn màn hình. Miếng dán này phủ màu ở hai đầu (có hai màu để người dùng lựa chọn là đen và vàng), và được khoét lỗ dành cho các cảm biến. Mức giá của nó là 250.000 đồng, "đảm bảo không bong" như lời của cậu nhân viên.

     Miếng dán cường lực kính với giá 250.000 đồng. Xin lỗi các bạn vì tấm hình out nét.​

    Miếng dán cường lực kính với giá 250.000 đồng. Xin lỗi các bạn vì tấm hình out nét.​

    Do đã cảm thấy khá mệt mỏi, nên tôi quyết định lựa chọn miếng dán này. Bên cạnh đó, tôi còn mua thêm một chiếc ốp silicon trong suốt hiệu Hoco với giá 80.000 đồng để bảo vệ tạm thời cho máy, trong lúc chờ đợi một loại nào khác đẹp hơn (cửa hàng đó hiện mới chỉ có vỏn vẹn hai mẫu ốp lưng cho Galaxy S8).

     Chiếc ốp lưng Hoco dành cho Galaxy S8 với giá 80.000 đồng

    Chiếc ốp lưng Hoco dành cho Galaxy S8 với giá 80.000 đồng

    Sau khi cậu nhân viên dán cường lực và lắp ốp, tôi có "sờ nắn" thử và cảm thấy miếng cường lực vẫn chưa sát với màn hình và tạo ra tiếng kêu ọp ẹp khi ấn vào. Tôi có phàn nàn với cậu ta thì nhận được câu trả lời: "Anh cứ về nắn bóp cho keo dính là được". Tin lời cậu ta, tôi phóng xe về và thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng nhiệm vụ đã hoàn thành.

    Khi so sánh với chiếc máy "trần" của tôi, có thể ngay lập tức nhận thấy một vài nhược điểm của miếng dán này là nó sẽ để lộ ra những cảm biến và camera ở phía trên màn hình, hay nó sẽ khiến cho màu đen của màn hình Super AMOLED không còn hiển thị "sâu" như nguyên bản. Nhưng khi xét đến khả năng bảo vệ của nó, tôi nghĩ rằng nhược điểm này là một thứ có thể chấp nhận được.

     Bức ảnh này được tôi gửi cho cậu bạn để thông báo rằng nhiệm vụ đã hoàn thành.

    Bức ảnh này được tôi gửi cho cậu bạn để thông báo rằng "nhiệm vụ" đã hoàn thành.


    Tưởng rằng đến đây là câu chuyện đã kết thúc một cách êm đẹp, tuy nhiên mọi thứ lại không như những gì tôi mong đợi. Mặc dù đã thử nắn bóp đủ kiểu, nhưng miếng dán vẫn không chịu "ăn" vào màn hình và bị bong ra. Bên cạnh việc nó sẽ tạo điều kiện cho bụi dễ dàng lọt vào bên trong, một điều khác khiến tôi cảm thấy cực kỳ khó chịu là nó khiến cho cảm ứng ở góc bị ảnh hưởng, khi miếng cường lực bị kênh và không thể tiếp xúc với màn hình.

     Miếng dán bị kênh gây ảnh hưởng đến khả năng cảm ứng của máy

    Miếng dán bị kênh gây ảnh hưởng đến khả năng cảm ứng của máy

    Tiếng kêu "cạch cạch" mỗi khi bấm vào các cạnh của miếng dán cường lực

    Khi săm soi kỹ hơn một chút, tôi nhận ra miếng dán cường lực này sẽ bo cong vượt qua cả phần màn hình cong của máy, có lẽ phải làm như vậy thì mới đảm bảo sẽ dính chặt vào màn hình. Đây là một điều tốt, tuy nhiên vô tình gây ra "xung đột", khi ốp lưng sẽ liên tục đẩy mép kính và khiến miếng dán không thể dính vào bề mặt.

     Miếng dán cường lực sẽ hơi dôi ra một chút

    Miếng dán cường lực sẽ hơi dôi ra một chút

     Phần keo bị bong ra do va chạm

    Phần keo bị bong ra do "va chạm"

    Khi tôi quay lại cửa hàng, một cậu nhân viên khác thừa nhận rằng miếng cường lực này không phù hợp với ốp lưng, và để dùng nó tôi sẽ buộc phải bỏ ốp. Cậu ta cũng chỉ biết xin lỗi và mong tôi lượng thứ vì cậu nhân viên bán hàng cho tôi trước đó mới làm việc và chưa có nhiều kinh nghiệm, vậy nên đã không tư vấn cho tôi trong những trường hợp "oái oăm" như thế này. Tôi cũng chỉ biết chào tạm biệt và ra về.

    Bài học #2: Hãy hỏi thật kỹ nhân viên về tính tương thích của miếng dán trước khi mua hàng, và một lần nữa, kiểm tra thật kỹ chất lượng của miếng dán rồi mới trả tiền.


    Lúc này, tôi thật sự cảm thấy bối rối. Sau một hồi suy nghĩ, tôi quyết định sẽ hy sinh 250.000 đồng, quay trở lại cửa hàng thứ 2 và mua miếng dán dẻo chính hãng, vì miếng dán này không được bo mép toàn bộ và có thể tương thích tốt với mọi loại ốp. Thà như vậy còn hơn là không dùng ốp.

    Cậu nhân viên của cửa hàng thứ hai sau khi cầm chiếc máy của tôi cũng không có vẻ gì làm ngạc nhiên. "Cái này là chuyện quá bình thường với mấy dòng màn hình cong của Samsung", cậu ấy nói. Nhưng thay vì tư vấn cho tôi mua một miếng dán màn hình khác, cậu ta lại khuyên tôi nên đổi ốp. Có lý đấy chứ nhỉ?

    Và đây là chiếc ốp mà cậu ta mang ra. Nó có thương hiệu Baseus, hình như cũng khá nổi tiếng ở thị trường Việt Nam. Trông nó cũng đẹp hơn chiếc ốp Hoco ở trên kia nhiều. Nhưng điều quan trọng nhất là nó không khiến cho miếng dán cường lực bị bong ra. Hiện nay, đây là một trong số những mẫu ốp hiếm hoi trên thị trường có thể sử dụng tốt với các miếng dán cường lực. Mức giá của nó cũng khá hợp lý, chỉ khoảng 180.000 đồng.

     Hình ảnh quảng cáo của chiếc ốp Baseus cho Galaxy S8

    Hình ảnh quảng cáo của chiếc ốp Baseus cho Galaxy S8

    Bài học #3: Hãy lựa chọn một chiếc ốp lưng phù hợp với miếng dán. Và tránh xa ốp silicon trong suốt của Hoco nếu bạn có ý định dùng miếng dán cường lực bằng kính.


    Và đây là kết quả cuối cùng. Thú thực rằng tôi vẫn chưa thật sự cảm thấy hài lòng với nó, đặc biệt là miếng dán màn hình. Tuy nhiên ở thời điểm mà mẫu mã hàng hóa còn hết sức hạn chế như hiện nay, tôi nghĩ rằng sự kết hợp này cũng không đến nỗi quá tệ.

     Kêt quả cuối cùng. Chưa hoàn hảo, nhưng cũng chấp nhận được với số tiền đã bỏ ra.

    Kêt quả cuối cùng. Chưa hoàn hảo, nhưng cũng chấp nhận được với số tiền đã bỏ ra.

    Để tổng kết lại, combo này đã tiêu tốn của tôi 430.000 đồng, trong đó bao gồm 180.000 đồng tiền ốp và 250.000 đồng tiền dán cường lực. Như đã nói ở trên, combo này vẫn còn tồn tại nhược điểm. Và tôi tin rằng, bạn sẽ có thể đạt được hiệu quả cao hơn nhiều về tính thẩm mỹ, an toàn lẫn tương thích nếu như bạn chịu đầu tư cho các phụ kiện "xịn" với mức giá cao hơn.

    Tuy nhiên đối với đại bộ phận người tiêu dùng bình dân, tôi nghĩ rằng đây là combo kinh tế nhất và "an toàn" nhất tính đến thời điểm hiện tại. Đương nhiên, bạn cũng có thể lựa chọn những miếng dán dẻo với tính thẩm mỹ cao, tương thích tốt mà giá lại rẻ, nhưng, khả năng máy bị vỡ màn hình khi rơi sẽ là cao hơn so với miếng dán cường lực kính.

    Nếu bài viết quá dài và bạn lười đọc, đây là những điều bạn cần nhớ khi mua miếng dán và ốp lưng cho Galaxy S8:

    - Đừng dán nilon cho màn hình của Galaxy S8, đặc biệt là đừng ham rẻ, kể cả dán ở đại lý thương hiệu lớn.

    - Hãy hỏi thật kỹ nhân viên về tính tương thích của miếng dán trước khi mua hàng, và một lần nữa, kiểm tra thật kỹ chất lượng của miếng dán rồi mới trả tiền.

    - Hãy lựa chọn một chiếc ốp lưng phù hợp với miếng dán. Và tránh xa ốp silicon trong suốt của Hoco nếu bạn có ý định dùng miếng dán cường lực bằng kính.

    - Và cuối cùng, một điều mà tôi chưa nói ở trên: Đừng bao giờ bỏ cuộc. Vì cái giá mà bạn sẽ phải trả, đó là vỡ màn hình, hay vỡ mặt kính sau sẽ khiến bạn cảm thấy hối hận đấy.

    Bài viết này không được tài trợ bởi Baseus hay bất kỳ đơn vị nào. Tất cả các quan điểm đều mang tính chất cá nhân của tác giả.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày