Cyanogen đổi tên thành Cyngn, đồng thời chuyển sang nghiên cứu phần mềm và sản xuất xe tự lái
Liệu chậm chân như vậy, họ có đủ sức để chống lại những thế lực lớn như Apple, Waymo hay Uber hay không?
Cyanogen Inc, một cái tên hết sức quen thuộc đối với những người yêu công nghệ nói chung và các fan Android nói riêng, đã trải qua những quãng thời gian thăng trầm. Thế nhưng đã 10 tháng trôi qua, kể từ khi họ tuyên bố “khai tử” CyanogenMod, vậy giờ đây họ đang ở đâu? Có phải họ cũng đã “ngoẻo” như hệ điều hành của mình?
Không đâu! Nay họ đã đổi tên thành Cyngn, và cũng đổi luôn cả lĩnh vực nghiên cứu. Theo bài báo của tờ Android Authority, công ty này đang tiến hành phát triển phần mềm dành cho phương tiện tự lái, và thậm chí là đang có ý định sản xuất một chiếc xe thực thụ luôn.
Thông tin được thu thập từ chính trang web và thông báo tuyển dụng của hãng. Mới đây, Cyngn đã xin được giấy phép của Sở quản lý Cơ giới California để thử nghiệm xe tự lái trên đường giao thông.
Lý giải cho sự “lột xác” này, huyền thoại một thời tin rằng các thành viên trong ban quản trị và ban điều hành của Cyngn nhận thấy lĩnh vực phương tiện không người điều khiển chính là cuộc cách mạng công nghệ của tương lai.
Hiện tại, họ đang có khoảng 30 nhân viên, bao gồm các kỹ sư từng làm việc cho Mercedes Benz và Udacity. Và có vẻ như chừng đó nhân sự là chưa đủ với họ khi công ty này đang đăng tin tuyển dụng thêm.
Họ đang tìm kiếm những người đã có kinh nghiệm làm việc với radar, camera, siêu âm và cảm biến LIDAR ( viết tắt của Laser Imaging, Detection, and Ranging). Cyngn đang phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo dựa trên nền tảng ROS – hệ điều hành mã nguồn mở dành cho robot.
Trước kia công ty này đã thu hút được số vốn đầu tư trị giá 115 triệu USD từ nhiều “ông lớn” có máu mặt như Andreessen Horowitz, Benchmark Capital, Qualcomm Ventures, Foxconn, Tencent,…
Bây giờ họ đang muốn có thêm 200 triệu USD nữa trong ngân quỹ, và thậm chí sẵn sàng bán mình cho các hãng khác lớn hơn.
Cyanogen là một trong những công ty phát triển OS cho smartphone lớn nhất thế giới. Ở thời điểm đỉnh cao, phần mềm của họ đã được cài dặt trên hơn 50 triệu thiết bị và được dự kiến sẽ chạm ngưỡng nửa tỷ trong năm 2020. Tuy nhiên, do xung đột nội bộ, chính sách làm việc không thỏa đáng nên hệ điều hành này càng ngày càng đi xuống.
Trong thời gian trước đây Cyanogen đã gặp nhiều khó khăn về tài chính và vấn đề quản lý. Nhiều quan chức cấp cao của công ty cũng nghỉ việc, đặc biệt là sự ra đi của Steve Kondik - người sáng lập dự án Cyanogen, cũng là người có nickname cyanogen - đã khiến cộng đồng CM mất đi một ghế cực kì quan trọng trong định hướng phát triển của CyanogenMod. Kondik bất đồng với Kirt McMaster, cũng là đồng sáng lập dự án CM và đang là CEO của Cyanogen, trong cách kinh doanh của công ty cũng như tầm nhìn nên ông đã nghỉ.
Nhóm CyanogenMod (CM - bao gồm các nhà phát triển, thiết kế, dịch giả độc lập với công ty Cyanogen) cho hay Cyanogen đã cắt phần tài trợ hạ tầng để vận hành, không còn trả tiền cho các lập trình viên chủ chốt nên họ đã tách ra để thành lập LineAgeOS.
Vậy tương lai của Cyngn sẽ đi về đâu? Liệu nó có đi vào vết xe đổ trong quá khứ? Liệu họ có đủ sức chống lại sự cạnh tranh đến từ những gã khổng lồ khác cũng trong lĩnh vực xe tự lái như Apple, Waymo, Drive.ai? Chỉ có thời gian mới trả lời được.
Theo Android Authority
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng