Đã có phương án giảm phụ thuộc vào cáp AAG

    PV,  

    Tuyến cáp APG (Asia Pacific Gateway) dung lượng 54 Tb/s từ Đà Nẵng đi Đông Á được vận hành từ năm 2016 sẽ giúp các doanh nghiệp Internet Việt Nam bớt phụ thuộc vào AAG.

    Trao đổi với Zing.vn, ông Lâm Quốc Cường - Giám đốc Công ty Viễn thông Quốc tế (VNPT-i) cho biết, các nhà cung cấp viễn thông trong nước sẽ có thêm một phương án để giảm thiểu sự phụ thuộc vào tuyến cáp AAG từ năm 2016.

    Theo đó, tuyến cáp quang mới sắp vận hành có tên APG (Asia Pacific Gateway), nối từ Singapore, Malaysia, qua Đà Nẵng (Việt Nam) tới Nhật Bản, có băng thông dự kiến 54 Tb/s (gấp nhiều lần so với mức 2,88 Tb/s của AAG). Tổng chiều dài của tuyến cáp APG là 10.400 km.

    Cùng với những nhà mạng lớn của Nhật Bản (NTT Docomo), Trung Quốc (China Telecom, China Unicom), VNPT và Viettel cũng là 2 nhà đầu tư chính của tuyến cáp này. Khi đi vào hoạt động, APG sẽ giúp đảm bảo lưu lượng băng thông truy cập ra quốc tế đang tăng nhanh tại Việt Nam. Dự án xây dựng tuyến cáp này khởi công từ tháng 5/2009.

    Trong khi đó, ông Phạm Đình Trường, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Mạng lưới Viettel cũng cho biết, bên cạnh APG, Viettel đang đầu tư vào tuyến cáp quang biển AAE1 (Asia Africa Euro 1), có tổng chiều dài 25.000 km, nối từ Việt Nam và các nước châu Á đến châu Âu, châu Phi.

    Dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2016, tuyến cáp này sẽ giúp nâng cao chất lượng kết nối Internet đi quốc tế của Việt Nam, đặc biệt đảm bảo dịch vụ cho khách hàng khi tuyến AAG gặp sự cố hoặc ngừng hoạt động. Viettel là doanh nghiệp viễn thông Việt Nam duy nhất tham gia đầu tư vào AAE1.

    Đã có phương án giảm phụ thuộc vào cáp AAG

    Bản đồ tuyến cáp quang APG. Ảnh: Submarine cable map.

    Câu hỏi về việc tìm phương án thay thế nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào tuyến cáp quang biển AAG lại dấy lên trong ngày hôm qua (4/6), khi ban điều hành tuyến cáp này thông báo sẽ tiến hành ngắt kết nối để bảo trì từ ngày 7/6. Dự kiến trong khoảng hơn 10 ngày, truy cập Internet tại Việt Nam đi quốc tế sẽ bị ảnh hưởng.

    Ngoài phương án vận hành tuyến cáp mới APG nêu trên, các nhà cung cấp trong nước cho biết, họ đã chủ động mở nhiều hướng kết nối khác, chẳng hạn như cáp quang trên đất liền. Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thông báo, Việt Nam chuẩn bị xây dựng tuyến cáp quang đất liền thứ 2 sang Trung Quốc.

    Đây là lần thứ 3 tính từ đầu năm 2015, kết nối Internet tại Việt Nam gặp vấn đề liên quan đến tuyến cáp AAG. Sau lần đứt cáp gần nhất xảy ra ngày 23/4 (khắc phục xong ngày 12/5), Internet trong nước tiếp tục vận hành không ổn định. Đó là lý do ban điều hành tuyến cáp quyết định bảo trì. Theo thông tin từ Viettel, việc bảo trì sẽ bắt đầu vào 19h ngày 7/6 và kết thúc vào 7h ngày 17/6. Trong khoảng thời gian này, thông tin liên lạc, tín hiệu đường truyền có thể bị chập chờn hoặc mất hoàn toàn.

    Hãng viễn thông quân đội cho biết đã bổ sung thêm dung lượng 30 Gb/s, trong đó 20 Gb/s phục vụ kết nối trên hướng quốc tế đi qua cáp quang biển Liên Á (IA) và 10 Gb/s trên hướng đất liền đi qua ChinaTelecom và ChinaUnicom. Đồng thời, Viettel cũng tiến hành điều chuyển 20 Gb/s từ tuyến AAG sang hướng đất liền. Đến 5/6, các phương án của nhà mạng này cơ bản được đảm bảo và sẽ hoàn tất trong ngày 6/6. Viettel cho biết, những phương án này có thể giúp duy trì dịch vụ cho khách hàng, kể cả trong các khung giờ cao điểm.

    Theo Zing

    >> Cáp quang AAG gặp sự cố, mất hơn 10 ngày sửa chữa

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày