Đặc nhiệm Mỹ sẽ được phương tiện này “đưa đi đón về" mà không cần phải ngâm mình trong nước nữa
Thay vì phải mặc quần áo lặn và ở trong môi trường nước suốt quãng đường, giờ đây các binh sỹ sẽ được ngồi trong khoang khô ráo, an toàn mà vẫn tiếp cận được vị trí nhanh hơn.
Việc phải thường xuyên sử dụng thiết bị di chuyển dưới nước (submersible) đối với lực lượng đặc nhiệm quả thật không hề dễ chịu chút nào. Tuy nhiên, Bộ quốc phòng Mỹ mới đây đã phê duyệt một phương án mới hứa hẹn sẽ giúp những người lính tiếp cận được mục tiêu dưới nước một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn, và đặc biệt – giữ cho họ không bị ướt trong suốt quá trình di chuyển.
Tập đoàn Lockheed Martin đã trúng thầu gói cung cấp phương tiện vận chuyển chiến đấu dưới nước thế hệ mới cho Bộ tư lệnh đặc nhiệm Mỹ (US Special Operations Command - USSOCOM) trị giá 166 triệu USD. Theo đó, tập đoàn này sẽ chế tạo 03 thiết bị, mỗi chiếc nặng 30 tấn với tên gọi “Phương tiện vận chuyển thợ lặn” (Swimmer Delivery Vehicle), hay còn được gọi là “tàu lặn không ngập nước”, để đưa các người nhái đặc nhiệm Mỹ tới chiến trường nhanh chóng, an toàn và bảo đảm sức chiến đấu cao nhất với quãng đường xa hơn rất nhiều so với các thiết bị hỗ trợ lặn hiện tại.
Những chiếc “tàu lặn không ngập nước”, hoặc nói dân dã là “tàu lặn khô” này chở được tối đa 8 người, trong đó kíp lái gồm 2 người là người lái và hoa tiêu, không gian còn lại dành cho 6 lính đặc nhiệm.
Đại diện của Lockheed Martin tự hào cho biết: “Những chiếc tàu lặn khô của chúng tôi đảm bảo những người lính đến được vị trí an toàn, nhanh chóng, giúp họ không bị mỏi mệt, giữ được tình trạng thể chất tốt nhất có thể để hoàn thành nhiệm vụ. Như vậy là tốt hơn rất nhiều những phương tiện vận chuyển hiện vẫn đang được sử dụng bởi quân đội Mỹ và các quốc gia khác, trong đó thợ lặn phải thở bình ô-xy và bám vào thiết bị hỗ trợ trong suốt quãng đường dài.”
Clip mô phỏng một cuộc tập kích ngầm của lính đặc nhiệm SEAL
Thay vì phải mặc quần áo lặn và ở trong môi trường nước suốt quãng đường, giờ đây các binh sỹ sẽ được ngồi trong khoang khô ráo, an toàn mà vẫn tiếp cận được vị trí nhanh hơn. Khi tới vị trí, những người lính được đưa ra ngoài qua một khoang biệt lập trong khi tàu vẫn nằm dưới nước.
Tàu mang được kíp lái hai người, sáu binh sỹ ở độ sâu 328 ft (100 m), độ sâu thả quân khoảng 98 ft (30 m). Tốc độ của tàu đạt 5 hải lý (9 km/h).
Erika Marshall, tổng giám đốc và giám đốc chương trình tại chi nhánh Lockheed Martin ở Palm Beach cho biết: “Những thành tựu vượt bậc của công nghệ dưới nước mà chúng tôi đang nắm giữ sẽ giúp lực lượng đặc nhiệm được trang bị những hệ thống và công nghệ với khả năng thích nghi cao, dễ dàng nâng cấp với những tính năng kỹ chiến thuật mới nhất.”
Những chiếc “tàu lặn khô” này sẽ được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính (INS) và máy đo vận tốc Doppler - (DVL), giao tiếp qua máy liên lạc dưới nước (UWT) và đài UHF, có thiết bị thủy âm sonar tránh chướng ngại vật và cả máy đo độ sâu. Tùy vào yêu cầu của từng nhiệm vụ cụ thể mà người ta có thể trang bị thêm nhiều loại cảm biến khác cho tàu.
Hiện nay đặc nhiệm hải quân Mỹ SEAL vẫn đang phải đeo mặt nạ và bình dưỡng khí khi di chuyển trong môi trường ngập nước, rất bất tiện cho những quãng đường xa.
Richard Holmberg, phó giám đốc chương trình kiêm phụ trách mảng thiết bị không người lái của Lockheed Martin cho biết: “Với hơn 50 năm kinh nghiệm chế tạo các thiết bị lặn ngầm có người lái, chúng tôi tự tin có thể nhanh chóng phát triển các công nghệ tàu ngầm để nâng cao năng lực trinh sát, kiểm soát khu vực chiến trường và khả năng chiến đấu của lực lượng đặc nhiệm hải quân, đồng thời đảm bảo an toàn cho mọi hoạt động ngầm trong quân sự cũng như dân sự.”
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng