Đại dịch COVID-19: Cuộc sống cách ly tại nơi cô lập nhất thế giới

    MINH ĐỨC, THEO TỔ QUỐC 

    Sự lây lan nhanh chóng của COVID-19 đã khiến Nam cực – châu lục duy nhất chưa có ca dương tính với virus nào, giờ đây cũng bị đặt dưới tình trạng phong toả.

    "Chúng tôi được đào tạo để sống cách li nhưng với điều kiện đặc biệt như hiện tại, chúng tôi đang bị cách li bên trong một cuộc sống vốn đã cách li", ông Alejandro Valenzuela Pena, người đứng đầu một binh đoàn hải quân tại vùng lãnh thổ thuộc Chile tại Nam cực cho hay.

    Chia sẻ qua điện thoại với phóng viên Reuters từ căn cứ quân sự Escudero tại vịnh Bahia Fildes, ông Valenzuela nói, 100 lính của ông đang phải tự cách li. Tuy nhiên, những hành động sớm trước đó đã giúp họ khá nhiều.

    Đại dịch COVID-19: Cuộc sống cách ly tại nơi cô lập nhất thế giới - Ảnh 1.

    Các tảng băng gần Vịnh Faurnier, Nam cực (ảnh: Reuters)

    "Các căn cứ đóng cửa đúng thời điểm", ông kể lại. Tàu thuyền và các chuyến bay lần lượt ngừng tới Nam cực từ đầu và cuối tháng ba. "Kể từ đó, chúng tôi thật sự bị cách li mà không có liên hệ nào".

    Điều này đồng nghĩa với việc, một số hoạt động thông thường để giết thời gian cũng bị hủy bỏ như thi đấu bóng bàn và bóng rổ.

    Đại dịch COVID-19: Cuộc sống cách ly tại nơi cô lập nhất thế giới - Ảnh 2.

    Nam Cực hiện là châu lục duy nhất chưa có người bị nhiễm COVID-19 (ảnh: getty)

    Nhiều tuần trước, các hoạt động du lịch ở Nam cực đã bị ngừng sau khi tin tức về các du thuyền đầy người nhiễm COVID-19 xuất hiện và các chính phủ bắt đầu hạn chế du lịch.

    Giờ đây, các khu nhà trong căn cứ chỉ có các nhà nghiên cứu, quân nhân – cùng với hải cẩu voi, chim cánh cụt và vây quanh bởi hàng nghìn km băng tuyết.

    Với khoảng 170 nhà khoa học và quân nhân vẫn ở lại Nam cực, Argentina đã giới hạn số người tới các căn cứ của mình. Nhân viên nhận được các khuyến cáo về phòng hộ trước COVID-19 từ đầu tháng 2.

    Theo Tiến sỹ Alexandra Isern, người đứng đầu Bộ phận Khoa học Nam cực của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ, các biện pháp như thường xuyên rửa tay đã trở nên rất thông dụng tại các căn cứ ở Nam cực. Trong một không gian sống chật hẹp, virus có thể sẽ lây lan rất nhanh.

    "Chúng tôi luôn duy trì hệ thông an ninh chung và các quy định sức khỏe để đối phó với bệnh tật", bà nói, đồng thời nhấn mạnh, các trạm của Mỹ đều đã được tranh bị đầy đủ nhằm đương đầu với COVID-19.

    Việc gia tăng giãn cách xã hội đã khiến một số cuộc "giao lưu" vốn đã rất ít ỏi giữa những nhà khoa học tới từ các căn cứ Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và Uruguay trên đảo King George – giờ đây cũng bị hủy bỏ. Tụ tập ăn uống, sự kiện thể thao và trượt tuyết cuối tuần đều phải tạm dừng. Ngay cả một cửa hàng bán đồ lưu niệm tại căn cứ của Nga cũng bị đóng cửa vô thời hạn.

    Các quan chức e ngại, cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ nghiên cứu về Nam cực của các nhà khoa học.

    Giáo sư Peter Convey từ Tổ chức Nghiên cứu Nam cực Anh cảnh báo, việc các dự án bị ngưng trệ sẽ làm gián đoạn hoạt động giám sát biến đổi khí hậu.

    "Đó là lĩnh vực khoa học cực kỳ quan trọng và anh cần phải có người thực hiện tại chỗ các công việc đo đạc và điều khiển thiết bị", ông Convey nói. "Nếu không thể đưa người tới Nam cực, chúng tôi sẽ không thể làm được những việc này".

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày