Cho dù công nghệ sản xuất ô tô của Trung Quốc đang ngày một cải tiến, thương hiệu xe sang đến từ Nhật Bản này vẫn khá e ngại về chất lượng của các sản phẩm gắn mác "Made in China".
Từ lâu, Lexus đã có niềm tự hào khó che giấu về tay nghề thủ công bậc thầy của những người tạo nên chiếc xe mang dáng dấp một tác phẩm nghệ thuật. Người ta đã dần quen với hình ảnh các nghệ nhân Nhật Bản dày dặn kinh nghiệm cùng đôi găng tay trắng bên dây chuyền lắp ráp. Sau hàng chục năm mài giũa kỹ nghệ trong nhà máy, họ là những người được giao phó trách nhiệm xử lý và kiểm tra các khâu cuối cùng trong chuỗi chế tạo để cho ra thành phẩm hoàn hảo nhất.
Chính vì thế, dù nổi tiếng với độ chịu chơi, dân chơi xe ở Trung Quốc rất có thể sẽ phải đợi hàng chục năm nữa trước khi được sở hữu một chiếc Lexus lắp ráp trực tiếp tại quê nhà. Cách đây không lâu, thương hiệu xe hạng sang này đã có một quyết định mang tính lịch sử khi phá vỡ truyền thống gần 30 năm, lần đầu tiên đưa dòng xe Lexus sang Mỹ sản xuất. Đây được xem như lần đánh cược táo bạo của Tập đoàn xe hơi Toyota khi chủ động gỡ bỏ danh xưng “Made in Japan” vốn là sự đảm bảo về chất lượng tuyệt đối.
Con người luôn đóng vai trò chính trong dây chuyền sản xuất ô tô của Lexus.
Vậy tại sao Lexus vẫn lắc đầu trước thị trường Trung Quốc đầy tiềm năng? Trong khi các hãng xe hơi như BMW, Mercedes-Benz hay Audi đều sản xuất tại Trung Quốc, Lexus lại luôn trung thành với mô hình vận chuyển thành phẩm nguyên chiếc từ Nhật Bản. Chính điều này đã làm phát sinh khoản thuế nhập khẩu khổng lồ, khiến cho dịch vụ của hãng càng thêm tốn kém. Luôn ý thức được khó khăn này nhưng Lexus vẫn tỏ ra nghi ngại về tính khả thi của chiến lược sản xuất địa phương tại Trung Quốc, cho dù hiện tại đã có không ít tín hiệu khả quan về khả năng sản xuất ô tô của nước này.
Từng là kỹ sư lành nghề của Toyota trong hơn 30 năm, Phó Chủ tịch điều hành của Lexus International, ông Takashi Yamamoto thận trọng phát biểu: “Có quá nhiều nguy cơ về chất lượng nếu sản xuất xe ở Trung Quốc, chưa kể phải nâng cao nhận thức về thương hiệu cũng như củng cố chỗ đứng trong người tiêu dùng ở quốc gia này. Nếu giải quyết được vấn đề đó, rất có thể trong khoảng 1 thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ là nơi tiếp theo triển khai chiến lược sản xuất địa phương của chúng tôi”.
Khách quan mà nói, nếu Lexus không sớm đặt niềm tin vào các hãng sản xuất tại Trung Quốc, bất lợi về giá cả so với các dòng ô tô hạng sang của Đức sẽ ngày một lớn hơn. Cụ thể, thuế nhập khẩu chính là nguyên nhân đẩy mức giá khởi điểm của dòng xe sedan Lexus IS lên tới gần 370.000 yên (khoảng 58.200 USD). Theo trang web về giá ô tô Autohome, số tiền này lớn hơn 1,3 lần so với dòng 3-Series của BMW và gấp 1,4 lần giá xe Audi A4.
Biểu đồ cho thấy sự cải thiện đáng ghi nhận trong công nghệ sản xuất ô tô của Trung Quốc.
Nhà phân tích ô tô Geoff Broderick của J. D. Power cho hay, "Điều này không giúp khẳng định chất lượng ô tô của Trung Quốc, nhưng nó cho thấy khả năng cạnh tranh của xe hơi sản xuất tại đây". Tiêu chuẩn chất lượng tăng dần khi các hãng sản xuất ô tô quốc tế lần lượt xây dựng nhà máy chế tạo ngay tại Trung Quốc nhằm trực tiếp chia sẻ kỹ năng chuyên môn cũng như quy trình sản xuất với các đối tác liên doanh tại địa phương. Theo ông, chính những yếu tố như đội ngũ công nhân dây chuyền sản xuất giàu kinh nghiệm, tự động hóa được đẩy mạnh hay các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng được tăng cường áp dụng đã giúp cải thiện đáng kể chất lượng ô tô sản xuất tại Trung Quốc.
Dù vậy, trái với những tín hiệu đáng mừng đó, sự do dự của Lexus đang khiến nhiều người đặt câu hỏi. Bởi lẽ, chính quan điểm cứng nhắc về sản xuất kéo dài gần 30 năm của Toyota đã và đang kéo dài thêm sự tụt hậu đáng lo ngại của hãng này tại Mỹ. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Yamamoto vẫn khá tự tin vào quyết định chọn Mỹ làm nơi chế tạo Lexus trong tương lai: "Mỹ và Canada là 2 nước có bề dày truyền thống và lịch sử sản xuất xe ô tô khá đáng nể. Với cùng một lối tư duy khôn ngoan, có lẽ chúng tôi đang sở hữu không ít điểm chung. Về phần Trung Quốc, họ chưa có nhiều kinh nghiệm trong chế tạo ô tô. Chính vì thế, sẽ rất khó để thực hiện chiến lược sản xuất địa phương tại nước này".
Tay nghề thủ công bậc thầy của các "nghệ nhân ô tô" luôn khiến Lexus tự tin tuyệt đối về chất lượng của mỗi chiếc xe.
Có thể thấy, mức giá cao đang dần trở thành vật cản khiến doanh số Lexus giậm chân tại chỗ giữa một thị trường từng là nơi bùng nổ doanh số của các dòng xe BMW, Audi hay Mercedes-Benz. Vào năm ngoái, Lexus đạt kỷ lục 583.000 xe về doanh số bán hàng toàn cầu thường niên, trong đó dưới 15% đến từ xuất khẩu xe sang Trung Quốc. Cũng trong năm 2014, chỉ tính riêng tại quốc gia đông dân này, một mình BMW cũng bán được nhiều hơn cả con số kỷ lục trên của Lexus.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng việc bước chân vào thị trường Trung Quốc đang phần nào khiến giá cổ phiếu một số hãng xe bị chững lại trong năm nay. Nguyên do là bởi sự cạnh tranh quá gay gắt dẫn đến doanh số bán hàng tăng trưởng chậm, khiến một số công ty phải giảm giá xe để tránh tình trạng tồn kho. Trước tình trạng đó, ông Yamamoto càng thêm tin tưởng vào chiến lược “bám Nhật” khi cho rằng, so với các công ty Đức đang đua nhau sản xuất ồ ạt ở Trung Quốc, Lexus vẫn hoàn toàn làm chủ cuộc chơi nhờ duy trì chính sách nhập khẩu truyền thống có tính an toàn cao: “Bản thân thương hiệu “Made in Japan” đã là một sự đảm bảo không thể vững chắc hơn về chất lượng".
Tham khảo Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng