Dân Anh nhổ nước bọt vào mặt kỹ sư mạng, phá hoại 77 cột phát sóng viễn thông vì tin vào thuyết âm mưu 5G gây ra COVID-19
Trong quá trình làm việc, nhiều nhân viên của công ty cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng Openreach tại Anh đã bị một số kẻ quá khích lăng mạ, đánh dập, thậm chí là dọa giết
Vào giữa tháng 4 vừa qua, Michael Demetroudi – một một kỹ sư mạng làm việc tại khu Wood Green phía bắc London – đã có một tuần thật sự tồi tệ. Anh đã phải hứng chịu một loạt vụ tấn công từ những kẻ quá khích tin vào thuyết âm mưu ‘5G gây ra COVID-19’.
Ở vụ việc đầu tiên, khi đang trên đường đi làm việc, một người phụ nữ bất ngờ lao ra chặn đầu chiếc xe tải của Demetroudi, chửi rủa và cáo buộc anh cố tình lây lan COVID-19 bằng các thiết bị gắn trên nóc xe.
Vụ việc thứ hai xảy ra khi Demetroudi đang xếp hàng để thanh toán cho chiếc sandwitch mình vừa mua tại siêu thị. Một người đàn ông gần đó đã để ý tới logo nhà mạng Openreach ở mặt sau áo khoác của anh và bắt đầu la hét chửi bới. Vụ việc chỉ chấm dứt khi hai sĩ quan cảnh sát gần đó can thiệp.
Trong quá trình làm việc, nhiều nhân viên của Openreach đã vô cớ bị tấn công bởi những kẻ tin vào thuyết âm mưu
Gần đây nhất, khi đang lắp đặt các thiết bị mạng ngoài đường, Demetroudi đã bị một người đàn ông có thái độ cực kỳ hung hăng lao tới la hét, chửi mắng. Người đàn ông này sau đó đã nhổ nước bọt vào mặt anh và bỏ đi. Kết quả, Demetroudi đã buộc phải tự cách ly tại nhà. Sau đó, anh phát hiện mình đã xuất hiện các triệu chứng nghi nhiễm COVID-19.
68 vụ tấn công, lăng mạ các nhân viên viễn thông đã được ghi nhận
Vụ việc của Demetroudi không phải là sự cố duy nhất. Openreach – công ty Demetroudi hiện đang làm việc – đã ghi nhận rất nhiều sự việc tương tự. Là nhà cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng có thị phần lớn nhất tại Anh, Openreach cho biết có tổng cộng 68 vụ việc liên quan đến 5G và / hoặc COVID 19 kể từ đầu tháng Tư.
Theo đó, trong quá trình làm việc, các nhân viên của Openreach đã bị một số kẻ quá khích lăng mạ, đánh dập, thậm chí là dọa giết. Cụ thể, một nhân viên nữ có tên Tiffany Evans khi đang làm việc tại Porthcawl, South Wales đã bị một người đàn ông lạ mặt bất ngờ chất vấn về ảnh hưởng của 5G tới sức khỏe, trước khi liên tục lăng mạ cô.
Một nhân viên nam khác có tên Naveed Qureshi khi đang lắp đặt thiết bị mạng tại một con phố ở phía Tây London đã bị một người phụ nữ lạ mặt 'thuyết giảng' về các tác hại của 5G (?!). Hai tiếng sau, người phụ nữ quay lại với một nhóm gồm 15 người, liên tục chửi bới Naveed Qureshi và gọi nhân viên nam này là ‘kẻ giết người’.
Đã có tổng cộng 77 cột thu phát sóng đã bị hư hại rất nặng, phần lớn trong số này liên quan tới những người tin vào thuyết âm mưu ‘5G gây ra COVID-19’
Đáng nói, đây chỉ là một vài trong số hàng chục sự cố được Openreach ghi nhận trong vài tuần gần đây, trong bối cảnh làn sóng đốt phá cột viễn thông tại các nước Phương Tây như New Zealand, Hà Lan, Ireland và Anh vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo Vice, đã có tổng cộng 77 cột thu phát sóng đã bị hư hại rất nặng, phần lớn trong số này liên quan tới những người tin vào thuyết âm mưu ‘5G gây ra COVID-19’. Trong khi đó, số lượng những vụ tấn công không thành còn cao hơn rất nhiều, khi những kẻ quá khích thậm chí đã quay lại video và đăng tải lên mạng xã hội.
Thuyết âm mưu ‘5G gây ra COVID-19’ vẫn lan rộng trên mạng xã hội
Theo ghi nhận, các vụ việc đốt phá đầu tiên xảy ra từ thời điểm đầu tháng 4, khi một loạt các thuyết âm mưu và tin giả về COVID-19 và 5G bắt đầu lan mạnh trên mạng xã hội như Youtube, Facebook, Twitter.
Một số thuyết âm mưu cho rằng COVID-19 xuất phát từ Vũ Hán vì thành phố này đã triển khai mạng 5G ngay trước khi dịch bùng phát. Trong khi đó, Châu Phi không bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch là bởi ‘đây không phải khu vực phủ sóng 5G’. Đặc biệt, một số thuyết âm mưu khác lại cho rằng mạng 5G phát ra bức xạ làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến con người dễ nhiễm virus hơn.
Các chuyên gia công nghệ nhận định, chính những tin tức giả kiểu vậy đã càng làm bùng thêm sự phẫn nộ của một bộ phận công chúng luôn phản đối 5G từ vài năm trở lại đây, với lý do 5G gây hại cho sức khỏe con người so với sóng 4G.
Bên trong một trạm thu phát sóng viễn thông bị đốt phá ở Anh
Trước làn sóng đốt phá các cột phát sóng đang xảy ra tại một số quốc gia, một số mạng xã hội đã có những hành động quyết liệt nhằm loại bỏ các thuyết âm mưu về 5G. Facebook đã phải xóa một group tập hợp những người phản đối công nghệ 5G tại Anh có tên Stop5GUK (Ngừng 5G tại Vương Quốc Anh), vốn có khoảng 10 nghìn thành viên hoạt động tích cực. Trước đó, Youtube cũng đã xóa bỏ một số video có nội dung về thuyết âm mưu cho rằng sóng 5G là nguyên nhân gây COVID-19.
Tuy nhiên, thống kê mới nhất của Vice cho thấy, vẫn có tới 54 nghìn bài viết có nội dung liên quan tới thuyết âm mưu 5G và COVID-19 xuất hiện trên Facebook trong tuần này. Đáng chú ý, những bài viết này đạt được tới 2 triệu lượng tương tác – một chỉ dấu cho thấy những vụ việc tấn công cột viễn thông có thể vẫn sẽ tiếp diễn ra trong tương lai.
Tham khảo Vice.com
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng