Dẫn chứng Tesla phải mất 10 năm mới có lãi, CEO Vingroup xin ưu đãi thuế, phí để sản xuất ô tô điện
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, mong Chính phủ có chính sách hỗ trợ về thuế phí để doanh nghiệp này có thể khởi nghiệp thuận lợi hơn trong lĩnh vực ô tô, đặc biệt là ô tô điện.
"Công nghiệp mũi nhọn phải là ngành tiên phong, có khả năng đón đầu về công nghệ, có giá trị gia tăng cao, làm đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế. Đó cũng là lý do Tập đoàn Vingroup quyết tâm tham gia vào lĩnh vực sản xuất ô tô, với mong muốn góp phần phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn này của Việt Nam", CEO Vingroup Nguyễn Việt Quang chia sẻ tại hội nghị "Thủ tướng với doanh nghiệp: phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – hội nhập – hiệu quả - bền vững" diễn ra ngày 23/12.
Ông Quang cho biết trong lĩnh vực công nghiệp, sản xuất ô tô là ngành mang lại nhiều lợi ích bền vững bậc nhất. Đây là ngành công nghiệp cao được coi là đầu tàu dẫn dắt các ngành công nghiệp khác phát triển. Theo thống kê của ngành sản xuất ô tô thế giới, cứ 1 người làm trong công nghiệp ô tô sẽ tạo ra việc làm cho 7 đến 10 người trong các ngành công nghiệp phụ trợ.
Với Vingroup, ông tiết lộ tập đoàn đang đẩy mạnh nghiên cứu, thiết kế và sẽ sớm đưa ra thị trường ô tô điện, bên cạnh sản phẩm ô tô động cơ đốt trong như hiện nay.
"Ngoài 3 dòng xe máy điện đang cung cấp ra thị trường, chúng tôi đang tập trung nghiên cứu phát triển để đưa ra thị trường trong năm 2020 thêm 4 mẫu xe máy điện mới, 1 mẫu xe bus điện và 2 mẫu ô tô điện. Và chúng tôi có dự định xuất khẩu ô tô điện sang thị trường Mỹ từ năm 2021", CEO Vingroup chia sẻ.
CEO Vingroup Nguyễn Việt Quang.
Với hướng đi này, tập đoàn Vingroup đã cho thành lập các Viện nghiên cứu thiết kế ô tô (đặc biệt là ô tô điện), Viện nghiên cứu thiết kế xe máy điện, Viện nghiên cứu pin, Viện nghiên cứu công nghệ điều khiển xe thông minh - tự lái… để tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành, từ đó tăng khả năng cạnh tranh. Đây là mục tiêu mà ông đánh giá chắc chắn rất khó khăn, nhưng sẽ giúp gia tăng năng lực cạnh tranh của quốc gia.
"Đây là mục tiêu dài hạn bởi ngay cả trên thế giới, những thương hiệu ô tô điện nổi tiếng nhất và có nhiều kinh nghiệm nhất như Tesla cũng mới chỉ có lãi trong thời gian gần đây, sau 10 năm chinh phục thị trường", ông Quang thừa nhận.
Bên cạnh việc chủ động cơ cấu lại các ngành nghề để tận dụng nguồn lực, lãnh đạo Vingoup cũng bày tỏ mong muốn sẽ nhận được chính sách hỗ trợ phù hợp từ Chính phủ, đặc biệt là về thuế, phí để có thể khởi nghiệp thuận lợi hơn trong lĩnh vực có quá nhiều cạnh tranh như ô tô, đặc biệt là ô tô điện.
Cũng theo CEO Vingroup, dựa trên kinh nghiệm quốc tế, cần phải có một hệ thống chính sách đồng bộ, khuyến khích cả nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng, cũng như xây dựng một hệ sinh thái thân thiện cho phương tiện chạy điện trong tương lai.
"Có như thế, Vingroup nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung mới có thêm động lực để tạo ra được những sản phẩm made-in-Vietnam đẳng cấp, chất lượng, gắn với mục tiêu phát triển bền vững, cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu quốc tế không chỉ tại thị trường Việt Nam mà còn tiến ra chinh phục thị trường thế giới".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng