Đàn ông lên tiếng: Đạp xe khó lắm, phải đâu chuyện đùa, mong chị em phụ nữ hãy hiểu cho!
Khi đàn ông lên tiếng: Đi xe đạp khó lắm, phải đâu chuyện đùa, mong các chị vợ hãy hiểu cho!
Một góc nhìn khác của chính người "đồng cảnh ngộ" về vấn đề tại sao đã "mua xe đạp, sắm đồ chơi" rồi mà mãi chưa đi được phát nào ra hồn.
* Lời chia sẻ từ một bạn nam đang đạp xe đi làm hàng ngày
Dạo gần đây, trên mạng đang xôn xao vụ đi làm bằng xe đạp. Chỉ cần gõ từ khóa "đạp xe đi làm" vào công cụ tìm kiếm là sẽ nhận được vài chục triệu kết quả mà đa số là nói về những cái hay, mặt tốt của việc đi làm bằng xe đạp. Trong khi đó, hiếm hoi lắm mới có lời phàn nàn từ một chị vợ kể rằng chồng mình mua xe về nhưng lại không thích "đạp" mà chỉ mê "độ", và lần khân mãi mà chẳng chịu sử dụng xe đạp đúng mục đích đề ra ban đầu.
Là một người mới chuyển sang đạp xe đi làm hàng ngày được một thời gian thì tôi cũng có chút kinh nghiệm muốn chia sẻ cho mọi người cùng tham khảo. Tôi không dám gọi đây là lời bào chữa cho anh chồng của chị kia vì chẳng rõ nội tình, nhưng cũng coi như giúp mọi người có được một góc nhìn khác về vấn đề tại sao đã "mua xe, sắm đồ" mà mãi chưa đi được phát nào ra hồn.
1. Chuẩn bị về thể lực
Bình thường chắc nhiều cho rằng cứ mua xe đạp về, leo lên là đi được ngay chứ có khó gì. Tôi xin khẳng định luôn rằng suy nghĩ này chẳng đúng tí nào. Nếu một người xưa nay không quen chạy nhảy, luyện tập thể lực (nói thẳng ra là thuộc tuýp ít vận động) thì nguy cơ cao là sẽ bị chấn thương sau lần đạp đầu tiên ở quãng đường dài. Nhẹ thì ê nhức các cơ, nặng hơn thì tràn dịch khớp gối, khớp cổ chân.
Để tránh những hậu quả không đáng có thì các bạn nên tập nhẹ nhàng, dần dần tăng quãng đường di chuyển bằng xe đạp qua từng ngày chứ đừng vội vàng háo thắng mà đi làm luôn. Quá trình "làm quen" này có thể kéo dài từ một đến vài tuần nên các bạn đừng nôn nóng!
2. Chuẩn bị về kỹ năng điều khiển xe đạp
Nhiều xe đạp bây giờ được trang bị hệ thống truyền động khá phức tạp gồm 1-3 đĩa trước và 7-12 líp sau (cho ra tối đa tới 36 tốc độ), tay chuyển số, củ đề,… nên những người mới làm quen với xe đạp thể thao sẽ cảm thấy khá bối rối. Thông thường, bên tay trái có 2 tay gạt để tăng/giảm số (1-2-3) tương ứng với đĩa trước to/nhỏ, còn bên tay phải cũng có 2 tay gạt để giảm/tăng số (1-12 tùy xe) tương ứng với đường kính líp.
Tuy nhiên, tay gạt bên phải và bên trái ở một số xe lại được bố trí ngược nhau, tức là ví dụ bên phải thì tay gạt dưới là để "lên số" (từ 1-2-3) còn tay gạt trên là để xuống số (3-2-1), và các đĩa cũng có đường kính tương ứng từ nhỏ đến lớn. Trong khi đó bên trái thì tay gạt trên lại để lên số (từ 1 đến 12 tùy xe), tay gạt dưới để xuống số, còn đường kính của các líp thì lại từ lớn đến nhỏ (số 1 lớn nhất, số 12 nhỏ nhất).
Bản thân tôi sau khi mua xe cũng phải mất vài hôm để "học" cách sử dụng, chuyển đổi qua lại giữa các số sao cho linh hoạt thì mới có thể khai thác hết khả năng của chiếc xe đạp.
Có thể nhiều bạn thắc mắc: chỉ là cái xe đạp thôi mà sao phải phức tạp đến vậy? Vâng, việc trang bị nhiều số (tương ứng với nhiều tốc độ) giúp người điều khiển xe đạp có thể chinh phục nhiều địa hình hơn, ví dụ khi đạp lên dốc thì về số nhỏ (đĩa nhỏ-líp lớn), lúc này bạn không cần phải cố đạp cho thật khỏe nhưng xe vẫn lên dốc được đều đều, bù lại thì số vòng đạp phải tăng lên. Hoặc khi di chuyển trên đường bằng, chúng ta có thể chuyển về số lớn (đĩa lớn – líp nhỏ) để đi được quãng đường xa nhất với mỗi vòng đạp chân, tức là tốc độ di chuyển lớn nhưng lực đạp lại phải mạnh.
Nghe thực sự rối rắm, nhưng nó tuân thủ đúng nguyên tắc của máy đơn giản mà chúng ta đã học ở Vật lý cấp 2: được lợi bao nhiêu lần về lực thì sẽ thiệt bấy nhiêu lần về đường đi vì công không thay đổi.
Vậy nếu bạn cho rằng quá phức tạp và không muốn chuyển đổi số nhiều, chỉ muốn leo lên là đạp thôi, chẳng cần nghĩ ngợi thì cũng được thôi. Tuy nhiên, khi đó bạn sẽ đối mặt với tình trạng là khi leo dốc thì phải xuống dắt bộ, hoặc bặm môi đạp thật lực, lấy đà từ xa… Cách này khiến cho hệ thống truyền động phải làm việc quá tải, và lâu ngày sẽ khiến cho xích bị chùng.
3. Chuẩn bị cho các tình huống phát sinh
Việt Nam được xếp hạng là một trong các cường quốc xe máy nên rất dễ hiểu khi môi trường sinh thái cho xe đạp gần như không có. Các bạn hãy thử tưởng tượng mình rơi vào trường hợp dắt xe đạp ra khỏi bãi để về nhà sau giờ làm thì phát hiện bị xịt lốp do đâm vào một chiếc ghim giấy hay cây đinh xem sao.
Tôi đã từng phải dắt bộ cả cây số, hỏi tới gần chục hàng sửa chữa xe gắn máy thì mới tìm được một hàng sửa xe đạp. Tiền vá cái săm xe đạp chỉ 15K nhưng công sức, thời gian bỏ ra chẳng kém so với vá xe máy nên ít ai còn mặn mà với việc sửa chữa xe đạp.
Do đó, trước khi leo lên xe đạp đi làm mỗi sáng thì các bạn cần phải lường trước được những tình huống như thế này, bởi buổi sáng thì lo muộn giờ làm, còn buổi chiều thì nhiều người vẫn còn phải về nhà cho kịp giờ đón con, đi chợ nấu cơm hoặc đưa con đi học thêm buổi tối… Chậm độ nửa tiếng thôi là mọi việc dồn ứ, và các ông chồng cứ xác định là ngày hôm đó không yên được với vợ đâu!
Vá xe đạp tuy không phức tạp nhưng tìm được hàng sửa xe cũng rất mệt
Tôi cho rằng đây cũng là một lý do khiến nhiều người chần chừ lựa chọn xe đạp làm phương tiện thay cho xe máy hoặc ô tô.
4. Về vấn đề lắp đồ chơi – phụ kiện
Không những người ngoài cuộc mà ngay cả trong số những người đã và đang đạp xe cũng có ý kiến cho rằng, chẳng cần thiết phải lắp phụ kiện cho xe đạp bởi phần lớn là "làm màu" thôi chứ tác dụng của chúng rất nhỏ.
Tôi không phủ nhận việc nhiều người thích "chơi xe" bên cạnh việc đạp xe, bởi có lẽ với họ chiếc xe đạp bên cạnh chức năng chính thì còn là vật thể hiện đẳng cấp của chủ nhân nó. Với những chiếc xe khung carbon hay composite, phanh dầu thủy lực, phuộc hơi,… trị giá hơn cả xe máy tay ga hạng trung thì mua thêm vài triệu tiền phụ kiện, tem nhãn,… chẳng đáng là bao nhưng có thể biến chiếc xe trở nên độc đáo, không đụng hàng.
Bước vào thế giới phụ kiện xe đạp thì mới thấy thật sự choáng ngợp về độ đa dạng về mẫu mã, tính năng cũng như giá cả. Nói chung, đây là vấn đề phụ thuộc nhiều vào khả năng tài chính cũng như sở thích cá nhân.
Tuy vậy, bản thân tôi thì thấy vẫn có những thứ phụ kiện cơ bản đáng mua và cần mua để nâng cao trải nghiệm đạp xe, bảo đảm an toàn cho người điều khiển như mũ bảo hiểm, khóa xe, gương chiếu hậu, đèn pin… Cái gì cũng vậy, vừa đủ thì tốt, còn ham hố độ xe quá đà thì thực sự là không nên.
Tổng kết
Đạp xe đi làm mang lại nhiều lợi ích, nhưng không phải toàn màu hồng bởi có nhiều trở ngại khiến cho chúng ta bị giảm động lực, tắt cảm hứng khi chưa bắt đầu, hay thậm chí là ngại tiếp tục dù đã mua xe. Không cứ là nam hay nữ, các bạn cần phải tìm hiểu cho kỹ và chuẩn bị tinh thần cho những khó khăn sẽ gặp phải khi lựa chọn xe đạp làm phương tiện di chuyển để tránh tình trạng "bỏ thì thương, vương thì tội".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng