Đang dùng X100 thế hệ 2 "nhảy cóc" lên thế hệ 5, tôi nhận ra điều gì?
X100V vẫn là chiếc máy ảnh compact hấp dẫn nhất đối với tôi, nhưng những công nghệ mà Fujifilm mang đến trong phiên bản mới này có khiến tôi muốn nâng cấp?
- Fujifilm muốn làm ra những máy ảnh Medium Format còn rẻ, nhỏ và nhẹ hơn nữa
- Fujifilm vươn lên mạnh mẽ ngay trong đại dịch nhờ phương thuốc chữa Covid-19 được Trung Quốc đánh giá "hiệu quả"
- Cận cảnh Fujifilm X100V: Cảm biến 26.1MP X-Trans BSI CMOS thế hệ 4, ống kính 23mm f/2.0 mới, màn hình đã có thể xoay lật 2 hướng
3 ngày dùng thử X100V, cảm giác của tôi về chiếc máy này rất khó tả, một mặt nó tạo "mood" cho tôi chụp nhưng phía ngược lại nó cũng khiến tôi rối rắm và thi thoảng chẳng muốn bấm máy. Cảm giác đó cụ thể là gì? Tôi sẽ chia sẻ với quý độc giả ngay dưới đây.
Thông số kỹ thuật về chiếc máy này quý bạn đọc có thể tham khảo tại bài trước, ở bài này tôi sẽ chia sẻ về cảm xúc cầm máy nhiều hơn là đánh giá về kỹ thuật.
Lần đầu cầm vào rất thích
Phải nói sao nhỉ? Lần đầu cầm chiếc X100V này lên, tôi cảm giác mọi thứ được thiết kế thoải mái và hợp lý hơn hẳn so với chiếc X100S mà tôi đang sở hữu. Rất có thể với những ai đang dùng đời X100F chuyển lên thì không cảm giác gì nhiều, nhưng với riêng cá nhân tôi, từ phiên bản thứ 2 chuyển lên 5 là một cái gì đó rất xa và có nhiều điều đón chờ trải nghiệm tiếp theo.
Cầm X100V thấy chắc tay hơn hẳn, đó là cảm nhận rõ ràng nhất mà tôi có thể thấy được. Gờ đặt ngón tay phía trước đã được cải tiến, sâu hơn và cầm bám tay hơn. Đa phần những lần dạo bộ chụp ảnh phố phường, 90% buổi chụp tôi sẽ dùng bằng 1 tay, đó là thói quen không thể bỏ và bị ảnh hưởng nhiều từ khi sử dụng smartphone: cứ giơ lên cho điện thoại từ bắt nét và bấm chụp.
Và với X100V này cũng vậy, điểm đáng khen của nó là vẫn rất gọn nhẹ, gờ đặt ngón tay cải tiến, đặc biệt hơn hết, đó là các phím cứng đã được dời hết sang bên phải. Ơn trời, đây là một trong những thứ tôi rất ghét trên X100S, bởi những lúc cần xem lại ảnh hoặc zoom ảnh lên xem đều phải dùng đến tay trái.
Ngay cả việc thay đổi ISO cũng dễ dàng hơn: Nhấc bánh điều chỉnh và chọn, sau đó ấn xuống là xong. Hôm trước đi chụp với Fujifilm X100V, tôi hoàn toàn có thể thao tác 100% bằng mỗi 1 tay phải, còn tay kia cầm cốc cafe, cứ thế vừa đi chụp ngắm cảnh lại vừa nhâm nhi cafe.
Điểm khác biệt tôi nhận ra ở chiếc máy này mà đời thứ 2 không hề có, chính là cần joystick. Đây là điều tất yếu khi mà các sản phẩm camera ngày nay đều có quá nhiều điểm lấy nét và joystick đóng vai trò quan trọng để ta có thể di chuyển, thao tác và chọn điểm nhanh hơn. Thế nhưng, với riêng cá nhân tôi, là một người hay đi dạo phố chụp và không đeo dây máy vòng qua cổ, thay vào đó là cầm máy chỉ với 1 tay nên khi hạ xuống rất thường xuyên bị chạm joystick này, không trúng ngón tay cái thì lại trúng đùi.
Thú thật là trong ngày đầu tiên cầm máy, đã rất nhiều lần tôi giơ máy lên định chụp một chủ thể nào đó đang tiến gần nhưng lại thất bại chỉ vì điểm lấy nét bị thay đổi. Lúc đấy tôi chỉ nghĩ, phải chi thiết kế này quay trở về với D-Pad thì hợp với tôi hơn là cái cần gạt kia. Nhưng biết sao được, có lẽ do thói quen của cá nhân tôi nên nó không phù hợp, còn nhìn rộng hơn, có rất nhiều người ước mơ sản phẩm của mình được trang bị cần joystick để chọn điểm lấy nét tốt hơn, nhất là ở thể loại chân dung.
Ồ, còn một thứ nữa khiến tôi chú ý ngay ngày đầu tiên, đó là màn hình có thể lật được và đã có cảm ứng. Với khả năng lật theo hai chiều trên và dưới, tôi có thể bố cục được dễ dàng ở những góc cao hoặc thấp từ dưới hông, nhưng riêng với tính năng chạm cảm ứng, tôi lại quyết định tắt nó đi ngay từ đầu.
Một vài góc ảnh tôi có thể bố cục tốt nhờ màn hình lật của máy:
Không phải vì cảm ứng của Fujifilm tệ, mà đơn giản là vì tôi không muốn đôi khi ngón tay táy máy của tôi chạm vào màn hình làm nhảy điểm lấy nét, hệt như cần joystick mà tôi đã nhắc đến ở trên. Thế nên ở bất cứ sản phẩm máy ảnh nào khi cầm trên tay, nếu màn hình có tính năng cảm ứng lấy nét hoặc cảm ứng chụp, tôi đều tắt ngay lập tức. Tất nhiên, với người chụp phố như tôi thì có thể đó là thứ dư thừa, nhưng với các bạn chụp ẩm thực, chân dung, phong cảnh thì chắc chắn việc dùng joystick hay chạm cảm ứng sẽ tiện lợi hơn rất nhiều.
Cũng vì lần đầu cầm vào nên… rất rối!
Công nghệ phát triển là điều tất yếu nhưng nếu như ta không cập nhật kịp thì sẽ nhanh chóng cảm thấy lạc lõng, và đó là tôi ngay lúc này, khi cầm chiếc X100V trên tay. Nếu so sánh ra, có thể ví von X100S của tôi giống như một chiếc điện thoại cơ bản so với smartphone như X100V vậy, quá nhiều thứ mới mẻ phải tìm hiểu và khi không bắt kịp thì sẽ bắt đầu gặp phải những rối rắm.
Không thể phủ nhận X100V là chiếc máy ảnh chứa đựng nhiều tinh túy bên trong thân hình nhỏ bé, nhưng để dung nạp nó hết một lúc thì có vẻ là khá khó nhằn với những kẻ "ngoại đạo" từ hãng khác sang hoặc với người dùng phổ thông.
Tất nhiên Fujifilm vẫn có đó những chế độ Auto, nhưng muốn đẹp và kiểm soát được hết, bạn phải thật sự hiểu nó, còn không, ảnh khi ra có thể chẳng ưng ý nổi.
Lấy ví dụ cụ thể, trước đây tôi không thích AF-C của Fujifilm vì nó lấy nét có phần hơi loạn, thế nên X100s tôi toàn để AF-S cho an toàn. Sang V, tôi thử chọn lại AF-C vì tôi tin rằng Fujifilm đã nâng cấp được điều này. Nhưng không, tôi đã lầm, X100V vẫn khó theo ý tôi (vì tính chất chụp street tôi thường hay chụp những tình huống nhanh và bất ngờ nên máy không bắt nét kịp) dù rằng vẫn nhanh hơn đấy. Và thế là, nửa buổi đầu chụp thử, mọi thứ nằm ngoài tầm kiểm soát khi hệ thống lấy nét thường xuyên đi chệch hướng.
Bắt đầu lần mò vào bên trong Settings của máy, hóa ra ở đây có cả một chân trời mới mà tôi cần phải tìm hiểu. Hệ thống AF-C có phần tùy chỉnh để thuật toán lấy nét tốt hơn, với tên gọi AF-C Custom Settings. Tuy nhiên, bên trong có đến 5 kiểu khác nhau, kèm "món" thứ 6 là tự mình có thể custom và dường như sau khi tôi xem xong đều có cảm giác càng rối thêm vì không biết nên chọn kiểu nào cho lấy nét hiệu quả.
Chính những thứ custom "rối như tơ vò" này đã khiến tôi quyết định chuyển sang lấy nét AF-S (Autofocus Single) cho xong, và bạn biết đấy, với kiểu lấy nét single thì ta cũng khó mà kiểm soát được hoàn toàn nếu chủ thể di chuyển quá nhanh. Kết quả 2 ngày đầu tiên trải nghiệm chiếc máy này vô cùng khó khăn.
Thôi thì gạt về chế độ AF-S cho lành...
Sau buổi chụp thứ 2, tôi đã hỏi đến một số anh em dùng các dòng cao của Fujifilm và nhận ra rằng nếu muốn dùng AF-C Custom thì nên chuyển vùng lấy nét là Wide thay vì Zone, Single hay All.
May mắn thay, đến ngày thứ ba cầm máy, tôi đã phần nào kiểm soát được nó
Một đêm thứ hai mày mò tìm hiểu và lấy kinh nghiệm từ anh em, cuối cùng tôi cũng bắt đầu buổi chụp thứ ba với settings mới hoàn toàn, vẫn tiếp tục dùng AF-C Custom nhưng lần này là chọn mục "Ignore Obstacles and Continue to track Subject" để bám nét chủ thể ban đầu tốt hơn. Và mọi thứ đã hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát, ảnh ưng ý hơn hẳn mà không cần phải quay về AF-S hay Manual Focus nữa.
Cũng cần lưu ý thêm, máy không có hệ thống chống rung nên nếu chụp nhiếp ảnh đường phố như tôi, tốt nhất hãy để tốc độ màn trập ít nhất là 1/250s hoặc 1/500s, ISO có thể nâng lên cao được vì ảnh street có hơi hạt chút đỉnh cũng không thành vấn đề. Tôi thường để ISO ở mức Auto (100-6400) và EV là -0.7.
Ngoài ra, thứ mà tôi thích và tạo mood nhất trong những buổi đi chụp với các sản phẩm của Fujifilm chính là di sản ảnh phim của hãng này. Fujifilm rất khôn khéo khi mang đến các tone màu giả lập từ những cuộn phim âm bản lẫn dương bản nổi tiếng trước đây của họ vào các máy ảnh kỹ thuật số thời nay và đây cũng được xem như là điểm nhấn bán hàng bao năm qua. Vậy nên, nếu đã sử dụng Fujifilm, đừng ngần ngại thử hết các filter của chiếc máy ảnh mình đang cầm, bạn sẽ tìm ra được tone màu phù hợp với bản thân.
Kết
Cảm giác mà tôi trải qua 3 ngày với chiếc Fujifilm X100V này khá lạ, nó rất khó nhằn ban đầu và bạn phải thật sự vượt qua nó thì mới có thể điều khiển được hoàn toàn đúng ý. Nếu như trước đây tôi từng nói X-Pro 3 là một chiếc máy khó nhằn và tôi đã vượt qua nó để quay về hành trình nguyên bản thế nào, thì nay, tôi xin nhường ngôi vị ấy cho X100V, không phải vì cách thiết kế khiến ta quay về nguyên bản mà là vì nó quá hiện đại đến mức đôi khi "hại điện".
Dù là mang xác của 1 chiếc máy ảnh compact nhưng có vẻ như Fuji ngày càng muốn chuyên nghiệp hoá các sản phẩm của mình. Tôi còn nhớ những ngày đầu cầm Fujifilm rất dễ sử dụng, thậm chí mỗi khi bạn bè mới tập chụp ảnh cần tư vấn sản phẩm tôi đều trả lời "nên dùng Fujifilm cho đơn giản". Nhưng càng lúc những thứ họ đưa thêm vào, dẫu biết là tân tiến nhưng nó khiến tôi nhức đầu trong việc lựa chọn và buộc phải tìm hiểu thật kỹ, hoặc ít nhất là có người hướng dẫn.
Nhìn ở hướng khác, sự cải tiến của X100V là cần thiết và tôi cũng rất mừng khi họ thay đổi phần thiết kế bên ngoài, tuy từng chi tiết nhỏ thôi nhưng cũng làm trải nghiệm cầm nắm và thao tác được thoải mái hơn trước rất nhiều, chưa kể đến là chất lượng hình ảnh từ cảm biến mới cũng tốt hơn.
Dẫu sao, đây vẫn là chiếc máy mang đến cảm xúc mỗi khi cầm đi chụp, Fujifilm vẫn luôn giữ được cái không khí ấy ngay từ ngày đầu ra mắt những sản phẩm kỹ thuật số của họ và hy vọng rằng chiếc máy ảnh X100 series thế hệ thứ 6 sẽ có thêm vài thứ cải tiến hấp dẫn khác, hoặc ít nhất là có hệ thống IBIS (chống rung in-body) để việc chụp street hoàn hảo hơn.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng