Do các chương trình thực tế mua định dạng từ nước ngoài đang trở thành “bá chủ” trên sóng truyền hình Việt mà khán giả ở ta phải nếm vị đắng nhiều hơn vị ngọt.
Mai Giang, quán quân Vietnam’s Next Top Model gần như biến mất khỏi làng người mẫu. Ảnh: BTC cung cấp.
Nếu cứ đà này, khi khán giả “phát ngấy” với những thứ thực tế cãi vã, lăng mạ, diễn trò nhảm trên truyền hình, truyền hình thực tế chắc khó còn đường sống.
“Con lai” thiếu hoàn hảo
Các chương trình thực tế nổi tiếng nhất thế giới hiện đã có mặt tại Việt Nam như: Vietnam Idol, The Voice, Master Chef, Vietnam’s Got Talent, Vietnam’s Next Top Model,… Những chương trình này đang tung hoành trên các kênh sóng của hai đài truyền hình lớn là VTV và HTV. Sức hấp dẫn của các chương trình thực tế trên là vô cùng lớn.
Để làm nên những chương trình có giá trị thương hiệu lên đến triệu đô như trên, tức là chương trình trở nên hấp dẫn, thu hút được lượng quảng cáo khổng lồ, là chuyện vô cùng khó với những nhà “sáng chế” truyền hình Việt.
VTV, đơn vị đầu đàn của ngành truyền hình cả nước, hiện nay đã bị tụt hậu mọi phương diện trên con đường mang tên… truyền hình thực tế. Chính ông Lại Văn Sâm, Trưởng ban Thể thao, Giải trí và thông tin kinh tế (VTV3) của đài này đã khẳng định trên báo, VTV đang thua các nhà sản xuất tư nhân khi để họ mua hết các chương trình quốc tế nổi tiếng.
VTV3 hiện nay cũng đã thành lập phòng Ý tưởng và Tổ chức sự kiện với nhiệm vụ sáng chế ra những chương trình truyền hình đậm chất Việt.
Nhưng có thể thấy, trên sóng VTV3 hiện nay, không một chương trình truyền hình thực thế nào được “thai nghén” từ các nhà sáng chế Việt có đủ sức hút mạnh với công chúng như những The Voice, Vietnam’s Next Top Model hay Vietnam’s Got Talent.
Do đó, các chương trình thực tế mua định dạng từ nước ngoài đang trở thành “bá chủ” trên sóng truyền hình Việt. Cũng từ đây mà khán giả ở ta phải nếm “những vị đắng nghét”. Về nguyên tắc, khi nhập khẩu các chương trình thực tế nổi tiếng thế giới, nhà sản xuất tại Việt Nam phải tuân thủ chặt chẽ theo định dạng đến từng chi tiết nhỏ nhất. Những câu nói như: “Em phải ngay lập tức thu dọn đồ đạc quay về nhà” của người mẫu Hà Anh và Xuân Lan - giám khảo trong hai mùa chương trình Vietnam's Next Top Model, dù bị dư luận phản ứng gay gắt nhưng nhà sản xuất không thể cắt bỏ.
Rồi mới đây trong chương trình Master Chef Vietnam, giám khảo Luke Nguyễn đã lạnh lùng đổ đĩa thức ăn không đạt yêu cầu của thí sinh Anh Thư vào sọt rác khiến cô này khóc ròng trên tivi. Nghe đâu ở Master Chef Mỹ cũng có một giám khảo hành xử như thế.
Sự khác biệt giữa văn hóa Âu Mỹ và văn hóa Việt khá lớn. Những câu nói hay hành động được xem là bình thường tại phương Tây, rất có thể nó lại là sự phản cảm, lố bịch đối với văn hóa của người Việt. Bởi vậy, các chương trình thực tế vào nước ta cần phải được Việt hóa. Nhưng do sự phát triển nóng của truyền hình thực tế, các nhà sản xuất đâu có thời gian để Việt hóa. Thế mới có “thực tế” đến đau lòng như đã xảy ra với trường hợp của thí sinh 15 tuổi Lê Nguyễn Quỳnh Anh ở Vietnam’s Got Talent 2011 khi nhà đài và gia đình thí sinh đôi co trên báo chí sau khi Quỳnh Anh khoe có thể hát được 6 thứ tiếng…
Hiện tượng “vét đĩa”
Thí sinh Vũ Song Vũ, thí sinh The Voice Kids- Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Một thực tế là các chương trình truyền hình ăn khách tại Việt Nam hiện nay có tuổi thọ khá ngắn ngủi. Ở Mỹ, Idol đi đến mùa thứ 14, Next Top Model đi đến mùa thứ 20, The Voice vừa kết thúc mùa thứ 4 liên tiếp…
Trong khi đó, Vietnam Idol qua mùa thứ 4 đã có dấu hiệu suy tàn; Vietnam’s Next Top Model kết thúc mùa thứ 3 đã trở nên mờ nhạt, thí sinh thắng cuộc, Mai Giang gần như biến mất khỏi làng người mẫu; Vietnam’s Got Talent qua mùa thứ hai không còn mấy khán giả dõi theo.
Nguyên nhân cho những cái “chết yểu” trên thì vô vàn: do tính cả thèm chóng chán của khán giả, do sự bùng nổ của các chương trình trên sóng truyền hình… nhưng nguyên nhân sâu xa hơn là sự làm ăn chộp giật của các nhà sản xuất truyền hình thực tế.
Do cần ngôi sao và cả người bình thường lên sóng với mật độ dày nên hiện tượng “vét đĩa” thí sinh xảy ra ở hầu khắp các chương trình. Đơn cử hai chương trình lên sóng hiện nay là The Voice và The Voice Kids, có quá nhiều gương mặt cũ mòn như Hà Linh, Dương Hoàng Yến (từng thi Sao Mai điểm hẹn), Đỗ Trí Dũng từng là quán quân cuộc thi Đồ Rê Mí 2011, Thảo My đoạt giải nhất phong cách Đồ Rê Mí 2008, Vũ Song Vũ, Nguyễn Lê Nguyên từng thi Vietnam’s Got Talent…
Xuất phát từ thực tế thiếu tài năng đó nên các chương trình hiện nay thường mùa sau nhạt hơn mùa trước. Nhà sản xuất chương trình buộc phải ra tay tạo dựng scandal, chiêu trò để thu hút được sự quan tâm của khán giả, với những vụ chấn động như Phương Uyên, giám đốc âm nhạc của cuộc thi The Voice lộ nghi án dàn xếp kết quả…
Hơn nữa, hiện các đài truyền hình đang “bán khoán” cho những đơn vị tư nhân sản xuất chương trình thực tế theo thể thức: nhà đài ăn tất cả các quảng cáo nằm trong thời lượng phát sóng; nhà sản xuất ăn quảng cáo nằm trong chương trình, tức là được thoải mái mời nhà tài trợ, thoải mái lồng ghép các quảng cáo, có khi đến thô thiển, vào nội dung chương trình.
Thoạt nghe, ta rất dễ nghĩ rằng, nhà sản xuất luôn chịu phần thua thiệt và nguy cơ bù lỗ là lớn. Thế nhưng, thực tế, nhà sản xuất được phép thoải mái mời nhà tài trợ cho chương trình.
Họ thu tiền từ những hợp đồng tài trợ này, và trả cho nhà tài trợ quyền lợi bằng cách treo logo nhãn hàng dày đặc trên sân khấu. Cao thủ hơn, với các chương trình thực tế đặc thù như Vietnam’s Next Top Model hay Project Runway Vienam, mỗi tập phát sóng nhà sản xuất có thể mời được một nhà tài trợ.
Ví dụ như ở chương trình Project Runway Vienam vừa kết thúc, theo một hãng xe máy, họ được nhà sản xuất mời tài trợ với hợp đồng 3 tỷ. Quyền lợi là mẫu xe máy của hãng này được trở thành cảm hứng sáng tạo cho các thí sinh trong một tập phát sóng trên truyền hình.
Thử nhân số tập của các chương trình thực tế, thường là từ 12 - 20 tập, sẽ thấy, nếu khéo khai thác, nhà sản xuất cũng “ăn đủ”. Do đó mới xảy ra hiện tượng quảng cáo đến thô thiển trong nội dung chương trình như ở Vietnam’s Got Talent 2013 vừa qua khi các thí sinh buộc phải “làm xiếc” với một đống dầu gội, nước xả vải trong mỗi clip giới thiệu về bản thân.
Việc mạnh ai nấy ăn đã khiến các chương trình thực tế tại Việt Nam gần như bị thả nổi, nhất là các chương trình trên VTV3. Chừng nào, nhà đài và nhà sản xuất truyền hình thực tế tại Việt Nam còn đi theo hướng “ăn xổi” và “chụp giật”, chừng đó tuổi thọ của các chương trình còn ngắn.
Theo Tuấn Hoàng
Tiền phong
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng