Đang ở đỉnh cao trong thiết kế CPU, tại sao Apple vẫn đi sau Qualcomm trong cuộc đua modem 5G?
Dù đã đổ hàng tỷ USD đầu tư, các modem 5G do Apple phát triển vẫn không thể so sánh được với sản phẩm của Qualcomm.
- Bị Arm tố vi phạm bản quyền, Qualcomm phản pháo: "Lõi chip của chúng tôi sử dụng chưa tới 1% công nghệ của Arm"
- Apple 'ngược đời': Chấp nhận tốc độ modem chậm hơn Qualcomm tới 60% để cắt đứt sự phụ thuộc
- Vụ kiện có thể làm rung chuyển thế giới Android giữa ARM và Qualcomm bắt đầu
- CEO Intel tiết lộ PC chạy chip Qualcomm "điêu đứng" với tỷ lệ hoàn hàng tăng vọt – Sự thật phía sau là gì?
- Khó khăn bủa vây, Samsung vẫn quyết tâm làm chip Exynos cho Galaxy S26 chỉ vì... Qualcomm?
Cho dù không ồn ào, nhưng cuộc đối đầu giữa Apple và Qualcomm xung quanh các chip modem 5G – một linh kiện nhỏ nhưng tối quan trọng trên smartphone hiện đại – vẫn đang âm thầm diễn ra ngày càng quyết liệt hơn. Nhiều năm nay, dù đầu tư một số tiền nghiên cứu không nhỏ, Apple vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tự phát triển modem 5G với hàng loạt vấn đề kỹ thuật.
Mới đây nhất, nhiều báo cáo cho thấy, dường như cuối cùng Apple đã hoàn thiện được modem 5G của riêng mình và đã sẵn sàng tích hợp nó lên một số mẫu iPhone ra mắt trong năm 2025. Tuy nhiên, nhiều khả năng các modem 5G đầu tiên do Apple tự phát triển sẽ chỉ dành cho dòng iPhone SE 4 giá rẻ, như một bước thử nghiệm.
Hơn thế nữa, các báo cáo cũng cho thấy, một trong các lý do làm modem 5G thế hệ đầu của Apple chỉ dành cho dòng iPhone giá rẻ là vì chúng có tốc độ chậm hơn đến 60% so với chip modem Snapdragon X60-X70 của Qualcomm, và do đó khó có thể xuất hiện trên các iPhone cao cấp. Một lần nữa, dường như Apple vẫn chưa thể thoát khỏi phụ thuộc vào Qualcomm đối với linh kiện này.
Câu hỏi đặt ra là tại sao một công ty với nguồn lực mạnh mẽ cùng đội ngũ thiết kế chip bán dẫn vượt trội như Apple – vốn có thể tạo ra các CPU với hiệu năng hàng đầu thế giới – lại khó khăn đến vậy trong việc cạnh tranh với Qualcomm?
Đầu tiên, cần nhìn lại lịch sử căng thẳng giữa hai gã khổng lồ này. Apple và Qualcomm đã kiện tụng lẫn nhau trong nhiều năm liên quan đến vấn đề bằng sáng chế và phí bản quyền. Vào năm 2019, Apple buộc phải trả hàng tỷ USD để đạt thỏa thuận sử dụng công nghệ của Qualcomm, nhưng điều này không ngăn được những tranh chấp pháp lý kéo dài.
Chính từ bối cảnh đó, Apple đã quyết tâm phát triển modem nội bộ với hy vọng loại bỏ Qualcomm khỏi chuỗi cung ứng của mình. Đây không chỉ là cách để giảm chi phí, mà còn là bước đi chiến lược nhằm kiểm soát toàn bộ hệ sinh thái phần cứng của Apple, tương tự như cách hãng đã thay thế chip Intel bằng Apple Silicon trên các máy Mac và gặt hái thành công lớn. Tuy nhiên, trái ngược với những thành tựu trong lĩnh vực CPU, tham vọng phát triển modem 5G lại không mang lại kết quả như mong đợi.
Một trong những rào cản lớn nhất mà Apple phải đối mặt nằm ở sự phức tạp đặc thù của công nghệ modem. Không giống như CPU, modem phải hoạt động ổn định trong nhiều điều kiện khác nhau, tương thích với hàng trăm nhà mạng và chuẩn công nghệ trên toàn cầu. Đây là lĩnh vực mà Qualcomm đã thống trị trong hàng thập kỷ nhờ vào kinh nghiệm và cơ sở thực nghiệm vượt trội, điều mà Apple không thể xây dựng trong thời gian ngắn.
Hơn nữa, thay vì bắt đầu từ con số không, Apple lại chọn cách mua lại bộ phận modem của Intel vào năm 2019 với giá 1 tỷ USD. Tuy nhiên, công nghệ modem của Intel khi đó đã bị đánh giá là lỗi thời, và việc cải tiến một nền tảng cũ kỹ này không chỉ khiến Apple lãng phí thời gian mà còn làm chậm tiến độ phát triển. Các kỹ sư của Apple thậm chí phải thừa nhận rằng việc cố gắng cải thiện một dự án thất bại từ Intel là một "bí ẩn khó hiểu."
Không chỉ vậy, Qualcomm còn sở hữu hàng loạt bằng sáng chế thiết yếu cho modem 5G. Mặc dù Apple đã có giấy phép sử dụng công nghệ này, hãng vẫn phải cẩn trọng để tránh vi phạm thêm các bằng sáng chế khác, bởi Qualcomm đã nhiều lần chứng minh khả năng pháp lý mạnh mẽ của mình. Những yếu tố này càng làm phức tạp thêm nỗ lực của Apple.
Chính vì các trở ngại trên, ngay cả khi Apple phát triển được một chip modem 5G dành cho dòng iPhone SE giá rẻ ra mắt vào năm 2025, chiến lược tự phát triển chip modem để thoát khỏi phụ thuộc vào Qualcomm vẫn bị đánh giá khó có thể thành công. Chip modem hiện là một trong những thành phần quan trọng nhất của smartphone. Bất kỳ vấn đề nào về kết nối cũng có thể khiến người dùng chuyển sang các sản phẩm đối thủ, đặc biệt khi so sánh với Qualcomm, vốn nổi tiếng với độ ổn định và hiệu suất vượt trội.
Kế hoạch của Apple không dừng lại ở đó. Hãng dự kiến ra mắt modem thế hệ hai cho dòng iPhone tầm trung vào năm 2026 và thế hệ ba đủ sức cạnh tranh với Qualcomm vào năm 2027. Tuy nhiên, nếu phải mất tới bảy năm để hoàn thành modem đầu tiên, việc kỳ vọng bắt kịp Qualcomm chỉ trong hai năm tiếp theo bị xem là quá tham vọng. Qualcomm không chỉ có lợi thế về công nghệ mà còn giữ vững vị trí dẫn đầu nhờ vào hệ thống thử nghiệm và sản xuất quy mô lớn, điều mà Apple khó có thể sánh bằng trong thời gian ngắn.
Hơn nữa, Qualcomm đã chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản mất doanh thu từ Apple. Công ty này đã đa dạng hóa nguồn thu, với doanh thu từ các lĩnh vực như ô tô và IoT tăng trưởng mạnh mẽ. Đặc biệt, mảng ô tô ghi nhận mức tăng trưởng 55% trong năm 2024, giúp Qualcomm giảm sự phụ thuộc vào các hợp đồng với Apple. Ngay cả khi Apple ngừng sử dụng modem của Qualcomm, công ty này vẫn kiếm được hàng tỷ USD từ phí bản quyền nhờ vào các bằng sáng chế.
Dẫu vậy, Apple vẫn quyết tâm đưa modem nội bộ vào các dòng iPhone cao cấp trong tương lai. Điều này mang lại lợi ích lớn về tiết kiệm không gian và tối ưu hóa hiệu suất nhờ vào việc tích hợp các thành phần trên một hệ thống chip (SoC). Tuy nhiên, nếu modem của Apple không đạt chuẩn, hãng có thể phải đối mặt với nguy cơ mất thị phần và làm giảm uy tín thương hiệu. Ngược lại, Qualcomm tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu nhờ vào chiến lược bền vững và sự đổi mới liên tục trong công nghệ.
Cuộc chiến modem giữa Apple và Qualcomm không chỉ là một trận đấu về công nghệ mà còn là sự cạnh tranh chiến lược dài hạn. Với nguồn lực dồi dào, Apple có thể đạt được một số thành công nhất định, nhưng để thực sự cạnh tranh với Qualcomm, công ty cần nhiều thời gian, nguồn lực và một chiến lược phù hợp hơn. Trong khi đó, Qualcomm vẫn vững vàng trên ngai vàng của mình, sẵn sàng đối mặt với mọi thách thức và mở rộng cơ hội tăng trưởng trong tương lai.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng