Đằng sau những con số rực rỡ của Apple là một sự thật ít ai để ý, và cả tương lai Samsung, Huawei...
Đối tượng người mua iPhone rõ ràng đang có sự dịch chuyển nhất định: những con số trái ngược vừa được Apple công bố cũng như kết quả vượt mức mong đợi của Samsung trong quý 4/2016 là minh chứng cho thấy những chiếc điện thoại như Galaxy J7 Prime, Galaxy A7 và iPhone SE sẽ quyết định rất nhiều tới vận mệnh tương lai của thị trường smartphone.
Apple đã bất ngờ kết thúc năm 2016 với doanh số kỷ lục dành cho iPhone trong quý 4: 78,29 triệu máy, tăng khoảng 3,5 triệu máy so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, sau 3 quý đầu năm khá u ám, trong kỳ nghỉ lễ cuối năm màu mỡ, công ty của Tim Cook đã bất ngờ phá vỡ kỳ vọng của giới đầu tư.
Khi thông tin này được tuyên bố, chắc hẳn lý do đầu tiên được nhiều người nghĩ đến sẽ là sự cố của Galaxy Note 7. Xét cho cùng, Samsung vẫn là đối thủ duy nhất của Apple trên phân khúc cao cấp. Mất đi át chủ bài, gã khổng lồ Hàn Quốc năm nay đã để cho Apple mặc sức tung hoành trong những tháng cuối năm – cũng là giai đoạn mua sắm màu mỡ nhất tại nhiều thị trường chủ chốt trên toàn cầu.
Sự thật không đơn giản như vậy. Bất chấp đợt thu hồi được cho là có trị giá vào khoảng 5 tỷ USD cũng như chi phí bị bỏ lỡ, bộ phận di động được Samsung tuyên bố "vẫn có sự tăng trưởng". Thực tế, nhiều khảo sát cho thấy khách hàng của Samsung đã lựa chọn Galaxy S7 để thế chỗ cho Note7.
Như vậy, có thể nói rằng sự cố Note7 chỉ "đóng góp" không đáng kể vào mức kỷ lục 78,3 triệu iPhone bán ra của Apple trong quý 4/2016.
iPhone "giá mềm"
Để nhìn rõ bản chất kỷ lục bất ngờ của iPhone, bạn hãy nhìn vào lợi nhuận của Táo trong quý: 17,9 tỷ USD, giảm 500 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số tăng mạnh nhưng lợi nhuận giảm chỉ có thể mang một ý nghĩa duy nhất: giá bán trung bình của sản phẩm giảm sút. Khi giá bán trung bình giảm sút, người dùng Táo chắc chắn đã chọn lựa các mẫu iPhone, iPad, Mac... giá thấp thay vì theo đuổi các lựa chọn cao cấp hơn. Điều này cũng khiến Apple phải chịu tỷ suất lợi nhuận/giá thành thấp hơn.
Đây không phải là một hiện tượng khó hiểu: năm 2016 là năm đầu tiên iPhone chạm tay tới mức giá 400 USD với mẫu iPhone SE có cấu hình ngang ngửa iPhone 6s. 2 năm trước, không ai nghĩ Apple sẽ có ngày giảm mức giá bán thấp nhất của iPhone xuống còn 400 USD (trước đây là 450 USD). Ở mức giá 400 USD, iPhone SE sẽ là một lựa chọn quà tặng mùa Noel/năm mới dễ chịu hơn rất nhiều so với các mẫu iPhone đàn anh. Dĩ nhiên, mức giá đó cũng là cơ hội để nhiều người lần đầu tiên chạm tay vào trải nghiệm iPhone - thậm chí là ở mức trải nghiệm gần ngang ngửa với iPhone 6s.
Bên cạnh chiếc iPhone giá hấp dẫn đầu tiên, Apple trong năm nay cũng đã từ bỏ lựa chọn bộ nhớ 16GB vốn đã được áp dụng... 5 năm cho các tùy chọn khởi điểm của iPhone mới. Mối lo ngại về bộ nhớ quá hạn hẹp của các tùy chọn iPhone khởi điểm coi như đã bị phá bỏ hoàn toàn - người dùng tầm trung đang nhòm ngó đặt chân lên phân khúc cao cấp lại có thêm một lý do để lựa chọn Apple.
Nói cách khác, Apple đang đón đầu phân khúc tầm trung tiệm cận tầm cao một cách hiệu quả. Thật bất ngờ, chìa khóa để tiếp tục thành công lại là một mức giá thấp hơn Note7 rất nhiều.
Xu thế khó tránh
Đây là hiện tượng hoàn toàn trùng khớp với xu thế của thị trường smartphone toàn cầu trong suốt 2 năm qua. Sony trong quá trình tinh giản danh mục sản phẩm đã bắt đầu đón nhận trái ngọt qua lợi nhuận gia tăng, dù rằng thiết kế và cấu hình vẫn... kém nổi bật như trước. Xiaomi, tên tuổi Trung Quốc đại diện cho phân khúc giá rẻ sau một năm 2015 thất vọng đến năm qua thậm chí còn không dám công bố doanh số. Huawei đứng thứ 3 thế giới cũng bắt đầu bộc lộ những lo lắng khi tăng trưởng quá nóng bằng thương hiệu cấp thấp.
Cùng lúc, giá bán trang bị của điện thoại tại Trung Quốc lại có xu hướng tăng – rõ ràng, người mua đang bắt đầu chán "cấu hình cao giá rẻ" và bắt đầu đi tìm những trải nghiệm chất lượng ở những mức giá cao hơn.
Samsung cũng không phải là ngoại lệ. Đã từng bỏ ngỏ cho Xiaomi hoành hành ở phân khúc tầm thấp, gã khổng lồ Hàn Quốc lại bất ngờ tỏ ra đặc biệt quyết liệt ở tầm trung qua sự đầu tư vào các sản phẩm như Galaxy J7 Prime và Galaxy A7 2016. Đến quý 4 vừa qua, bất chấp thảm họa Note7 mảng di động được Samsung tuyên bố là vẫn có... tăng trưởng, không chỉ nhờ vào thành công của S7/S7 edge mà nhờ cả vào "mức lãi được gia tăng của phân khúc tầm thấp - tầm trung".
Trong cuộc chiến hướng tới tương lai, Apple và Samsung đang có lợi thế không hề nhỏ. Mang trải nghiệm và các thế mạnh của smartphone cao cấp xuống smartphone tầm trung sẽ là một nhiệm vụ dễ dàng cho Apple và Samsung, nhưng sẽ là rất khó khăn cho các hãng tầm thấp vốn chỉ biết mang cấu hình và thiết kế "học lỏm" làm lợi thế cạnh tranh.
Nhưng tất cả đều chỉ có một lựa chọn duy nhất: đánh vào tầm trung hoặc mờ nhạt rồi lụi tàn. Tất cả những miếng bánh ngon nhất như Trung Quốc, Mỹ, Châu Âu đều đã bão hòa, các thị trường cấp thấp đều đã chán ngán điện thoại giá rẻ. Hấp dẫn các thị trường cấp thấp vào vòng xoáy nâng cấp thông qua điện thoại tầm trung và "hút" thị trường truyền thống bằng trải nghiệm tốt ở mức giá dễ chịu là cách tốt nhất để mang đến những con số tăng trưởng của tương lai.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng