Đằng sau sự trở lại của Nokia: Thế lực nào đứng sau?
Toàn bộ cuộc hồi sinh của Nokia được thực hiện dưới tên gọi "Nokia Mobile". Thế nhưng, đứng đằng sau cuộc hồi sinh này lại không phải là Nokia "chính hiệu" tại Phần Lan.
Theo nhiều cách, X6 là một cột mốc lớn của "Nokia". Đây là lần đầu tiên Nokia ra mắt một chiếc smartphone "tai thỏ", chạy theo trào lưu đang rất phổ biến của smartphone 2018. Với mức giá chỉ 205 USD và sự kiện ra mắt được tổ chức tại Bắc Kinh, X6 cũng là sản phẩm mang tính tuyên ngôn của Nokia, rằng thương hiệu smartphone kỳ cựu này rất sẵn lòng tham gia vào cuộc đua giá rẻ với các đối thủ sừng sỏ như Xiaomi, Huawei hay OPPO.
Nhưng điểm đáng chú ý nhất về Nokia X6 có lẽ sẽ là tên gọi. Nokia X6 không phải là sản phẩm đầu tiên của dòng "Nokia X". Năm 2014, ngay trước khi về tay Microsoft, Nokia đã từng ra mắt một mẫu Android mang tên gọi "X" chỉ để thất bại thảm hại vì... cố biến Android thành Windows Phone.
Sự hồi sinh chớp nhoáng
Khi CEO Satya Nadella lên tiếp quản Microsoft, ông hiểu rằng gã khổng lồ phần mềm đã thua cuộc hoàn toàn trong cuộc chiến smartphone. Nhân sự cũ của Nokia liên tiếp bị cắt giảm, CEO Stephen Elop (của Nokia) bị sa thải khỏi Microsoft, và đến năm 2015, Microsoft trực tiếp xóa sổ toàn bộ giá trị của mảng phần cứng mua lại từ Nokia.
Đến đầu 2016, CEO đương nhiệm của Nokia là Rajeev Suri lên tiếng tuyên bố smartphone Nokia sẽ xuất hiện trở lại. Chỉ vài tháng sau, nhiều lãnh đạo kỳ cựu của Nokia đứng ra thành lập một công ty mang tên gọi "HMD Global Oy".
Tháng 5/2016, Microsoft bán toàn bộ mảng điện thoại tính năng cho HMD Global và FIH Mobile. Trong thương vụ kết hợp này, HMD sẽ nhận trách nhiệm phát triển, thiết kế smartphone và cũng được cấp phép sử dụng thương hiệu Nokia trên tất cả các sản phẩm điện thoại và tablet trên toàn cầu cho tới năm 2024.
Tháng 6/2017, CEO của HMD tuyên bố Google đã công nhận HMD là "đối tác hạng nhất". Trong tháng 7, HMD vừa ký hợp đồng mua ống kính Carl Zeiss, vừa mua lại 500 bằng sáng chế di động từ Nokia - bao gồm cả giao diện Lumia Camera. Sự trở lại của Nokia đã được chuẩn bị đầy đủ dưới bàn tay của người Phần Lan.
FIH Mobile là ai?
Điều đáng nói là nếu như HMD, một công ty Phần Lan, sẽ sở hữu "bộ mặt" mới của smartphone Nokia thì người Đài Loan/Trung Quốc sẽ sở hữu nguồn sống của Nokia. Trong thương vụ năm 2016, một công ty có tên gọi FIH Mobile đã mua lại toàn bộ các nhà máy sản xuất, chuỗi phân phối/cung ứng điện thoại và thậm chí là toàn bộ mảng chăm sóc khách hàng hay phần mềm/dịch vụ (cho điện thoại) từ Microsoft.
Đáng chú ý, nhà máy điện thoại của Nokia tại Hà Nội cũng đã được Microsoft chuyển giao cho FIH Mobile. Tuyên bố chính thức của Microsoft khi bán lại mảng điện thoại (tính năng) của mình khẳng định "4,500 nhân viên sẽ được chuyển giao, hoặc có cơ hội tham dự FIH Mobile hoặc HMD Global Oy, tuân theo bộ luật địa phương".
Vậy FIH Mobile là ai? Câu trả lời là một cái tên quen thuộc: FIH chỉ là chi nhánh chuyên lắp ráp của Hon Hai (Foxconn) mà thôi. Gần như bất kỳ một người hâm mộ nào cũng đều biết tới Foxconn dưới tư cách là đối tác lắp ráp số 1 của Apple. Điều ít ai biết là FIH còn phục vụ cho cả Xiaomi, Huawei, OPPO, ZTE và nhiều thương hiệu smartphone khác.
Nokia ở đâu?
Thật bất ngờ, Nokia "chính hiệu" lại gần như đứng ngoài sự hồi sinh của smartphone Nokia. Theo hợp đồng năm 2015, Nokia không đầu tư trực tiếp vào HMD. Tuy vậy, thương hiệu Phần Lan vẫn có chỗ trong hội đồng quản trị của HMD với mục tiêu "đảm bảo tất cả các sản phẩm mang thương hiệu Nokia đều đạt được sự kỳ vọng của người tiêu dùng về thiết bị Nokia, bao gồm chất lượng, thiết kế và các sáng tạo hướng về người dùng".
Nokia cũng có một số ưu ái nhất định với HMD. Khác với Microsoft, HMD được quyền sử dụng thương hiệu Nokia trên tất cả các loại thiết bị di động, từ điện thoại feature, smartphone đến tablet (hãy nhớ rằng các mẫu Lumia cuối cùng không sử dụng thương hiệu Nokia). Quan trọng nhất, tên gọi "HMD Global" sẽ không được sử dụng cho mục đích marketing: toàn bộ cuộc hồi sinh của smartphone Nokia sẽ được thống nhất dưới thương hiệu "Nokia Mobile".
Dù vậy, bản chất cuộc hồi sinh của Nokia vẫn không phải là do Nokia thực hiện. 2 thế lực HMD Global và Foxconn mới là tác giả thật sự cho hành trình đưa cựu vương Phần Lan trở lại bản đồ smartphone toàn cầu. Tính đến năm hết năm 2017, Nokia đã giành được 1% thị phần - con số nhỏ nhưng đủ để vượt qua Google và Sony. Một tương lai sáng lạn đang thực sự mở ra trước mắt.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng