Đang sửa tầng hầm, người đàn ông phát hiện cả một thành phố cổ sâu 18 tầng bên dưới nhà mình
Tất cả lộ ra từ một cú vung búa định mệnh.
- Series Resident Evil tung trailer đầu tiên, hé lộ khoảnh khắc đại dịch zombie bùng nổ tại thành phố Raccoon mới
- Khám phá "Atlantis Phương Đông": Thành phố cổ nằm sâu dưới lòng hồ, có niên đại 1300 năm và kiến trúc kì vĩ khiến nhiều người phải nổi da gà
- Thành phố kỳ lạ nhất hành tinh: Suốt 600 năm không có lấy một giọt mưa, sấm chớp là thứ xa xỉ đến nỗi làm nhà cũng chẳng cần lợp mái!
- Thành phố của những mê cung - Đừng bao giờ lạc đường ở Trùng Khánh!
Ngăn bàn của Nobita, tủ quần áo của Digory, lỗ thỏ trong Wonderland và phía sau một tấm áp phích của nhà tù The Shawshank Redemption. Những cánh cửa dẫn chúng ta tới một thế giới khác đôi khi chỉ được che giấu hết sức sơ sài.
Và chúng đã ở đó, đôi khi là hàng ngàn năm để chờ đợi một ai đó, vào một khoảnh khắc thích hợp sẽ vô tình tìm thấy.
Câu chuyện của chúng ta ngày hôm nay cũng vậy. Nó kể về một người đàn ông đã khám phá ra cả một thành phố ngầm phía bên dưới ngôi nhà mình, chỉ từ một cú vung búa định mệnh.
Đó là một buổi chiều năm 1963, một người đàn ông ở thị trấn Derinkuyu của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đang cố gắng sửa lại bức tường trong tầng hầm nhà mình. Anh vung chiếc búa tạ để đập vỡ phần tường đã bị thủng.
Nhưng bức tường đột nhiên sụp đổ. Nó đổ về phía sau và để lộ ra một cánh cửa dẫn vào một đường hầm. Người đàn ông tò mò với lấy chiếc đèn pin và đi vào đường hầm đó. Nhưng càng đi, anh nhận ra đường hầm này càng mở ra nhiều lối rẽ và những đường hầm khác lớn hơn.
Chúng dẫn vào những căn phòng liên tiếp, bất tận. Đôi khi người đàn ông thấy mình băng qua cả một đại sảnh lớn. Đó quả là một khu phức hợp khổng lồ bên dưới lòng đất mà chỉ một buổi chiều không thể khám phá hết được.
Những tài liệu chính thức không ghi lại tên của người chủ nhà. Nhưng tất cả đều nhấn mạnh anh ấy là người đã tìm thấy thành phố ngầm bên dưới Derinkuyu, một kiến trúc khổng lồ sâu 76 mét được chia thành 18 tầng và có đủ những căn phòng cho 20.000 người ở cùng lúc.
Nhưng rốt cuộc thì thành phố ngầm này đã được xây dựng từ bao giờ? Bởi ai? Và tại sao họ lại xây dựng nó?
Bí ẩn thành phố cổ sâu 18 tầng dưới lòng đất
Để có được cái nhìn mang tính bối cảnh, chúng ta phải quay ngược trở lại tìm hiểu về địa lý ở Derinkuyu. Đây là một thị trấn nằm ở Cappadocia, một khu vực bán khô hạn ở trung tâm Thổ Nhĩ Kỳ.
Cappadocia nổi tiếng với những cảnh quan kỳ vĩ, rải rác trên đó là những kim tự tháp đất hay còn gọi là "ống khói cổ tích". Đó là những khối đá mềm, cao và mỏng, thường được hình thành lên từ quá trình ăn mòn đá trầm tích và đá núi lửa.
Cũng chính vì đá núi lửa không cứng, người dân địa phương ở Cappadocia trong hàng ngàn năm vốn có truyền thống đào chúng để xây dựng các ngôi nhà dưới lòng đất. Họ đã tạo ra những căn phòng chứa đồ, đền thờ và cả hầm trú ẩn bên dưới những hố đá mềm.
Ở Cappadocia ngày nay vẫn có hàng trăm ngôi nhà dưới lòng đất. Khoảng 40 ngôi nhà trong số đó có từ 2 tầng hầm trở lên. Tuy nhiên, không có bất kể một hệ thống hầm ngầm nào lớn và nổi tiếng được như Derinkuyu.
Trong quá trình tìm hiểu, các nhà khảo cổ đã phát hiện thành phố cổ Derinkuyu có tổng cộng đến 18 tầng. Đó là một khối kiến trúc với vô số các công trình nhỏ như phòng ngủ, phòng tắm, bếp, giếng, kho chứa vũ khí, chuồng gia súc…
Mỗi căn phòng trong thành phố được thiết kế với kích cỡ không đồng nhất. Có những nơi diện tích cực nhỏ để dành cho những ngôi mộ đá. Ngược lại, có những không gian rộng lớn được dùng làm trường học, phòng hội trường và thậm chí có cả một nhà thờ.
Có rất nhiều lối đi trong thành phố, mỗi tầng được nối với nhau bằng 1 hành lang có thiết kế cửa bằng đá rắn. Và trong khi đá núi lửa mềm thì rất dễ chế tác, các hệ thống cột trụ của nó lại cần phải được thiết kế sao cho rắn chắc.
Nó thể hiện trình độ kỹ thuật của các công nhân và kỹ sư xây dựng khi không hề có bất kể một căn phòng nào dưới thành phố ngầm Derinkuyu bị sập trong hàng ngàn năm qua.
Một hệ thống khác thể hiện trình độ của những người xây dựng là bài toán thông khí. Derinkuyu có một hệ thống trục thông gió được thiết kế với mật độ lớn, giúp đưa không khí từ bên ngoài vào trong lòng đất một cách tự nhiên nhất.
Các khảo sát cho thấy thành phố có tổng cộng hơn 15.000 trục thông gió, hầu hết rộng khoảng 10 cm và vươn xuống tới độ sâu của tầng một và tầng hai. Tuy nhiên các trục này hoạt động hiệu quả tới mức có thể đưa gió xuống tận tầng thứ 8.
Các sinh hoạt trong Derinkuyu cũng phụ thuộc vào gió. Các tầng trên gần mặt đất nhất được sử dụng làm nơi sinh hoạt và ngủ nghỉ - điều này hợp lý, vì đó là những nơi thông gió tốt nhất. Các tầng ở sâu nhất chủ yếu được sử dụng để lưu trữ vật phẩm nhưng cá biệt có một hầm ngục để giam giữ con người.
Tác giả của thành phố ngầm này là ai? Và họ xây dựng nó để làm gì?
Trong số các thiết kế làm nên thành phố ngầm Derinkuyu, các nhà khảo cổ đã đặc biệt để ý đến các lối vào của nó. Hầu hết chúng được làm từ các viên đá lăn được từ bên trong, và ngụy trang tốt đến nỗi người bên ngoài khó có thể phát hiện được.
Vì vậy, một giả thuyết được đặt ra là thành phố ngầm này đã được thiết kế nhằm mục đích trốn tránh kẻ thù. Derinkuyu ở vào một khu vực trọng yếu và thường xảy ra chiến tranh. Nhiều chuyên gia cho rằng người Phrygian là những người đã xây dựng thành phố này, trong khoảng thời gian từ năm 1200 đến 800 Trước Công nguyên.
Sau người Phrygian, vùng đất Cappadocia lần lượt bị chiếm đóng bởi người Ba Tư, Hy Lạp, Macedonia và Armenia.
Văn bản sớm nhất chép về thành phố ngầm ở Cappadocia là từ cuốn Anabasis của Xenophon – nhà sử học lỗi lạc người Hy Lạp viết vào năm 370 Trước Công Nguyên.
Ông viết vùng Cappadocia có những ngôi nhà ở bên dưới lòng đất. Chúng lối vào như miệng giếng, người dân sẽ di chuyển vào thành phố bằng thang còn gia súc sẽ di chuyển theo lối đi riêng.
Ngoài giả thuyết về người Phrygian, cũng có một số nhà khảo cổ học suy đoán rằng phần cổ nhất của thành phố ngầm Derinkuyu đã được xây dựng bởi người Hittite, vào khoảng những năm 2000 Trước Công Nguyên.
Sau đó, nó dần dần được nâng cấp bởi người Phrygian. Những kỹ sư cuối cùng hoàn thiện thành phố này được cho là người Cơ đốc giáo địa phương, sống ở những thế kỷ đầu tiên sau Công Nguyên. Vì vậy, những thiết kế mới nhất ở Derinkuyu mới mang đậm dấu ấn Cơ đốc giáo.
Cũng trong khoảng thời gian này, các tài liệu cho thấy thành phố ngầm Derinkuyu đã che chở cho những người Kitô giáo trong cuộc xâm chiếm của người La Mã.
Nó tiếp tục trở thành nơi trú ẩn cho người dân địa phương trong các cuộc chiến tranh giữa người Byzantine và người Ả Rập kéo dài từ cuối thế kỷ 8 đến cuối thế kỷ 12. Sau đó là các cuộc đột kích của người Mông Cổ vào thế kỷ 14, cuối cùng là cuộc chinh phục của người Thổ Nhĩ Kỳ thuộc đế chế Ottoman.
Đến tận thế kỷ 20, khi người Thổ Nhĩ Kỳ tấn công và ép người Hy Lạp rời khỏi vùng đất này, thành phố ngầm Derinkuyu mới chính thức thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ. Không rõ tại sao thành phố này lại bị bỏ hoang từ đó và không ai biết đến sự hiện diện của nó cho đến khi người đàn ông ở Derinkuyu quyết định sửa tầng hầm nhà mình.
Tuy nhiên, lý do có thể là vì các lối vào của nó đã được ngụy trang quá kín. Thật trớ trêu là một số giếng nước ở Derinkuyu đã được đào sâu và chạm được tới thành phố ngầm này. Nhưng có vẻ như những người thợ đào giếng đã bỏ qua những bất thường về nó.
Trong suốt nhiều thập kỷ, hóa ra những chiếc xô nước đã tới thăm thành phố ngầm ở Derinkuyu mỗi ngày. Thật tiếc là chúng không có miệng nói để kể cho chủ nhân về sự hiện diện của Derinkuyu.
Thật ngẫu nhiên, "derin kuyu" trong là tiếng Thổ Nhĩ Kỳ cũng có nghĩa là "giếng sâu". Và ngày nay, thành phố ngầm này đã trở thành một trong những địa điểm thu hút khách du lịch bậc nhất ở Cappadocia. Vì vậy, nó không còn được coi là một thế giới chưa được khám phá nữa.
Nhưng có lẽ, đâu đó phía sau những bức tường tầng hầm ở nhà một ai đó trên thế giới, có thể vẫn còn đó những lối vào dẫn tới một thành phố ngầm khác chưa được biết đến. Mà cũng có thể là ngay trong tầng hầm nhà bạn, biết đâu được. Có thể bạn cũng nên đi tìm một chiếc búa tạ và khám phá thử xem.
Tổng hợp
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng