Đánh giá bo mạch chủ Asrock B250 Gaming K4: Linh kiện bền bỉ, phối màu đẹp, lựa chọn tốt cho case gaming tầm giá 20 triệu

    Durian,  

    Asrock trong mùa Kabylake có số lượng sản phẩm mới trên các dòng không nhiều, liệu sự cô đọng chất xám này có khiến họ khác biệt hơn những nhà sản xuất đang cố dìm người sử dụng ngập ngụa trong những cái tên mới của họ? Hãy thử đánh giá sơ qua về B250 Gaming K4, một trong những sản phẩm tiêu biểu mang tính kế thừa của con bọ ngựa để xem nhà sản xuất đến từ Đài Loan này sẽ đứng ở vị trí nào trong lòng người sử dụng.

    Là nhà sản xuất bo mạch chủ duy nhất có sản phẩm “made in Vietnam”, Asrock tuy chưa đạt được độ phủ thương hiệu như các nhà sản xuất khác nhưng lại rất được lòng game thủ trong phân khúc tầm trung với các sản phẩm có giá khá mềm, hiệu năng khá ổn định. Còn đối với các OCer thì Asrock trở thành cái tên quen thuộc với tượng đài OC Formula bởi khả năng gồng gánh các linh kiện hạng nặng.

    Trong đợt ra mặt loạt bo mạch chủ Kabylake vừa qua, Asrock cũng tỏ ra không hề kém cạnh những đối thủ cạnh tranh ở cả những phân khúc cao cấp lẫn tầm trung. Và dòng Gaming K4 sẽ viết tiếp lịch sử của mình trên một thế hệ vi xử lý mới toanh với những cải tiển vô cùng đáng giá.

    Đập hộp sản phẩm:

    B250 Gaming K4 có phần vỏ hộp giống đến 99% so với vỏ hộp của dòng Z270 ra mắt trước đó ít lâu. Với tone màu đen đỏ chủ đạo của dòng Fatal1ty Gaming Gear, phần vỏ hộp với họa tiết được tạo hình chữ G thể hiện cho viết tắt của từ Gaming, trên họa tiết đó lại là các mũi tên mà tôi chưa hiểu ý đồ của điều này cho lắm, có lẽ phần họa tiết này sẽ còn xuất hiện ở đâu đó trên sản phẩm. Các mặt còn lại của vỏ hộp thể hiện những thông tin cơ bản về sản phẩm như đời chipset, các chức năng chính và nổi bật kèm theo hình minh họa trực quan sinh động.

    Sau khi lột bỏ lớp bỏ ngoài khá mỏng manh thì chúng ta lại được thấy một lớp hộp khác đen bóng bên trong với logo Asrock, chiếc hộp cứng cáp này mới chính là phần khung xương bảo vệ cho sản phẩm bên trong chứ không phải lớp vỏ bên ngoài. Và sau khi mở tung lớp vỏ này, chiếc bo mạch chủ mới dần được lộ diện. Ngoài sản phẩm chỉnh ở khay phía trên được lót đệm xốp và bọc lại khá chỉn chu thì ở phần dưới là một số phụ kiện như sách hướng dẫn, cặp cáp SATA III 6Gb/s, một tấm chặn main. Theo tôi thấy thi phần đóng hộp của B250 Gaming K4 khá là đơn giản, đó cũng chính là lý do để game thủ giảm bớt được số tiền kha khá vào những phụ kiện rườm rà không thiết thực.

    Thiết kế:

    Đúng là không chỉ có vỏ ngoài, phần ruột trong của B250 Gaming K4 cũng vô cùng giống người anh Z270 của mình chỉ có điều một số chi tiết đã được lược bỏ một cách khéo léo mà phải quan sát mãi tôi mới nhận ra. Tổng quan về thiết kế của Gaming K4 theo tôi đánh giá thì khá đẹp trong cách phối hợp màu sắc, từ nước sơn PCB, cho đến lớp giáp, heatsink cũng như các khe cắm đều được hoàn thiện một cách hài hòa.

    Đi sâu hơn một chút, ta sẽ đề cập đến trào lưu mới trong đợt thay da đổi thịt này của Intel cũng như các hãng sản xuất bo mạch chủ. Đó chính là lớp I/O shield đồ sộ ôm lấy một phần tấm mosfet heatsink ở bên cạnh phải chạy đến tận hết cạnh trái của bo mạch phủ lên cả phần sound card. Được tạo hình khá ngầu giống như một miếng vỏ tàu vũ trụ đang phát sáng với dải đèn led nhỏ được đặt rất tinh tế ở khoang giữa tấm mosfet và cụm I/O.

    Chính trào lưu này đã khiến cho tấm bo mạch trở nên đồ sộ hơn, ngầu hơn những vẫn đảm bảo được không gian thùng máy cho các linh kiện khác. 2 tấm mosfet heatsink thì lại được tạo hình như…chiếc quan tài, tựa như thông điệp được gửi tới từ sát thủ thầm lặng này, được mạ anode màu đỏ tươi rất nổi bật. Không rõ lắm ý đồ của nhà sản xuất nhưng hình dáng của chiếc heatsink này được lặp đi lặp lại khá nhiều ở trong các dòng bo mạch chủ Kabylake của Asrock.

    Cá nhân tôi là người nhìn vào nhiều dòng bo mạch chủ thì sẽ thấy rằng nó hơi nhàm chán nhưng đứng theo góc độ người sử dụng thì họ sẽ chỉ nhìn vào cỗ máy của chính họ thôi nên sẽ khác biệt hơn nhiều.

    So với nhiều hãng hiện nay đang cố tỏ ra hầm hố hơn, Asrock lại vẫn trung thành với style PCH Heatsink trông cực đơn giản của mình với một khối hình chữ nhật và họa tiết được in lên trên kèm theo một đường led nhỏ hi vọng sẽ làm nổi bật khối heatsink này lên bởi nó đã khá là chìm trong mớ linh kiện của một hệ thống rồi.

    Hệ thống nguồn:

    Có 2 cổng cấp nguồn chính cho bo mạch chủ đó là 1 cổng 24pin chính và 1 cổng 8 pin cấp nguồn cho CPU. Đếm được tới 10 cuộn cảm xung quanh khu vực phase nguồn nhưng chính xác thì chỉ có 8 phase thôi. Tuy nhiên với một bo mạch chủ không ép xung tầm trung thì lượng điện như vậy xem chừng đã là khá dư dả cho các vi xử lý hoạt động rồi.

    Các khe cắm:

    B250 Gaming K4 được trang bị tổng cộng 4 khe ram với 2 tone màu đen đỏ để thể hiện cho chế độ kênh đôi. Khả năng hỗ trợ tối đa là 64Gb, quá thừa thãi đối với game thủ. Tuy nhiên nếu bạn nào thích vọc vạch Ram Disk để biến một phần bộ nhớ trên RAM thành bộ nhớ tạm thời để có khả năng load dữ liệu siêu tốc thì đây chính là chìa khóa cho các bạn.

    Số lượng khe cắm SSD M.2 vẫn được giữ nguyên là 2 khe trên bo mạch chủ tuy nhiên nếu so sánh với Z270 Gaming K4 thì B250 chỉ có một khe là Ultra M.2. Khu vực PCB nơi cắm SSD M.2 cũng được sơn họa tiết đỏ hình mũi tên hoặc những vạch trên các đường đua như để gợi nhắc đến tốc độ thần sầu trên các SSD M.2 và đây cũng chính là các vạch họa tiết trên vỏ hộp mà chúng tôi có để cập đến ở phần trước. Và tất nhiên Ultra M.2 cũng đã sẵn sàng cho công nghệ SSD Optane mới trong tương lai của Intel

    Đối với các khe cắm mở rộng thì B250 Gaming K4 được trang bị 2 khe PCIe 3.0 x16 và 4 khe PCIe 3.0 x1 trong đó có một khe PCIe 3.0 x16 được bọc kim loại chống gãy, nhiễu. Đây là một bước cải tiến của Asrock giúp cho giá trị của chiếc bo mạch chủ được nâng cao hơn trong khi B150 Gaming K4 vẫn chưa được áp dụng thiết kế này. Vậy là B250 Gaming K4 có khả năng hỗ trợ Sli/Crossfire X2 và có tới 4 khe PCI để sử dụng cho các linh kiện khác.

    Có tất cả 6 cổng SATA III 6.0Gb/s phục vụ quá đủ cho nhu cầu lưu trữ dữ liệu của người dùng.

    Một điểm đáng lưu ý là phần tiếp xúc của các khe trên đều được mạ vàng

    Khu vực âm thanh:

    ASRock Purity Sound là công nghệ âm thanh của ASRock, nó tới nay đã trải qua đời thứ 4. Ở dòng Kabylake, việc trang bị Purity Sound 4 đạt đếm tầm cao mới. Khi mà ASRock B250 Gaming K4 sử dụng Purity Sound 4 dựa trên chip xử lý âm thanh mới nhất Realtek ALC1220, một mạch điện tử có chức năng khuyếch đại tín hiệu OP-AMP Texas Instruments TI NE5532 và kèm theo đó là các tụ âm thanh cao cấp Nichicon nhằm mang tới hiệu suất âm thanh tốt nhất cho bo mạch chủ của họ. Ngoài ra, ở các dòng sản phẩm này của ASRock còn có thêm Sound Blaster Cinema 3 đi kèm, đây là một phần mềm mới nhất được thiết kế với SBX Studio Pro cung cấp trải nghiệm âm thanh một cách toàn diện hơn.

    ASRock cũng đã chia các tín hiệu âm thanh từ phần còn lại của bo mạch chủ để giảm nhiễu tiếng ồn với một PCB phân chia vật lý, và hiển nhiên cũng có cả LED back-side ở dòng sản phẩm này.

    Các kết nối khác:

    Ở khu vực front panel, B250 đã cắt giảm đôi chút so với phiên bản Z270 Gaming K4 của hãng này. Cụ thể, cổng USB 3.0 được cắt giảm chỉ còn 1 nửa là một chân cắm, các cụm chân cắm nút bấm nguồn, 2 chân USB 2.0 đều nằm hết ở viền bên dưới. Ở đây cũng có thêm 2 chân cắm nguồn phục vụ cho các loại fan case hoặc bơm của hệ thống tản nhiệt nước. Có một điều hơi bất cập là khi mà các loại bo mạch chủ khác lại đặt vị trí của cổng cấp nguồn cho bơm nằm ở mảng trên của bo mạch chủ nơi gần CPU để phục vụ các cỗ máy sử dụng tản nhiệt AIO, trong khi B250 vốn được dành cho dòng chung cấp hiếm người sẽ sử dụng hệ thống tản nhiệt nước cho hệ thống này nên bỗng dung vị trí cấp nguồn cho bơm trở nên thừa thãi chứ không hẳn là vô nghĩa bởi người ta hoàn toàn có thể sử dụng nó cho một vị trí gắn fancase nào đó. Và đặc biệt chỉ có ở Kabylake đó là các chân cắm dây led RGB đã được bổ sung để game thủ có thể hòa mình vào thế giới đầy màu mè của chính mình.

    Ở khu vực I/O phía sau bo mạch chủ như thường lệ là một cụm các cổng cắm, nhìn chung thi sự hỗ trợ trải nghiệm chỉ nằm ở mức vừa đủ bởi có lẽ hãng đã định vị sản phẩm này thuộc thị trường tầm trung. Có 3 kết nối hiển thị dành cho iGPU của intel bao gồm 1 cổng D-sub, 1 cổng Dual link DVI-D, và một cổng HDMI 2.0. Số lượng cổng USB dành cho các thiết bị ngoại vi cũng có vẻ không được dư dả gì khi mà chỉ có 2 cổng USB 2.0, 2 cổng USB 3.0 1 cổng USB 3.1 type A và type C được trang bị trên bo mạch chủ. Một con số hơi ít so với nhu cầu hiện nay. Cuối cùng phải kể đến một card lan Intel I219V Gigabit cùng cụm USB 3.1

    Hệ thống đèn led hiệu ứng:

    Đèn led được bố trí ở ba vị trí trên bo mạch chủ bao gồm, I/O shield, soundcard và PCH. Với khả năng tùy biến thông qua phần mềm Asrock Aura Led. Phần mềm khá trực quan với các hiệu ứng được chuyển đổi linh hoạt và gần như không mất thời gian để áp dụng ngay trực tiếp trên bo mạch chủ. Khả năng thể hiện màu sắc cũng như hiệu ứng chưa thực sự xuất sắc nhưng chúng ta vẫn có thể trông đợi vào sự cái tiến cho hệ thống này về sau.

    Tổng kết:

    Với một hệ thống gaming tầm trung khoảng 25 triệu đổ lại thì B250 Gaming K4 là một sự lựa chọn không hề tồi. Từ thiết kế cho đến chất lượng của linh kiện đều thể hiện được sự trau chuốt tỉ mỉ cũng như một sự đảm bảo vô cùng chắc chắn cho những trải nghiệm trên hệ thống.

    Với danh tiếng trong ngành sản xuất của mình cùng lịch sử hiệu năng đã được chứng minh trong các thế hệ bo mạch chủ trước đây. Cộng với đó là khả năng bảo hành cháy nổ và các hư hại đi kèm giúp người sử dụng có thể yên tâm hơn rất nhiều.

    Ưu điểm:

    Thiết kế đẹp, ngầu.

    Hệ thống đèn Led RGB đẹp mắt, linh hoạt.

    Linh kiện tốt, cho độ bền cao.

    Nhược điểm:

    Một số vị trí cắm còn chưa hợp lý.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày