Đánh giá bo mạch chủ Asrock X370 Gaming K4: Chất mạnh mẽ, giá mềm mại

    Durian,  

    CPU đã rẻ, đến bo mạch chủ cũng rẻ mà cho trải nghiệm cao cấp thì đúng là hết ý rồi.

    Sức nóng của vi xử lý Ryzen đang lan tỏa rất rộng bên cạnh một Kabylake vẫn hoàn toàn xuất sắc trong việc mang đến những trải nghiệm xuất sắc dành cho game thủ. Với việc có hiệu năng tương đương hoặc hơn nhưng lại có giá tốt hơn Intel, các hệ thống Ryzen nay đã có giá tốt hơn so với những hệ thống gaming chạy bằng vi xử lý Intel. Không chỉ có vậy, với Asrock một thương hiệu nổi tiếng về những chiếc bo mạch tuyệt vời, từ việc build đến chất lượng linh kiện đều thuộc hàng tốt hơn hết lại còn là sản phẩm made in Việt Nam nhưng lại có cái giá cũng mềm nhất nhì thị trường.

    Falta1ty Gaming K4 là dòng sản phẩm mainstream của Asrock với những thiết kế dành riêng cho game thủ có thể nó chưa đủ độ cao cấp như Flagship OC Formula hay mới đây là Supercarrier của hãng này nhưng nó cũng không phải là dòng sản phẩm đánh vào thị trường tầm trung và thấp như các dòng sản phẩm khác. Nó lơ lửng ở đâu đó trong định nghĩa về những tiêu chí đánh giá một sản phẩm (chất lương, giá thành, thiết kế…). Nhưng đã là những sản phẩm dành cho game thủ, dành cho những người chơi game thì Asrock sẽ làm cho những game thủ phải ước ao có được nó và có lẽ họ đã làm được điều này. Nhưng nếu để nói rằng nó đủ tốt hay chưa thì chúng tôi sẽ để thị trường quyết định.

    Đập hộp sản phẩm:

    Đã là Gaming K4 lại sinh sau đẻ muộn có khoảng 2 tháng so với chipset Kabylake của Intel nên việc X370 Gaming K4 có phần vỏ hộp giống hệt người anh em của mình bên kia chiến tuyến là điều hiển nhiên. Nếu đặt vỏ hộp của 2 sản phẩm bên cạnh nhau thì cũng khó mà so sánh được sự khác nhau nếu bạn che đi phần tên chipset và logo của hãng sản xuất vi xử lý trên đó. Mở hộp ra thì cũng không có gì khác biệt cả, Asrock trang bị cho game thủ những phụ kiện cơ bản nhất: Một vài tờ giấy và sách hướng dẫn sử dụng, 2 cặp cáp SATA III 6Gb/s, môt cầu SLi HB và một tấm chặn main dành cho các thùng máy cổ điển.

    Chi tiết về sản phẩm:

    Sự khác biệt của X370 so với Z270 hay B250 có lẽ nằm ở phần thiết kế là chủ yếu nên bản thân tôi cũng sẽ không đề cập quá nhiều đến các phần giống nhau nữa. Nếu đã là fan của hãng sản xuất bo mạch chủ này thì ắt hẳn các bạn sẽ nhớ đến thiết kế I/O shield và sound khá quen thuộc của dòng chipset Skylake như H170, Z170 được tạo khối nổi rõ ràng, góc cạnh nhưng lại gọn gàng và trông khá là đơn giản thì nay đã quay lại với X370 của Asrock và tách biệt hoàn toàn so với phần heatsink tạo dáng vẻ thanh mảnh chứ không còn đồ sộ như trên Kabylake nữa.

    Các heatsink cũng không phải là những chiếc quan tài như chúng ta được thấy cách đây vài tháng mà là những miếng nhôm với hình dáng khá đơn giản, tạo khe rãnh để trông cho bớt nhàm chán và cũng là tăng khả năng thoát nhiệt cho các mosfet của mạch VRM. PCH heatsink cũng không có gì nổi bật với tạo hình đa giác lớn, đơn giản với các rãnh chéo cắt ngang qua giữa của tấm heatsink, tách biệt 2 phần là phối màu đen đỏ và phần màu đen có logo Falta1ty truyền thống dành cho sản phẩm gaming cũng được bổ sung thêm.

    Để ý một chút về mạch VRM chúng ta thấy nguồn điện cấp cho vi xử lý vẫn là đầu 8 pin 12V thông thường nhưng lại có tới 12 phase nguồn trên mạch để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng ổn định cho 8 nhân và 16 luồng trên vi xử lý cao cấp nhất hiện nay của AMD Ryzen. Phần gắn CPU cũng không có gì khác biệt với các hãng khác khi clip dành cho socket AM4 có 2 chân nhựa để gài HSF lên trên chứ cũng chưa thấy có nhiều loại tản khác hỗ trợ cho dòng này. Xét về độ tương thích thì lần này AMD có vẻ linh hoạt hơn nhiều khi hỗ trợ cả CPU Ryzen lẫn CPU thế hệ thứ 7 dòng A.

    Bo mạch chủ có 4 khe cắm ram và cũng hỗ trợ ram tùy theo loại CPU AMD mà người sử dụng sẽ dùng nhưng với CPU Ryzen thì bus Ram có thể lên đến 2933 trong điều kiện OC và 2667Mhz mặc định. Người sử dụng hoàn toàn có thể sử dụng ram ECC (dòng bô nhớ trong dành cho máy chủ) và non-ECC (dòng bộ nhớ trong phổ thông) cho hệ thống của mình tùy theo nhu cầu sử dụng. Dung lượng tối đa của bộ nhớ trong lên đến 64Gb và các chân cắm ram đều được mà vàng 15μ. Có một điều cần lưu ý trong việc cắm ram trên bo mạch chủ X370 là khả năng hỗ trợ ram cũng trên các khe cắm là khác nhau mà người sử dụng cần phải nắm được. Việc đánh thứ tự khe ram được tính như sau: Tính từ khu vực CPU trở ra lần lượt là A1-A2-B1-B2. Trong đó khe A2 là khe có khả năng hỗ trợ ram lớn nhất với bus cao nhất lên đến 2667 Mhz với CPU Ryzen. Tiếp đến là khe B2 có khả năng hỗ trợ bus ram 2400-2667 Mhz còn đối với 2 khe A1- B1 thì chỉ hỗ trợ 2133 và 2400Mhz DDR4 DIMM mà thôi. Đây là điều mà khi mua bộ nhớ trong cho hệ thống này chắc chắn bạn phải lưu tâm để máy có thể tương thích tốt.

    X370 Gaming K4 có 2 khe PCIe 3.0 x16 (trong đó sẽ chạy ở x16 nếu chỉ sử dụng 1 khe và x8 nếu sử dụng cả 2 khe) và có tới 4 khe PCIe 2.0 x1. 2 khe cắm SSD M.2 trong đó có 1 khe phía trên sử dụng công nghệ Ultra M.2 cho tốc độ truyền dữ liệu cao nhất. Một khe M.2 Key E dành cho các module wifi bluetooth nếu như người sử dụng có nhu cầu bổ sung card wifi dual band thay cho sử dụng cáp mạng thông thường.

    Hệ thống âm thanh lần này vẫn sử dụng chip xử lý của Realtek dựa trên công nghệ Purity Sound 4 cộng thêm sự hỗ trợ của hệ thống phần mềm Sound Blaster Cinema 3 của Creative cho những trải nghiêm âm thanh cao cấp hơn những dòng sản phẩm thấp hơn.

    X370 Gaming K4 có thể hỗ trợ tối đa 6 ổ cứng thông qua 6 cổng SATA 3.0 với băng thông 6Gb/s hỗ trợ chế độ RAID, NCQ, ACHI và cắm nóng. Các cổng I/O nội bộ bao gồm một cổng kết nối âm thanh, 2 cổng USB 2.0, 2 cổng USB 3.0. và các cổng cắm dành cho quạt và hệ thống led RGB. Còn đối với hệ thống I/O nằm phía sau bo mạch chủ thì số lượng cổng cắm cũng có sự khác biệt so với chipset Z270 và B250 một chút. Cụ thể: một cổng PS/2 dành cho chuột, một cổng PS/2 dành cho bàn phím riêng biệt chứ không gộp như ở các phiên bản khác. Một cổng HDMI, 1 cổng USB 3.1 Type A 1 cổng USB 3.1 Type C và 6 cổng USB 3.0 và 1 cổng USB 3.0 dành riêng cho chuột độc quyền thương hiệu Falta1ty. 1 cổng lan RJ-45và hệ thống cổng cắm âm thanh trong đó có 1 cổng quang dành cho các hệ thống âm thanh cao cấp. Vậy là X370 Gaming K4 có ít sự lựa chọn về khả năng xuất hình ảnh hơn nhưng lại có thêm nhiều cổng USB 3.0 hơn so với Z270 và B250 Gaming K4.

    Rất tiếc vì không được sở hữu một chiếc CPU Ryzen nào đủ thời gian để thực hiện bài test một cách kĩ càng nên chúng tôi chỉ có thể cho các bạn thấy được vẻ đẹp của chiếc bo mạch chủ với linh kiện đi kèm mà thôi. Tuy đã không thể thực hiện phần benchmark như đã làm trên các bo mạch chủ Intel để đánh giá hiệu năng của Ryzen và khả năng cân sức của VRM khi ép xung nhưng chúng tôi cũng hi vọng sẽ đem lại những bài chi tiết hơn trong những bài review sau

    Tổng kết:

    Một cấu hình với mức giá mềm mại hơn gấp nhiều lần đang dần hiệu hữu với thế giới game thủ. Tuy cả AMD lẫn Asrock đều chưa thực sự thành công trong mặt hình ảnh, marketing nhưng đứng trên góc độ kĩ thuật thì chúng tôi đánh giá cao từ thiết kế lẫn kết quả hiệu năng mà họ đã làm được. Một hệ thống gaming mạnh mẽ nhưng rẻ tiền hơn khá nhiều có lẽ là một điều không quen với các gamer bởi họ đã chìm đắm trước hình ảnh của Intel rất lâu nay rồi chắc sẽ cần phải có những chiến lược dài hơi hơn để 2 hãng này có thể đứng vứng trên thị trường phần cứng.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày