Đánh giá card đồ họa Asus Strix Gaming GTX 1080Ti: Văn võ song toàn chẳng ai sánh bằng

    Durian,  

    Nếu bạn là người chơi PC có điều kiện, chắc chắn bạn sẽ cần một chiếc GTX 1080Ti Strix Gaming trong dàn máy của mình. Nếu bạn là một game thủ đầy nhiệt huyết, bạn cũng cực kì cần chiếc card đồ họa này trong hệ thống chơi game của mình.

    Qua các bài review của Genk, cũng như những hình ảnh tràn ngập trên thị trường, chắc hẳn chúng ta đã quá rõ về hình ảnh của những sản phẩm nằm trong hệ sinh thái Asus ROG dành riêng cho giới game thủ với đủ mọi loại linh kiện PC, Laptop cho đến các thiết bị ngoại vi bổ trợ trải nghiệm game thủ ở đủ mọi góc độ. Cùng với sự ra mắt của chip xử lý đồ họa cực mạnh mới nhất thay thế ngôi vua của GTX 1080 ra đời cách đây nửa năm là GTX 1080Ti thị trường máy tính cao cấp lại được một phen nữa nhộn nhịp hơn hẳn, giá của những chiếc GTX 1080 và các dòng thấp hơn liên tục giảm bởi các tay chơi đang thanh lý những chiếc card này để nâng cấp bộ xử lý đồ họa của mình thêm một lần nữa bởi những vi xử lý mới có hiệu năng cực mạnh này hiện nay đã có thể cân mượt mà hơn nhiều tựa game với độ phân giải 4k và VR, các tính năng khác phụ trợ khác có lẽ cũng là mối quan tâm của không ít người vì thế nên không chỉ có hiệu năng mà còn rất nhiều thứ khác sẽ tiếp tục tốn giấy mực của giới truyền thông về dòng vi xử lý mới này.

    Đập hộp sản phẩm:

    Cái vẻ bề ngoài ngay từ vỏ hộp này hoàn toàn quen thuộc với những ai đam mê công nghệ nói chung cũng như fan của Cú Strix nói riêng. Ngoại trừ phần thông tin chi tiết ra thì trông GTX 1080Ti Strix chẳng có mấy điểm khác biệt so với phần vỏ hộp GTX 1070 hay GTX 1080 Strix. Một chiếc card đồ họa xuất hiện đầy ấn tượng ở chính giữa như một chiếc phi thuyền mạnh mẽ và sự phối hợp màu sắc, họa tiết, logo vô cùng bắt mắt nhưng lại hài hòa khiến cho tổng thể thiết kế vỏ hộp của Asus ROG dễ dàng đi vào tâm trí của những người sở hữu cũng như fan của thương hiệu này.

    Phần phụ kiện của GTX 1080Ti được đóng gọn gàng trong một hộp đen nhỏ, nằm lọt ngay giữa phần đệm mousse trên của gói sản phẩm giống như một thông điệp nhỏ gọn nhưng xúc tích của nhà sản xuất gửi đến người sử dụng chứ không phải là một chiếc cặp tài liệu lớn nhưng lại không được lấp đầy như bên ở trong như vỏ hộp trước đó. Một gói phụ kiện của card đồ họa luôn bao gồm một đĩa Driver và Ứng dụng, một sách hướng dẫn, các sợi cáp nguồn chuyển từ đầu molex sang chân 8 pin, vài sợi dây thít dùng để đi dây cho gọn theo phong cách rất ROG.

    Chi tiết sản phẩm:

    Thiết kế card đồ họa cao cấp Strix Gaming của Asus thì cũng chẳng còn gì là lạ mắt với giới yêu công nghệ nữa rồi. Đó là cái khối vuông trông rất cứng rắn, vững chãi ở mọi bộ phận từ lớp mặt nạ, quạt tản nhiệt cho đến backplate ở phía sau, bên trong những bộ phân đó thì được khắc họa những đường nét sắc xảo được lấy cảm hứng từ những chi tiết điêu khắc của người Maya cổ xưa như chúng ta vẫn thường thấy trên các chương trình khoa học hoặc phim giả tưởng, đầy bí ẩn nhưng có vẻ gì đó rất uy lực thu hút sự tò mò của người sử dụng muốn được thử một lần.

    Một trong những điểm khác biệt của GTX 1080Ti so với những vị tiền bối đó là việc nâng cấp hệ thống tản nhiệt để chiếc card đồ họa có thể vận hành mát hơn và êm ái hơn. Cụ thể là số lượng ống đồng được tăng từ 5 lên 6 ống, dàn heatsink cho GPU cũng được tăng độ dày lên 40% còn tản dành cho mạch cũng như chip nhớ thì vẫn giữ nguyên không thay đổi. Chính vì sự nâng cấp này mà dộ dày của GTX 1080Ti Strix đã tăng lên 2,5 slot. Đối với những bạn nào có tham vọng chạy Sli 2 chiếc GTX 1080Ti thì cần phải lưu ý về độ dày này. Một trong những thay đổi nhỏ nữa đánh vào hệ thống tản nhiệt đó là số lượng chân nguồn dành cho quạt toàn bộ thùng máy được bổ sung từ 2 -3 nhưng xem chừng khá ít người tận dụng vị trí cắm quạt này bởi nó sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến thẩm mỹ của toàn hệ thống. GTX 1080Ti Strix vẫn sử dụng 3 quạt 80mm để làm mát cho heatsink của card đồ họa.

    Là một chiếc card mạnh mẽ, GTX 1080Ti yêu cầu một lượng điện năng cũng phải xứng tầm với nó, vì thế nên 8 pin x 2 cổng cắm được trang bị để đảm bảo nhiệm vụ cung cấp đủ cho chiếc card hoạt động trong cả điều kiện ép xung nữa. Nhưng như vậy là GTX 1080Ti đã tiết kiệm khá nhiều năng lượng so với GTX 1080 bởi hiệu năng làm việc trên mỗi Watt điện sẽ cao hơn rất nhiều.

    Các chi tiết phụ giúp tăng độ ngầu của sản phẩm như cụm đèn led và backplate đều được giữ nguyên trạng không có gì thay đổi cả.

    Kết nối:

    Ở đây cũng có một sự thay đổi nho nhỏ về các cổng cắm xuất hình, đó là việc Asus đưa thêm vào một cổng HDMI dành cho VR, vì thế số lượng cổng cắm trên các chuẩn sẽ là 1 cổng DVI-D, 2 cổng HDMI và 2 cổng DP. Đây là sự thay đổi mang tính thực tế bởi có khá ít người sử dụng tối đa 4 cổng cắm xuất hình và trong đó có 3 cổng là Display Port. Chưa kể các nhà sản xuất màn hình thường khá tiết kiệm khi chỉ tặng kèm dây xuất hình chuẩn HDMI chứ ít khi kèm theo dây DP. Vì thế nên sẽ có không ít người sử dụng sẽ ưa thích sự thay đổi này của Asus ROG dành cho GTX 1080Ti Strix Gaming

    Hiệu năng:

    Có lẽ đây mới chính là nội dung quan trọng nhất của bài review này, khi mà thiết kế không có nhiều sự đột phá thì sức mạnh được thể hiện từ vi xử lý đến từ Nvidia nằm trong bộ suit của Strix mới là điều khiến người ta quan tâm, liệu Strix có giúp cho Nvidia trở thành “hổ mọc thêm cánh” hay không.

    Hệ thống thử nghiệm của Genk test lab:

    MAIN: Asus Maximus IX Hero

    CPU: Intel Core i7 7700k @ 4.8GHz

    RAM: Trident Z RGB DDR4 2x8Gb bus 3200MHz

    VGA: Asus Strix Gaming GTX 1080Ti

    Màn hình: Asus Swift PG348 100Hz 3840 x 1440

    SSD: Galax Gamer L 128Gb

    PSU: Thermaltake Toughpower DPS G 650W 80 Plus Gold

    OS: Windows 10 Enterprise

    Bài test 1: 3D Mark Fire Strike Time Spy

    Đây là 2 bài test được sử dụng làm chuẩn mực mỗi khi ai đó muốn thử sức mạnh của chiếc card đồ họa nào đó. Trong khi Fire Strike thực hiện bài test ở DX11 thì Time Spy lại thực hiện bài test ở DX12. Số lượng game chạy trên nền tảng DX12 chưa thực sự nhiều trong khi DX11 thì lại cả đống nên chúng ta cần phải xem xét khá nhiều.

    Do màn hình đang chạy trên độ phân giải 4k Ultrawide 21:9 nên chúng tôi phải điều chỉnh độ phân giải xuống 2k để cho phù hợp với các loại màn hình phổ thông khác. Asus Strix tỏ ra vượt trội hơn so với bản Ref của GTX 1080Ti và tất nhiên là bỏ xa bản Ref của GTX 1080 một khoảng khá xa.

    Bài test 2: Furmark Burn In test

    Nhiệt độ phòng 30 độ C

    Đây là bài test FPS trên môi trường giả lập đồng thời ép cho GPU hoạt động hết công suất để có thể đo lường được độ nóng của linh kiện trong môi trường làm việc cao.

    Ở bài test 2k, GPU vượt qua dễ dàng với FPS trung bình là, nhiệt độ GPU cao nhất là 71 độ C, khá ổn nếu chạy quạt ở chế độ tự động 51% và sẽ còn mát hơn nữa nếu ở chế độ chỉnh tay lên tốc độ cao hơn.

    Ở bài stress test 4k GPU có nhiệt độ cao nhất ở mức 78 độ C và có hiện tượng throttle nhẹ , đề xuất của tôi khi chạy full load và ép xung là sử dụng GPU Tweak II của Asus để chỉnh quạt bằng tay lên >70% thì người sử dụng có thể yên tâm ép xung ở nhiệt độ chỉ 60 độ C mà thôi.

    Bài test 3: Game

    Trong quá trình chơi thử một số game, chúng tôi cảm giác rằng Nvidia vẫn chưa hoàn toàn chinh phục được thế giới game ngày một cao cấp này nhưng với FPS >30 ở Ultra Setting độ phân giải 4k này thì sức mạnh của GTX 1080Ti đã tiến xa hơn một bậc so với nửa năm về trước. Chưa kể rằng đây còn là phiên bản OC của một thương hiệu lớn khẳng định chất lượng như Asus nên hệ thống lại càng mượt mà hơn nhiều so với bản được build bởi Nvidia. Dưới đây là tương qua về độ mượt mà của một số game phổ biến trên thị trường.

    Chúng tôi có một video nhỏ về khả năng sử dụng G-sync cũng như độ mượt mà của GTX 1080Ti Strix Gaming trên màn hình Asus PG348 Ultra Wide 4k 100Hz

    Trải nghiệm GTX 1080Ti Strix Gaming

    Qua những phút trải nghiệm GTX 1080Ti trên tựa game Deus EX Mankind Dividied độ phân giải 4k, Ultra Setting, MSAA off, GTX 1080Ti Strix Gaming hoàn thành khá tốt nhiệm vụ của mình ở ngay những phút đầu tiên, game đã đạt fps trong khoảng 45 đến 100, đa phần ở các cảnh là khoảng 60-70 fps

    Tổng kết:

    Khoảng thời gian nửa năm không phải là dài để một nhà sản xuất đang bận rộn trong việc xây dựng hình tượng cho cả một hệ sinh thái rộng lớn có thể thay đổi cách đóng gói cũng như thiết kế bên trong của một sản phẩm cho dù đó có là một sản phẩm hot đi chăng nữa hay thuộc flagship nào đi chăng nữa. Tuy là bình cũ rượu mới nhưng thiết kế của ROG vẫn chưa hề lỗi mốt, nó vẫn phảng phất đâu đó nét kì bí để để người phải tò mò, rồi lại trầm trồ thán phục mối khi hệ thống lên đèn. Nói về GTX 1080Ti Strix, đây là một chiếc card đồ họa thuộc vào hàng đắt xắt ra miếng hiện nay của Asus. Nó hoàn thành mọi nhiệm vụ một cách xuất sắc từ việc vận hành, điều khiển nhiệt độ cho đến hệ thống LED làm đẹp cho toàn bộ máy.

    Ưu điểm:

    - Thiết kế đẹp, ấn tượng

    - Hiệu năng cao, nhiệt độ ở ngưỡng cho phép

    - Độ ồn thấp

    Nhược điểm:

    - Giá thành hơi cao

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày