Đánh giá chi tiết ASUS FonePad: Kẻ định hình xu hướng mới
Một chiếc máy tính bảng có chức năng gọi điện với hi vọng đơn giản hoá cuộc sống. Liệu đây có phải nước đi đúng của Asus với FonePad?
Một năm kể từ khi Google và Asus giới thiệu chiếc Nexus 7, nó từng được ví von như "kẻ định hình" cho dòng máy tính bảng sử dụng hệ điều hành Android. Tuy nhiên, cái tên Asus lại xuất hiện khá mờ nhạt trong mắt người dùng sản phẩm này.
Để khẳng định lại vị trí của một ông lớn, Asus liên tục tung ra những mẫu máy tính bảng mới với hi vọng định hình xu hướng người dùng. Trên thực tế, hãng đã từng thành công với mẫu máy tính bảng lai laptop Transformer. Tuy nhiên với con bài FonePad đầy mạo hiểm lần này, liệu hãng có tiếp tục thu được thành công hay không?
Thiết kế
Là một người ưa hình thức, ngoài Asus Transformer, tôi chưa từng hài lòng với thiết kế của bất kỳ chiếc máy tính bảng chạy hệ điều hành Android nào, kể cả chiếc Asus FonePad đang cầm trên tay.
Cảm nhận đầu tiên, Asus FonePad có thiết kế khá giống với Nexus 7 và MemoPad. Tuy nhiên do sử dụng chất liệu mặt sau bằng nhôm cao cấp, máy tạo cảm giác chắc chắn và sang trọng hơn lớp vỏ nhựa của các dòng máy trước. Lớp nhôm được phủ sơn nhám không bám vân tay, nhưng đây không phải là một chiếc máy nhôm nguyên khối như tôi mong đợi. Khung viền và nắp đậy khe sim, thẻ nhớ của máy được làm bằng nhựa, rất dễ bị trầy xước. Bù lại, việc sử dụng chất liệu nhựa cũng mang lại ưu điểm đáng giá cho FonePad. Chúng ta đã biết tới khá nhiều sản phẩm sử dụng nhôm nguyên khối khiến tình trạng thu phát sóng viễn thông cũng như sóng WiFi khá kém, với việc sử dụng nhựa cho khung viền, FonePad đã giải quyết tốt vấn đề này.
Asus FonePad mặt sau dùng nhôm cao cấp, nắp đậy khe sim và thẻ nhớ làm bằng nhựa.
Nhìn từ mặt sau, tôi có cảm giác Asus FonePad khá giống với chiếc iPad của Apple, cũng những đường vát lớn tạo cảm giác mỏng, dễ cầm trên tay và loa ngoài với hàng lỗ khoan được làm tỉ mỉ phía góc dưới bên trái. Thiết kế nắp lưng bằng nhôm khiến người cầm có cảm giác "sướng" hơn nhưng cũng mang lại không ít phiền toái. Với mức giá tầm trung 6 triệu đồng, việc sử dụng vỏ nhôm là một nỗ lực đáng khen của Asus. Tuy nhiên với bất kỳ sản phẩm vỏ nhôm nào người dùng cũng nên cẩn thận bảo quản máy, vì chỉ với một cú rơi nhẹ, bất kỳ chiếc khung nhôm nào cũng có thể để lại những vết móp méo vĩnh viễn.
Đã có rất nhiều bài học từ những sản phẩm đi trước khi thiết kế camera sau gần như phẳng với mặt lưng gây xước lớp kính. Asus FonePad đưa camera nhô lên cao khoảng 2-3mm, phần che camera thụt xuống tránh trầy xước. Đây có thể coi là một thiết kế khá thông minh nhưng bạn sẽ không thể đặt máy nằm phẳng ở mặt bàn.
Camera được thiết kế cao hơn vỏ sau khoảng 2-3mm.
Ngay phía trên camera sau là nắp đậy làm bằng nhựa với các ngàm bám lấy phần vỏ nhôm. Chính vì thiết kế giấu khe sim và thẻ nhớ đằng sau nắp nhựa này khiến máy trở nên ọp ẹp hơn rất nhiều. Sau khi dùng thử một thời gian, tôi cảm thấy khá khó chịu với khe sim của Asus FonePad. Một lời khuyên cho những người có ý định tậu chiếc điện thoại lai máy tính bảng này là nên sử dụng micro-sim theo chuẩn, nếu dùng sim tự cắt bạn có thể mất tới hàng giờ đồng hồ loay hoay vì bị kẹt sim.
Khe sim và thẻ nhớ của Asus FonePad gây khá nhiều khó khăn khi tháo.
Các phím bấm vật lý của Asus FonePad khá đơn giản và cùng tông với vỏ máy. Ở cạnh phải chỉ có duy nhất phím nguồn và tăng giảm âm lượng, mặt trước máy không sử dụng phím bấm mà chỉ có loa thoại và camera trước. Nút bấm khá nảy và nhạy, nhưng với người cầm máy thuận tay phải, việc các núm bấm bố trí bên trái gây khá nhiều khó khăn.
Nhìn chung thiết kế của Asus FonePad không quá nổi bật, nhưng nó đủ để được xếp vào top những chiếc tablet Android có thiết kế đẹp và sang nhất hiện nay.
Phím bấm vật lý khá đẹp và nảy. Nhìn từ mặt lưng, Asus FonePad có các đường vát cong khá giống với Apple iPad.
Màn hình
Asus FonePad sử dụng màn hình kích thước 7 inch, độ phân giải 1280 x 800 pixel cùng tấm nền IPS. Với mật độ điểm ảnh 216 ppi, màn hình máy được xếp vào loại khá. Nhưng so với chiếc Nexus 7 đi trước, Asus FonePad có màn hình kém hơn rõ rệt.
Màn hình với tông màu ấm.
Sau một thời gian dùng thử, tôi cho rằng độ hài lòng về chất lượng hiển thị màn hình phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố không gian nơi sử dụng. Máy có tông màu ấm, khá nịnh mắt khi dùng ở nơi ít ánh sáng hoặc trong văn phòng nhưng lại gây khó chịu cho người dùng khi ra ngoài trời. Cho dù đã chỉnh sáng lên tối đa và sử dụng chức "Outdoor Mode", tôi vẫn không thể nhìn rõ màn hình khi dùng máy những hôm trời nắng.
Một điểm cần nhắc tới nữa đó là FonePad có màn hình rất bóng và bám vân tay, chính vì vậy việc dùng máy tại nơi ánh sáng cao hoặc những hôm trời nắng gần như là điều không thể.
Asus FonePad có màn hình rất bóng và bám vân tay.
Với kích thước của một chiếc điện thoại lên tới 7 inch, Asus FonePad đã phá vỡ kích thước khủng của chiếc Samsung Galaxy Note II (5,5 inch). Màn hình to hơn cũng đồng nghĩa với việc trải nghiệm thoải mái hơn nhưng lại gây bất tiện trong một số trường hợp. Nếu bạn có ý định sử dụng nó thay cho điện thoại thông thường, tôi nghĩ việc trước tiên cần làm là đầu tư thêm một chiếc tai nghe có micro.
Hiệu năng
Sử dụng hệ điều hành Android 4.1 Jelly Bean, tôi cảm thấy khá ưng phiên bản Android trên FonePad vì những thay đổi của Asus trên nó rất ít so với Sense của HTC hay TouchWiz của Samsung. Đổi lại, Asus FonePad có khá nhiều ứng dụng cài sẵn.
Hệ điều hành Android ít chỉnh sửa của Asus FonePad không gây khó chịu cho người dùng như những sản phẩm của hãng khác.
Một trong những bổ sung tôi đánh giá cao nhất là thanh trượt bật tắt các chế độ với màu xanh tím khá dịu mắt. Phía dưới thanh bar có thêm một ứng dụng Supernote nhận dạng chữ viết rất tốt, đây có lẽ là ứng dụng đáng đồng tiền bát gạo nhất mà Asus thêm vào.
FonePad là sản phẩm đầu tiên sử dụng vi xử lý Intel Atom Z2420, RAM 1 GB, chip đồ hoạ PowerVR SGX540 cùng bộ nhớ trong 4,7 GB. Chip Atom Z2420 của Asus FonePad là loại chip SoC đơn nhân, hai luồng xử lý (Hyper-Threading), xung nhịp 1.2GHz và được xây dựng trên kiến trúc x86 chứ không phải ARM như các đối thủ khác. Intel cho biết chip Atom này sẽ mang lại hiệu năng ấn tượng cho việc duyệt web, giải trí đa phương tiện và trải nghiệm Android tốt. Mặc dù được trang bị công nghệ siêu phân luồng (Hyper Threading), thỉnh thoảng máy vẫn gặp tình trạng "đơ" khi sử dụng lâu hoặc mở ứng dụng nặng. Nhưng dù sao nó vẫn ổn định hơn các mẫu máy tầm giá rẻ hay mẫu MemoPad vừa được giới thiệu.
Thử nghiệm khả năng lướt web qua SunSpider, Asus FonePad mất 2.066 ms để tải xong cùng một trang web so với 1.750 ms của Nexus 7. Kết quả Benchmark Antutu đạt 9.030 điểm và Quadrant là 2.755 điểm.
Với các tác vụ thông dụng như lướt web, chơi game nhẹ và đọc sách, máy đáp ứng khá tốt. Tuy nhiên chưa thể đạt độ mượt được như những sản phẩm cao cấp. Với cùng một bài viết trên GenK, khi tôi kéo xuống phần bình luận FonePad thường bị giật, tốc độ kéo trang chậm hơn so với Nexus 7.
Sau khi chơi thử Asphalt 7 trong thời gian 30 phút, mặt sau của máy chỉ hơi ấm lên, nhưng do game nặng nên có phần hoạt động hơi chậm so với các máy khác. Đây là điểm cộng lớn cho FonePad khi những sản phẩm đi trước dùng vỏ nhôm như iPad Mini, iPad 4 của Apple đều gặp tình trạng nóng mặt sau khi sử dụng thời gian dài, nhất là khi có sử dụng bao đựng máy.
Gọi điện và nhắn tin
Có lẽ đây là một trong số ít bài viết dành riêng một phần nói tới chức năng gọi điện và nhắn tin của máy tính bảng. Ngay từ cái tên đã có thể thấy Asus chú trọng vào chức năng gọi điện trên FonePad. Theo đúng như tên gọi, có lẽ chúng ta nên hiểu nó là một chiếc điện thoại phóng to thành máy tính bảng chứ không phải một chiếc máy tính bảng có chức năng gọi điện.
FonePad sử dụng micro-sim và thực hiện quay số, gọi điện, nghe điện như những chiếc điện thoại thông thường khác. Thử nghiệm với sim nhà mạng Viettel, chất lượng cuộc gọi khá tốt. Với chức năng của một chiếc điện thoại thứ thiệt, Asus trang bị cho FonePad cảm biến tiệm cận giúp tắt màn hình khi áp điện thoại lên mặt, chức năng rung báo cuộc gọi và nhắn tin.
Nếu bỏ qua kích thước của máy, tôi đánh giá cao độ tiện dụng mà nó mang lại. Nhưng có vẻ như việc áp một chiếc máy lên tới 7 inch lên mặt khiến bạn khá "khó hiểu" trong mắt mọi người. Việc chọn cho mình một chiếc tai nghe để hỗ trợ sẽ tốt hơn trong trường hợp này.
Máy ảnh
Giống với những chiếc smartphone khác, FonePad có hai camera trước và sau. Máy ảnh mặt sau có độ phân giải 3 megapixel, hỗ trợ quay phim 720p và máy ảnh mặt trước độ phân giải 1.2 megapixel.
Khác với tính năng gọi điện, việc bạn cầm một chiếc máy "quá khổ" để chụp ảnh không còn là điều kỳ cục khi ngày càng có nhiều người làm điều này với những chiếc iPad.
Tính năng chụp ảnh trên FonePad không được chú trọng nên bạn đừng quá kỳ vọng vào nó. Chất lượng hình ảnh chỉ ở mức chấp nhận được, có thể dùng tốt trong việc chụp ảnh và tải lên mạng xã hội như Facebook,… Ảnh chụp trong điều kiện ánh sáng tốt ở chất lượng khá, tuy nhiên các màu đỏ và vàng thường bị nhạt hơn so với thực tế. Khi ánh sáng yếu, do không có đèn flash nên hình ảnh bị mất nét khá nhiều, xuất hiện hạt có thể nhìn thấy rõ.
Ảnh chụp ở điều kiện ánh sáng tốt, màu ảnh khá ấm và nịnh mắt. (Ấn chuột phải chọn Open in New tab để xem hình rõ hơn)
Tuy nhiên ở điều kiện thiếu sáng, camera của Asus FonePad tỏ ra khá kém, ảnh bị mất nét, xuất hiện nhiều hạt có thể thấy rõ. (Ấn chuột phải chọn Open in New tab để xem hình rõ hơn)
Thời lượng pin
Một trong những điểm cộng của Asus FonePad là thời gian sử dụng máy. Tuy chỉ sở hữu dung lượng 4270 mAh, thấp hơn so với Nexus 7 nhưng máy cũng có thể trụ được 2 ngày với các tác vụ như lướt web, Facebook khá nhiều, chơi game và chụp ảnh.
Khi để màn hình ở độ sáng 50%, sử dụng tai nghe, máy có thể "chiến" ngon lành 2 bộ phim độ phân giải HD 720p. Đồng thời, với chất liệu mặt sau bằng nhôm, FonePad tản nhiệt khá tốt, không gây cảm giác nóng máy khó chịu khi người dùng xem phim thời gian dài.
Kết luận
Asus FonePad là một chiếc điện thoại phóng to, và đảm bảo rằng hầu hết người dùng khi mới nhìn thấy nó đều lắc đầu ngán ngẩm vì kích thước quá khổ với một chiếc smartphone. Những hãy khoan nghĩ tới điều đó, sau một thời gian sử dụng, tôi gần như không còn động tới chiếc smartphone và máy tính bảng trước kia nữa, quá gọn và tiện dụng là điều dễ dàng nhận thấy.
Mang sứ mệnh định hướng xu thế người dùng mới, chỉ với một thiết bị hỗ trợ nghe gọi, nhắn tin, lướt web màn hình to cho tới chơi game, việc bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm FonePad là điều đáng tiếc với dân yêu công nghệ. Giá bán hiện tại của Asus FonePad không quá cao (6 triệu đồng), rẻ hơn Nexus 7 khoảng 1 triệu. Có lẽ trong tầm giá này khó có thiết bị nào vượt mặt được FonePad.
Còn quá sớm để khẳng định máy tính bảng giá rẻ kiêm smartphone FonePad có gánh vác được sứ mệnh của nó hay không. Hiệu năng chưa thực sự cao, camera ở mức chấp nhận được nhưng lại có nhiều điểm cộng khi hỗ trợ nghe gọi, nhắn tin, kích thước cùng thiết kế vỏ nhôm sang trọng. Bạn đọc có so sánh để quyết định sản phẩm tốt nhất phục vụ nhu cầu sử dụng của mình.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng