Đánh giá chi tiết chiếc card đồ họa mạnh mẽ nhất thế giới hiện nay: Nvidia Titan V
Titan V là chiếc card đồ họa phổ thông mạnh nhất thế giới. Đó là tuyên bố của Nvidia và cái giá của nó đã nói lên tất cả. Nhưng mạnh như thế nào và nó có đáng giá cả trăm triệu đồng khi về đến Việt Nam hay không thì chúng ta có thể mường tượng ra được sau bài đánh giá này
Nvidia Titan V – đại diện duy nhất của dòng card phổ thông đầu tiên sử dụng GPU nền tảng Volta 12nm FinFET đã chính thức đặt chân đến Việt Nam. Được sự cho phép của đơn vị đang tạm thời “tiếp quản” bộ đôi card đồ họa - công ty máy tính An Phát Computer, chúng tôi đã có thể mang cho những người yêu công nghệ những cái nhìn cận cảnh và chân thực nhất về chiếc card đồ họa phổ thông mạnh nhất cho đến thời điểm hiện tại
Đập hộp chiếc card đồ họa trị giá cả trăm triệu đồng thì có gì khác?
Câu trả lời cho bạn là chẳng có gì khác cả, tuy nhiên đây là những trải nghiệm mở hộp cao cấp mà hiếm có những chiếc card nào đem lại cho bạn.
Không màu mè, hoa mỹ như những chiếc card trong phân khúc Gaming cao cấp khác, chỉ cần một logo Nvidia với một dòng chữ Titan V ánh bạc nổi bật lên giữa nền trắng nhưng chính cái tên này mà bất cứ ai quan tâm đến máy tính và công nghệ đều biết nó đắt giá cỡ nào.
Cũng là chiếc card đồ họa, phụ kiện đi kèm và những quyển sách hướng dẫn nhưng cách sắp xếp của chiếc hộp tỏ ra sang trọng và gọn gang hơn hẳn kiểu đóng hộp mà chúng ta thường thấy ở những chiếc card đồ họa Gaming thông thường. Phụ kiện của đi kèm trong chiếc Nvidia Titan V không phải là sợi dây nguồn phụ mà lại là một sợi chuyển đổi tín hiệu giữa DVI-D và DisplayPort.
Quen mà lạ, lạ mà quen
Mặc dù háo hức như vậy nhưng thực tế thì hình ảnh của chiếc Titan V đã quá quen thuộc với chúng ta rồi vì nó được quảng cáo đầy trên các trang tin công nghệ lớn. Hơn nữa, bản thân thiết kế này cũng không có gì mới mẻ kể từ những chiếc GeForce GTX 1080 Founder Edition được giới thiệu cách đây cũng gần 2 năm. Dẫu vậy thì cảm xúc khi nhìn thấy chiếc Titan V trong hình dáng quen thuộc nhưng lại được phủ lên lớp sơn mới màu vàng lại đẹp và sang chảnh hơn rất nhiều. Có lẽ xu hướng sử dụng lớp phủ ánh vàng này không chỉ đem lại hiệu ứng cho những vật dụng cá nhân như điện thoại hay trang sức mà đến cả linh kiện máy tính khi sử dụng màu này cũng trở nên đầy quyến rũ và mê hoặc.
Điểm qua một chút những chi tiết quan trọng của chiếc Titan V này. Chúng ta có một hệ thống tản nhiệt lồng sóc như những phiên bản card đồ họa khác của Nvidia. Ưu điểm của hệ thống này là đẹp và điều hướng gió tốt nhưng về hiệu năng tản nhiệt của nó thì cũng không phải là tốt cho lắm nhưng dù sao thì Titan V vốn không phải là sản phẩm dành cho game thì đây cũng là điều dễ hiểu.
SLI và NVLink đã biến mất? Đây vẫn còn là một dấu hỏi khi có ai đó đủ điều kiện để có thể lắp một hệ thống Multi GPU với Titan V. Nhưng chúng ta không thấy bóng dáng của những cổng SLI đâu nữa. Sẽ có một điều gì đó ẩn chứa bên trong chiếc GPU Volta này mà chúng ta phải chờ đợi đến khi chủ nhân của bộ máy xác nhận mới có thể biết được.
Để cấp nguồn cho chiếc Titan V này chúng ta cần một bộ nguồn cũng khá đáng kể khi cần tới 2 đầu cấp nguồn phụ 8 6 pins. Và theo những thông tin trên hộp của sản phẩm thì bộ nguồn được khuyên dùng cho hệ thống sử dụng chiếc card này có công suất từ 600W trở lên.
Còn về cổng kết nối thì cũng không có gì đặc biệt khi Nvidia vẫn trang bị đầy đủ những chuẩn kết nối có khả năng truyền tín hiệu tốt và phổ biến nhất hiện nay. Titan V có 1 cổng HDMI và 3 cổng DisplayPort đủ để hỗ trợ mọi loại màn hình cao cấp hiện nay và thậm chí là nhiều màn hình cùng lúc.
Hiệu năng
Tuy nhiên, cái vẻ bên ngoài đó không lấy mất đi của ai hàng trăm triệu đồng cả. Sức mạnh ẩn chứa bên trong nó mới là vấn đề đáng bàn.
Do không có thời gian đủ lâu với chiếc card đồ họa này, chúng tôi đã liên hệ với một người đồng nghiệp ở nước ngoài cũng đang may mắn có trên tay chiếc Titan V và được cung cấp những kết quả test theo yêu cầu.
Cấu hình thử nghiệm:
Main: Asus TUF Z270 Mark I
CPU: Intel Core i5-7600K
RAM: G.Skill Trident Z RGB 32Gb bus 3000MHz
VGA: Nvidia Titan V
SSD: Plextor M8PeY 1Tb
PSU: Seasonic Prime 1000W Gold
Test 1: Xung nhịp và OC
Titan V ở xung mặc định
Thông tin của Titan V được kiểm tra khá chính xác trên GPUz với xung nhịp mặc định là 1200MHz và xung nhịp tối đa là 1455MHz tức là thấp hơn cả GTX 1080Ti bản Ref. Nhưng bù lại, số CUDA Core trên Titan V lại nhiều hơn hẳn so với GTX 1080Ti. Trong khi GTX 1080Ti hay Titan Xp sử dụng GDDR5X thì Titan V lại sử dụng HBM2 với bus cao gấp 10 lần cùng băng thông bộ nhớ lớn hơn. Nên ngay ở những thông tin cơ bản ban đầu chúng ta đã thấy được sự đáng đồng tiền bát gạo của Titan V so với những dòng card đồ họa phổ thông khác.
Vậy Titan V có thể OC hay không? Câu trả lời là có, tuy không nhiều nhưng cũng vớt vát thêm được chút hiệu năng từ chiếc card đồ họa giúp chúng ta thấy được tiềm năng còn có thể vươn xa hơn của bộ vi xử lý đồ họa này. Chúng tôi đã có thể giữ hệ thống ổn định với Titan V ở mức xung 1252Mhz và xung cực đại là 1507 Mhz.
Cả 2 bài test đều được thực hiện cả stress trên FurMark Burn In với mức nhiệt độ kiểm soát được ở khoảng 70 độ C
Test 2: Kiểm tra hiệu năng với 3DMark
Bài test Time Spy (DX12) ở setting 4k cho kết quả khá đẹp
Chúng tôi đã sử dụng cả 2 bài test Time Spy (DX12) và Fire Strike (DX11) để thử nghiệm với 2 mức setting là 4k và FHD để cùng xem phần mềm benchmark này chấm điểm chiếc Titan V ra sao. Kết qua thu được rất cao khi cả 4 bài test đều có số điểm vượt trội và khá là ngang tài ngang sức với GTX 1080Ti ở các bản custom.
Test 3: Năng lương tiêu hao
Năng lượng mặc định mà Titan V tiêu thụ là 250W còn nếu đẩy lên cực đại thì khả năng sẽ sử dụng đến 300W.
Test 4: PUBG Ultra Setting
Thử nghiệm một chút thực tế với trò chơi hot nhất hiện nay là PUBG thì Titan V hoàn toàn có thể chơi được Max Setting mà trên 100fps, mức khung hình khá phù hợp với những màn hình 144Hz trở lên để có thể tối đa trải nghiệm của game.
Tổng kết:
Titan V sinh ra với trái tim là một GPU Volta được liệt vào hàng quái vật của Nvidia hiện nay. Những công cụ ở trên không thể đánh giá hết được những gì mà trăm triệu đồng bỏ ra có thể mang lại cho người dùng. Nhưng xét trên khía cạnh của những người yêu công nghệ. Nó được sinh ra đủ mạnh để vừa có thể làm việc mà lại vừa có thể chơi game. Một cỗ máy toàn năng như vậy thì xứng đáng với giá tiền đó bất luận đánh giá nào đi nữa. Đặc biệt là với những giá trị nghiên cứu khoa học và AI chuyên nghiệp thì đây đúng là chiếc card giá trị thay thế cho Titan Xp. Điều này cũng thể hiện rằng Nvidia đang đi những bước tiến lớn và bỏ xa người hàng xóm AMD trong lĩnh vực card đồ họa.
Cuối cùng xin cảm ơn công ty máy tính An Phát đã cho chúng tôi cơ hội có được những trải nghiệm thú vị cùng chiếc card đồ họa phổ thông mạnh nhất thế giới.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng