Đánh giá chi tiết CPU R5 1500X: 5 triệu nhưng quá mạnh, còn đập tan định kiến "chip AMD là phải nóng, tốn điện"
Quá mạnh mẽ cho CPU tầm giá tiệm cận 5 triệu đồng.
Liên tiếp là những đòn chí mạng đến từ AMD khiến Intel phải xây xẩm mặt mày. Sau thành công vang dội của Ryzen 7 ở phân khúc cao cấp, AMD lại thừa thắng xông lên bán ra Ryzen 5 vào ngày 11 vừa qua, nhắm tới phân khúc bình dân đang bị Core i5 độc chiếm. Và hôm nay nhờ sự giúp đỡ của công ty Máy tính An Phát, trên tay tôi đây là R5 1500X, CPU 4 nhân 8 luồng cạnh tranh trực tiếp với i5-7500 cả về hiệu năng lẫn giá thành.
Về bao bì, Ryzen 5 không có nhiều khác biệt so với Ryzen 7 với cùng kích thước, màu sắc. Điểm khác biệt duy nhất là số 5 ở góc thay vì 7.
CPU R5 1500X hôm nay là phiên bản Sample, hàng mẫu của bản thương mại nên hiệu năng và các chức năng sẽ không hề bị ảnh hưởng như các bản mẫu thử nghiệm engineering sample.
Cặp đôi nhân vật chính trong hộp gồm R5 1500X và tản nhiệt Wraith Spire. Tản nhiệt này có chút khác biệt so với của R7 1700 khi không có viền LED RGB. Có lẽ vì đây là bản Sample nên AMD cắt giảm một chút hoặc do họ muốn có chút khác biệt giữa R7 và R5.
Đi sâu hơn một chút về chi tiết, R5 1500X có cấu hình 4 nhân 8 luồng. 4 nhân này của AMD được đặt trên 2 tổ hợp CPU với tên gọi CCX. Với các CPU R7, mỗi CCX này sẽ có 4 nhân Zen. Ở R5 1600X, mỗi CCX sẽ có 1 nhân bị vô hiệu hoá để đạt cấu hình 6 nhân. Ở R5 1500X, số nhân bị vô hiệu hoá là 2. Việc làm này của AMD có vẻ hơi kì cục bởi họ có thể đơn giản là chỉ sử dụng một CCX mà thôi. Tuy nhiên, đội đỏ không phải là không có cái lý của họ. Đầu tiên, việc sở hữu 2 CCX giúp R5 1500X có dung lượng bộ nhớ đệm lên tới 16MB. Chưa kể, điều này còn giúp AMD tận dụng những CCX không đủ tiêu chuẩn cho R7 khi sản xuất. Cách làm này tương tự với cách sản xuất các GPU, GTX 1070 là phiên bản rút gọn của GTX 1080 hoặc RX 470 của RX 480.
Là một CPU có hậu tố X, R5 1500X có thể hoạt động vượt xung tiêu chuẩn với tính năng XFR. Việc có công suất chỉ 65W trong khi được trang bị tản nhiệt có chỉ số thoát nhiệt lên tới 95W, R5 1500X dễ dàng đẩy xung nhịp ở cả 4 nhân lên mức 3,9 GHz khi phải xử lý những tác vụ nặng liên quan đến tính toán.
Cấu hình thử nghiệm:
-CPU: AMD Ryzen 5 1500X
-Bo mạch chủ: MSI X370 Gaming Pro Carbon
-RAM: G.Skill Trident Z RGB 2x8GB @ 2993 MHz
-VGA: Gigabyte GTX 1070 G1 Gaming
-NVMe: Samsung SM961 256GB
-SSD: SanDisk Ultra II 500GB
-Nguồn: CoolerMaster Silent Pro 1000
Trong bài đánh giá hôm nay, tôi may mắn mượn được thêm bộ đôi Intel Core i5-7500 và bo mạch chủ Gigabyte GA-B250M-Gaming 3 cho R5 1500X đỡ lẻ loi. Các linh kiện còn lại được giữ nguyên. Do hạn chế của chipset B250, xung nhịp RAM trên cấu hình Intel chỉ ở mức 2400 MHz. Tuy nhiên điều này không quá quan trọng bởi CPU Intel không phải kết nối giữa 2 CCX, vốn tốc độ được định đoạt bằng xung nhịp của RAM.
Phố lên đèn là em lên đồ!
Hiệu năng làm việc
Với các CPU Ryzen, AMD hướng tới tất cả các nhu cầu sử dụng của người dùng chứ không chỉ chơi game. Bởi vậy, làm việc có thể được coi là thế mạnh của dòng CPU này. Dù hiệu năng đơn nhân có chút thua thiệt, số lượng luồng vượt trội của R5 1500X đem lại hiệu năng vượt trội so với các CPU i5 Kaby Lake nói chung và i5-7500 nói riêng dù có thể coi là giá bằng nhau.
Mở đầu là Cinebench R15, một bài thử quá quen thuộc cho các CPU nhờ khả năng vắt kiệt sức mạnh toàn bộ các luồng của CPU để dựng hình 3D. Hiệu năng đơn nhân thua thiệt đôi chút nhưng hiệu năng đa nhân của R5 1500X cho kết quả cao hơn đối thủ tới khoảng 30%.
Blender cũng là một ứng dụng dựng hình 3D khá được ưa chuộng khi thử nghiệm CPU. Các thông số ở trên là thời gian để hoàn thành dựng hình, tính bằng phút. Ở cả 3 bài thử tiêu chuẩn của Blender, R5 1500X đều cho thời gian nhanh hơn đến gấp rưỡi.
7-Zip, ứng dụng nén và giải nén thay thế hoàn hảo cho WinRAR. Dù WinRAR cho dùng thử cả đời nhưng đôi khi tôi cũng cảm thấy chút tội lỗi vì dùng chùa lâu quá. Giải pháp cho lương tâm chính là 7-Zip, chưa kể ứng dụng này còn tích hợp sẵn công cụ benchmark. Tốc độ giải nén 252 MB/giây của R5 1500X nhanh gấp rưỡi i5-7500.
Handbrake là một ứng dụng chuyển đổi dạng mã hoá/giải mã codec video khá được ưa dùng trong các bài thử nghiệm CPU. Khi tính thời gian bằng phút để chuyển sang H.264, một định dạng phổ biến, R5 1500X cho thấy sức mạnh nhỉnh hơn chút xíu, khoảng 12% trong khi lại thua kém khoảng 5% ở định dạng H.265. Đây cũng là điều không có gì khó hiểu khi H.265 hay còn gọi là HEVC là một định dạng rất mới và về cơ bản là sẽ khó lòng được tối ưu hoá cho Ryzen.
Chung quy, hiệu năng làm việc cũng như xử lý các tác vụ, tính toán hầu hết đều mang lại kết quả khả quan cho R5 1500X. Tính trung bình, dù bằng giá, R5 1500X cho hiệu năng hơn i5-7500 khoảng 20% nhờ vào công nghệ đa luồng song song SMT. Công nghệ đa luồng là thứ mà các CPU i5 luôn thèm khát bởi dù không rẻ, chúng lại không được Intel trang bị công nghệ HyperThreading siêu luồng trong khi CPU giá rẻ hot nhất thị trường hiện nay G4560 còn có.
Hiệu năng chơi game
Ở các bài thử về game, tôi luôn hướng tới thiết lập cao nhất có thể bởi vượt qua được ngưỡng 60 FPS là có thể được coi là mượt mà. Hiệu ứng thị giác là quan trọng hơn. Chưa kể, không nhiều người có nhu cầu đầu tư màn hình có tần số quét 144Hz trở lên và FPS siêu cao cũng sẽ chỉ giúp giảm input lag, điều quan trọng khi bạn "try hard" các game thể thao điện tử hơn là chơi game thông thường.
Battlefield 1, tựa game chiến trường với môi trường cực kì rộng lớn của EA luôn là một thử thách với các cấu hình máy tầm trung. Hỗ trợ DirectX12, BF1 là một tựa game có thể tận dụng được hết sức mạnh của số luồng lớn từ các CPU như R5 1500X. Nhờ vậy, R5 1500X có hiệu năng nhỉnh hơn đối thủ chút đỉnh.
Ashes of the Singularity: Escalation là bản mở rộng mới nhất của tựa game này với bản vá tích hợp để tối ưu hoá cho Ryzen. Bởi vậy, không có gì lạ khi R5 1500X không còn bị thua thiệt so với i5 như R7 thua i7 hồi mới ra mắt.
Doom khi chạy bằng thư viện đồ hoạ Vulkan cho thấy lợi thế sân nhà của R5 1500X khi có số khung hình trung bình cao chênh kha khá so với i5-7500. Điều này hứa hẹn một trải nghiệm game mượt mà hơn cũng như sẵn sàng để đá cặp với các màn hình có tần số quét 144Hz, đồ chơi ưa thích của các game thủ mê bắn súng.
Overwatch là một tựa game bắn súng khác được game thủ trên khắp thế giới ưa chuộng bởi phong cách chơi linh hoạt, kết hợp giữa 2 thể loại FPS và MOBA. Ở bài thử này, i5-7500 có hiệu năng nhỉnh hơn nhờ được tối ưu hoá lâu nay.
DotA 2, tựa game ARTS sở hữu những giải thưởng hàng chục triệu USD của Valve sau khi được update lên phiên bản 7.00 đã trở thành một tựa game khó nhằn cho các cấu hình tầm trung nếu muốn "max setting". Một điều cần lưu ý nữa là các tựa game của Valve sử dụng engine Source 1 và Source 2 tạm thời có vẻ không ưa Ryzen cho lắm. Chiến thắng cho i5-7500 là một điều gần như hiển nhiên.
Cuối cùng là Wildlands, tựa game hành động thế giới mở của Ubisoft hiện đang nằm trong top các game sát phần cứng. Nếu không nhờ chiếc card đồ hoạ tàm tạm GTX 1070 của tôi thì chắc với thiết lập Very High, cả 2 CPU này đều khó đạt được mốc 60FPS.
Về game, R5 1500X và i5-7500 có thể tạm gọi là hoà. Ở mỗi trường hợp, dù được tối ưu hay không, R5 1500X cũng chỉ hơn hoặc thua i5-7500 khoảng 10 FPS, không thực sự ảnh hưởng đến độ mượt mà của trải nghiệm game. Để nói 1 trong 2 CPU giành phần chiến thắng ở hiệu năng chơi game sẽ là một nhận định bất công cho kẻ thua cuộc.
Nhiệt độ, điện năng tiêu thụ và độ ồn
Tiếp bước Ryzen 7, Ryzen 5 một lần nữa đập tan định kiến về việc AMD là phải nóng, phải tốn điện. Chỉ với tản nhiệt stock Wraith Spire, R5 1500X khi chạy hết công suất cũng chỉ có nhiệt độ lên tới 72,8 độ C trong khi ở trạng thái nghỉ, nhiệt độ chỉ ở mức 43,5 độ C. Dù hoạt động vượt mức xung tiêu chuẩn tới 200MHz, điện năng tiêu thụ riêng của CPU vẫn chỉ ở mức 67,7W, gần đúng với mức quảng cáo của AMD.
Tiếng ồn từ quạt tản nhiệt Wraith Spire
Quạt tản nhiệt stock luôn là phụ kiện đáng giá của các CPU AMD. R5 1500X với Wraith Spire cho mức tiếng ồn chấp nhận được dù chạy hết công suất ở tốc độ gần 2000 vòng mỗi phút. Nếu phòng bạn còn sử dụng quạt, điều hoà hay ngồi gần đường đi lại, tiếng ồn sẽ là không đáng kể.
Kết luận
R5 1500X là một CPU rất đáng tiền, đánh vào các mẫu CPU tầm giữa của Intel Core i5 Kaby Lake, cụ thể hơn là i5-7500. Dù là chơi game hay làm việc, R5 1500X đều cho thấy hiệu năng ngang ngửa và có phần nhỉnh hơn so với đối thủ nhờ số luồng gấp đôi. Một điều lưu ý là với 4 nhân 8 luồng, R5 1500X sẽ không phải là một CPU phù hợp cho tác vụ mã hoá encode trực tiếp như quay, stream màn hình. Đến i7-7700K đắt gần gấp đôi còn ngoắc ngoải khi stream nữa là.
R5 1500X hiện được phân phối ở thị trường Việt Nam ở mức giá 4.850.000 VNĐ trong khi giá bán của đối thủ trực tiếp i5-7500 là 4.890.000 VNĐ. Người tiêu dùng giờ đây được hưởng lợi rất lớn khi có nhiều sự lựa chọn hơn trước khi xây dựng cấu hình máy tầm 15-20 triệu.
Xin cảm ơn công ty Máy tính An Phát (AnphatPC) đã hỗ trợ chúng tôi hoàn thành bài viết!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng