Đánh giá chi tiết HTC One M8: Cờ bí, dí tốt
(GenK.vn) - Dù vẫn tồn tại những hạt sạn không đáng có nhưng HTC One M8 xứng đáng là bản nâng cấp toàn diện của chiếc smartphone xuất sắc nhất 2013.
* Ưu điểm:
- Giữ được thiết kế đẹp và khắc phục một số nhược điểm trước đó của HTC One M7.
- Cải tiến camera dù vẫn tụt hậu so với các đối thủ khác.
- Loa BoomSound cho chất lượng âm thanh xuất sắc.
* Nhược điểm:
- Camera dễ xước.
- Ba phím bấm cảm ứng được đưa vào trong màn hình, khiến diện tích sử dụng thực tế bị giảm.
- Máy nhanh nóng.
Một lời khuyên nho nhỏ dành cho những ai đang theo đuổi ngành mỹ thuật công nghiệp: Đừng xin việc ở các hãng smartphone.
Vài năm trở lại đây nghề thiết kế smartphone đang có xu hướng trở thành 1 trong những công việc hứng chịu số lượng khó thống kê gạch đá từ phía Fan và Antifan. Cứ nhìn vào chiếc Galaxy S5 và phong trào chế ảnh so sánh lá cờ đầu của Samsung với băng dán Urgo hoặc Nokia đen trắng bạn sẽ hiểu được phần nào áp lực của những nhà thiết kế smartphone phải đối mặt. Bàn cờ mà những nhà thiết kế smartphone đang chơi lúc nào cũng ở thế bí vì nói gì thì nói, chung quy “đất diễn” của họ chỉ nằm gọn trong 1 bàn tay mà phải đảm bảo cả 3 yếu tố: Đẹp, bền, tiện.
Tuy nhiên nếu phải đem ra so sánh, rõ ràng đội ngũ thiết kế của Samsung đang chịu ít áp lực hơn những đồng nghiệp làm việc ở HTC rất nhiều.
Nói cho cùng, ở vị thế của Samsung hiện tại, chỉ cần đem chút kim loại vào vỏ máy là đã đủ để thoả mãn Fan hâm mộ. HTC lại là 1 câu chuyện khác, thành công về mặt thiết kế của HTC One M7 đã khiến đòi hỏi về thiết kế của cộng đồng với sản phẩm kế nhiệm khắt khe hơn bao giờ hết. Rõ ràng là với tình trạng hiện tại của HTC, hãng không được quyền tạo ra 1 sản phẩm gây thất vọng như Samsung và cũng không thể làm giống Apple: Sử dụng lại 1 thiết kế đã thành công. Bài toán đặt ra cho HTC phức tạp hơn rất nhiều: Thiết kế ra chiếc smartphone đẹp hơn, tiện dụng hơn, khác biệt hơn mẫu điện thoại Android đẹp nhất 2013.
Thiết kế: Cờ bí dí tốt
Bất kỳ ai đã từng làm việc trong ngành thiết kế hoặc có dính dáng đôi chút đều hiểu rằng chỉnh sửa 1 thiết kế đã đạt độ chín là điều vô cùng khó khăn. Đối mặt với thách thức ấy, HTC quyết định chọn cách làm an toàn: Tút tát lại thiết kế cũ thay vì tạo ra 1 nguyên mẫu hoàn toàn mới mà chưa đánh giá được phản ứng của người dùng. Trong thế bí, nước cờ “dí tốt” rất dè dặt của HTC đem lại hiệu quả không ngờ.
Ở One M8, HTC vẫn “xào” lại công thức tạo nên sự thành công của thế hệ One đời đầu: Vỏ nhôm nguyên khối, 2 dải loa vi khoan rất hiện đại ở mặt trước và chất lượng gia công không thể chê được thể hiện ở những vùng tiếp giáp nhựa-nhôm ở mặt lưng. Chính vì vậy nên thoạt nhìn có thể nhầm lẫn 2 thế hệ One của HTC.
Tuy nhiên ngay giây phút đầu tiên cầm máy trên tay, bạn sẽ cảm thấy sự khác biệt. Bổn cũ soạn lại nhưng những thay đổi trên chiếc One M8 khiến ai đã từng cầm qua sản phẩm thế hệ trước đều phải gật gù tán thưởng. Trước hết là việc loại bỏ những nét gọt vuông thành sắc cạnh ở 2 bên lưng máy cùng với phần viền nhựa từng gây nhiều thắc mắc trên One M7 mà thay bằng toàn bộ mặt lưng nguyên khối nhôm với những đường bo mềm mại ôm tay hơn rất nhiều khiến One M8 cho cảm giác trên tay thoải mái, mượt và hài hoà hơn hẳn thế hệ trước.
Cảm giác cầm nắm của HTC One M8 sẽ rất quen thuộc với những ai từng sử dụng qua chiếc HTC Sensation. Cũng 1 cảm giác cao cấp và dễ chịu đã trở thành thương hiệu của HTC từ rất lâu.
Nếu như One M7 cho cảm giác là 1 thiết bị công nghệ cao, hiện đại và trẻ trung thì One M8 lại đem tới trải nghiệm sang trọng, già dặn hơn. Cá nhân tôi đánh giá cao thiết kế của One M8 chủ yếu vì cảm giác trên tay thoải mái hơn của mẫu HTC One mới.
Bên cạnh những cải thiện về cảm giác cầm nắm, HTC còn bổ sung cho One M8 1 khe cắm thẻ nhớ ngoài, một bổ sung rất cần thiết trong tình cảnh những nội dung phân giải cao khiến bộ nhớ trong của smartphone trở nên chật chội.
Tuy nhiên không có gì là hoàn hảo và One M8 cũng vậy. Mặt lưng đánh bóng, thân máy mỏng và trọng lượng tương đối lớn (160g) đồng nghĩa với việc One M8 cho cảm giác hơi lọt tay đặc biệt với những ai hay bị đổ mồ hôi. Mặt lưng nhôm sẽ khiến One M8 rất nhạy cảm với những cú va chạm. 1 cú rơi xuống mặt đường nhựa hầu như chắc chắn sẽ để lại những vết xước rất “xót” trên phần nhôm. Vì vậy nếu bạn muốn giữ One M8 “trắng không tì vết” thì sử dụng vỏ bọc là điều cần lầm. Phụ kiện Dotview hiện đang được tặng kèm hàng chính hãng là 1 trong những vỏ case đẹp và thú vị nhất mà tôi từng thấy trên smartphone.
Điểm tôi thấy lo ngại nhất về chất lượng gia công của One M8 có lẽ là phần nắp che Camera của máy vẫn sử dụng chất liệu nhựa. Điều này đồng nghĩa với việc sau 1 thời gian phần mica bảo vệ ống kính sẽ bị xước trong quá trình sử dụng làm giảm chất lượng ảnh chụp. Cuối cùng là do sử dụng chất liệu nhôm nên nhìn chung mặt lưng của HTC One thường khá nóng, chỉ với 10-15 phút duyệt web mặt lưng của One M8 đã có cảm giác âm ấm có thể gây khó chịu với những ai chưa quen.
Nhìn chung tất cả những yếu điểm ở trên đều không phải là vấn đề lớn. HTC đã đem thiết kế rất chín của One M7, “tút tát” lại bằng những thay đổi không quá lớn nhưng vừa đúng, vừa đủ để tạo ra 1 phiên bản kế nhiệm hoàn toàn thoả mãn đòi hỏi của người sử dụng.
Màn hình
Không có gì nhiều để nói về màn hình của One M8 ngoài việc nó gần như... y hệt màn hình của HTC One M7. Sự cải thiện 0,3 inch (từ 4,7 lên 5,0) inch trên màn hình của One M8 gần như không đem lại sự khác biệt đáng kể. Có lẽ điều này là do HTC đưa các phím điều hướng vào trong màn hình chiếm mất phần nào diện tích hiển thị. Việc đưa các phím cảm ứng vào trong màn hình đôi khi gây ra nhiều bất tiện như phải chạm lên màn hình khi muốn gọi bộ phím này lên. Đây là 1 trong số ít những cải tiến trên One M8 mà người viết thấy bất hợp lý. Bên cạnh đó phím điều hướng nằm trong màn hình còn thường gây ra hiện tượng bấm nhầm nhất là khi sử dụng bàn phím cảm ứng ở chế độ dọc máy. Không ít lần người viết phải vò đầu bứt tai khi bấm nút cách nhầm vào phím home.
Dù không có cải thiện nào về công nghệ cũng như phân giải nhưng chúng ta cũng khó có thể tìm ra điểm gì để phàn nàn về chất lượng của màn hình One M8. Thừa hưởng khả năng tái tạo màu sắc tươi tắn, trung thực, độ nét cao cùng góc nhìn xuất sắc từ thế hệ trước, màn hình của HTC One M8 không hề tỏ ra dấu hiệu “lão suy” dù sử dụng công nghệ cũ. Với độ sáng cao, khả năng hiển thị ngoài nắng của One M8 cũng rất tốt.
Điểm cải tiến duy nhất trên One M8 về mặt màn hình lại không nhận ra được bằng... mắt thường: lớp kính bảo vệ đã được nâng cấp từ Gorilla Glass 2 lên thành Gorilla Glass 3, trên lý thuyết sẽ cho khả năng chống xước tốt hơn dù người viết chưa có điều kiện kiểm chứng.
Điểm duy nhất mà màn hình One M8 thua kém đối thủ Galaxy S5 đó là khả năng tái tạo màu đen. Dù ở thiết lập độ sáng nhỏ nhất, màu đen trên One M8 vẫn không thể hoàn toàn “không phát sáng” như màn hình AMOLED của Galaxy S5. Sự khác biệt dù rất nhỏ này cũng ảnh hưởng phần nào làm giảm độ tương phản khi xem phim trong môi trường tối và có thể gây mỏi mắt, khó chịu cho người dùng. Đây có lẽ cũng là tình huống sử dụng duy nhất mà tôi cho rằng HTC One M8 có thể tỏ ra “lép vế” trước đối thủ đến từ Samsung. Còn lại, phải khẳng định rằng HTC One M8 đang sở hữu 1 trong những màn hình toàn diện nhất trên smartphone ở thời điểm hiện tại.
Phần mềm và hiệu năng: Không phải phàn nàn.
Ngay từ thuở sơ khai của Android, HTC đã tạo lập được chỗ đứng riêng cho mình bằng bộ giao diện rất riêng và hữu dụng HTC Sense. Trải qua 6 phiên bản, trên One M8, HTC Sense vẫn giữ diện mạo gần như tương tự với người tiền nhiệm trên chiếc One M7. Vẫn là bộ icon phẳng rất nhã nhặn, ton sur ton với thiết kế phần cứng của máy. Sense 6 với tông đen trắng chủ đạo với điểm xuyết những sắc trầm của icon cùng sự tỉ mỉ trong phần thiết kế nút bấm cũng như menu chính là một ví dụ điển hình cho phong cách thiết kế của HTC: Đẹp và già dặn.
Bổ sung lớn nhất trên Sense 6.0 là bộ tính năng bật tắt màn hình nhanh mà HTC gọi là Motion Launch. Về cơ bản, Motion Launch là sự sao chép ý tưởng của LG Knock Code xuất hiện trên chiếc LG G2. Cầm dọc máy đang tắt màn và gõ đúp vào màn hình để bật mà không cần tới phím nguồn, vuốt nhẹ từ trên xuống để mở khoá, vuốt sang phải để mở BlinkFeed.... Nhìn chung Motion Launch hoạt động hiệu quả với khi người dùng đang ngồi hoặc đứng và hầu như vô dụng khi... nằm trên giường. Bên cạnh đó Motion Launch cũng khá cứng nhắc khi không cho phép tuỳ biến tác vụ thực hiện với từng thao tác. Nếu HTC cho phép bật Facebook bằng 2 cú gõ màn hình có lẽ Motion Launch sẽ hữu dụng hơn nhiều.
Bên cạnh đó người viết cũng hài lòng với việc HTC không nhồi nhét quá nhiều tính năng, app “rác” vào thiết bị xuất xưởng. Tất cả những ứng dụng đi kèm máy đều được thiết kế tốt, hữu dụng và gọn gàng. Sự gọn gàng này giúp thiết bị giữ được hiệu năng tốt ngay cả khi chạy nhiều ứng dụng cùng lúc.
Cùng với cuộc chạy đua các ứng dụng phục vụ theo dõi sức khoẻ, HTC cũng hợp tác với Fitbit để đưa 1 ứng dụng mặc định của fitbit vào HTC One M8. Ứng dụng này hoạt động tốt với kết quả của bộ đếm bước chân tương đối chính xác.
Camera: Đầu voi đuôi chuột
Một trong những viên đá lớn nhất cản bước tiến thành công của HTC One M7 đó là Camera. Sử dụng cảm biến với điểm ảnh kích thước lớn, HTC hứa hẹn rằng người dùng sẽ đánh đổi số “chấm” lấy chất lượng ảnh chụp. Rất tiếc lời hứa đó không được thực hiện trên One M7. Và rất đáng tiếc phải nói rằng HTC One M8 lại đi đúng vào vết xe đổ của người tiền nhiệm.
Trung thành với UltraPixel, One M8 vẫn sử dụng cảm biến có chung thông số với người tiền nhiệm: 4Mpx, UltraPixel cảm biến 1/3’’, điểm ảnh 2 um.
Công bằng mà nói, camera của One M8 đã có những sự cải thiện đáng kể so với đàn anh. Cân bằng trắng của ảnh tốt trong môi trường ánh sáng nhân tạo (đèn neon, đèn sợi đốt). Độ nhiễu của ảnh trong điều kiện thiếu sáng được kiểm soát tương đối tốt, nước ảnh trong trẻo hơn so với 1 đối thủ gần ngang tầm như Galaxy Note 3. Khả năng tái tạo màu cây lá nhìn chung khá tươi tắn và độ nét cũng khá hơn camera One M7.
Tuy nhiên đó hầu như là tất cả những gì tốt đẹp có thể nói về camera của One M8. Khi đặt cạnh ảnh của 1 đối thủ “cao tuổi” hơn là Galaxy Note 3, One M8 lập tức tỏ ra lép vế. Yếu điểm về độ chi tiết thể hiện rõ rệt khi độ phân giải của One M8 chỉ bằng 1/3 đối thủ. Khả năng đo sáng của One M8 ở ngoài trời cũng thể hiện những vấn đề nghiêm trọng khi thường xuyên đo thừa sáng gây cháy loá ở vùng sáng dù người chụp đã cố đo sáng ở nơi trung tính nhất trong khung cảnh. Bên cạnh đó yếu điểm gần như truyền kiếp về khả năng tái tạo màu trời, màu nước bị tái của HTC vẫn tồn tại trên One M8. Chưa hết, mặc dù người viết đã phải thửa sẵn 1 chiếc khăn lau ống kính để dùng với M8 nhưng cũng không thể làm sạch được loá khói của camera máy mỗi khi chụp ngược sáng. Không rõ đây là vấn đề của 1 thiết bị riêng lẻ hay xuất hiện trên tất cả các sản phẩm. Cá nhân người viết đổ lỗi cho việc HTC sử dụng nắp che camera bằng nhựa vốn khó lau chùi hơn thuỷ tinh.
Camera của One M8 cũng có 1 chế độ Manual tương tự như trên chiếc Lumia 1020 cho phép người chụp chỉnh tốc độ màn trập cho thời gian phơi sáng tối đa lên tới 4s. Tuy nhiên thử nghiệm thực tế cho thấy khi đẩy thời gian phơi sáng lên trên 1s, tính năng tự động lấy nét bị vô hiệu hoá, người dùng phải tự lấy nét hoàn toàn bằng cảm quan. Khi thời gian phơi sáng đẩy lên tới 4s, thiết bị hoạt động rất ì ạch và gần như treo cứng. Tuy nhiên khi có thể chụp được thì ảnh sáng, ít nhiễu và rất hứa hẹn. Tôi cho rằng đây chỉ là 1 vấn đề về phần mềm mà HTC cần phải xử lý, nếu chế độ Manual hoạt động tốt thì đây sẽ là 1 trong những lợi thế lớn của One M8 so với các đối thủ trên nền Android.
Ở One M8, HTC bổ sung 1 camera phụ có nhiệm vụ đo trường ảnh để phục vụ cho tính năng Ufocus của máy. Với ufocus người dùng có thể đạt được hiệu ứng xoá phông giống như khi sử dụng SLR. Tuy nhiên tính năng này hoạt động phập phù, cho kết quả không thuyết phục: Đối tượng được xoá phông thường “mất tai mất tóc” còn nền bị xoá thường không đúng vị trí gây cảm giác giả tạo.
* Hình ảnh chụp bằng HTC One M8:
Thời lượng pin: Ổn
Sau nhiều năm để người sử dụng than vãn về thời lượng pin, cuối cùng HTC dường như cũng tìm ra được câu trả lời cho việc cân bằng giữa kích thước, trọng lượng máy và thời lượng pin. Sạc đầy pin qua đêm và rút sạc 7h sáng, bất kể người viết tìm cách hành hạ One M8 như thế nào máy vẫn không “khuất phục” trước 8h tối, khá đủ cho 1 ngày làm việc dài.
Kết luận
Nhìn ở khía cạnh nào cũng phải khẳng định rằng One M8 là 1 bản nâng cấp toàn diện của HTC One M7: thiết kế mới, pin tốt hơn, camera có cải thiện (dù nhỏ), thêm khe cắm Micro SD... Không có cải tiến đột phá nào nhưng HTC đã giải được 1 bài toán cực khó: Hoàn thiện hơn một sản phẩm đã gần như hoàn hảo.
Đối với những người đang tìm kiếm 1 chiếc smartphone có khả năng thu hút ánh nhìn của người xung quanh mỗi khi được rút từ trong túi ra (mà iPhone lại bị “đụng hàng” quá nhiều) thì HTC One M8 chính là câu trả lời. Bất chấp cả những hạt sạn rất khó nhằn như chất lượng camera, HTC One M8 vẫn xứng đáng đứng vào hàng ngũ những lá cờ đầu của làng smartphone ở thời điểm hiện tại.
Còn những ai đang sở hữu One M7 đang phân vân liệu có nâng cấp lên hay không thì cá nhân người viết cho rằng : Không cần thiết. Những gì One M8 làm được thì One M7 cũng làm tốt không kém. Và nếu bạn thực sự cần thêm chút thời lượng pin thì mua bộ lưu điện ngoài sẽ rẻ hơn nâng cấp máy rất nhiều.
Một số hình ảnh khác của sản phẩm:
(Bài Minh Lết, Ảnh: Tuấn Anh)
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng